PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp (sinh năm 1981), hiện đang là Trưởng khoa Kỹ thuật Y sinh Trường ĐH Quốc tế (IU) - ĐH Quốc gia TP.HCM. Nữ phó giáo sư được ghi nhận là người có đóng góp lớn vào sự phát triển ngành y học tái tạo tại Việt Nam.
Theo Forbes Việt Nam, TS. Hiệp là một trong những nhà nghiên cứu y học tái tạo đầu tiên của Việt Nam. Năm 2021, nữ phó giáo sư đã có hơn 170 công trình khoa học, gần 80 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín, hơn 70 bài trong kỷ yếu hội nghị quốc tế cùng 4 bằng sáng chế.
Năm 2007, khi còn là một cô sinh viên khoa Hóa học, cô Hiệp đến Hàn Quốc du học với học bổng toàn phần nghiên cứu sinh tiến sĩ. Chỉ trong 5 năm, cô hoàn thành cả 2 chương trình cao học và luận án tiến sĩ. Năm 2012, cô từ chối công việc với mức lương 3.000USD/tháng và nhiều chế độ đãi ngộ rất tốt ở Hàn Quốc để trở về nước làm giảng viên Bộ môn Kỹ thuật Y sinh (IU), đồng thời đặt những viên gạch đầu tiên cho phòng thí nghiệm y học tái tạo.
Trong sự nghiệp làm khoa học, giáo dục của mình, PGS Nguyễn Thị Hiệp sở hữu một loạt giải thưởng danh giá. Năm 2016, với đề tài nghiên cứu những phát hiện mới của loại vật liệu Titanium trong ngành nha khoa phục hồi, PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp giành được Giải thưởng L'Oreal. Năm 2017, cô tiếp tục giành giải nhất cuộc thi Giải thưởng khoa học ASEAN – Mỹ về giải pháp giảm áp lực y tế nặng nề lên các thành phố lớn. Năm 2018, TS. Nguyễn Thị Hiệp được vinh danh nhà khoa học nữ trẻ tài năng của thế giới ở giải thưởng quốc tế L’Oréal – UNESCO với công trình “Keo thông minh trong điều trị lành thương” giúp cầm máu, diệt khuẩn và tạm chữa lành vết thương. Năm 2019, cô được vinh danh trong danh sách 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á, theo bình chọn của tạp chí Asian Scientist.
Chào PGS, trong suốt hơn một thập kỷ làm khoa học, cô đều đặn công bố các công trình nghiên cứu, liên tục nhận được các giải thưởng lớn, điều gì đã khiến cô miệt mài như vậy?
Làm khoa học, khi nghiên cứu, phát hiện ra một điều gì đó mới, tôi cảm thấy rất thư giãn và bình an. Vì công việc này là đam mê của tôi và ngược lại, đam mê chính là điều khiến tôi miệt mài theo đuổi con đường nghiên cứu suốt những năm qua.
Đến giờ, sau hơn 10 năm làm khoa học, công việc nghiên cứu với tôi không đơn thuần là đam mê nữa, giờ đây còn thêm phần nhiệm vụ, trách nhiệm. Tôi thấy được nhiệm vụ của mình với xã hội, truyền ngọn lửa nghiên cứu đến các thế hệ sau. Thử nghĩ 10 năm nữa, mình cũng sẽ bắt đầu lớn tuổi, ai sẽ tiếp tục con đường này. Tôi có trách nhiệm với người trẻ, với những người đã tin tưởng và trao rất nhiều giải thưởng cho mình. Trách nhiệm mà cuộc sống trao cho mình, mình phải gánh cho trọn.
Có rất nhiều con đường để nghiên cứu, lý do vì sao cô lại quyết định lựa chọn làm Y học tái tạo - một lĩnh vực còn quá mới lúc bấy giờ và điều này đã đưa đến cho cô những khó khăn như thế nào, thưa cô?
Mới đầu, tôi cũng rất lăn tăn khi chọn hướng đi cho mình. Đã có lúc, tôi đã nghĩ về việc thay đổi hướng đi. Y học tái tạo là cố gắng cải thiện sức khỏe, phục hồi chức năng của các cơ quan, mang lại sức khỏe tốt cho bệnh nhân, tìm kiếm ra những sản phẩm, vật liệu mà nâng cao hơn sức khỏe cho người bệnh. Ở thời điểm đó, làm y học tái tạo quá tốn kém, chưa được người ta coi là cần thiết.
Tất nhiên trên con đường này, tôi gặp không ít những khó khăn. Khó khăn đầu tiên là thuyết phục hội đồng để xin tiền làm. Lúc tôi mới về Việt Nam, y học tái tạo chưa phổ biến và còn quá mới. Điều đó đồng nghĩa với việc mình phải giải thích được cho xã hội hiểu y học tái tạo là gì và diễn giải nghiên cứu để hội đồng thấy nó có ý nghĩa và cần thiết trong ngành Y, như vậy mới được tài trợ làm nghiên cứu.
Nhiều người nghĩ, cái nghiên cứu của mình quá cao xa, đối với các nước đang phát triển thì cái ăn cái mặc là cái đầu tiên nhất, chưa chú trọng vào nâng cao hơn sức khỏe, sắc đẹp… thì việc thuyết phục của tôi cũng không dễ dàng. Tôi đặt tâm nguyện nghiên cứu mang lại đời sống cho con người ta cảm thấy thoải mái với cuộc sống, được hoàn thiện bản thân, cải thiện sức khỏe.
Ngay cả khi làm vật liệu, tôi cũng không muốn sử dụng vật liệu khi phân hủy gây độc. Điều này cũng là khó khăn vì nó sẽ giới hạn nghiên cứu rất nhiều. Có những người họ muốn đạt kết quả tốt, sẽ sử dụng những hóa chất độc hại…. Nhưng tâm niệm của tôi khi làm việc là không nhất thiết đạt mục tiêu nghiên cứu cho bằng được, không sử dụng hóa chất độc hại, không gây hại đến động vật…
Nhiều người hay gọi cô là người chuyên đi săn giải thưởng, cô nghĩ như thế nào về điều này?
Tôi không phải cố tình săn giải thưởng. Ban đầu, vì thuyết phục xin đề tài, tài trợ hơi khó nên tôi chuyển qua viết đề tài, lấy giải thưởng để có tiền làm nghiên cứu, hỗ trợ học trò cùng làm với mình. Thật ra nói là “săn” thì cũng không đúng lắm đâu vì có bao nhiêu đề tài tôi nộp là được giải thưởng bấy nhiêu. Lúc đó, tôi thấy sinh viên thích nghiên cứu của mình nhiều hơn và lo lắng mình không có tiền để nên đi xin giải thưởng chủ yếu để kiếm tiền hỗ trợ người học. Đó là những chuyện rất quan trọng để mình có thể duy trì được nhóm. Nếu mình không có học trò để làm, một mình mình không thể làm được gì cả, cho dù mình có giỏi cỡ nào.
Quá trình để làm ra công trình khoa học của cô thường diễn ra như thế nào, thưa cô?
Ngày xưa, khi một mình làm đề nghiên cứu, tôi phải đọc rất nhiều tài liệu để nêu ra vấn đề, xin nhà tài trợ kinh phí để giải quyết vấn đề đó. Bây giờ, khi có một nhóm là các em sinh viên, tôi cũng vừa làm cùng, vừa huấn luyện cho các em nghiên cứu sinh bắt đầu viết đề tài.
Đầu tiên là bước đặt ra vấn đề và giải quyết vấn đề, xác định chủ đề nghiên cứu. Khi giải quyết, hãy tìm kiếm thông tin trên “cả thế giới” để biết đâu là điều còn thiếu. Về nghiên cứu, tôi hay nói với nghiên cứu sinh, đừng vội suy nghĩ nó lớn lao, rằng người ta đã làm cái đó rồi mình không còn gì để làm. Thật ra đó là những vấn đề rất đơn giản. Mình nhìn nó đơn giản, sẽ thấy được vấn đề và ngược lại. Thường những bạn trẻ học nghiên cứu sinh tiến sĩ xong rồi vẫn chưa xác định ngay được chủ đề một cách dễ dàng, đó là một quá trình các bạn phải học hỏi, trau dồi, rút kinh nghiệm bản thân rất nhiều.
Sau đó tôi tìm kiếm thành viên phù hợp với nghiên cứu đó, cùng làm với mình vì một mình sẽ không làm được gì cả. Khi có thành viên, tôi bắt đầu tiến hành xin đề tài, có đề tài, có kinh phí, tôi sẽ bắt đầu nghiên cứu. Thường một công trình nghiên cứu thường mất khoảng 5 năm chứ không thể nhanh gọn được.
Cô từng chia sẻ có thời điểm cô gối đầu trên sách nhiều hơn gối đầu trên gối, hẳn đó là những năm tháng nhọc nhằn, thưa cô?
Đó là những tháng ngày vất vả nhất của tôi. Khi mới qua Hàn học cũng là lúc tôi chuyển từ ngành hóa học sang Y học. Lúc đó, tôi từ một sinh viên chưa biết nghiên cứu là gì, qua đó mới lao vào thí nghiệm. Vô số câu hỏi, thắc mắc, những điều không hiểu trong đầu tôi. Tôi đọc tất cả các đầu sách, tài liệu liên quan, đọc đến khi ngủ gật vậy thôi nên cứ ngủ trên sách là vậy. Có những cuốn sách nặng như cái gối, cứ để lên đầu giường, cứ đọc xong mệt quá thì ngủ, tỉnh dậy lại đọc. Toàn thời gian của tôi nếu không làm thí nghiệm thì đọc sách, tôi không hề động tới tivi hay bất kỳ phương tiện giải trí nào khác ngoài sách. Suốt mấy năm tôi đều như vậy.
Nhiều đêm rất trăn trở và hỏi bản thân rằng không biết mình đi đúng ngành hay không nữa. Tối thì như vậy nhưng sáng hôm sau lên làm thí nghiệm thì cảm thấy rất đam mê và cố gắng tìm cách giải quyết khó khăn kia (cười).
Năm ấy, tôi là một người nhanh nhảu, cái bình tĩnh trong tôi rất ít. Thế nên lúc đó tôi tập để mình bình tĩnh vì biết đó là điểm yếu của mình. Tôi bấm giờ 3 tiếng và sẽ ngồi đúng 3 tiếng để học, không đứng lên, không uống nước để tập tính kiên nhẫn. Và khi rửa chén thì cũng phải rửa từ ngoài vào trong, rồi từ trong ra ngoài để rèn cho mình sự bình tĩnh.
Trong 5 năm du học, cô hoàn thành cả chương trình cao học và tiến sĩ, điều gí thôi thúc cô phải hoàn thành nhanh như vậy?
Lúc đó tôi có một mong muốn là hoàn thành sớm để về nước nên cố gắng làm nhanh hết sức có thể để về. Lúc đó, tôi rất quyết tâm, không phải 100% mà là 200% để hoàn thành chương trình. Tôi cảm thấy ngọn nguồn của mình ở Việt Nam, ở nước ngoài tôi cảm thấy không thoải mái. Mặc dù ở nước ngoài, tôi thoải mái hơn về vật chất, nhà ở… nhưng tôi thấy nó rất buồn tẻ. Vào dịp lễ, người ta quay quần với ông bà, cha mẹ còn mình thì rất đơn độc. Điều đó khiến tôi thấy hụt hẫng. Tôi thích ở Việt Nam hơn. Tôi muốn làm những điều người Việt cần. Còn nếu ở bên kia, đề tài thầy đưa cho tôi, làm dễ lắm, nhưng tôi cảm thấy không thoải mái.
Để đạt được thành công trên con đường làm khoa học - con đường trải đầy hoa hồng nhưng không ít những mũi gai, cô phải đánh đổi điều gì?
Nghiên cứu là đam mê của tôi nên tôi thấy mình không đánh đổi gì cả. Trọn thanh xuân, tuổi trẻ của tôi là nghiên cứu, đọc sách và tìm ra đề tài nghiên cứu mới. Những người sẽ thấy rằng tôi sống một cuộc sống khô khan.Việc đọc tài liệu để hiểu vấn đề với tôi cũng thú vị như việc vào nhà hát để nghe một vở kịch. Để tìm hiểu một vấn đề trong Y học, tôi có thể đọc xuyên đêm mà không thấy mệt.
Trước đây, khi chưa có nhóm làm nghiên cứu cùng, tôi làm một mình và làm mọi lúc mọi nơi, ngay cả khi cho con ăn vẫn đọc tài liệu để ra vấn đề nghiên cứu. Khi mình nấu cơm, không đọc được, tôi sẽ nghe. Tôi tận dụng toàn thời gian để hiểu vấn đề nghiên cứu.
Trong các công trình nghiên cứu, ấn tượng hài lòng với công trình nghiên cứu nào?
Tôi luôn không hài lòng với bất kỳ nghiên cứu nào mình đã làm ra. Vấn đề dẫn đến vấn đề, mình hài lòng là coi như hết vấn đề để nghiên cứu. Trong quá trình nghiên cứu, mình lại tìm ra thêm những vấn đề xung quanh. Khi làm, tôi cảm thấy việc phát hiện ra điều mới còn vui hơn được là tặng quà.
Là một nhà khoa học nữ, theo cô, khó khăn chung của những nhà khoa học nữ Việt Nam là gì?
Theo tôi, khó khăn lớn nhất của phụ nữ khi làm khoa học là cân bằng cuộc sống gia đình và sự thông cảm của gia đình. Lúc trước, khi tôi đi làm khoa học, người nhà rất lo vì thấy công việc này chiếm quá nhiều thời gian, sợ tôi không có thời gian lo cho sức khỏe bản thân, cho việc ở nhà. Thực chất, từ kinh nghiệm của tôi, tôi thấy người phụ nữ làm khoa học, họ làm gì cũng rất khoa học. Họ sẽ tổ chức mọi thứ như cách sắp xếp các thí nghiệm. Họ sẽ quan tâm, chăm sóc con kỹ lưỡng, dạy con khoa học mặc dù họ rất bận.
Vậy là cô cũng dạy các con một cách rất khoa học?
Đúng vậy. Phương châm trong cách dạy con của tôi là để con tự lập, tự sống và sống healthy. Tôi tiếp xúc, dạy con với tư cách là một người bạn. Tôi thường nói với con rằng mẹ sẽ rất bận để làm cái này, con hãy đi mua đồ giúp mẹ. Dù bạn lớn mới 9 tuổi nhưng đã có thể đi chợ và nấu ăn. Lúc nào cũng dạy con là phải tự lập và không biết điều gì phải hỏi để cha mẹ sẽ dạy.
Tôi không dạy cho con kiến thức học thuật nhiều mà dạy con cách tự sống trước. Khi các bạn thấy được vấn đề cần, các bạn sẽ tự học. Thường các con của tôi sẽ chỉ học khoảng nửa tiếng. Thời gian lâu nhất mà tôi dạy 2 con một ngày là 45 phút. Ngày nào tôi cũng dạy như vậy và không bỏ một hôm nào. Việc tập thể dục của các con là vấn đề tôi quan tâm hàng ngày.
Ngày xưa cô đã từng học nhiều như vậy, còn hiện tại, cô không yêu cầu các con học nhiều như cô ngày xưa, tại sao thế ạ?
Ngày xưa tôi học nhiều như vậy là mình tự học, thấy mình cần phải học. Chương trình học trên trường không bắt buộc. Tôi tự học và muốn con mình cũng như vậy. Tôi không ép con, tôi chỉ cần con học đủ chương trình ở trường là được rồi. Khi bạn ấy có nhu cầu, tôi sẽ để bạn ấy học thứ bạn ấy muốn. Khi con người ta có nhu cầu, người ta sẽ quyết liệt hơn là bị ép. Khi mình ép, trong sinh học sẽ tạo ra tâm lý là phản lại, học sẽ không hiệu quả.
Đến giờ, vừa là một người làm khoa học, vừa có trách nhiệm giảng dạy cho thế hệ tiếp nối, cô trăn trở điều gì?
Tôi thấy vấn đề lớn nhất cho các nhà khoa học là tài chính và nghiệm thu tài chính. Khi nghiên cứu, khi bạn viết A bạn phải làm A, không thể nói khi làm A nó không xảy ra mà ra B được. Nếu ra B thì không nghiệm thu được đề tài. Đây cũng là một giới hạn khi tự do học thuật trong nghiên cứu.
Khó khăn số 2 là các bạn trẻ bây giờ cảm thấy khoa học là một vấn đề khó, tầng lớp trẻ đi theo khoa học ít dần. Theo tôi, khoa học là nền tảng cứng của mọi vấn đề, lĩnh vực. Vậy nên tôi nghĩ mình phải làm động tác trong việc xây dựng cái nền đó. Mình không thể suốt ngày đi mua sản phẩm ở nước ngoài để dùng được. Tôi rất mong muốn tất cả các nhà khoa học sẽ phải ngồi lại với nhau, chung tay để xây nền tảng này cho thật vững chắc.
Cảm ơn những chia sẻ của cô!