Phát biểu tại Hội thảo quốc tế "Tạo dựng hệ
sinh thái khởi nghiệp Việt Nam – Bài học từ Israel" sáng 21/9, Ủy viên
Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, nhấn mạnh: "Khởi nghiệp là
cuộc chơi của những người dũng cảm, đi tiên phong và dám chấp nhận rủi
ro".
Ngay trong phần phát biểu khai mạc hội thảo, ông Vương Đình Huệ đã
nhấn mạnh chủ đề: Việt Nam cần xây dựng thể chế, chính sách ra sao để
phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp? Cộng đồng doanh nghiệp, xã hội phải
làm gì để chủ trương và chính sách đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả?
Chủ trì phiên thảo luận thứ 2 về chính sách cho khởi nghiệp, Phó Thủ
tướng Vương Đình Huệ yêu cầu lãnh đạo các bộ, ban ngành tham dự có trả
lời ngắn gọn và tập trung để tìm giải pháp.
Với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Thủ tướng đưa ra 3 vấn đề: làm sao tạo
điều kiện thuận lợi nhất cho các startup đăng ký thành lập, hoạt động và
rút lui khi cần thiết cũng như mở chi nhánh nước ngoài; làm thế nào để
thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm và đầu tư thiên thần; và cuối cùng là
việc nên hay không thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm của Chính phủ.
Trả lời những câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy
Đông nhấn mạnh: Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng kinh tế tri thức và
hệ sinh thái khởi nghiệp và sáng tạo. Về vấn đề chính, ông Đông cho biết
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Luật doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiếp
tục hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký và giải thể nhanh nhất. Ngoài ra, Bộ đã
cho phép doanh nghiệp tại 38 địa phương đăng ký kinh doanh online.
Với thu hút đầu tư, ông Đông cho rằng Nhà nước cần công nhận tính pháp
lý của các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng như Quỹ đầu tư thiên thần. Về bản
chất, các quỹ này khác với các quỹ trên sàn chứng khoán nên luật áp dụng
cho nó vẫn chưa thực sự rõ ràng. Để tạo thuận lợi, Nhà nước cần công
nhận và có sự quản lý thích hợp, đồng thời có ưu đãi với dòng tiền của
nhà đầu tư mạo hiểm như coi nó là chi phí trước thuế.
Đối với việc Nhà nước đầu tư quỹ mạo hiểm, ông Đông cho rằng cần có
những quy định cụ thể trong việc miễn trừ trách nhiệm hình sự với cán bộ
làm việc trong các quỹ đầu tư mạo hiểm của Nhà nước (nếu có). Tính bấp
bênh của các hoạt động này khiến nhiều thương vụ đầu tư mất trắng. Ngoài
ra, Nhà nước cũng chỉ nên đầu tư một phần trong quỹ mạo hiểm đồng thời
kêu gọi sự hợp tác và góp vốn của tư nhân.
Trả lời câu hỏi của Phó Thủ tướng về vai trò của Ngân hàng Nhà nước với
khởi nghiệp, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam cho biết, luật pháp cho phép sử dụng bằng sở hữu trí tuệ hay quyền
sở hữu sáng chế làm tài sản thế chấp. Luật dân sự năm 2015 nêu rõ, các
loại tài sản này nằm trong quyền sở hữu. Tuy nhiên, cần có quy định với
loại tài sản vô hình này để việc vay vốn được diễn ra thuận lợi hơn.
Đại diện của Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ rõ, đóng vai trò to lớn với các
doanh nghiệp khởi nghiệp là các quỹ đầu tư. Khi các doanh nghiệp trở
nên hữu hình và có mặt trên thị trường, ngân hàng sẽ xem xét hỗ trợ vốn
cho doanh nghiệp trong quá trình tăng tốc phát triển. Tuy nhiên, đó chỉ
là nguồn vốn ngắn hạn. Doanh nghiệp cần tìm các nguồn vốn khác dài hại
và quy mô hơn.
Với thủ đô Hà Nội, Phó Thủ tướng đặt vấn đề về những biện pháp quan
trọng với khởi nghiệp cùng việc tổ chức Cafe Startup nhằm tạo môi trường
giao lưu cho giới khởi nghiệp. Ông Ngô Văn Quý, Phó chủ tịch UBND thành
phố Hà Nội cho biết thủ đô đang hình thành 2 vườn ươm cho Công nghệ
thông tin và khoa học công nghệ, đồng thời khuyến khích hình thành các
vườn ươm khác.
Theo ông Quý, những biện pháp quan trọng gồm cụ thể hóa các chính sách
và hình thành một số quỹ, trong đó có quỹ đầu tư mạo hiểm một phần Nhà
nước, một phần tư nhân để hỗ trợ. Bên cạnh đó, cần cải thiện môi trường
đầu tư. Về vấn đề Café Startup, ông Quý cho biết sẽ kêu gọi các doanh
nghiệp tích cực tham gia và xây dựng.
Sau khi tiếp thu các ý kiến, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tổng
kết hội thảo với nhận định: Việt Nam có nhiều tiềm năng, cơ hội cho
khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp; môi trường cho startup đã tốt
hơn rất nhiều và tiếp tục tốt lên. Phó Thủ tướng cũng thừa nhận các quỹ
đầu tư còn ít nhưng có nhiều cơ hội phát triển, các startup còn ít nhưng
sẽ tăng dần.
Về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp gắn liền với đổi mới và sáng tạo,
quan hệ mật thiết với phát triển công nghệ cao, kể cả trong nông nghiệp,
Phó Thủ tướng dẫn quan điểm của nhiều diễn giả cho thấy, Việt Nam không
nên chỉ chú trọng vào yếu tố kỹ thuật, mà cần quan tâm tới thương mại
và kinh doanh. Các startup cần chú ý đến khả năng thương mại hóa của sản
phẩm.
Trong khi đó, với nhận thức và văn hóa khởi nghiệp, ông Huệ nhận xét:
"Rõ ràng, cơ hội ở Việt Nam đang tăng lên rất nhiều". Trước đây, quan
điểm về khởi nghiệp chỉ là giải quyết công ăn việc làm của sinh viên mới
ra trường. "Giờ đây, khởi nghiệp không chỉ là mục tiêu của cá nhân,
doanh nghiệp mà còn là của một thành phố hay thậm chí là cả đất nước.
Các công ty lớn, tập đoàn mạnh vẫn phải tiếp tục khởi nghiệp, đưa ra ý
tưởng mới, sản phẩm mới, thị trường mới. Khởi nghiệp là không ngừng".
"Chúng ta cũng cần học văn hóa chấp nhận thất bại và chấp nhận rủi ro.
Khởi nghiệp là hình thức đầu tư mạo hiểm, 5 phần thắng, 5 phần thua là
đã may lắm rồi. Đây là cuộc chơi dành cho người dũng cảm, đi tiên phong
và dám chấp nhận rủi ro", Phó Thủ tướng khẳng định.
Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về đổi mới và phát triển doanh nghiệp cũng
nhấn mạnh vai trò của chính sách tài chính và tiếp cận tín dụng: "Chúng
ta cần có quy định cho các quỹ đầu tư đặc thù cũng như ưu đãi về thuế
cho giai đoạn phát triển của startup. Ngoài ra, cần làm rõ việc startup
được sử dụng tài sản trí tuệ để đảm bảo, giúp phục vụ thương mại hóa các
dự án".
Ông Huệ cũng nhấn mạnh Nhà nước đóng vai trò một phần trong hợp tác công
tư, nhất là đối với các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và vườn ươm. "Nếu
hành chính hóa nó, chắc chắn sẽ thất bại. Nhà nước chỉ hỗ trợ theo hình
thức công – tư còn phát triển do tư nhân phụ trách".
Ngoài ra, Chính phủ sẽ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh,
tạo điều kiện tốt nhất cho doanh ngiệp trong việc đăng ký hoạt động
cũng như rút lui và đầu tư nước ngoài. Những vấn đề này sẽ được nghiên
cứu và thể chế hóa trong quy định có liên quan.
Trong phần chia sẻ cuối hội thảo, Phó Thủ tướng cũng mong muốn giới
startup, các nhà đầu tư thiên thần mạnh dạn hơn, chấp nhận rủi ro, chia
sẻ hợp tác, tận dụng cơ hội để vượt qua thách thức. Ngoài ra, cộng đồng
startup cũng cần đổi mới và sáng tạo hơn nữa. "Chính phủ sẵn sàng lắng
nghe những đề xuất chính sách của giới startup và nhà đầu tư", Ủy viên
Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định.