Vậy là cuối cùng, bố già của Marvel cũng đã trở thành đấng toàn năng vĩnh viễn đoàn tụ với người vợ hiền trên thiên đàng. Sự ra đi của Stan Lee ở tuổi 95 giống như cơn giông tố đã được báo trước vì sức khỏe của cụ gần đây bị suy kiệt bởi những cơn viêm phổi và chứng giảm thị lực quái ác, nhưng chẳng ai chấp nhận được sự thật là chúng ta sẽ không bao giờ được thấy lại nụ cười ấy trong các phim Marvel nữa. Sinh thời, người đàn ông ấy từng ôm ấp giấc mộng viết một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng toàn nước Mỹ. Có lẽ giờ đây khi đã ở cao xanh, Stan Lee sẽ chẳng nuối tiếc điều gì bởi cuộc đời cống hiến không ngừng nghỉ của ông đã là di sản vĩ đại được không chỉ người Mỹ mà cả thế giới phải cúi đầu.
Stan Lee những năm 60 thế kỷ trước.
Trong suốt cuộc đời "không bao giờ nghỉ hưu" của mình, Stanley Martin Lieber "Stan Lee" đã đi từ vị trí một thợ học việc chuyên bị sai vặt để trở thành tác giả truyện tranh, rồi sau đó là chủ bút của Timely Comics. Thế nhưng ở vị trí chủ bút của một tờ báo thiếu định hướng, Stan Lee đã phải dốc bút lực để viết đủ thể loại tạp nham từ hành động, viễn Tây cho tới kinh dị bởi lãnh đạo yêu cầu không cần quan tâm tới lời thoại, chỉ cần nhồi nhét hành động nhiều là được.
Miếng chanh vắt lắm cũng phải kiệt, cuối thập niên 50 chứng kiến một vị họa sĩ chán nản, mất cảm hứng sáng tạo. Thêm vào đó là sự ra đời của luật truyện tranh (comics code) kìm kẹp các ấn phẩm trong chiếc vòng kim cô với các quy định hà khắc về tình tiết và ngôn ngữ vì người ta cho rằng truyện tranh làm gia tăng tỉ lệ phạm tội của trẻ em khi đó. Cũng giống như mọi người trẻ theo đuổi giấc mơ và rồi vỡ mộng, Stan Lee từng có lúc buông xuôi muốn từ bỏ sự nghiệp.
Nếu có điều gì mà chúng ta, nhất là những người sắp nghỉ việc nên ghi nhớ, thì đó là tinh thần của Stan Lee trong những ngày tưởng chừng như là khoảnh khắc cuối cùng gắn bó với nghiệp truyện tranh. Với tâm lý"chẳng còn gì để mất", người họa sĩ đã làm nên một cuộc cách mạng trên mặt truyện. "Tôi cố gắng viết về những thứ lôi cuốn mình. Tôi không nghĩ bạn có thể làm được điều tốt nhất khi bạn cho ai đó."
Trong quá trình tái tạo lại mảng miếng kinh doanh truyện tranh thì Stan Lee cũng nhân tiện cải cách lại ngôn ngữ truyện tranh, từ những câu thoại giáo điều chuyển thành thứ ngôn ngữ văn nói trôi chảy và uyển chuyển với độc giả truyện tranh.
Cuộc "đại cách mạng" thứ hai dù hay được nhắc tới với công lao của Kevin Feige cùng thành công của Iron Man năm 2008 mở ra tương lai cho vũ trụ điện ảnh Marvel (MCU), nhưng thực chất đã bắt đầu với việc Stan Lee lặn lội tới Los Angeles từ 30 năm trước để quảng bá cho đứa con cưng Marvel của mình. Ông đã chuyển tới Los Angeles vào năm 1980 để xây dựng một studio hoạt hình cho Marvel - khi đó mới chỉ là một công ty truyện tranh nhỏ bé - và gây dựng quan hệ với Hollywood.
Ông muốn thuyết phục với kinh đô điện ảnh rằng những siêu anh hùng nhỏ bé của mình có thể bước ra và làm chủ màn ảnh. Đó là một quá trình khó khăn và nặng nhọc mà những người đồng sở hữu Marvel khi đó lại không có được sự tự tin như Lee. Ông, như cái cách người ta nhớ lại khi đó, là "một gã đơn độc quăng mình vào hoang dã".
Chính Stan Lee cũng là người đã kiến tạo nên khái niệm về một "vũ trụ chung" nơi các nhân vật trong các loạt truyện/ loạt phim khác nhau có thể tương tác và gây ảnh hưởng lẫn nhau trong một vũ trụ chia sẻ chung. Đây chính là tiền đề để Marvel hoàn thiện nó trong hình hài một vũ trụ điện ảnh Marvel rộng lớn và chặt chẽ như chúng ta đang được thưởng thức ngày hôm nay.
Không dễ để nói về di sản mà Stan Lee đã để lại. Dấu tay của ông trải dài trên khắp các mặt truyện từ Fantastic Four cho tới Spider-Man, ông xuất hiện trong các sự kiện gặp gỡ fan và độc giả, trở thành linh hồn của chính những trang truyện mà họ xuất bản. Jack Kirby có thể là trái tim của Marvel, nhưng "cái miệng" của Marvel thì chỉ có thể nhờ tài ăn nói của Stan Lee mới có thể quảng bá tiếng tăm cho hãng. Trên hết thứ mà Stan Lee không hề phóng đại là giá trị của dàn siêu anh hùng mà ông và các đồng sự sáng tạo ra. Những đứa trẻ lớn lên trong thập niên 70 và 80 khi chưa bị internet và mạng xã hội bào mòn, đã hồ hởi đón nhận lứa siêu anh hùng mới mẻ này như một cách để giải trí và thoát ly thực tại. Chúng ngấu nghiến những trang truyện tranh, tưởng tượng mình là Người Nhện đu dây giữa các toà nhà chọc trời, nhấc bổng ô tô như Hulk hay tham gia vào một nhóm siêu anh hùng ngầu lòi như Fantastic Four.
Stan Lee từng nói "một cuốn truyện tranh tuyệt vời là tập hợp của từng chút sáng tạo và quan trọng không kém gì những câu chuyện hay ở bất kỳ hình thức truyền thông nào khác." Những đứa trẻ khi đó chưa ý thức được những siêu anh hùng của Marvel quan trọng với chúng thế nào, nhưng nếu đã đi qua tuổi thơ vùi mình vào những trang truyện để rồi được thấy các siêu anh hùng yêu quý hồi sinh trên màn ảnh, ta mới biết mình đã trở thành một phần trong vũ trụ lớn mà Stan Lee kiến tạo nên cùng những anh hùng kém hoàn hảo.
Nếu như trước đây chúng ta chỉ biết tới các người hùng toàn chân toàn mỹ, với lý tưởng đạo đức sáng ngời thì Stan Lee cùng với đồng sự Jack Kirby đã tạo ra một loạt các nhân vật kém hoàn hảo, bắt đầu bằng Fantastic Four rồi tới Thor, Hulk, Iron Man, nhóm X-Men và sau này là cùng Steve Ditko tạo ra Doctor Strange và Spider-Man. "Nếu bạn đang viết về một nhân vật hùng mạnh mà không cho anh ta nhược điểm thì tôi không nghĩ là nhân vật đó sẽ trở nên thú vị với độc giả."
Stan Lee trong thập niên 60 đã xây dựng nên cả một hệ thống nhân vật với tính cách phức tạp như con người, họ có thể trở nên xấu tính hay u sầu, tự cao tự đại, họ phải vật lộn với chính bản thân mình, lo lắng cho những hóa đơn tiền nong hàng tháng, gây ấn tượng với các cô bạn gái, thấy chán nản hoặc thậm chí bị ốm đau, bệnh tật. Nhóm Fantastic Four sau khi có được siêu năng lực, đồng thời họ cũng phải chiến đấu để giữ lại tính người trong mỗi cá nhân. Đó là những khía cạnh mà Justice League của DC Comics ra đời trước đó chưa bao giờ khai thác tới, đánh dấu một cuộc đại cách mạng mà Marvel khởi xướng trên mặt truyện, cứu nguy cho nền công nghiệp truyện tranh đang chết dần vì cạn kiệt ý tưởng.
Khi truyện tranh nhường vị trí độc tôn trong các hình thức giải trí cho giới trẻ lại cho mạng xã hội, thì gần như ngay lập tức những milennium (lớp người sinh ra từ năm 1980 cho tới đầu năm 2000) đã tìm thấy thú vui khác trong thành tựu của "cuộc cách mạng thứ hai" mà Stan Lee khởi xướng trên màn ảnh: MCU. Sinh ra sau khi truyện tranh thoái trào, vũ trụ điện ảnh Marvel cho phép các nhân vật của Stan Lee như Doctor Strange hay Hulk, Iron Man có thể sống tiếp một cuộc đời vinh quang.
Giấc mơ của mọi fan truyện tranh trở thành hiện thực khi được chứng kiến những siêu anh hùng mình yêu quý trở nên sống động và chân thực tới thế. Một lớp khán giả mới được hình thành, sức hấp dẫn của những siêu anh hùng như Thor hay Spider-Man đã không chỉ dừng lại trong cộng đồng mê truyện (geek) mà còn lan ra như một hiệu ứng toàn cầu. The Avengers và các phim sau này của MCU trở thành những bom tấn lớn nhất tại phòng vé, mô hình sản xuất của Marvel đã mãi mãi thay đổi cách chúng ta nhìn nhận về phim và đặt ra một quy chuẩn mới cho khái niệm "vũ trụ điện ảnh". Còn với những đứa trẻ, chúng thậm chí chẳng cần phải đọc truyện để biết Iron Man là ai, để biết Stan Lee là ai.
Dành nửa cuộc đời để xây dựng cả một đế chế truyện tranh với các nhân vật phức tạp, Stan Lee đã sử dụng những thập niên còn lại để trở thành đại sứ cho di sản mà mình tạo ra. Ông tham gia những sự kiện họp báo, ra mắt truyện, và nổi bật nhất chính là sự nghiệp đóng phim khách mời nổi hơn cả diễn viên chính.
Stan Lee từng hài hước nói rằng mình sẽ đánh bại đạo diễn lừng danh Alfred Hitchcock trong cuộc đua xem ai có nhiều vai khách mời (cameo) hơn. Cho tới nay cả hai cây đa cây đề này coi như thủ hòa khi mỗi người sắm cho mình trên dưới 45 vai khách mời trong sự nghiệp diễn xuất. Nhưng nếu tính tới cả những vai cameo trong... truyện tranh mà bắt đầu bằng một trong những tập truyện đầu tiên của Fantastic Four thì có lẽ Stan Lee đã chiến thắng trong cuộc đua với Hitchcock rồi.
Sự nghiệp cameo màn ảnh rộng siêu anh hùng của ông được đánh dấu bằng The Trial of the Incredible Hulk (1989), sau đó gần như xuất hiện trong mọi phim mà có nhân vật của Stan Lee sáng tạo ra như một phần trong thỏa thuận đặc biệt ông đã ký. Tất nhiên "thánh Stan Lee"cũng được nhận một khoản thù lao xứng đáng (khoảng 100000 USD/vai khách mời). Tính tới nay, màn chiều chuộng fan quá đà này đã tạo ra cả một nền văn hóa "soi cameo" của khán giả mỗi khi tới rạp thưởng thức phim Marvel. Thậm chí có những người đi xem một lần mà chưa thấy ông nên quyết tâm mua vé xem lại chỉ để soi cho bằng được cụ già vui tính nào đó, lúc thì làm thợ cắt tóc trong vũ trụ, khi thì làm thủ thư hay ông già lái xe bus xuất hiện trong vài giây ngắn ngủi. Sự hiện diện của Stan Lee cũng quan trọng hệt như after credit hay các "trứng phục sinh" của phim Marvel.
Di sản mà Stan Lee để lại cho thế giới là mãi mãi. Thế nhưng ở một số góc nhìn, đặc biệt đối với những người ủng hộ Jack Kirby, di sản ấy gắn liền với tai tiếng biến Stan Lee trở thành phản diện trong câu chuyện của họ. Ở đó ông là kẻ đã cướp công sức và vận may của đồng nghiệp - những người thực sự đã định hình Marvel từ thập niên 60. Tranh cãi và mâu thuẫn giữa Stan Lee và đồng nghiệp, nhất là với hai người được coi là "công thần" như Kirby và Steve Ditko đã phần nào khiến tai tiếng của Stan Lee nổi lên tỉ lệ thuận với thành công mà ông gặt hái được trong vai trò thủ lĩnh tinh thần của Marvel.
Dù bên nào đúng sai thì có một điều dễ nhận ra rằng trong vòng 20 năm trở lại đây, Stan Lee không còn được nhắc nhiều như một "kẻ xấu" từ phía phe chống đối, một phần bởi tuổi tác của ông và phần còn lại chính là bi kịch của tuổi già ở cả mảng nghệ thuật lẫn đời tư. Còn nhớ buổi phỏng vấn mà ông gọi bộ phim Arch Alien của mình ấp ủ sẽ là "bom tấn lớn nhất trong năm tới" không? Không chứ gì? Rồi còn đó là tuyên bố hợp tác cùng nghệ sĩ Yoshiki mà Stan Lee tuyên bố "không giống như bất kỳ thứ gì bạn thấy trước đây". Có ai biết được ở tuổi 90, ông cụ vẫn miệt mài quảng bá cho vô số dự án lớn nhỏ, từ video game, truyện cho thiếu nhi, kịch nói cho tới sách truyện.
Tất cả chúng cùng những dự án khác mà ông công bố trong khoảng 15 năm đổ lại đều rơi tõm vào sự bàng quan của công chúng. Chẳng ai Google "Stan Lee sách mới" mà thứ người ta quan tâm chỉ là "cameo của Stan Lee trong Avengers". Nói đi cũng phải nói lại, kể từ ngày Stan Lee rời cây bút để chịu trách nhiệm làm một "PR man", người đại diện, thủ lĩnh tinh thần cho Marvel thì ông đã để lại một khối lượng công việc đồ sộ bao gồm cả những dự án đã hoàn thành và vô số vẫn còn dang dở khiến công chúng nghi ngờ rằng trong số đó đâu là thực chất và đâu chỉ là lời nói suông. Thêm vào đó là vô số những vụ kiện tụng với quản lý cũ, công ty cũ, rắc rối với con gái - người mang tiếng là ăn bám cha mẹ, không có khả năng tự nuôi thân và đối xử tồi tệ với cha mình, tất cả đã khiến những năm tháng cuối đời của Stan Lee trôi qua đầy biến động. Nói cách khác, Stan Lee trở thành nạn nhân của chính sự nổi tiếng mà mình mang giữ.
Thế nhưng phải chăng chúng ta từng nói rằng chính sự không hoàn hảo của những nhân vật truyện tranh là thứ làm nên nét hấp dẫn của họ? Chàng Achilles, nếu thiếu đi cái gót chân thì đâu còn là chàng Achilles nữa. Một con người cống hiến không ngơi nghỉ hơn 60 năm thì cứ nhìn vào cách mà thế giới tiếc thương cũng đủ biết Stan Lee đã làm được quá nhiều so với những gì chúng ta tưởng tượng được - ngay cả khi thành tựu đi liền với tai tiếng. Cuối cùng thì, đây vẫn là một trong những con người có ảnh hưởng nhất đối với Nhà Chuột chỉ sau nhà sáng lập Walt Disney. Đối mặt với sự thờ ơ của công chúng, sức khoẻ suy sụp của bản thân cùng bi kịch gia đình, Stan Lee vẫn giữ nguyên vẻ hóm hỉnh yêu đời và tận tuỵ làm việc đến tận khi nhắm mắt. Chúng ta là ai mà dám đòi hỏi thêm ở một người như thế?
Kinh Thánh có nhắc về Methuselah như một người sống thọ hàng trăm năm, như kẻ đã đứng mãi trên bến tàu sinh tử để nhìn đoàn người trần mắt thịt sinh ra và chết đi đời đời. Stan Lee, theo cách nào đó giống như một Methuselah của giới truyện tranh - người ta có cảm giác ông đã ở đó trước khi chúng ta có khái niệm về những trang truyện tranh màu sắc, ông vẫn thế khi truyện tranh tìm được đường bước lên màn ảnh rộng và thống trị điện ảnh: vẫn là cặp kính râm, mái tóc bạc, ria mép sâu róm và nụ cười hân hoan. Giấc mơ thuở thiếu thời của Stan Lee viết tiểu thuyết đã không thành hiện thực, nhưng hình dung về một thế giới mà mọi người đều được tham gia trở thành một phần trong đó thì phần nào đã thành công trong dáng hình của vũ trụ điện ảnh Marvel.
Stan Lee đã dạy cho chúng ta nhiều điều. Sức mạnh lớn lao đi kèm với trách nhiệm lớn lao (With great power comes great responsibility). Ngẩng mặt, nhìn về phía trước! (Face Front, True Believers!). Những nhân vật của Stan Lee dù còn đầy thiếu sót khi để bản thân ngập tràn giận dữ (The Hulk), kiêu ngạo (Iron Man) hay non nớt (Spider-Man) nhưng đều cố gắng tự hoàn thiện và thay đổi thế giới. Họ sử dụng siêu sức mạnh không vì bản thân mà cho người khác. Nhân loại dù không sở hữu siêu sức mạnh nhưng cùng nhau hoàn toàn có thể khiến thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Stan Lee đã tạo ra cả một vũ trụ Marvel cho thế hệ chúng ta, nhưng di sản mà ông để lại thì còn ảnh hưởng tới nhiều lớp người sau này. Vĩnh biệt huyền thoại của những huyền thoại, ngài đã viết xong cuốn tiểu thuyết cuộc đời vĩ đại của mình rồi, hãy yên lòng nghỉ ngơi nhé người cha già.