Ở tuyến đầu, các y, bác sĩ Vũ Hán nói riêng và cả Hồ Bắc nói chung đang phải đánh đổi sức khỏe, thậm chí cả mạng sống của mình để giúp đỡ các bệnh nhân. Những khuôn mặt in hằn vết khẩu trang, những đôi bàn tay nứt nẻ vì sử dụng quá nhiều nước sát khuẩn từng khiến cả thế giới sững sờ khi hiểu được nỗi vất vả của những người ở tuyến đầu chống dịch corona.
Tuy nhiên, họ không đơn độc. Các y, bác sĩ là những người được nhân dân Hồ Bắc chăm sóc hết lòng nhất. Mọi thứ tốt nhất trong khả năng đều được dành cho các y, bác sĩ trong tình cảnh hơn 60 triệu người đang phải sống trong cảnh cô lập, gần như hoàn toàn với thế giới bên ngoài.
Đằng sau nỗ lực của đội ngũ y tế Hồ Bắc, còn những người khác chấp nhận cống hiến một cách thầm lặng hơn. Họ, vốn chẳng được nhiều người biết đến ở tỉnh 60 triệu dân này, nhưng lại đang giúp nơi đây tiếp tục hoạt động, chống lại dịch bệnh nguy hiểm.
Vương Lệ là một người như thế. Cô gái 9X người Tứ Xuyên này tới làm việc tại Vũ Hán đã được 2 năm. Khi dịch COVID-19 bùng phát, Vương không về quê mà đăng ký trở thành tình nguyện viên hỗ trợ "chiến dịch" chống corona tại Vũ Hán. Cô phụ trách đi giao hàng và đưa đón các bệnh nhân bệnh mãn tính đến bệnh viện.
Từ ngày 26/1, trừ những xe được cấp phép đặc biệt, tất cả xe cộ ở Vũ Hán dừng hoạt động. Toàn bộ xe cộ lưu thông trên đường đều do một trung tâm của thành phố điều phối, các khu dân cư có nhu cầu đăng ký lên và được điều động xe tới đón người dân. Vương Lợi là một trong 100 tình nguyện viên đăng ký đợt đầu trong tổng số hơn 1.500 xe được huy động của đội xe đó.
Vương Lệ là người vùng Miên Trúc, Tứ Xuyên, nơi trực tiếp bị ảnh hưởng bởi trận động đất lịch sử năm 2008. Thoát chết trong gang tấc, Vương hiểu hơn ai hết tầm quan trọng của những hoạt động hỗ trợ trong thảm họa.
"Khi đó, vì động đất nên không có xe đi lại, tôi và mẹ phải đi bộ gần 10 km để về trường cũ. Chính vì thế, tôi hiểu được tình cảnh khó khăn thời bệnh dịch. Nhiều người sẽ cần ra ngoài, và cần sự giúp đỡ", Vương nói và chia sẻ về ký ức của bản thân về những sự giúp đỡ quý báu khi quê nhà cô bị tàn phá bởi động đất.
Vương cũng cho biết số lượng xe tình nguyện ngày càng đông, từ 100 xe ban đầu giờ đã lên đến 1.500 xe, ngoài đưa đón các bệnh nhân bệnh mãn tính, còn đưa đón các y bác sĩ trực tiếp chống dịch tại các bệnh viện tuyến đầu.
Vương An, một tình nguyện viên khác. Vũ Hán trở thành "thành phố ma" là điều anh chưa từng bắt gặp trong suốt quãng thời gian làm nghề lái taxi của mình. Khi toàn bộ hệ thống giao thông công cộng dừng hoạt động, Vương là một trong các tình nguyện viên dùng xe riêng của mình để chở các nhân viên y tế tới bệnh viện.
Hình ảnh những người trên tuyến đầu chống dịch có giây phút đoàn tụ ngắn ngủi với gia đình có lẽ là điều không bao giờ Vương An có thể quên.
"Tôi chở một nữ y tá về nhà. Cô ấy không dám vào nhà mà đứng nói chuyện với bố mẹ ở hành lang vì sợ virus lây sang họ. Tôi vốn rất hiếm khi khóc, nhưng khi chứng kiến cảnh này tôi đã rơi lệ. Trong tháng qua, tôi đã rơi nước mắt hơn 10 lần", Vương chia sẻ.
Những người như Vương Lệ và Vương An đang ngày một nhiều hơn. Khác với nỗi lo cơm áo gạo tiền trong mỗi lần ra đường trước đó, bây giờ, họ chỉ mong Vũ Hán hết dịch. Dù nhiều gia đình đã mất đi người thân vì virus nhưng tương lai sẽ trở nên tương sáng hơn, nhất là khi trong tương lai đó không còn sự hiện diện của corona.
Hôm 23/1, tức ngày 29 Tết âm lịch, Vũ Hán ban bố lệnh phong tỏa thành phố để ngăn virus lây lan. Là đô thị với 11 triệu dân, ban hành lệnh cấm khiến "nội bất xuất, ngoại bất nhập" là một quyết định rất lớn. Điều này cũng gây ra áp lực khủng khiếp lên hệ thống cung ứng của thành phố, nơi nhu cầu tăng đột biến trong khi nguồn cung bị giới hạn.
Tuy nhiên, khủng hoảng nhân đạo đã không được phép xảy ra. Tống Hoa, người gốc Sơn Đông, là phó giám đốc một công ty vận tải ở Thượng Hải. Thường ngày, doanh nghiệp này chịu trách nhiệm vận chuyển hàng hóa đi Vũ Hán. Lần đầu trở về quê ăn tết sau hơn 20 năm, Tống Hoa tức tốc quay lại Thượng Hải ngay sáng mùng 1 cùng 2 lái xe chở hàng thuốc men và các vật tư khác đến Vũ Hán.
Mỗi ngày chỉ kịp ăn uống qua loa và tìm được nơi nào ngủ nơi đó, Tống Hoa thường xuyên ra vào các bệnh viện được chỉ định để cung cấp hàng hóa. "Chỉ cần cùng mọi người gánh vai chống dịch, mọi việc tôi làm đều đáng giá. Chỉ cần bệnh dịch chưa dứt, tôi còn chưa về", Tống Hoa chia sẻ về quyết tâm sát cánh cùng Vũ Hán.
Quyết định ngược dòng vào vùng dịch của Tống Hoa khiến vợ anh đứng ngồi không yên. Tuy nhiên, quyết tâm giúp đỡ những người gặp hoạn nạn cũng như lương tâm của một người làm nghề vận tải đã khiến vợ Tống Hoa phải gật đầu đồng ý dù trong thâm tâm, chị chưa một chút được yên lòng.
Khác với Tống Hoa, Wu Qiang, 32 tuổi, sống ở Vũ Hán đã hơn 10 năm nay. Là giám đốc chi nhánh của một nhà bán lẻ trực tuyến, Wu phải có mặt từ rất sớm để kiểm tra thân nhiệt các nhân viên để họ có thể chuyển hàng nhanh nhất có thể tới những gia đình đang bị phong tỏa.
"Những ngày này, chúng tôi làm việc không cố định thời gian. Chỉ khi nào không thể cố được nữa, chúng tôi mới nghỉ. Từ tết đến giờ luôn là vậy. Có quá nhiều đơn hàng cần được giao và cùng với đó là rất nhiều người cần chúng tôi", anh Wu chia sẻ.
Dịch bệnh khiến những nhân viên giao hàng phải làm việc gấp đôi so với thường ngày. Trước dịch, mỗi nhà chỉ mua 2 bao gạo mỗi tháng thì nay tăng lên 6. Dầu ăn, gạo, sữa công thức, khẩu trang, mì gói và các loại nhu yếu phẩm khác cũng đắt hàng bởi những mặt hàng này đã hết sạch ở các siêu thị truyền thống.
Tuy nhiên, họ cũng có những quy tắc riêng trong việc giao hàng để hạn chế tới mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm. Với các khu dân cư bị phong tỏa, hàng sẽ được để ở đầu ngõ và khách ra lấy. Khi giao hàng, khoảng cách an toàn là 5m. Hàng được đặt xuống và khách chỉ có thể đến nhận hàng khi có tín hiệu.
Cô Xu Yanhong, 47 tuổi, là một ví dụ khác. Không đi giao hàng nhưng việc kinh doanh khẩu trang và nước khử trùng khiến bà không thể ngồi yên trong nhà nhất là khi dịch bệnh hoành hành ở Vũ Hán. Bất chấp sự cản trở của chồng con, cô Xu vẫn tới cửa hàng làm việc.
"Tôi bảo với chồng con rằng nghề của tôi rất khác. Nếu tôi không làm việc thì sao mọi người có khẩu trang và nước khử trùng để chống dịch. Tôi không thể chỉ nghĩ cho mình. Các y bác sĩ đang làm việc cực khổ và nguy hiểm hơn tôi rất nhiều hàng ngày", cô Xu chia sẻ.
Những ngày này trên đường phố vắng lặng của Vũ Hán, trừ những chiếc xe chở bệnh nhân đến bệnh viện, xe chở hàng hóa nhu yếu phẩm, cũng còn một loại xe được người sử dụng mạng xã hội ở Trung Quốc mệnh danh là "những chuyến xe cafe ấm áp nhất", mang cafe đến tiếp sức cho các y bác sĩ đang chiến đấu với dịch COVID-19.
Đây là xe chở cafe của chuỗi cửa hàng có tên Wakanda, mỗi cốc cafe đồng giá 15 Nhân dân tệ (50.000 đồng), có 7 cửa hàng trên toàn thành phố Vũ Hán. Cửa hàng ở phố Quang Cốc nằm gần bệnh viện tỉnh Hồ Bắc, các bác sĩ vốn là khách hàng quen thuộc ở đây. Điền Á Trân, cô chủ cửa hàng 9X khá thân quen với các bác sĩ.
Ngày 24/1, Điền post một status lên mạng xã hội nói rằng cửa hàng tại Quang Cốc sẽ tặng cafe cho các bác sĩ, mời những người tình nguyện đến hỗ trợ. Sau đó, 7 nhân viên trong chuỗi cửa hàng đăng ký tình nguyện, trong đó có 1 nhân viên người Iran. Ngày 26/1, Đại sứ quán Iran tại Trung Quốc nói sẵn sàng đưa anh này về nước, bạn bè người Trung Quốc cũng khuyên chàng trai về Iran nhưng anh quyết định ở lại Vũ Hán cùng mọi người.
Từ ngày 25/1, tức mùng 1 Tết Nguyên đán, 7 con người chia nhau hai ca sáng tối, mỗi ngày pha 500 cốc cafe đem đến cho các nhân viên y tế. Mọi người đeo khẩu trang, găng tay, sau khi sát trùng toàn bộ quán, sát trùng đồ dùng, thiết bị, họ bắt tay vào pha cafe.
Bình thường mỗi ngày các nhân viên sử dụng nước sôi 60 độ, đợt này lo sợ cafe chóng nguội, họ dùng nước 80 độ để qua quãng đường dài, khi cốc cafe đến tay các bác sĩ vẫn còn ấm nóng. Cafe sẽ được đưa đến Bệnh viện tỉnh Hồ Bắc, Bệnh viện Nhân dân số 3 Vũ Hán, Bệnh viện Trung Y Hoa Sơn Viên.... Trên mỗi cốc cafe còn viết những lời cổ vũ, động viên, chúc sức khỏe các bác sĩ đang chống dịch: "Các bác sĩ vất vả rồi", "Cảm ơn bác sĩ", "Bác sĩ cố lên".
Nếu không có khách hàng và thu nhập, kinh phí của quán chỉ có thể trụ được 2 tháng. Đến ngày 9/2, ngày thứ 15 tặng cafe cho các bác sĩ, một tài khoản Wechat khác chia sẻ việc làm của cửa hàng khiến cho người sử dụng mạng xã hội cả nước biết đến "quán cafe ấm áp" này.
Hơn 100.000 lượt đọc bài viết, cộng đồng mạng nhanh chóng tiếp sức cho quán cafe, đặt hàng từ khắp mọi nơi nhưng ghi địa chỉ nhận là các bác sĩ ở Vũ Hán. "Cốc cafe ấm lòng nhất" ở Vũ Hán ra đời như vậy. Đến ngày 10/2, đã có 17.000 đơn hàng và 1,63 triệu Nhân dân tệ (khoảng 5,3 tỷ đồng) được gửi đến, khiến cửa hàng có thể tiếp tục giao cafe cho bác sĩ trong thành phố.
"Đây là điều chúng tôi hoàn toàn không ngờ đến", Lý Phi, quản lý của chuỗi quán cafe Wakanda, nói. Anh cho biết khi đơn hàng đầu tiên và thứ 2 được đặt, họ còn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra vì thành phố đóng cửa, ai ai cũng ở trong nhà và rất ít khách gọi cafe, cửa hàng mở cửa chỉ để tặng cafe cho bác sĩ . Đến khi số tiền và đơn hàng chuyển đến ngày càng nhiều họ mới hiểu ra đó là tiền quyên góp, để cửa hàng giao cafe cho bác sĩ.
"Lúc đó chúng tôi vô cùng cảm kích và xúc động", Lý nói.
"Thực ra cafe không phải là nhu yếu phẩm bắt buộc phải có. Tuy nhiên, vào lúc này, các bác sĩ làm việc với cường độ cao lại rất cần cafe, những cốc cafe này không chỉ làm ấm nóng dạ dày của các bác sĩ mà còn làm ấm trái tim họ trong những ngày làm việc mệt nhọc", một người sử dụng mạng xã hội viết.
"Lần đầu tiên tôi đặt hàng ở một thành phố khác, không phải cho mình, lần đầu tiên tham gia vào cộng đồng đặt hàng tình nguyện với mọi người cũng là lần đầu tiên tôi được trải qua cảm giác ấm lòng như vậy", một người khác chia sẻ.
Điền Á Trân cho biết mỗi ngày cô đều công bố số tiền nhận được và tên người quyên góp. Trừ số tiền mua nguyên liệu để pha cafe tặng các bác sĩ, toàn bộ số tiền còn lại được dành để ủng hộ cho các nhân viên y tế đang làm việc ở tuyến đầu chống dịch.
Những người hùng vô danh nơi tâm dịch Vũ Hán