“Trong nền kinh tế thị trường, vai của Nhà nước không phải là vai tăng trưởng, mà là tạo ra môi trường cho tăng trưởng, bảo vệ tăng trưởng, giữ tăng trưởng” - PSG.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh trong cuộc trò chuyện với Trí Thức Trẻ.
Trong một năm đặc biệt như 2020, Việt Nam vẫn được World Bank, IMF, ADB và nhiều công ty tư vấn quốc tế dự báo là một trong những quốc gia hiếm hoi có tăng trưởng dương. Tuy nhiên, phân tích của ông Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, về nguyên nhân dẫn tới tăng trưởng dương cho "năm Covid" lại rất khác biệt.
Sắp kết thúc năm 2020, và kết thúc thập kỷ 2011-2020, các kết quả của nền kinh tế năm nay cũng đã dần hiện rõ. Theo ông, đâu là những mục tiêu quan trọng nhất mà kinh tế Việt Nam đã làm được trong năm vừa qua?
Trước hết, nếu nhìn về thành tích, điểm sáng nổi bật là Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng dương khá cao – điều mà ít quốc gia trên thế giới làm được. Thậm chí, Việt Nam còn xuất sắc hơn nữa khi đạt được thành tích đó trong điều kiện Việt Nam mở cửa hội nhập rất sâu rộng, tức là lệ thuộc vào bên ngoài rất lớn. Khi chuỗi cung ứng trên thế giới đứt gãy, Việt Nam vẫn duy trì được hoạt động. Nói đơn giản, tôi cho đó là điều phi thường.
Thứ hai, hai quốc gia đang có xung đột kinh tế lớn: Mỹ và Trung Quốc, đều là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Chỉ riêng việc họ xung đột với nhau thôi, chưa nói đến Covid-19, thì cũng đã có thể làm cho kinh tế Việt Nam gay go rồi. Thế mà Việt Nam vẫn giữ được quan hệ thương mại với cả hai nước ở mức mà tôi cho là khá tốt. Về tổng thể, trên cả hai tuyến trong và ngoài nước đều có thể thấy chúng ta đã có những thành tích đáng khâm phục thực sự, chứ không phải chỉ là nói cho "oách".
Vậy tại sao ta làm được? Có nhiều lý do phải tính đến, nhưng căn bản có mấy ý thế này.
Ba năm trước Covid-19, tức là năm 2017, 2018 và 2019, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn. Ổn cả về tốc độ và ổn định. Tốc độ tăng trưởng được khôi phục tốt, đạt trung bình 7%/năm. Kinh tế vĩ mô có thể nói là "ổn định vững chắc". Nên nhơ rằng trong ba năm này, thế giới cũng náo loạn chứ không phải không, đặc biệt là xung đột Mỹ - Trung Quốc. Khi Trung Quốc suy giảm tăng trưởng, kéo theo cả thế giới suy giảm, bất ổn. Trong bối cảnh đó, chúng ta vẫn đẩy mạnh mở cửa hội nhập. Hai đối tác quan trọng nhất xung đột như vậy mà Việt Nam vẫn có được tốc độ tăng trưởng cao, ổn định vĩ mô thì thế giới ca ngợi cũng xứng đáng thôi.
Cho nên, phải nói một cách công bằng rằng phải có nền tảng ba năm đó, chúng ta mới giữ được và có được kinh tế năm 2020 như hiện nay. Chứ nếu chỉ riêng việc chống dịch, chỉ nhờ chính sách năm nay thì không thể đâu. Không có nội lực đủ mạnh dự trữ, nền kinh tế 2020 khó trụ lắm, có thể cũng đã "sập" như các nước khác thôi.
Xin ông giải thích rõ hơn, tại sao nền tảng đó lại là yếu tố chính cho tăng trưởng dương, mà không phải những chính sách chúng ta đã đưa ra trong năm nay?
Thực ra rất đơn giản. Căn bản nhất, chúng ta đã coi tư nhân là động lực, dù muộn, sau 30 năm đổi mới. Rồi một năm sau, chúng ta lại thêm một tính từ nữa, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng. "Động lực của phát triển" - tư nhân nghe vậy là phấn khởi rồi, vì họ bị trói buộc, phân biệt đối xử quá lâu. Nhưng cá nhân tôi thì thấy như thế vẫn chưa hoàn toàn thỏa đáng. Quá chậm. Tư nhân xứng đáng được đối xử tốt hơn thế nhiều chứ. Ý tôi nói họ phải được đối xử "công bằng".
Chính việc coi tư nhân là động lực quan trọng đã tạo ra tác động rất khác, rất tích cực cho nền kinh tế. Tôi vẫn hay liên hệ đến thời kỳ 1980-1986, cả một lực lượng chủ lực là nhà nước và hợp tác xã mà nền kinh tế lâm vào khủng hoảng và không tài nào cứu được. Thế mà, chúng ta chỉ cần áp dụng "nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần", đưa tư nhân vào, nền kinh tế đã nhanh chóng đứng dậy, thoát khỏi khủng hoảng.
Trong giai đoạn 2011-2016, nền kinh tế cũng "lên bờ xuống ruộng" chứ (cười). Tăng trưởng cũng kha khá nhưng vô cùng vất vả vì lạm phát và bất ổn. Chính thời điểm khó, bước vào nhiệm kỳ 2016-2020, Đảng coi tư nhân là động lực quan trọng, thế là kinh tế phục hồi. Lời giải thích đơn giản bậc nhất về mặt đường lối, là chúng ta đã đi đúng cốt lõi của kinh tế thị trường. Hàm ý là, chúng ta hãy cứ vận động đúng quy luật thị trường, đừng cố trói buộc, dẫn dắt. Nếu làm được như vậy, nền kinh tế này có đủ khả năng vượt qua nhiều thứ. Đây là điểm mấu chốt nhất, nếu tới đây chúng ta làm đúng tinh thần, nền kinh tế còn tăng trưởng cao hơn nữa.
Tôi cho rằng tăng trưởng 12% không phải là điều "kinh hoàng" với kinh tế Việt Nam. Nếu chuyển đổi thị trường nhanh, năng lượng và nội lực sẽ rất mạnh, làm đúng thì ta có thể tăng trưởng 11-12% y như Hàn Quốc, thậm chí tốt hơn. Chưa kể hiếm quốc gia nào có tỷ lệ đầu tư nước ngoài trên GDP lớn như Việt Nam. Như vậy để thấy, để giải thích được căn bản kết quả của năm 2020, phải xét đến logic của cả quá trình trước đó.
Vậy còn những điều mà ta chưa giải quyết được trong năm 2020 thì sao?
Trong bối cảnh khó khăn như Covid-19, những điểm yếu cơ cấu mới lộ ra. Nói như vậy là khách quan để tìm cách, chứ không phải là để chê bai, chỉ trích nhau.
Trước hết, cơ cấu kinh tế của Việt Nam có một vấn đề lớn, là phụ thuộc vào lao động giá rẻ. Nền kinh tế này dễ gặp rủi ro khi có dịch bệnh lây lan. Nhìn từ góc độ đó, có lẽ, thành tích cao nhất của nền kinh tế khi gặp dịch covid-19 là giữ cho nền kinh tế thâm dụng lao động giá rẻ, tập trung đông người nhưng không bị mất sức chiến đấu do dịch bệnh. Phòng chống được dịch, Samsung mới sống được, các doanh nghiệp dệt may mới sống được.
Nhưng phải nhìn thẳng rằng nguy cơ rủi ro là rất lớn. Tất nhiên, ta làm tốt, chống được dịch, nhưng cũng do may mắn nữa. Trong tương lai, các doanh nghiệp thâm dụng lao động phải tính đến giải pháp khác, là sử dụng máy móc, tự động hóa. Mà thời đại này thì làm điều đó dễ lắm. Nếu không chuẩn bị trước, vẫn cứ ngợi ca lợi thế lao động rẻ một chiều thì nguy to.
Covid-19 cũng cho thấy tự chúng ta có những năng lực để có thể giải quyết vấn đề này. Thời điểm dịch bệnh, tôi thấy ở nhiều bệnh viện có những "chú robot" phục vụ rất tốt, thay thế một số công việc của các nhân viên y tế. Qua thực tế đó, tôi cảm nhận, trong nền kinh tế của chúng ta có rất nhiều năng lực "công nghệ cao" tiềm tàng. Tại sao ta không làm robot để thay thế dần lao động chân tay "rẻ tiền", nhiều rủi ro? Vài "chú robot" trong bệnh viện, tuy còn thô sơ, nhưng cũng cho thấy đó là những năng lực mới, góp phần tạo lập "bình thường mới". Tuy nhiện, cách tiếp cận chiến lược và chính sách phát triển theo hướng này còn chưa rõ.
Thứ hai, điểm yếu là thể chế vẫn trì trệ, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước mãi không xong. Tôi không nghĩ là có thể giải quyết câu chuyện này bằng cách tháo gỡ. Phải thay cách thôi! Một "búi" vấn đề như thế đã tồn tích nhiều chục năm, những sự kiện "na ná" nhau về mặt thể chế, tháo gỡ bao giờ cho xong?
Tiếp theo là giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Dịch Covid-19 vừa rồi, chúng ta cũng rất nhạy, coi đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu để bơm máu cho nền kinh tế, chứ không phải là chuyện của cứu trợ. Nhưng khi làm thì thấy cũng khó thật. Nhiều thủ tục quá.
Tóm lại, Covid-19 đã phơi bày tất cả những điểm yếu thể chế chưa giải được. Chúng ta phải có giải pháp kiểu khác, không thể chỉ tháo gỡ đâu. Lập trường của tôi, tháo gỡ là vẫn để giữ cái cũ lại. So với các nước trên thế giới, Việt Nam làm khá tốt khi giữ được việc làm trong covid. Nhưng một phần cũng "nhờ" doanh nghiệp Việt còn bé. To thì dễ "sập" lắm. Doanh nghiệp của ta còn xoay sở được, nhưng đứng dậy để cạnh tranh quốc tế oai hùng thì khó.
Vậy làm sao có thể tự tin rằng kinh tế Việt Nam sẽ đứng dậy mạnh mẽ trong năm 2021 như nhiều tổ chức nhận định hay không, khi đã có nhiều hy vọng về vaccine Covid-19?
Cơ hội mở ra cũng lớn. Covid-19 khiến các chuỗi sản xuất dịch chuyển mạnh, đẩy nhanh hệ quả của xung đột Mỹ - Trung Quốc. Covid-19 làm cho cấu trúc của nền kinh tế thế giới thay đổi, hướng mạnh đến công nghệ cao. Những dịch chuyển trong năm 2020 tạo một thế phát triển khác hẳn. Không chỉ dịch chuyển về mặt địa lý, mà dịch chuyển cả về đẳng cấp, công nghệ, khi thương mại điện tử lên ngôi.
Việt Nam ở một tọa độ có nhiều cơ hội đặc biệt. Vì sao? Vì Việt Nam là điểm sáng, là thị trường không nhỏ. Tăng trưởng 6-7% một năm, tức là dung tích thị trường mỗi năm tăng vài chục tỷ đô, mà cái hay là lại ổn định, nên trở thành ốc đảo mà nhiều tập đoàn đến để tránh rủi ro.
Đặc biệt, ngay trong thời điểm khó khăn của kinh tế thế giới, Việt Nam vẫn cứ "lăn xả" vào ký hai hiệp định thương mại lớn thế hệ mới. Hiệp định thương mại hay ở chỗ, nó tạo ra một môi trường mà ai đến Việt Nam sẽ dễ hưởng lợi. Việt Nam bỗng dưng thành "hub" về thương mại.
Nhưng vấn đề là chính Việt Nam, ý tôi nói là các doanh nghiệp Việt, chủ thể kinh tế Việt Nam, hưởng lợi thế nào. Nguy và cơ đều bộc lộ. Nếu cơ hội quá lớn, mà ta không chuẩn bị năng lực, thì người khác hưởng hết. Nếu không có bộ lọc tốt, thì luồng vốn đổ về khéo lại "rác rưởi" nhiều, độc hại nhiều, yếu kém rất nhiều, và chắc chắn những loại ấy bao giờ cũng đi trước. Như thế bản chất là cơ thành ngụy. Đó là điều mà năm tới phải đặc biệt chú ý.
Trong vài năm gần đây, Việt Nam đã đón khá nhiều ông lớn FDI như các đối tác của Apple là Foxconn, Pegatron… Những công ty lâu năm như Samsung, LG cũng có động thái mở rộng. Điều này đang được đón nhận là tin tốt cho Việt Nam, nhưng liệu có gia tăng rủi ro phụ thuộc hay không?
Rủi ro hay không là tùy vào mình. Cơ hội mà không đủ thực lực để hấp thụ thì người ngoài sẽ hấp thụ. Khi Việt Nam ký được hiệp định thương mại tốt, thì khoảng thời gian chuẩn bị ký và vừa ký xong là vốn đầu tư ào ạt vào Việt Nam. Nhưng nội lực kinh tế Việt Nam có lợi được mấy?
Doanh nghiệp nước ngoài vào thì Việt Nam cũng được lợi ít nhiều, về ngân sách, về việc làm (nhưng cơ bản là việc làm chất lượng thấp, vì ta không chuẩn bị lao động chất lượng cao để hấp thụ những tập đoàn tốt. Ta thấy tạo được việc làm là sướng rồi, hay quá, giúp cho Việt Nam, vì trong ngắn hạn, lúc nào vấn đề việc làm cũng bức bách.
Nhưng về mặt dài hạn, điều đó rất nguy hiểm. FDI vào Việt Nam thực sự đóng góp tốt, nhưng đáng lẽ còn đóng góp mạnh hơn, tốt hơn cho Việt Nam rất nhiều. Kết quả thực tế hiện nay rất không tương xứng. FDI chỉ như một bộ phận "gá lắp" độc lập, tác động lôi kéo doanh nghiệp Việt, cải tạo công nghệ rất thấp. Thậm chí, nó còn chứa đựng rủi ro làm nền kinh tế lệ thuộc vào đầu tư và thương mại nước ngoài.
Hiện nay, đã có những tập đoàn lớn, khó tính vào Việt Nam. Samsung, Intel, LG là những ví dụ. Nhưng những lực lượng đó chỉ giúp ta bám vào chuỗi thế giới, chứ chuỗi vẫn là của họ. Họ chỉ thuê đất của mình, lao động của mình và trả một ít tiền. Vì thế, bàn để phát triển công nghiệp hỗ trợ cho Việt Nam là vô cùng ý nghĩa.
Thứ hai, ngay cả khi vào chuỗi rồi, cũng phải nâng cấp dần lên. Nếu mình cứ vào và ở rất lâu trong khâu phân khúc thấp, thì giá trị gia tăng không nhiều và rủi ro rất cao.
Nhìn tổng thể, ta có chiến lược gì về nhân sự, nhân lực, con người? Chúng ta chuẩn bị môi trường thể chế như thế nào để nhà đầu tư tốt có thể yên tâm? Nếu không có thể chế tốt thì chỉ dễ thu hút những nhà đầu tư không tốt đến, kiếm chác, đầu cơ. Còn những nhà đầu tư tốt ấy, muốn làm ăn ở đây, họ sẽ coi Việt Nam như tổ quốc.
Cần một môi trường chính sách tốt, công khai minh bạch. Nhưng trên khía cạnh này, sự chuẩn bị của chúng ta chưa thực sự tốt. Ta hay phải đối phó với những tình thế ngắn hạn nhiều hơn là có sự chuẩn bị năng lực bài bản dài hạn.
Nhưng lệ thuộc vào FDI có lẽ sẽ là tất yếu khi chúng ta chưa có nhiều tập đoàn mạnh?
Khái niệm "làm tổ cho đại bàng", bây giờ phải sửa thêm một tí, là "phải làm tổ cho cả đại bàng Việt Nam", chứ không phải chỉ làm tổ để đón đại bàng nước ngoài. Samsung tốt như thế, nhưng để truyền được đẳng cấp của họ cho nền kinh tế, để nâng nền kinh tế lên là khó vô cùng, chưa kể họ có sẵn sàng hay không, hay họ lại kéo nhà cung cấp của họ sang. Đối với họ, xét lợi ích kinh tế thì chuỗi của họ tốt hơn nhiều. Tóm lại, Việt Nam phải chuẩn bị năng lực thể chế và năng lực vật chất như nhân lực, hạ tầng…
Vì những lẽ đó, có thể nói cơ hội để tăng trưởng cao bây giờ rất lớn, nhưng tại sao ta vẫn không cao được? hay thế là ổn rồi chăng? Vì ta tự trói ta. Lực lượng doanh nghiệp của ta chậm lớn lắm. Chừng nào xuất siêu vẫn phụ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài, khu vực nội địa còn phải vật lộn để cân bằng thương mại, thì chừng đó còn khó.
Nếu FDI chỉ chiếm chừng 20-22 % GDP, mà chiếm tới 70 % tổng kim ngạch xuất khẩu là có chuyện. Có nghĩa doanh nghiệp FDI được hưởng hầu hết lợi ích thương mại do nỗ lực hội nhập của ta mang lại. Tồn tại khiếm khuyết rất lớn về quan điểm nội lực và ngoại lực đấy. Cho nên, cách tiếp cận về phát triển doanh nghiệp Việt Nam phải sửa lại.
Trong năm vừa rồi, ông đánh giá thế nào về việc thực hiện chiến lược Make in Vietnam đã được phát động từ năm 2019?
5G của Viettel, hay Vinfast đã thể hiện tinh thần Make in Vietnam tương đối rõ. Khái niệm ấy hàm nghĩa những thứ Việt Nam làm được, nhưng ở tầm công nghệ cao.
Ban đầu không dễ, đừng cố hô to nói lớn. Quan trọng nhất là tập trung vào hai việc. Thứ nhất, tạo cơ chế, chính sách cho nền kinh tế số. Nền kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ cao, nguồn lực khác hẳn, lấy tri tuệ, tri thức, thông tin và công nghệ cao làm nền tảng. Cơ chế, chính sách vận hành chúng phải khác hẳn hệ thống thể chế của nền kinh tế dựa chính vào nguồn lực vật thể.
Nguồn lực quyết định của kinh tế số, kinh tế công nghệ cao là trí tuệ và thông tin, chứ không phải cơ bắp, đất đai và quặng mỏ. Phải tạo ra một môi trường để khuyến khích sáng tạo và lao động trí tuệ, nếu không thì chảy máu chất xám ra ngoài hết.
Thứ hai là phát triển nguồn nhân lực, tạo ra nhân lực trí tuệ - theo một cách khác hẳn hiện nay. Tất nhiên, đầu tiên vẫn phải là giáo dục, nhưng là giáo dục sáng tạo. Phải bỏ nền tảng học thuộc, học vẹt, học gì thi nấy, không có sáng tạo.
Viettel sản xuất thành công thiết bị 5G là một điểm nhấn của Make in Vietnam năm 2020.
Hệ thống giáo dục đang hì hục sửa những cái cũ. Sửa mãi vẫn chưa được. Tôi nói không phải sửa, không sửa được đâu. Vì sửa chỉ là cố giữ cái cũ thôi. Phải thay nguyên lý, dạy độc sáng tạo, khuyến khích sáng tạo. Bắt đầu học đổi mới sáng tạo, đưa ra những bài toán đố để học sinh tự giải, thậm chí đến lúc yêu cầu học sinh tự ra bài toán, tự giải. Hoàn toàn làm được chứ.
Tại sao mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo thành công trên thế giới? Vì có doanh nghiệp tham gia vào đó. Học sinh, sinh viên đại học, người trẻ có khát vọng bắt đầu có ý thức rõ ràng về chuyện đó rồi, cộng thêm tinh thần doanh nhân vào nữa, để khởi nghiệp.
"Sếu đầu đàn" của Việt Nam, có lẽ nếu so với thế giới thì vẫn còn non trẻ. Nhưng họ lại định hướng quyết mang sản phẩm của mình ra thế giới, nơi chắc chắn sẽ có sự cạnh tranh rất gay gắt. Họ bản lĩnh, hay liều lĩnh?
Cả hai chứ. Phải liều và phải có bản lĩnh.
Nhìn từ khía cạnh năng lực, điều này chứng minh người Việt Nam đi sau có thể vượt trước. Đi sau khó lắm, dễ tự ti lắm, vì những người đi trước có đủ thế mạnh để "đè" những ông đi sau. Hãy cẩn thận, nếu mình chưa đủ lực thì người khác sẽ đè mình xuống, thậm chí đi ngang cũng đè được. Người đi sau, quả thực điều kiện vượt là có nhưng không phải dễ, vì yếu hơn người ta. Vậy nên, họ cần phải nhận được sự hỗ trợ về chính sách. Tất nhiên, nhà nước không được phép biến nó thành sự hỗ trợ riêng tư, sân sau, mà là tạo điều kiện cho lực lượng quốc gia trỗi dậy.
Ông đánh giá thế nào về những nỗ lực thay đổi của Chính phủ năm vừa qua trong việc thay đổi tư duy về kinh tế tư nhân?
Coi kinh tế tư nhân là động lực không chỉ coi suông, không phải giả vờ, mà Nhà nước, Chính phủ đã và đang hành động thật. Khi Đảng coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng, Chính phủ cũng đã khẳng định mình là Chính phủ "kiến tạo phát triển". Thực chất không phải để Chính phủ vỗ ngực, mà để "hầu" doanh nghiệp, phục vụ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.
Xưa nay, chúng ta nói mang tính chất lấy lòng nhiều hơn, nào là cho phép, tạo điều kiện, không phân biệt đối xử, công bằng. Nhưng tính "lấy lòng" cao. Giờ chúng ta nói và làm thật, thì mới biết khó đến thế nào, vì lâu nay ta làm chưa thật. Làm thật thì tạo ra niềm tin. Đảng nói, Chính phủ làm, nếu làm đúng mục tiêu, tái cơ cấu theo đúng định hướng thì nền kinh tế sẽ tốt hơn nữa.
Trước đây, chúng ta vẫn thích lấy tốc độ tăng trưởng cao là mục đích tối thượng, tối hậu, ổn định vĩ mô tính sau, vì đang nghèo khổ lắm, cần tiến nhanh. Nỗ lực đó, vì nhiều lý do, tự biến thành cái nôm na gọi là "chủ nghĩa thành tích". Thời đó, cứ không đạt mục tiêu tăng trưởng là bơm tiền ra cho tăng trưởng. Nhà nước bị lệch mục tiêu kinh tế chức năng. Giữa hai biến số quan trọng nhất của vĩ mô là tốc độ tăng trưởng và ổn định lạm phát thì chúng ta chọn mục tiêu "tốc độ tăng trưởng". Chỉ cần chọn lệch thì nền kinh tế nó cứ bất ổn suốt bởi liên tục phải bơm tiền. Mà khi nền kinh tế bất ổn, lạm phát cao thì tư nhân họ không đầu tư.
Trong nền kinh tế thị trường, vai chính của Nhà nước không phải là vai tăng trưởng, mà là tạo ra môi trường cho tăng trưởng, bảo vệ tăng trưởng, giữ tăng trưởng. Ba năm trước Covid-19, trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Phúc, cả Chính phủ quyết tâm lấy ổn định vĩ mô làm trọng, coi đó là nền tảng quyết định, trên cơ sở đó mới thúc đẩy tăng trưởng. Chỉ "đảo phách" như thế thôi, là lòng tin doanh nghiệp phục hồi.
Trong những năm tới, chúng ta có thể làm gì để giải phóng mạnh mẽ hơn nữa kinh tế tư nhân?
Đầu tiên, cứ phải để cho tư nhân họ sống bình thường đã. Chân lý ấy là quan trọng bậc nhất. Muốn họ sống bình thường thì thị trường đất đai phải bình thường, thị trường vốn phải bình thường, đừng biến chúng thành thị trường đầu cơ.
Thị trường đất đai là thị trường đất đai, chứ không chỉ là thị trường quyền sử dụng đất. Phải minh bạch, nguồn lực nào thị trường ấy. Thị trường tiền tệ cũng phải là thị trường tiền tệ đàng hoàng, chứ không thể đè bằng đủ thứ quy định hành chính và lãi suất nhà nước định được. Thị trường chưa tự do, lãi suất cao gấp đôi các nước trong khu vực thì làm sao doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh được?
Một thị trường bình thường, cạnh tranh bình thường đàng hoàng, càng công khai, minh bạch càng tốt. Chính sách nào, công cụ nào trong bộ máy, khi rà soát lại mà thấy nó xâm phạm đến tính trong sạch của thị trường là phải tìm cách loại bỏ ngay. Đó là việc mà Tổ công tác của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã và đang làm rất tốt.
Thứ hai, quan niệm về doanh nghiệp phải thay đổi, không phân biệt đối xử. Nhưng ngay cả như thế vẫn chưa đủ. Đi sau cần phải được hỗ trợ thì mới lớn nhanh được. Muốn lớn nhanh chỗ nào thì phải yểm trợ chỗ ấy, nhưng không phải theo kiểu thiên vị. Giống như Hàn Quốc thời Park Chunghee, những tập đoàn tư nhân phải được nuôi dưỡng, tạo điều kiện.
Giữa một nền kinh tế đang chuyển đổi mà môi trường thể chế có thể chưa hoàn toàn thuận lợi thì phải dành cho các tập đoàn một khoảng không gian "sạch sẽ", minh bạch hơn về chính sách, để họ vượt lên. Cần thiết có thể hỗ trợ theo một cách nào đó, lãi suất chẳng hạn. Bởi vì phải coi các tập đoàn tư nhân như là sức mạnh quốc gia, chứ không đơn thuần là tài sản của ông nọ ông kia. Nếu chỉ nhìn như thế là tầm nhìn phát triển còn hẹp hòi.
Nhưng làm thế nào để có thể hỗ trợ mà không tạo ra phản ứng tiêu cực, cho rằng Chính phủ có sự thiên vị?
Phải có sự kiểm soát, những hỗ trợ đó có đúng mục tiêu không. Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee trước đây đã đặt câu hỏi cho một tập đoàn kinh tế của Hàn Quốc: "Ông có bảo đảm với tôi đưa xuất khẩu của Hàn Quốc tăng (mấy phần trăm) không? Nếu ông cam kết làm được, Chính phủ sẽ tạo điều kiện, sẽ có thưởng, nhưng nếu không làm được thì phải chịu trừng phạt". Thưởng bằng cách nào? Tài trợ vốn, nhận được một số ưu đãi và hỗ trợ, cố gắng tối đa bảo đảm tuân thủ nguyên tắc thị trường. Nguồn vốn khan hiếm của đất nước, đáng lẽ phải chia cho nhiều người thì tập trung cho một vài ông lớn, vì họ mang sứ mệnh tăng thế lực của đất nước trên thị trường thế giới. Hệ thống khuyến khích phải vậy.
Cùng với cái thị trường công khai, minh bạch, trong sáng, cũng phải biết tạo ra những cơ hội, điều kiện để thúc đẩy trụ cột đất nước mạnh lên.
Một mình Viettel chắc chắn yếu hơn khi Viettel cùng với các doanh nghiệp khác tạo thành chuỗi. Trường Hải và Vingroup làm ô tô cũng vậy. Nếu có trụ cột trong ngành công nghiệp ô tô, thì có thể giúp hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam thay nước ngoài. Vingroup, Thaco đang cố nội địa hóa hướng đó.
Ta phải coi những tập đoàn này là người lãnh sứ mệnh quốc gia chứ không phải chỉ làm giàu cá nhân. Hiện nay, chúng ta vẫn coi những tập đoàn này cơ bản là tài sản riêng của cá nhân, tư nhân trong sự đối lập với xã hội. Vậy là khó vì tầm nhìn chật hẹp.