NSƯT, NTK Đức Hùng: "Tôi tin rằng người thành công trong nghệ thuật không phải là người toan tính!"
(Tổ Quốc) - Bất cứ ai lần đầu tiếp xúc với NSƯT Đức Hùng đều có chung cảm nhận về tình yêu nồng nàn của anh với những giá trị văn hóa truyền thống của mảnh đất kinh kỳ. Có lẽ đây cũng là lý do mà anh có đủ năng lượng để gánh vác nhiều việc cùng lúc: Phó Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long, nhà thiết kế thời trang, diễn viên phim truyền hình, người dẫn chương trình và thành viên ban giám khảo các chương trình Siêu mẫu Việt Nam, The Face cùng nhiều cuộc thi hoa hậu...
NSƯT Đức Hùng (sinh năm 1968) sinh ra và lớn lên tại phố cổ, gần đó là sông Hồng, cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân... nên cảnh vật, con người, "cái hương", "cái nét" Hà Nội đã trở thành một phần máu thịt trong anh. Nhắc đến anh, mọi người sẽ nghĩ ngay đến 2 "món đặc sản" của dân tộc là áo dài và múa rối nước. Ở cả 2 lĩnh vực này, anh đều đạt được những thành công rực rỡ mà không phải ai cũng dễ dàng có được.
Ngoài ra, NSƯT Đức Hùng còn tham gia các hoạt động nghệ thuật khác như giám khảo các cuộc thi "Siêu mẫu Việt Nam", nhiều cuộc thi Hoa hậu, người đẹp... Anh còn là gương mặt quen thuộc với khán giả truyền hình qua nhiều vai trò diễn viên, chuyên gia thời trang…
Gặp NTK Đức Hùng vào một buổi chiều đầu đông ở Hà Nội, không chỉ gây ấn tượng bởi vẻ ngoài niềm nở, nụ cười luôn rạng rỡ trên môi mà còn bởi cách nói chuyện chân thành, thẳng thắn khi đề cập tới bất cứ vấn đề nào.
Chào anh, hiện nay có một số NTK áo dài ở trong nước cũng mong muốn đem đến một hơi thở hiện đại cho tà áo dài như phong cách cổ điển, cách tân hay những sáng tạo mới. Anh suy nghĩ như thế nào về điều này?
Tôi quan niệm tà áo dài Việt Nam như một công trình hoàn mỹ, nó như một kiến trúc về dân gian, hoàn hảo từng chi tiết như từ lá sòi, đầu đao, hay cột đình, mái ngói,... các bạn có thể sáng tạo nên rất nhiều. Nhưng hãy ý thức được áo dài phải là áo dài chứ đừng để sáng tạo đến mức độ khán giả khi nhìn vào họ không nhận ra được đây là chiếc áo dài quen thuộc nữa. Đây là một sự thất bại và cần phải dừng lại.
Tà áo dài vốn dĩ là một kiến trúc trọn vẹn, hoàn thiện. Mình bỏ vào thì thừa, mình bớt ra thì thiếu. Tôi là người sáng tạo về áo dài nhiều, tôi chỉ quan niệm rằng mình là người "dọn dẹp" kiến trúc đấy cho sạch đẹp, tôi 'tô son điểm phấn', 'rọi đèn' cho thêm phần lung linh hay bày thêm 'hoa tươi' cho nó thôi. Nên tà áo dài của tôi sáng tác bao giờ khán giả cũng nhận ra đây là tà áo dài Việt Nam, nhưng trong đó là sự sáng tạo.
Còn riêng cá nhân tôi, tôi rất ủng hộ các NTK cần sự sáng tạo trong thiết kế của mình, nhưng làm sao hãy giữ lại hình ảnh của tà áo dài mà chúng ta vẫn thường tôn vinh nó, để tránh sau này các lớp con cháu chỉ nhìn vào tà áo dài qua tài liệu, tư liệu, hay trên sách báo mà không phải qua hình ảnh đời thường này. Đó là lỗi lầm của thế hệ đi trước.
Là nghệ nhân múa rối, NSƯT Đức Hùng còn tham gia nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác như diễn viên sân khấu, diễn viên truyền hình, làm Host (người chủ trì) cho nhiều chương trình truyền hình, thành viên ban giám khảo các cuộc thi hoa hậu, người đẹp. Vậy làm sao để anh có nhiều năng lượng để cùng một lúc đảm nhận nhiều trọng trách như vậy?
Nhiều người vẫn hay nói rằng tôi là một người thừa năng lượng, hay với cái tên thân thương khác là "cụ rối". Bởi con rối bao giờ cũng hồn nhiên, còn "cụ rối" là một người lớn tuổi hồn nhiên, có trải nghiệm. Mà bản thân tôi nghĩ rằng sự hồn nhiên trong con người tôi có thể là nguyên vật liệu khá là tốt trong vấn đề sáng tạo cũng như gánh vác nhiều công việc. Đối với tôi trong cuộc sống này nói chung và cá nhân của nghề tôi nói riêng, nếu làm việc có đam mê là chưa đủ, mà cần ý thức được hơn cả đam mê chính là sự hy sinh.
Tôi nhớ lại cuộc đời của tôi từ thời trai trẻ khi mới 17, 18 tuổi thì tôi không được đi chơi như các bạn trẻ bây giờ, tôi suốt ngày chỉ say sưa làm những công việc tôi thích, đó là sự hy sinh. Cái đam mê đánh đổi sự hy sinh khá nhiều. Và để thành công được đến ngày hôm nay, chúng ta cần ý thức được là phải hy sinh, còn nếu không biết hy sinh mà chỉ đam mê không thôi thì sẽ không thành công được đâu. Đó là ý kiến của cá nhân tôi.
Các bạn trẻ bây giờ có rất nhiều nghề hot nhưng tôi chỉ mong rằng trong bất cứ công việc nào phải luôn có một thế hệ trẻ mang tính kế thừa, làm sao để chúng ta phát triển, sáng tạo nhưng không làm mất đi cái giá trị vốn có của nó. Đó mới là điều quan trọng!
Nhiều người đến với con đường nghệ thuật vì nhìn thấy ở nghệ thuật điều gì đó có lợi cho bản thân. Quan điểm của anh về vấn đề này như thế nào, thưa anh?
Khi tôi bước chân vào nghệ thuật, tôi không có suy nghĩ rằng nghệ thuật sẽ cho tôi cái gì. Tôi vẫn còn nhớ khi mới 9 tuổi, hằng ngày đi bộ đến sinh hoạt tại lớp kịch nói ở Cung Thiếu nhi Hà Nội, tôi đã cảm nhận trong mình có niềm đam mê nghệ thuật. Lớp kịch nói không có gương xung quanh tường như lớp múa nên vào giờ giải lao, tôi thường chạy sang lớp múa đứng trước gương giả vờ khi lớn lên mình sẽ là một ngôi sao, tập nói cảm ơn trước khán giả, tưởng tượng lúc nhận giải thưởng sẽ phát biểu như thế nào… và đến tận bây giờ khi nhận được các giải thưởng danh giá thì tôi nghĩ điều đó đã trở thành hiện thực.
Còn với những bạn trẻ hiện nay, tôi không nói các bạn bước chân vào nghệ thuật là các bạn ấy toan tính nhưng nếu các bạn ấy có toan tính cũng không sao bởi vì đó là tinh thần của thời đại 4.0 bây giờ. Các bạn có quyền lựa chọn cho mình một cái nghề để cho mình phát triển sau này, nhưng nếu trong nghệ thuật mà sự toan tính nó quá lên, cảm xúc từ trái tim không có nữa, cái bản năng không còn trong tâm hồn thì chắc chắn sự toan tính đó sẽ là 'kẻ thù' trong nghệ thuật. Cho nên tôi tin rằng người thành công trong nghệ thuật không phải là người toan tính!
Được biết mới đây anh đã cho ra mắt BST Dệt nắng Đông trong màn "chào sân" tại Tuần lễ thời trang Quốc tế Việt Nam Thu Đông 2022 - Vietnam International Fashion Week. Vậy nguồn cảm hứng nào khiến anh cho ra mắt BST Dệt nắng Đông? Anh có thể tiết lộ ý nghĩa của BST này được không?
Tôi là người nghệ sĩ, tôi yêu tất cả những gì mang tính dân gian ở trong đó. Bất kể những gì thuộc về xưa cũ của ông cha ta để lại, tôi luôn là người nâng niu. Nếu như có cơ hội tôi sẽ đưa chất liệu của các cụ đem đến khán giả nói chung và đặc biệt là khán giả trẻ nói riêng.
Khi tôi bị chinh phục bởi những nghề dân gian của các nghệ nhân như thêu, đan, làm mây tre,... thì theo tôi nghề chần bông cũng là một trong những di sản, không chỉ riêng chúng ta mà ngay cả các bạn bè quốc tế cũng vô cùng yêu thích nó. Xuất phát từ sự tinh tế của các nghệ nhân, sự lao tâm khổ tứ của các nhân vật trong câu chuyện mà tôi chuẩn bị thì tôi quyết định đưa áo chần bông đến gần với khán giả Việt Nam cũng như khán giả quốc tế.
BST Dệt nắng Đông mang đậm tinh thần #TasteOfHeritage (Cảm hứng di sản) được bắt nguồn từ hình ảnh những tia nắng. Khi tôi nhìn một vệt nắng và chợt nảy ra ý nghĩ một vệt nắng có thể dư thừa trong mùa hè nhưng đối với mùa đông thì rất hiếm. Cái nắng mùa đông rất hiếm hoi mà nhẹ nhàng vô cùng, không gắt như mùa hè. Mỗi một tia nắng chiếu xuống tôi cảm giác như một vị nữ thần xuất hiện, nó sưởi ấm cho cái mùa đông giá lạnh.
Từng màu sắc của chỉ thêu được lựa chọn tỉ mỉ tới mức hòa quyện vào nhau. Chính vì thế mà không chỉ ứng dụng kỹ thuật chần bông cho các trang phục, tôi còn tận dụng để sáng tạo nên những chiếc túi xách, khăn rằn, áo khoác… đậm tính truyền thống nhưng vẫn mang hơi thở của thời đại. Bên cạnh sử dụng những họa tiết quen thuộc, tôi còn khai thác triệt để họa tiết kết cườm, tạo nên hiệu ứng giọt sương đọng trên nền vải đầy sáng tạo. Và tất cả đã phá tan định kiến những trang phục "lỗi mốt" trở thành món đồ thời trang chất - lạ - đậm dấu ấn truyền thống.
Trong sự nghiệp làm nghệ thuật của anh, đâu là dấu mốc, là bước ngoặt quan trọng nhất, thưa anh?
Dấu mốc quan trọng nhất của tôi chính là năm 2012, tôi được vinh dự khi là NTK duy nhất của Việt Nam được phong danh hiệu NSƯT với những đóng góp cho ngành múa rối trên cương vị Trưởng đoàn phụ trách diễn viên của Nhà hát múa rối Thăng Long.
Còn về bước ngoặt quan trọng nhất trong thời trang đó là tại Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tôi đã được thể hiện tình yêu với Thủ đô văn hiến bằng bộ sưu tập "Đất rồng thiêng" với 500 mẫu thiết kế áo dài ấn tượng ở cầu Thê Húc - Đền Ngọc Sơn. Đó là 2 cột mốc đáng nhớ nhất trong cuộc đời và tôi cảm thấy thật sự may mắn và vinh dự khi được đón nhận những điều này!
Để có được bước tiến và chỗ đứng nhất định trong sự nghiệp hôm nay, anh thấy mình đã phải "đánh đổi" điều gì trên chặng đường đã đi?
Tôi thấy mình không phải người toan tính trong việc lựa chọn cũng như không phải người tính toán là mình thành công như thế này bởi vì bản thân đã mất một cái gì đó. Nếu nói mất thì mất rất nhiều, thường thì nói trong cuộc đời này tôi vẫn hay tự nhủ bản thân rằng: "Khi anh khao khát đạt được một điều gì mong muốn thì đồng nghĩa anh phải chấp nhận mất đi một giá trị khác tương tự". Bạn hãy nhìn vào thành công của tôi đi, bạn sẽ nhìn ra ngay tôi mất cái gì, chắc chắn sẽ là như vậy! Còn để tôi nói tôi mất cái gì thì có lẽ là không đếm xuể, bởi vì nó quá nhiều!
Không chỉ riêng tôi mà bất kỳ ai cũng vậy, tôi thích sự nhìn nhận, góc nhìn của những người thành công nhìn vào người thành công, vì những người thành công họ cảm nhận được họ đớn đau trong khi họ thất bại như thế nào thì họ sẽ ngưỡng mộ về những người thành công hơn họ. Tôi tin chắc là như thế! Tôi ngưỡng mộ những người thành công hơn tôi và tôi chia sẻ những người không thành công bằng tôi!
Trong những đồng nghiệp song hành cùng anh trên con đường sáng tạo của nghệ thuật, anh có ấn tượng nhất với gương mặt nào?
Khen thì dễ lắm, mà chê còn dễ hơn, bởi vì thật ra thì cũng chỉ là quan điểm cá nhân của từng người. Đối với tôi thì có vô vàn những tên tuổi mà tôi ngưỡng mộ, như nhạc sĩ Thanh Tùng, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn,... Đó là những gương mặt có sức ảnh hưởng mãnh liệt đến âm nhạc nước nhà mà tôi vô cùng ấn tượng.
Thế còn các gương mặt trẻ thì sao? Anh tin cậy và hy vọng vào ai?
Còn các bạn trẻ hiện nay thì tôi nghĩ cần phải có sự bình tĩnh, bình tĩnh với mọi thứ. Thời gian sẽ trả lời tất cả, tôi tin chắc là như vậy!
Quả thật, cái tên NTK Đức Hùng chưa khi nào dính dáng đến một vụ scandal "nhái" nào. Nhắc đến Đức Hùng, mọi người thường nghĩ ngay đến áo dài, mặc dù anh mới làm áo dài từ năm 2007 tới nay. Theo anh thì vì sao lại thế? Và nếu để anh tự nhận xét, anh thấy đâu mới là thế mạnh của mình?
Khi mọi người nhắc đến tôi chắc chắn sẽ nghĩ ngay đến áo dài nhưng thật ra thế mạnh của tôi nhiều lắm bởi tôi luôn đặt cho bản thân câu nói "Khi anh sáng tạo một cái gì đó thì anh phải biết chuyên sâu về nó, phải hiểu về nó chắc chắn sẽ làm anh có mạch cảm xúc và có những sản phẩm gửi đến công chúng nhiều hơn". Đó là lợi thế cũng như may mắn của tôi.
Bản thân tôi là người yêu nghệ thuật, không có sự đều đều mà phải có sự sáng tạo kể cả các vai diễn của tôi trên sóng truyền hình cũng vậy.
Trong nghệ thuật cũng phải có cái duyên, ai cũng muốn thử với sức của mình, các bạn trẻ cũng vậy thôi nhưng tôi thấy bản thân khi làm bất cứ việc gì, tôi luôn ý thức được đó là một nghề tay trái. Bởi sân chơi chính của tôi đó là múa rối nước và thời trang.
Cho nên khi tôi tham gia vào bất cứ lĩnh vực nào tôi luôn ý thức rất rõ tôi vô cùng bé nhỏ giữa thế giới rộng lớn của những con người đấy. Mặc dù có rất nhiều người khen và động viên, nhưng tôi luôn cho bản thân đứng sau tất cả những cái đó, bởi vì nó là phần tay trái của mình. Hãy để cho những người thuộc nghề tay phải họ thể hiện điều đó rõ hơn tôi.
Dường như NTK Đức Hùng rất ít khi bật mí về gia đình nhỏ của mình, anh có thể chia sẻ đôi chút được chứ?
Tôi nghĩ hai chữ "gia đình" đúng tính chất vốn là gia đình, hãy để cho hai chữ đó thuộc về nơi vốn có của nó, không thuộc về cộng đồng hay xã hội. Tôi muốn những đứa con của tôi được sống và làm việc như những người bình thường, không để cho các bạn gặp phải sự nặng nề hay áp lực vì là con của người nổi tiếng trong giới nghệ thuật.
Đôi khi các bạn nhỏ của tôi cũng ý thức được rằng sự thành công của ai thì người đó tỏa sáng, không phải tựa vào thành công của bố mẹ để rồi làm nền tảng cho thành công của mình.
Gia đình tôi vốn là gia đình truyền thống của đất Hà Thành nên các con tôi cũng thừa hưởng tính cách của tôi rất nhiều, đó là sự tự chủ và độc lập. Các bạn ấy không muốn phiền đến cha mẹ về bất cứ công việc nào cho nên tôi vui khi các con có được những thành công nhất định trên con đường mà các bạn đã lựa chọn. Đó cũng là định hướng và mơ ước của gia đình tôi!
Tôi cũng bật mí đôi chút hai bạn nhỏ Ki và Bông nhà tôi là người tiếp nối con đường sự nghiệp của tôi rất nhiều. Trong Collection vừa rồi, chính hai cô con gái của tôi đã trực tiếp đứng ra để làm việc, một bạn làm việc về chuyên môn, một bạn làm việc về hình ảnh và nội dung. Hôm diễn ra đêm khai mạc của Tuần lễ thời trang Quốc tế Việt Nam Thu Đông 2022 - Vietnam International Fashion Week, hai bạn nhỏ thật sự là cánh tay phải đắc lực của tôi cùng dàn người mẫu trong hậu trường, đó chính là tiếp nối mà tôi vô cùng tự hào!
Anh có dự định hay ước mong nào muốn thực hiện trong những ngày cuối năm này không?
Tôi cũng muốn tiết lộ đôi chút là tôi đang dần khởi động cho Táo quân kỷ niệm 20 năm, và tôi rất hào hứng về dự án này.
Là một người gặt hái được nhiều thành công trong lĩnh vực nghệ thuật, để chia sẻ một vài lời khuyên, một vài điều gì đó đến với các bạn trẻ, anh sẽ nói những gì?
Tôi nghĩ các bạn trẻ phải có ước mơ, hoài bão và khát khao để đạt được đến điều mình mong đợi. Và muốn đạt đến điều mình ước mơ thì phải biết hy sinh.
Mỗi ngày cố gắng hơn một chút, là phiên bản tốt hơn ngày hôm qua. Đừng để những rắc rối ảnh hưởng đến con người bạn, chúng không định nghĩa bạn là ai. Hãy luôn cố gắng hết mình bởi cuộc sống này là của bạn và không phải của ai khác.
Xin cảm ơn những chia sẻ của NTK Đức Hùng!