Năm 1963, tôi là một trong những sinh viên Việt Nam được cử sang Triều Tiên học khoa Cơ khí, Đại học Bách khoa, trực thuộc Đại học Bình Nhưỡng. Tôi cũng là sinh viên Việt Nam duy nhất theo học chuyên ngành này.
Thời điểm đó, kinh tế Triều Tiên còn ổn định chứ không khó khăn như bây giờ. Có rất nhiều du học sinh đến từ các nước XHCN sang Bình Nhưỡng học tập. Bao giờ sinh viên Việt Nam cũng được ưu tiên ở trong những khu KTX đẹp nhất của trường Đại học Bình Nhưỡng. Mỗi phòng trong khu học xá thường có hai sinh viên. Để tạo diều kiện cho chúng tôi học tiếng Triều Tiên, chính phủ thường bố trí cho chúng tôi ở chung với sinh viên Triều Tiên. Chúng tôi ăn cùng, ngủ cùng, học cùng. Và bạn cùng phòng của tôi luôn là người chỉ dạy cho tôi về ngôn ngữ và văn hoá Triều Tiên, giúp tiếng Triều Tiên của tôi khá lên mỗi ngày.
Năm 1992, khi tôi trở thành Đại sứ Việt nam tại Triều Tiên, thì cậu bạn cùng phòng của tôi thời đại học đã trở thành Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ của Triều Tiên. Chúng tôi gặp lại nhau, và vẫn là những người bạn thân thiết như thời Đại học trong suốt nhiệm kỳ đại sứ của tôi, bất kể có những thời điểm quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Triều Tiên có lúc lên lúc xuống; bất kể việc giao tiếp giữa người nước ngoài và người dân sở tại, khiến cho chúng tôi không phải lúc nào cũng có thể gặp nhau.
Những bức ảnh tư liệu trong nhiệm kỳ làm Đại sứ tại Triều Tiên trong album cá nhân của Đại sứ Dương Chính Thức.
Tôi luôn có một tình cảm với đất nước Triều Tiên. Nếu như Việt Nam là quê hương của tôi, là đất nước của tôi, thì Triều Tiên là nơi tôi đã sống gần như trọn vẹn tuổi trẻ và quãng đời công tác của mình. Tôi mang nợ với đất nước và nhân dân Triều Tiên. Và đương nhiên, tôi yêu đất nước đó bằng cả trái tim mình, dù bất kể lý do gì, dù quan hệ giữa Việt Nam với Triều Tiên có những giai đoạn rất căng thẳng, thì tình cảm cá nhân của tôi vẫn không thay đổi.
Tôi nhớ những năm tôi ở KTX, du học sinh Việt Nam thường hay được Chủ tịch Kim Nhật Thành đến thăm. Chủ tịch Kim Nhật Thành thường hỏi han về đời sống của chúng tôi, hỏi thăm về cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam.
Nhân dân Triều Tiên là những người rất hiền hoà, tử tế và mến khách.
Mỗi mùa hè, tôi thường đi về các xí nghiệp ở các địa phương để thực tập.
Là sinh viên Việt Nam duy nhất theo học ngành cơ khí, nên những chuyến thực tập của tôi cũng chỉ có mình tôi là người Việt Nam.
Bức ảnh chụp tại khu nhà ở tại quê nhà ông Kim Nhật Thành
Ông Thức cùng đoàn cán bộ cấp cao quân đội nhân dân VN trong chuyến thăm Triều Tiên
Khi đó tôi còn rất trẻ, mới 18-20 tuổi, lại là du học sinh xa nhà. Họ biết tôi chỉ có một mình, phải sống xa gia đình, nên bao giờ cũng dành cho tôi chỗ ở tử tế, sạch sẽ nhất. Đồ ăn cũng cho tôi đồ ăn ngon nhất. Rồi kiên trì, tận tình hướng dẫn tôi trong suốt quá trình thực tập.
Vào cuối mỗi vụ thu hoạch, tôi hay được người nông dân Triều Tiên mang cho một ít rau củ tươi ngon nhất. Đấy là những món quà quý giá vào thời điểm ấy. Vì Triều Tiên là nền kinh tế bao cấp, tem phiếu, nên kinh tế hộ gia đỉnh rất kém phát triển. Người nước ngoài như chúng tôi hầu như không có cơ hội mua được những thực phẩm tươi ngon như thế trực tiếp từ người dân.
Xuất phát điểm là dân kỹ thuật, nên tôi chưa bao giờ nghĩ rằng rồi mình sẽ trở theo nghiệp ngoại giao.
Nhưng năm 1970, khi tôi còn đang làm luận văn tốt nghiệp thì tôi bất ngờ nhận được chỉ thị từ Việt Nam: Tôi sẽ hoàn thành luận văn tốt nghiệp, nhưng khi ra trường, tổ chức sẽ phân công tôi về Bộ Ngoại giao công tác.
Vì lợi thế của tôi là rất thông thạo tiếng nói và văn hoá Triều Tiên, nên tôi là cán bộ ngoại giao được phân công chuyên về khu vực Đông Bắc Á. Các nhiệm kì đi sứ, tôi cũng chỉ làm nhiệm vụ ở Đại sứ quán ta tại Triều Tiên và Hàn Quốc, trong đó nhiều nhất là Triều Tiên.
Cả quãng đời hoạt động ngoại giao của mình, tôi có 3 nhiệm kì ở Triều Tiên. Hai nhiệm kì đầu (nhiệm kì thứ nhất từ 1975 -1979; nhiệm kì thứ 2 từ 1984-1988) tôi là nhân viên sứ quán Việt Nam tại Bình Nhưỡng. Đến năm 1992, lần đi sứ thứ 3, tôi chính thức trở thành Đại sứ Việt Nam ở Triều Tiên, nhiệm kỳ 1992-1996.
Nên tính cả thời gian học tập và làm việc, tôi sống ở Triều Tiên gần 20 năm tròn, có lẽ là nhiều hơn bất cứ nhân viên ngoại giao nào ở Bình Nhưỡng.
Bây giờ thì mọi người biết về Triều Tiên như một quốc gia với những nhà lãnh đạo thách thức cả thế giới để phát triển vũ khí hạt nhân, bị cô lập về kinh tế, đời sống người dân vô cùng khó khăn.
Nhưng tôi may mắn đã được chứng kiến một đất nước Triều Tiên vô cùng khác trong quá khứ!
Những năm 1960 đến 1980, nền kinh tế Triều Tiên chưa khó khăn như bây giờ, còn người dân Triều Tiên thì rất chân thật, tình cảm và cởi mở trong giao tiếp với người nước ngoài như chúng tôi.
Người dân Triều Tiên rất yêu kính và tôn sùng lãnh tụ của họ. Họ cũng cần cù, chịu khó và có tính kỷ luật cực kì cao, nên có giai đoạn, Triều Tiên là một nước có ảnh hưởng trong hệ thống XHCN, và thậm chí là có tiếng nói trên thế giới.
Từng có thời điểm, Chủ tịch Kim Nhật Thành nuôi tham vọng sẽ biến Triều Tiên trở thành một cường quốc về kinh tế và dùng cách đó để thống nhất bán đảo Triều Tiên.
Dịp hiếm hoi ông Thức có mặt tại Bàn Môn Điếm, nơi Tổng thống Hàn Quốc cùng Chủ tịch Kim Jung Un mới đây có cuộc gặp thượng đỉnh Liên Triều.
Khác với việc cô lập với thế giới và đồng thời bị thế giới cô lập như bây giờ, thì thời kỳ đó, Triều Tiên vốn dĩ không hề là một quốc gia bí ẩn, thu mình và hằn thù với thế giới như trong suy nghĩ của nhiều người.
Triều Tiên cũng là một quốc gia rất có ảnh hưởng trong Phong trào Không liên kết.
Tôi nhớ Triều Tiên thường xuyên đăng cai tổ chức nhiều hoạt động quốc tế và các hoạt động văn hoá, nghệ thuật ở mình. Ngay cả festival thanh niên thế giới cũng được tổ chức ở Triều Tiên nhiều lần.
Khi đó, Triều Tiên cũng đặt quan hệ ngoại giao với nhiều nước. Số lượng các nước mà Triều Tiên thiết lập quan hệ ngoại giao lúc đó nhiều hơn Việt Nam rất nhiều. Với các nước XHCN, các nước Châu Á, Châu Mỹ - Latinh và Châu Phi, Triều Tiên đều xây dựng được mối quan hệ rất cởi mở.
Họ chỉ thực sự thay đổi và trở nên khép kín sau này, khi hệ thống XHCN sụp đổ ở nhiều nước, Triều Tiên chuyển sang phát triển vũ khí hạt nhân và dần bị bao vây, cô lập!
Nông nghiệp Triều Tiên mỗi năm chỉ có một vụ. Năm nào gặp thiên tai thì coi như cả năm mất mùa. Giao đoạn sau khi XHCN sụp đổ , Triều Tiên trải qua 10 năm thiên tai, mất mùa liên tiếp, khó khăn chồng chất về lương thực, thực phẩm, nên 90% phải nhờ viện trợ từ Trung Quốc.
Thiên tai hoành hành và không còn sự ủng hộ từ các nước XHCN, hoàn cảnh của Triều Tiên lúc đó rất ngặt nghèo.
Đại sứ đứng trong tập thể đoàn văn công Việt Nam chụp ảnh kỷ niệm chung cùng chủ tịch Kim Nhật Thành, xung quanh là đoàn văn công nhiều nước trên thế giới tham gia lễ kỷ niệm ngày sinh của Kim chủ tịch tại Bình Nhưỡng.
Tôi nghĩ, phần nhiều vì lo sợ hệ thống XHCN đã không còn, lo sợ kinh tế không mạnh thì không có tiếng nói với quốc tế, không bảo vệ được đất nước, không bảo vệ được thể chế mà Triều Tiên quyết phát triển vũ khí hạt nhân bằng mọi giá.
Khi phát triển vũ khí hạt nhân, thì Triều Tiên phải trả giá bằng việc nền kinh tế ngày càng suy kiệt, các nước bao vây, cấm vận. Ngay cả các quốc gia từng có quan hệ tốt với Triều Tiên cũng xa lánh đất nước này. Sau hơn 20 năm, họ trở thành một quốc gia cô lập và đóng cửa với thế giới bên ngoài.
Làm nhân viên ngoại giao rồi làm Đại sứ Việt Nam tại Triều Tiên, tôi chứng kiến và cùng trải qua nhiều thăng trầm với đất nước này. Quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Triều Tiên cũng có những thời điểm căng thẳng đến mức gần như không đối thoại
Hai thời điểm quan hệ Việt Nam - Triều Tiên xấu đi là thời điểm Triều Tiên ủng hộ Trung Quốc trong cuộc Chiến tranh biên giới Tây Nam ở Việt Nam. Năm 1979, Chính phủ ta đã rút Đại sứ về nước, chỉ giữ lại một số nhân viên sứ quán ở Bình Nhưỡng.
Đó là một thời kỳ khốn khổ với cán bộ ngoại giao ở lại. Thậm chí lương thực, thực phẩm chúng tôi cũng thường xuyên phải nhờ vả bạn bè là nhân viên Đại sứ quán các nước khác ở Bình Nhưỡng mua giúp.
Sau khi đã nghỉ hưu, bên cạnh việc theo dõi thời sự qua truyền hình, ông Thức vẫn đặt mua báo hàng ngày, theo dõi thông tin khu vực Đông Bắc Á qua chiếc đài cũ của mình tại góc ban công yên tĩnh.
Năm 1990, khi Việt Nam tiến hành đàm phán với Hàn Quốc để thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, thì quan hệ Việt Nam với Triều Tiên lại một lần nữa gặp thách thức. Lúc đó ông Trưởng ban Tổ chức Trung ương của Triều Tiên đã sang Việt Nam, đề nghị Việt Nam từ bỏ cuộc đàm phán này. Khi Việt Nam từ chối, ông ấy rút ngắn chuyến thăm, ngay lập tức quay trở lại Triều Tiên.
Quan hệ Việt Nam và Triều Tiên chỉ thực sự ấm áp trở lại trong giai đoạn tôi làm Đại sứ. Lúc đó, Đại sứ quán Việt Nam ở Bình Nhưỡng mới thi thoảng đón các đoàn cấp cao sang thăm Triều Tiên, trong đó lãnh đạo cao nhất là Đại tướng Đoàn Khuê (Uỷ viên BCT- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) và Thượng tướng Bùi Thiện Ngộ (Uỷ viên BCT- Bộ trưởng Bộ Nội vụ).
Năm 1994, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã nhận lời mời của Chủ tịch Kim Nhật Thành sang thăm chính thức Triều Tiên, đánh dấu bình thường hoá quan hệ hai nước sau nhiều khúc mắc. Là Đại sứ Việt Nam tại Triều Tiên, tôi có nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan trong nước và Bộ Ngoại giao Triều Tiên để chuẩn bị cho chuyến thăm này. Nhưng đáng tiếc là đúng thời điểm việc sắp xếp cho chuyến thăm chính thức của TBT Đỗ Mười sắp sửa hoàn tất, thì Chủ tịch Kim Nhật Thành đột ngột qua đời. Chuyến thăm vì thế buộc phải huỷ bỏ. Đó là một trong những sự kiện rất đáng tiếc với cuộc đời ngoại giao của tôi.
Những quà tặng, kỷ vật trong những năm ông làm Đại sứ tại Hàn Quốc được ông Thức nâng niu trân trọng bày trong tủ kính tại phòng khách.
Có lẽ Triều Tiên là một trong những quốc gia mà nhân viên sứ quán Việt Nam chịu nhiều vất vả nhất.
Đại sứ quán Việt Nam tại Triều Tiên có khuôn viên rộng gần 2ha, là Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài có diện tích lớn nhất. Nhưng nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại đây có lẽ cũng phải chịu cảnh thiếu thốn lương thực, thực phẩm nhiều nhất.
Khi Triều Tiên bị cấm vận về kinh tế, thì nhân viên các sứ quán đóng ở Bình Nhưỡng cũng phải chịu cảnh không có lương thực, thực phẩm như bao người dân Triều Tiên.
Ở Bình Nhưỡng chỉ có duy nhất một cửa hàng bách hoá bán hàng cho người nước ngoài. Tất cả chúng tôi đều phải mua hàng ở đó và đều phải dùng một đồng tiền riêng, khác với đồng tiền mà người Triều Tiên dùng. Nhưng thực phẩm trong cửa hàng thường xuyên hết, mà có cầm tiền đi ra mấy khu chợ tự phát của người Triều Tiên thì cũng không ai bán cho. Hàng tháng, nhân viên sứ quán chúng tôi phải thay nhau sang Bắc Kinh để mua đồ ăn về dự trữ cho cả sứ quán. Đôi khi chúng tôi phải sang cả Moscow mua những nhu yếu phẩm cần thiết như đường, sữa...
Không chỉ khó khăn về lương thực, thực phẩm, với những người làm ngoại giao như chúng tôi, còn một khó khăn khác. Vì thực tế là làm ngoại giao ở Bình Nhưỡng trong giai đoạn đó rất nhàm chán, không có cơ hội để phát huy năng lực của mình, vì ví dụ như Việt Nam với Triền Tiên những năm sau này, quan hệ giao thương, hợp tác kinh tế coi như bằng 0. Bởi bản thân Triều Tiên dù rất muốn mua hàng của các nước khác, nhưng lại không có đủ khả năng trả nợ. Nên dần dần những trao đổi thương mại ít dần rồi mất hẳn. Việt Nam cũng từng bán cho Triều Tiên một khối lượng gạo rất lớn đầu những năm 1990. Nhưng đến giờ Triều Tiên không có khả năng trả món nợ đó.
Ngoại giao đoàn ở Bình Nhưỡng rất ít các Đại sứ các nước. Ngoài những nhiệm vụ lễ tân ít ỏi, nhiệm vụ của một Đại sứ là phân tích các thông tin về quốc gia sở tại qua các kênh thông tin, các phương tiện truyền thông, rồi sau đó phải đánh giá thông tin, nhận định về những thay đổi chính sách và thông báo cho chính phủ nước mình.
Chiếc bình gốm là kỷ vật hiếm hoi thời kỳ những năm đầu 1990 ông làm Đại sứ tại Triều Tiên mà ông còn lưu giữ
Nhưng ở Triều Tiên, do báo chí đưa tin khá một chiều, điện thoại di động thì chưa có, internet cũng rất hạn chế, mà việc tiếp xúc với người Triều Tiên để có cái nhìn đa chiều gần như không thể. Nên tôi thường theo dõi rất kỹ các thông tin được đăng tải trên báo chí của Triều Tiên, rồi sau đó tìm gặp các Đại sứ các nước mà tôi có mối quan hệ thân thiết để cùng nhau phân tích, nhận định, tìm hiểu các thông điệp và đánh giá chính sách của Triều Tiên qua những thông tin rất ít ỏi đó. Đó là nhiệm vụ chính của mọi Đại sứ, nhưng ở Triều Tiên, để xoay xở làm tròn nhiệm vụ đó thực sự vô cùng khó khăn.
Dù thế nào, thì tôi vẫn yêu đất nước đó. 22 năm qua tôi không có cơ hội quay lại Triền Tiên. Những bạn bè người Triều Tiên cùng thế hệ với tôi hầu hết đều đã qua đời. Nhưng hàng năm ở Việt Nam, tôi vẫn đến dự mọi buổi lễ kỷ niệm, lễ mít tinh kỷ niệm do Đại sứ quán Triều Tiên ở Hà Nội, vẫn theo dõi, nghiên cứu mọi thông tin về Triều Tiên, vẫn cảm thấy buồn trước mỗi khó khăn mà Triều Tiên gặp phải và vui với mỗi thành công mà nhân dân Triều Tiên đạt được.
Hội nghị Thượng đỉnh Liên Triều, khi Tổng thống Hàn Quốc Mon Jae In nắm tay nhà lãnh đạo Triều Tiên bước qua đường biên giới phân chia hai miền Nam - Bắc Triều, tôi đã lặng người đi một lúc vì xúc động. Cũng như tôi đã từng cảm thấy rất buồn bã khôn tả vào cái ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố huỷ bỏ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều. Để rồi lại khấp khởi hy vọng trong những ngày này khi cuộc gặp lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ Triều sắp sửa diễn ra, với mong ước đây sẽ là một trang mới cho đất nước Triều Tiên nói riêng, cho bán đảo liên Triều nói chung và cho những người bạn Hàn Quốc - Triều Tiên của tôi, những người đã luôn mong chờ ngày thống nhất trên bán đảo này.