• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh: Tiếp sức cho phim Việt

16/08/2018 16:00

Sau gần chục năm bàn thảo, dự kiến vào đầu năm 2019 Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh sẽ chính thức được thành lập. Cùng với Quỹ hỗ trợ điện ảnh Việt mới ra mắt đang được coi là sự “tiếp sức” kịp thời cho phim Việt vốn đang gặp khó vì thiếu vốn đầu tư.

Sau gần chục năm bàn thảo, dự kiến vào đầu năm 2019 Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh sẽ chính thức được thành lập. Cùng với Quỹ hỗ trợ điện ảnh Việt mới ra mắt đang được coi là sự “tiếp sức” kịp thời cho phim Việt vốn đang gặp khó vì thiếu vốn đầu tư.

Cảnh trong phim Tháng năm rực rỡ. Ảnh minh họa.

Những kỳ vọng

Theo Đề án thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh sẽ có vốn do Chính phủ cấp khi thành lập; ngoài ra là các nguồn thu tăng thêm, bao gồm nguồn từ việc trích tỉ lệ phần trăm trên giá vé xem phim tại các rạp chiếu (đề nghị 3%); nguồn thu từ phát hành, phổ biến những phim được sản xuất có sử dụng ngân sách nhà nước sau khi đã trừ đi chi phí phát hành và các chi phí khác theo quy định hiện hành; nguồn thu từ các khoản đóng góp tự nguyện, viện trợ, tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn vốn hợp pháp khác... 



Đối tượng được Quỹ hỗ trợ là các nhà làm phim; các tác phẩm điện ảnh; dự án sản xuất phim, bao gồm kịch bản, dự án sản xuất, quảng bá phim; các dự án đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức trại sáng tác (sáng tác kịch bản và xây dựng dự án sản xuất phim), hoạt động quảng bá, phát hành phim Việt Nam ở trong và ngoài nước. 



Theo Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan “Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh là giải pháp hiệu quả nhằm hỗ trợ nâng cao chất lượng nội dung, nghệ thuật, kỹ thuật của các tác phẩm điện ảnh, xúc tiến quảng bá đất nước, con người và điện ảnh Việt Nam”. Cũng theo Cục trưởng sự ra đời của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh sẽ đặc biệt hiệu quả trong việc hỗ trợ, khuyến khích các tài năng sáng tạo, duy trì và phát triển dòng phim nghệ thuật. Qua đó, tạo sự hài hòa trong phát triển giữa các dòng phim. Đặc biệt, sản xuất phim là một lĩnh vực cần có sự đầu tư kinh phí lớn, tuy nhiên việc thu hồi vốn để tái đầu tư lại gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí nguy cơ gặp rủi ro cao, đặc biệt là các phim nghệ thuật. Vì vậy, Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh cũng có vai trò để hỗ trợ, khuyến khích và chia sẻ khó khăn với các nhà sản xuất. 



Cùng với đó, nhờ chính sách mở cửa và các quy định thông thoáng của pháp luật, các doanh nghiệp phát hành, kinh doanh chiếu phim tại Việt Nam đang thu lợi nhuận lớn từ kinh doanh chiếu phim, nhưng đa số lợi nhuận chủ yếu từ chiếu phim nước ngoài nhập khẩu. Ngoài việc đóng thuế thu nhập doanh nghiệp thì các doanh nghiệp này chưa thực hiện nghĩa vụ tái đầu tư, đóng góp lợi nhuận cho sự phát triển của điện ảnh Việt Nam một cách đều đặn, cụ thể.



“Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh do đó càng cần được thúc đẩy sự ra đời, với những quy định phù hợp về việc đóng góp tài chính từ doanh thu của doanh nghiệp phát hành, phổ biến phim đối với sự phát triển của nền điện ảnh dân tộc” -  bà Lan  nhấn mạnh.



Có thể thấy, được khởi động từ LHP Việt Nam lần thứ 17 (tháng 12 – 2011) dù được đưa ra bàn thảo rất nhiều lần, nhưng cho đến nay Quỹ mới bắt đầu có những động thái tích cực. Cùng với 1.150 tỷ đồng từ Quỹ hỗ trợ điện ảnh Việt mới ra mắt có thể thấy chưa bao giờ phim Việt có được sự hỗ trợ mạnh mẽ về tài chính lớn đến như vậy. Tuy nhiên, dù tiềm lực về tài chính đang dần được cân đối nhưng vẫn còn đó những băn khoăn!



Bài toán thương hiệu



Mới đây, chia sẻ với báo chí ông Federic Alliod, Tùy viên nghe nhìn 5 nước Đông Nam Á của Đại sứ quán Pháp cho biết ở Pháp, có nhiều chính sách hỗ trợ cho điện ảnh thế giới, trong đó có Việt Nam. Mức tài trợ cao nhất cho một dự án làm phim có thể lên đến 250.000 euro. Tuy nhiên, để nhận được mức tài trợ này, ngoài đạo diễn người bản địa, người đồng sản xuất phải là người Pháp. Chính vì vậy, nhiều tác phẩm điện ảnh có giá trị, dự án mang tính nghệ thuật sáng tạo… để tìm được nguồn vốn sản xuất, đạo diễn phải chấp nhận đồng sản xuất với nước bỏ vốn đầu tư, và không thể tính là tác phẩm của điện ảnh nước nhà. Do đó, thông qua sự hỗ trợ này lý có một nghịch lý rất nhiều bộ phim đình đám tại các LHP phim Cannes, Liên hoan phim Berlin do các đạo diễn người Việt sản xuất, sử dụng bối cảnh, diễn viên ở Việt Nam, nhưng vẫn không được tính là tác phẩm điện ảnh của Việt Nam. Bởi những bộ phim này sử dụng nguồn vốn đầu tư từ quỹ Hỗ trợ điện ảnh của Pháp nên cũng chỉ được coi là bộ phim của Việt kiều. 



Hay với sự ra đời của Quỹ Đầu tư Việt Nam giải trí (VEF) mới được thành lập dự báo sự xuất hiện sẽ gây biến động ít nhiều ở thị trường làm phim Việt, đặc biệt là về số lượng. Với số vốn 50 triệu USD, Quỹ sẽ hỗ trợ vốn cho khoảng 30 phim hạng A và 20 phim hạng B trong năm 2018 - 2019. Tuy nhiên, Quỹ sẽ không trực tiếp tham gia vào lĩnh vực sản xuất phim mà chỉ hỗ trợ về vốn cho các đơn vị sản xuất, tư vấn về chiến lược truyền thông. 



Xung quanh vấn đề này, chia sẻ với báo chí ông Nguyễn Văn Nhiêm, Chủ tịch Hiệp hội Phát hành và Phổ biến Phim Việt Nam cho rằng Hoạt động của Quỹ phải bao gồm bảo vệ, xây dựng và phát triển nghệ thuật dân tộc, không chỉ hỗ trợ sản xuất mà phải bao gồm cả khâu phát hành, phổ biến và đưa tác phẩm của Việt Nam ra nước ngoài, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, có tác động, hỗ trợ phát triển du lịch. Với điện ảnh, Quỹ nên quan tâm hỗ trợ cho mảng phim truyện và phim tài liệu, đặc biệt là phim về lịch sử, về truyền thống dân tộc, phim phục vụ thiếu nhi. 



Ngoài ra, hoạt động đầu tư của Quỹ sẽ phải khác với cách đầu tư kiểu bao cấp trước đây. Ví dụ, ngoài hỗ trợ sản xuất, Quỹ phải hỗ trợ quảng bá phim và về mặt chiếu phim. Hình thức hỗ trợ có thể dựa trên số lượng vé hoặc hỗ trợ theo khoán 50%. Cá nhân, đơn vị nhận hỗ trợ làm không hiệu quả sẽ không có thù lao. Ngược lại, nếu làm tốt thì sẽ có nhiều lợi ích hơn. Việc vận hành Quỹ cần phân chia thành từng giai đoạn hoạt động cho phù hợp.   

 

Theo Báo Đại đoàn kết

NỔI BẬT TRANG CHỦ