Janet Ngo lớn lên tại Úc. Trước khi về nước, chị từng là một luật sư với tương lai rộng mở. Tuy nhiên, đam mê nghệ thuật cháy bỏng đã không ngừng thôi thúc chị rẽ sang một hướng khác, để có thể sống trọn cho đam mê.
Janet Ngo trở thành Giám đốc điều hành TNA Entertainment và được biết đến với vai trò là nhà sản xuất (NSX) của dự án phim huyền sử She-Kings - một dự án đã có hai bản nhạc phim lọt vào bảng xếp hạng Adult Contemporary Indicator (thuộc hệ thống xếp hạng Billboard): "Còn gì để mất" (I’ll give my Soul) xếp vị trí 21 và "Lần cuối" (Dear Girl) xếp hạng 18. Đề cao nữ quyền, dự án She-Kings với nhân vật trung tâm là Hai Bà Trưng dự định thực hiện trên nhiều chất liệu. Mở đầu dự án là loạt phim hoạt hình về 7 vị nữ tướng phò tá giúp sức Hai Bà Trưng, tiếp đến, NSX sẽ thực hiện dự án ở thể loại phim huyền sử hành động She-Kings (Trưng Vương). Các hình thức thể hiện khác chị cũng sẽ tiếp tục cân nhắc trong tương lai, kể cả sân khấu và nhạc kịch.
Gặp chị sau khi Hội thảo quốc tế Di sản lịch sử văn hoá và cải biên nghệ thuật (ICHCHAA) vừa được tổ chức thành công hồi cuối năm 2022, gần hai tiếng trò chuyện, chúng tôi đã hiểu thêm cái tâm, cái tầm của một nhà nhà sản xuất tay ngang nhưng lại rất đáng nể phục này.
Chị về Việt Nam bao lâu rồi?
Nếu tính thời gian ở lại hẳn thì chắc khoảng 6, 7 năm. Trước đó tôi chỉ đi đi về về thôi.
Lý do gì khiến chị gạt bỏ hết mọi thứ ở Úc để về Việt Nam làm phim vậy?
Thật ra từ nhỏ tôi đã thích diễn. Khi ở trường, tôi có cơ hội tham gia vài vở kịch, cũng có vài vai diễn bỏ túi. Những lúc ấy, trong lòng mình như có lửa vậy, hào hứng lắm (Cười).
Nhưng tôi cũng thích nghề luật nữa. Tuổi thơ, tôi ước mình có nhiều sức mạnh, để bảo vệ người khác, những người yếu thế, những người không được đối xử công bằng. Ban đầu, tôi là một "đứa con ngoan" trong mắt các bà mẹ Á đông, nghĩa là chọn một nghề nghiệp ổn định, có tương lai, có sự tôn trọng của xã hội. Trở thành luật sư lúc ấy là một lựa chọn đương nhiên đối với tôi. Nhưng chẳng giống lý tưởng của mình, càng làm nghề nhiều, trải nghiệm nhiều, tôi càng cảm thấy không phù hợp nữa. Khi người ta đã phải lôi nhau ra trước toà án, thì mọi thứ đều đã đổ vỡ, đã quá muộn rồi. Tôi cũng bầm dập nhiều trong nghề luật. Mọi thứ đều không được như ý, từ công việc đến cả chuyện gia đình. Tôi đã sụp đổ, không còn thấy ý nghĩa cuộc sống nữa. Rồi một ngày, tôi quyết định không thể sống như thế được nữa, một cuộc sống không có tương lai và tôi cũng không hạnh phúc. Tôi phải dũng cảm đến với đam mê của mình, để thắp lên ngọn lửa của mình. Tôi phải lựa chọn một bên là "con ngoan an phận", một bên là hạnh phúc, là tương lai của chính bản thân mình! Rồi thì, bạn biết đấy, tôi quyết định về Việt Nam, làm dự án phim về Hai Bà Trưng. Nên nói là Hai Bà "kêu gọi" tôi về thì cũng được (Cười lớn).
Khi đó phản ứng của gia đình chị như thế nào?
Tất nhiên là họ phản đối, cực lực phản đối. Tôi cũng hiểu rằng mình không thể thuyết phục được ba mẹ ngay lúc ấy. Cho nên tôi lựa chọn cách "tiền trảm hậu tấu", cứ âm thầm làm đã. Mọi người trong nhà lúc ấy không biết tôi đã chuyển hướng (Cười).
Chị có hối hận vì đã giấu gia đình không? Chị nghĩ sao nếu gia đình biết về việc này?
Gia đình tôi giờ cũng biết rồi (Cười). Ô, tôi không cổ vũ cách tôi làm đâu nhé, tôi cũng không cổ vũ các bạn cứ thoải mái bay bổng theo những thứ mình nghĩ là mình thích nhé. Phải tùy vào hoàn cảnh đấy. Ở trường hợp của tôi, tôi đã từng lựa chọn là một đứa "con ngoan" theo quan điểm cũ, nhưng bây giờ xã hội cũng đã thay đổi nhiều rồi, "con ngoan thời cũ" không còn phù hợp nữa. Hơn nữa, việc tiếp tục làm sai nghề khiến tôi thấy bản thân mình đang bị "mờ" đi để làm hài lòng những người xung quanh.
Thực ra, mỗi người trong chúng ta đều cần phải tự trải nghiệm cuộc đời của mình, để có thể học được những bài học riêng mình. Nhưng ta lại vô tình áp đặt bài học của mình lên người khác. Như vậy, làm sao "người khác" ấy học được bài học của chính mình? Tôi buộc lòng phải tạm thời giấu gia đình, đợi đến khi thành công. Tôi tin rồi gia đình sẽ hiểu đây mới thật sự là điều tốt nhất dành cho tôi, mới là điều làm tôi cảm thấy hạnh phúc.
Nghề luật hay làm nghệ thuật, nghề nào cũng có hai mặt tốt - xấu cả. Ban đầu, tôi cũng "chạm" vào những cái không hay của nghệ thuật chứ, nhưng khi đến với Hai Bà Trưng, tôi hiểu rằng đây chính là thứ mình có thể làm tốt và mình sẽ hạnh phúc với công việc này. nếu tôi làm được, tôi tin mọi người sẽ hài lòng về tôi. Tôi chấp nhận đánh đổi, không chọn hướng "con ngoan" nữa dù tôi đã nghĩ ngợi rất nhiều, vì tôi biết kết quả mà tôi đạt được sẽ tốt hơn những gì tôi đang có lúc đó.
Mà bạn biết không, khi mình không đi đúng đường, thì vũ trụ sẽ tạo ra rất nhiều rào cản để buộc mình phải đi đúng hướng. Chẳng bố mẹ nào hạnh phúc khi thấy con mình không hạnh phúc cả, vì thế, tôi tin, muốn gia đình được hạnh phúc, mình phải hạnh phúc trước đã.
Đã có quá nhiều người lắc đầu với dòng phim lịch sử một phần vì khó, một phần vì kinh phí thực hiện quá lớn. Vì sao chị lại chọn con đường "khó nhằn" này? ?
Cũng là một cái duyên đấy. Mẹ và các dì tôi trước đây đều học phổ thông tại trường Trưng Vương. Tôi cũng được sinh ra tại bệnh viện Trưng Vương. Có vẻ Hai Bà Trưng từ lâu đã có nhiều ý nghĩa với bản thân tôi (Cười).
Ở nước ngoài làm phim lịch sử không quá khó đâu. Ví như ở các nước phát triển và Trung Quốc, Ấn Độ chẳng hạn, cơ sở vật chất và tài nguyên để sản xuất phim lịch sử quy mô lớn luôn được đầu tư mạnh mẽ. Việc nghiên cứu lịch sử văn hoá nghệ thuật cũng được đầu tư nghiêm túc, nên đã tạo ra một không gian lịch sử, văn hoá nghệ thuật liên ngành rất tốt, đáp ứng được yêu cầu của sản xuất phim. Giới sản xuất của họ đều có điều kiện và chủ động tìm hiểu, nghiên cứu về những đề tài họ sẽ làm. Tất cả những thứ đó cộng hưởng lại, giúp nền điện ảnh cổ trang của họ có nhiều thành công.
Khi về Việt Nam tôi mới gặp quan niệm làm phim lịch sử là khó. Với những bộ phim lớn, chúng ta hoàn toàn thiếu cơ sở vật chất, tài nguyên sản xuất và các nghiên cứu chuyên sâu. Tôi có cảm giác các thành viên liên quan tới việc sản xuất phim (nhà đầu tư, nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên, biên kịch, v.v…) luôn tiếp cận thể loại phim lịch sử với tâm thế ngại ngần. Ngại ngần nhiều thứ lắm: cơ sở hạ tầng kém, vốn mỏng nên khó đầu tư cho khâu nghiên cứu và khai thác tài nguyên… Thiếu thốn và thiếu thốn, ở đâu cũng nghe riết chuyện thiếu thốn! Ngại ngần và thiếu niềm tin, có nghĩa là chúng ta đã tự làm khó mình ngay từ bước khởi đầu rồi.
Tôi thì nghĩ khác. Ngay từ đầu tôi đã không thấy việc làm phim sử là khó. Gặp một cái gì "khó", tôi sẽ phải tìm hiểu đến cùng. Mà khi đã hiểu rồi, thì cái khó suy cho cùng cũng chỉ là cái mình tự tạo ra thôi. Còn về kinh phí, (cười), tôi thấy bất động sản mọc lên rất nhiều, thì có phải là không đủ kinh phí đâu, chẳng qua là chọn đầu tư vào cái gì thôi.
Điều đầu tiên chị nhận ra khi bắt tay vào thực hiện dự án này là gì?
Tôi nhận ra chúng ta thiếu niềm tin với phim sử Việt, chẳng ai tin rằng mình sẽ làm được sản phẩm tốt, có chất lượng ở dòng phim này. Nhưng chúng ta đã khai thác hết tài nguyên chưa, đã tự tạo ra những cơ hội để phát triển hay chưa? Chúng ta đã thực sự vượt qua được tâm lý thương mại "đánh nhanh ăn nhanh" để lấy doanh thu hay chưa? Một sản phẩm chất lượng phải được đầu tư đủ thời gian và công sức. Tôi cũng nhận ra, đam mê và có tài nguyên không thôi thì không đủ để làm phim lịch sử. Cần có sự phối hợp của cả hai, và cũng phải rất nhẫn nại. Nhẫn nại với phim, và nhẫn nại với cả chính mình trên con đường thực hiện phim. Khi đối mặt với các khó khăn, khi thiếu niềm tin, và có thể là cả sự cô đơn của kẻ độc hành, nếu cần khóc thì cứ khóc, cần yếu đuối thì cứ yếu đuối, nhưng rồi thì mình vẫn bước tiếp, vẫn đón nhận tất cả những điều sẽ xảy đến với mình. Đây chính là điều lớn nhất mà tôi "vỡ" ra.
Kể từ khi bắt đầu dự án này, đã bao giờ chị cảm thấy "nản lòng" chưa? Lúc nào là lúc chị thấy nản nhất?
Nhiều lần lắm. Bởi mấu chốt của dự án này chính là niềm tin, khi thiếu niềm tin, mình cứ cố tiến thêm một bước thì lại bị cản mình lùi mười bước. Các yêu cầu nghiên cứu tư liệu lịch sử của tôi thường bị người ta từ chối, cho dù những sử liệu mà tôi có trong tay có giá trị đến mức nào đi nữa. Tôi thấy buồn. Cảm giác của một người Việt mà không hiểu sử Việt, rất bẽ bàng.
Tôi cũng thấy môi trường làm việc trong nước chưa chủ động, tự giác. Tôi nản nhất là khi nhìn thấy mọi người không muốn cố gắng, mà chỉ chờ vận may. Cũng có lúc tôi cố gắng cho mọi người, trong khi chính họ lại không muốn cố. Tôi vẫn làm những việc không thuộc trách nhiệm của mình vì tôi vẫn luôn muốn mang đến những điều tốt nhất cho người Việt mình. Khi không được thấu hiểu, tôi rất buồn.
Khi lựa chọn ekip, đối tác, chị có nguyên tắc nào không?
Tôi cũng đã từng "vấp" vài lần, và cũng đã trưởng thành hơn đấy (Cười). Đam mê và tri thức thôi thì chưa đủ. Với một dự án bắt đầu từ con số 0 (không có nền tảng, không có niềm tin, không có cơ sở vật chất, tài nguyên), thời gian mới thật sự là thử thách. Tìm được người đam mê, có hăng say, nhưng khi gặp khó khăn thì họ liền bỏ cuộc. Có lúc tôi tìm được người tài năng lắm, nhưng cái tâm của họ lại không ở bên cạnh mình. Những người khác thì có thể họ có tâm, có tài nhưng hoàn cảnh không cho phép họ làm cùng.
Cho nên tôi nhận ra mình cần những cộng sự có tính kỷ luật, có khả năng làm việc, biết đúng và sai, tỉ mỉ, thật thà, không phải chỉ bằng lời nói mà cái tâm thể hiện ở hành động. Nhưng quan trọng hơn cả là khi tôi chọn họ thì họ có chọn tôi không, họ có chọn Hai Bà Trưng không?
Chị có nghĩ rằng chị đang "áp" những quy chuẩn của bản thân mình lên người khác không?
Ai cũng có những quy tắc làm việc riêng. Tôi rất sẵn lòng hỗ trợ mọi người. Mọi người đều tự nguyện làm vì họ đều hiểu điều đó tốt cho bản thân mình, và có như vậy chúng tôi mới có thể cùng nhau phát triển được. Tuy nhiên, tôi cũng sẽ vẫn "tự vấn" lại mình một chút (Cười).
Ekip của chị có chia sẻ họ rất "mệt mỏi" khi làm việc cùng chị (Cười). Chị có muốn nhắn gửi điều gì đến những người cộng sự thân thiết nhất của mình không?
Xin lỗi và cảm ơn! Vì yêu cầu của tôi thường vượt quá khả năng đáp ứng của điều kiện cơ sở vật chất, mà mọi người luôn phải nỗ lực. Tôi thật lòng xin lỗi những cộng sự thân thiết này. Vì tổng khối lượng công việc làm rất nhiều, nhưng thị trường điện ảnh hiện tại không cho phép chuyên môn hoá quá sâu, thế nên mỗi người trong ekip của tôi phải gánh đến 5, 6 công việc một lúc. Việc họ đi cùng tôi đến giai đoạn này là điều làm tôi rất cảm kích. Thật lòng cảm ơn mọi người rất nhiều.
Họ cũng chia sẻ rằng, điều níu giữ họ ở lại dự án này là bởi rất cảm phục tâm huyết của chị dành cho dự án, cho mọi người.
Tôi khá bất ngờ và cảm động với thông tin này. Vì nhiều sóng gió quá nên tôi hay hô hào mọi người phải hành động chứ đừng cân nhắc quá nhiều quá lâu. Nhưng có lẽ là chưa đúng, nên đồng ý, tôi sẽ cố gắng cân bằng lại.
Loạt phim hoạt hình về 7 vị nữ tướng trong dự án của chị đã trình làng hơn hai năm nay, nhưng lượt view không cao, điều đó phản ánh rằng độ tiếp cận với công chúng chưa cao. Chị có nản không khi bao công sức của mình lại không tiếp cận được tới công chúng nhiều như những nội dung kém chất lượng khác?
Ban đầu tôi cũng nản lắm. Ai chả muốn có được nhiều view. Nhưng rồi tôi cũng vực mình dậy. Cái tôi muốn là cùng nhau đi những con đường dài, bằng chất xám. Lượt xem, lượt yêu thích hay bình luận chỉ phản ánh sự đầu tư vào marketing của dự án thôi, lâu dài có thể còn làm loãng chất lượng công việc. Tôi không cần số đẹp ảo, tôi cần số đẹp thật! Điều gì xảy ra khi một nền điện ảnh chỉ nhăm nhăm đếm view mà lơ là phát triển bản thân? Đối với tôi, dự án Hai Bà Trưng không chỉ là một dự án phim ảnh, mà còn là bản hùng ca của những nữ anh hùng đầu tiên trong lịch sử người Việt, nên là chịu hy sinh lượt view một chút, có lẽ cũng là việc nên làm. (Cười)
Chị cứ làm hết sức, đầu tư hết mình nhưng công chúng vẫn không đánh giá đúng thì sao?
Nên tôi mới nói đó là tình yêu vô điều kiện của mình. Tôi chấp nhận điều đó từ ban đầu, khi tôi phát hiện ra mình đang ở một nơi mà niềm tin và tình yêu với phim sử Việt còn mỏng mảnh. Việc này cũng không có gì quá ảnh hưởng đến mình, vì tôi tâm niệm, đây là dự án Hai Bà Trưng mà. Đặt mình trong vị thế của Hai Bà Trưng ngày xưa, thời Lạc Việt, khi chúng ta đã thua quá nhiều trận chiến, tại sao Hai Bà không chọn con đường quy phục mà lại chọn con đường hi sinh, đứng lên để chiến đấu đến tận cùng? Tình yêu của Hai Bà đã vượt qua tất cả. Noi gương Hai Bà, tôi cũng sẽ như vậy.
Dường như dự án này hình như đã dừng lại 2 năm nay?
Tôi vẫn không hiểu vì sao việc dựng phim lại phải chạy theo số năm? Phim ảnh luôn có dòng đời riêng, sao chỉ dùng số năm làm cái thước đo (cười)? Thật ra dự án này chưa hề dừng lại một ngày nào. Avatar 10 năm, Inception mất 10 năm. Họ lớn thế, nền tảng vững vàng thế mà còn mất ngần ấy thời gian, tôi bé mọn thế này, muốn làm nghiêm túc không thể đi tắt được. Dự án của tôi mới chỉ hơn 5 năm thôi nếu thật sự muốn tính theo năm.
Phim ảnh phụ thuộc nhiều yếu tố. Hiện nền tảng tư liệu của chúng ta thiếu hụt rất nhiều. Tư liệu thời Nguyễn, thời Trần còn có, chứ thời của Hai Bà Trưng thì gần như là không có gì. Cơ sở vật chất để quay và dựng, người để làm chưa đủ. Hơn nữa, vẫn còn đây tâm lý cứ nhắc đến phim sử ở Việt Nam là: khó lắm, nhiều tiền lắm, không làm được đâu.
Thời gian qua, dự án vẫn hoạt động không ngừng trước nhiều biến đổi của thế giới và Việt Nam. Chúng tôi đang ở giai đoạn đầu tư và phát triển những giá trị lâu dài, nên có lẽ việc này hơi khác lạ một chút với phim ảnh truyền thống.
Một ví dụ là, thời gian qua dự án của tôi cần đầu tư và nghiên cứu. Không chỉ là nghiên cứu sử liệu mà còn cả kỹ thuật, thị trường và tài nguyên sản xuất ở các mảng: trang phục, kiến trúc, địa lý, v.v… Các bước nghiên cứu không phải đơn thuần là tìm ra được thông tin mà còn phải hiểu được thông tin đó nữa, ví như: vì sao con chim lạc luôn bay ngược chiều kim đồng hồ, vì sao họ gọi là cái trống trong khi nó không tạo ra tiếng như là tiếng trống? Còn rất nhiều điều chúng tôi tìm ra khi nghiên cứu, nhưng lại chưa hề quen thuộc với công chúng. Vậy làm thế nào để mang chúng giới thiệu với người xem và liên kết được với phim ảnh? Thế nên, hội thảo ICHCHAA vừa qua là một thành quả của sự phát triển nghiên cứu nằm trong khuôn khổ của dự án She-Kings.
Hội thảo ICHCHAA vừa qua là một tiền đề, cũng lại vừa là kết quả cho thời gian tưởng như "im ắng". Ngoài ra chị cũng tham gia giảng dạy, diễn thuyết ở rất nhiều hội thảo khoa học khác, tất cả chỉ vì một mục đích hoàn thiện cho dự án She-Kings này. Tại sao chị lại phải ôm hết vào mình bao nhiêu việc như vậy mà không chọn con đường ngắn hơn, dễ hơn, chỉ đầu tư tiền, đưa ý tưởng thôi?
Tôi không chọn lối mòn mà (Cười).
Chị từng trả lời phỏng vấn rằng chị có thể sẽ phải theo đuổi dự án này 10, 20 năm. Làm thế nào để chị thuyết phục các cộng sự của mình?
Vẫn là quay lại câu chuyện của Hai Bà Trưng thuở trước, làm thế nào để Hai Bà thuyết phục được cộng sự, được lòng quân sĩ để tiếp tục chiến đấu, dù biết bao tướng sĩ, quân lính đã ngã trận? Cả một vạn quân trước mắt, làm sao để tiếp tục chiến đấu khi mình đang thất thế? Học tập từ Hai Bà, tôi cũng chỉ có một cách duy nhất, đó chính là tự bản thân mình sẽ phải làm và tiếp tục đi. Tôi phải đi đã, thì mới gặp được những người khác cùng đi theo thôi.
Đó là chiều sâu của dự án, thế về bề nổi, chị làm thế nào để duy trì kinh phí nếu dự án kéo dài 20 năm?
Thay vì lấy đâu ra kinh phí thì tại sao lại không tìm cách để tạo ra kinh phí?
Giờ chúng ta đi sâu hơn vào She-Kings nhé. Tính nữ mà chị muốn truyền đạt đến cho khán giả trong She-Kings là một tính nữ như thế nào?
Khi đào sâu vào những cổ vật văn hiến như chiếc trống đồng chẳng hạn, thì tôi thấy đó là sự dung hòa giữa thiên – địa và nhân, là sự kết nối giữa trời đất và con người. Thực ra tính nam và nữ chỉ là đặc tính để mình nhận ra thôi chứ không phải là quy định, khuôn khổ và càng không phải là những quy chuẩn xã hội đặt ra và áp lên mình. Khi ta hiểu rõ phần tinh thần nằm trong cốt lõi của chiếc trống đồng và cách tiếp cận của giới tính theo tinh thần đó, ta sẽ thấy nếu nhìn nhận đặc tính nam và nữ theo nghĩa xã hội thì thời đó người Việt mình có thể nói cũng đã có bình đẳng rồi.
Tôi thì không muốn nhân vật nữ của mình "mạnh" như những nữ chiến binh Amazon của Hy Lạp. She-Kings không nhất thiết phải mạnh mẽ như đàn ông, thậm chí cũng không cần gắn chữ "mạnh" vào với giới tính. Người nữ của She-Kings sẽ mềm mại, biết yêu thương, biết chăm sóc, và mạnh mẽ về lý trí và tinh thần. Họ "mạnh" với sự lựa chọn đi ra chiến đấu vì tình yêu thương, và chịu trách nhiệm cho sự lựa chọn và hành động của mình. Họ "mạnh" với quyết tâm để rèn luyện và tiêu diệt cái xấu. Và đồng thời, họ "mạnh" với sự chấp nhận rằng không phải lúc nào cũng có thể thắng. Họ chấp nhận sự yếu đuối của họ, để sau đó tiếp tục vươn lên.
Tính nữ mà chị muốn truyền đạt liệu có khác với tính nữ của một nhà sản xuất là nam giới không?
Chắc chắn rồi. Đó chính là cái khó của dự án này. Các nam đạo diễn thường sẽ tư duy người nữ là mềm yếu, cần bao dung; hoặc muốn một nhân vật nữ cường chẳng hạn. Đương nhiên, đây chỉ là quan sát khái quát của tôi, nhưng kể cả các nam đạo diễn biết và muốn tránh việc khai thác theo hướng nam tính độc hại (toxic masculinity), họ cũng sẽ gặp khó khăn, do họ không phải là nữ, cho nên việc diễn tả được nội tâm của người nữ sẽ khó mà khai thác các chi tiết được. Dễ thấy nhất là trước đây ở các vở kịch về Hai Bà Trưng, trước khi bà Trưng Trắc đi ra chiến đấu cũng phải quỳ lạy bàn thờ nhà chồng. Chi tiết này đã được minh định trong sử sách ra sao, và nếu có hư cấu thì hư cấu như vậy có hợp lý với tâm trạng, với hoàn cảnh của Trưng Trắc lúc bấy giờ hay không, hay chỉ "hợp lý" với tâm lý /quan điểm của người chép truyện sau này? Nên nhớ Trưng Trắc là hậu duệ của Hùng Vương, con gái Lạc tướng, bà và chồng là Thi Sách đã từng cùng nhau cầm quân chống giặc… Tất cả những chi tiết nhỏ nhặt ấy đều phải xem xét cẩn trọng, trên cơ sở tôn trọng chứng cứ lịch sử và hợp lý với "tính nữ" của nhân vật.
Vì sao chị lại đầu tư quá nhiều vào những nghiên cứu mà không sử dụng chính những chi tiết vốn đã quen thuộc với công chúng?
Tôi không quan niệm nghiên cứu là quá nhiều, nhất là cho đề tài mang yếu tố lịch sử và văn hoá. Rất khó để làm ra một bộ phim chất lượng dựa trên những chi tiết ít ỏi về Hai Bà Trưng. Bởi vậy, chúng tôi phải nghiên cứu rất nhiều mảng, chứ không phải chỉ có tìm tòi trong cổ sử. Tôi không muốn làm ra một tác phẩm nhạt nhòa, một tí cổ trang, một tí tính nữ, một tí hành động… Bất cứ người dân nào của Việt Nam cũng đều biết, đã có một thời, Hai Bà Trưng và các tướng lĩnh đã đứng lên để chiến đấu vì dân tộc mình, công ơn đó vẫn còn được ghi nhớ đến nay và ngàn đời sau. Vậy thì ít nhất, muốn làm một tác phẩm về Hai Bà, chúng tôi cần phải hiểu, cần biết về Hai Bà một cách rõ ràng. Đó là sự tôn trọng cơ bản.
Nếu chỉ đơn thuần là sáng tạo không thôi thì rất dễ, tôi chỉ cần lấy cốt truyện của Hai Bà Trưng, viết câu chuyện về hai người nữ đứng lên đánh giặc, cho họ mặc trang phục váy đầm xòe và đội nón, vẫn được. Nhưng sáng tạo còn cần đi đôi với trách nhiệm. Nếu sáng tạo mà bỏ qua sự hi sinh to lớn của Hai Bà thì lại là không tôn trọng lịch sử. Vậy nên tôi không tự sáng tạo mà cần phải nghiên cứu, bởi đó là trách nhiệm với tổ tiên của mình, trách nhiệm bảo vệ bản sắc dân tộc của mình.
Chị có thể chia sẻ bước tiếp theo của dự án này được không? Và chị kỳ vọng gì ở bước tiếp theo này?
Tôi chờ Hai Bà "chỉ đạo" (Cười). Chỉ hi vọng mình làm tốt nhất có thể để không phụ lòng và phụ công của hai người phụ nữ này.
Cảm ơn chị, và chúng ta, cùng chờ ngày phim ra rạp nhé!