Đôi mắt lão nông Nguyễn Văn Giàu (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) rực sáng khi nhắc về quá khứ một thời của bãi bồi – nơi trong ký ức của ông luôn lấp lánh ánh đèn không khác gì thành phố mỗi đêm.
Thật ra, ông Giàu không phải là dân bản xứ. Từ chiến trường Campuchia trở về, ông lưu lạc đến Đất Mũi vào năm 1978, rồi bị sự hào sảng của vùng đất và con người nơi đây giữ chân đến tận bây giờ. Ông kể ngày đó, tôm cá không cần phải thả nuôi hay cho ăn gì hết, mà năm nào, thu nhập cũng có dư để sắm 5-7 cây vàng. Cũng những vuông tôm ấy, bây giờ, người dân phải thả thêm tôm giống nhưng năng suất thấp hơn nhiều.
Cách nhà ông Giàu khoảng 30 phút di chuyển bằng vỏ lãi là khu vực bãi bồi Mũi Cà Mau – nơi tiếp giáp giữa rừng và biển. Các số liệu đo đạc cho thấy, mỗi năm, bãi bồi lấn về phía biển thêm hàng trăm mét góp phần mở rộng biên giới quốc gia. Mỗi khi thủy triều rút xuống làm lộ ra bãi bồi rộng thênh thang hàng nghìn ha. Bùn nhão pha với cát tạo thành màu đen lấp lánh ánh bạc dưới cái nắng vùng ngập mặn.
Nổi bật giữa khung cảnh ấy là dãy hàng rào bằng cừ tràm vừa được dựng lên. Trên đó có gắn một tấm bảng bằng xi măng chắc chắn "Cánh rừng Net Zero Vinamilk Đất Mũi Cà Mau". Khác với phần còn lại của bãi bồi, bên trong hàng rào lấm tấm những mầm xanh mọc lên. Xung quanh đó, vô số cá thòi lòi, cua, ba khía… đang nhỡn nha đi lại. Thấy động, chúng kéo nhau chạy thành đàn rồi lặn hút vào những chiếc hang nhỏ xíu.
Nhìn về khu vực hàng rào, ông Đỗ Văn Đồng – Phó giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau – lý giải, phải mất nhiều năm bồi tụ, bãi bồi mới đủ ổn định để cây cối có thể sinh trưởng. Xuất hiện đầu tiên ở những "vùng đất mới" là cây mắm với hệ rễ đặc biệt – vươn thẳng lên trời như những lớp hàng rào bảo vệ gốc cây trước sóng gió. Khi cây mắm đã đạt được tỷ lệ lấp đầy nhất định, những "cư dân" tiếp theo như đước, sú, vẹt… mới "tiếp bước" hình thành hệ sinh thái rừng ngập mặn, là nơi cư ngụ và sinh sản bền vững cho các loài thủy – hải sản.
Nhưng giai đoạn đầu của quá trình này khá thách thức – những hạt mắm giống rụng xuống nước có thể bị sóng cuốn trôi, không thể nảy mầm ở khu vực phù hợp hoặc bị giẫm đạp trước hoạt động khai thác thủy – hải sản của con người. Từ tháng 8 năm nay, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau đã phối hợp với Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) và Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia thực hiện dự án Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 25ha rừng ngập mặn tại khu vực lõi của vườn. Hoạt động chính của dự án là dựng hàng rào mềm, bảo vệ khu vực khoanh nuôi và dựng các bảng cảnh báo ngư dân, tàu thuyền qua lại. Nhờ đó, hạt mắm con sẽ được giữ lại và nảy mầm, cũng như tránh được các hoạt động xâm hại từ con người.
Theo lộ trình này, bên cạnh việc kiểm soát và cắt giảm phát thải, "ông lớn" ngành sữa còn tích cực tham gia các hoạt động trồng rừng, tạo thành những bể chứa carbon. Trong năm nay, Vinamilk đã hợp tác với Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai dự án trồng cây với ngân sách 15 tỷ. Cánh rừng Net Zero Vinamilk Đất Mũi Cà Mau với ngân sách 4 tỷ đồng cũng cùng mục tiêu trên.
"Rừng ngập mặn có khả năng hấp thụ carbon cao gấp 4 lần so với rừng nhiệt đới và có khả năng lưu giữ trong hơn 5.000 năm. Đó là lý do vì sao Vinamilk chọn Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau triển khai dự án này.
Điều đặc biệt khác của Cánh rừng Net Zero Vinamilk là có sự chung tay của chính lãnh đạo và nhân viên công ty. Hồi giữa tháng 8, đoàn gần 60 thành viên Vinamilk đã trực tiếp lội bùn, dựng hơn 800m đầu tiên trong hơn 2.345m hàng rào khoanh nuôi của toàn dự án. Và điều này đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ với người dân Đất Mũi, cũng như truyền cho họ cảm hứng chung tay cùng bảo vệ khu khoanh nuôi.
Trở lại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau vào giữa tháng 11, đại diện Vinamilk và Gaia vui mừng nhận thấy, rất nhiều cây con đã xuất hiện sau hơn 2 tháng khoanh nuôi. Nhưng theo bà Đỗ Thị Huyền – Nhà sáng lập kiêm Giám đốc Gaia – những mầm xanh này cần vượt qua mùa gió chướng (khoảng tháng 2 đến tháng 3 năm sau). Đây được xem như cuộc chiến sinh tồn của những cây mắm con giữa bãi bồi trống trải.
"Những năm đầu triển khai khoanh nuôi rừng tại Cà Mau, chúng tôi chỉ tập trung vào việc dựng hàng rào và các biển cảnh báo. Nhưng sau đó, chúng tôi phát hiện rằng các khu vực khoanh nuôi rất hấp dẫn với ngư dân, do nơi có cây con mới mọc thường thu hút rất nhiều tôm cá đến sinh sản. Qua hoạt động khai thác, người dân có thể đè bẹp cây con hoặc làm xáo động môi trường nước, ảnh hưởng đến hệ sinh thái chung", bà Huyền chia sẻ.
Để đảm bảo hiệu quả cho quá trình hình thành Cánh rừng Net Zero Vinamilk trong tương lai, Vinamilk đã phối hợp với Gaia và Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau tổ chức chương trình tập huấn nâng cao năng lực tuần tra và truyền thông bảo vệ rừng cho cán bộ vườn; cùng với đó là tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân xung quanh khu vực khoanh nuôi. Hoạt động dự kiến duy trì trong 2 năm đầu – giai đoạn những cây con còn non nớt và cánh rừng mới hình thành.
Đợt này, Vinamilk cũng tài trợ hàng trăm ấn phẩm truyền thông cũng như hơn 2.400 sản phẩm dinh dưỡng, nước uống cho người dân. Qua những chiếc quạt nan được lồng ghép khéo léo các thông điệp, bà con Đất Mũi có thể dễ dàng ghi nhớ những việc nên làm cũng như những hành vi bị cấm trong tương tác với rừng.
Có mặt tại nhà văn hóa ấp Cái Mòi từ sớm để tham gia buổi truyền thông bảo vệ rừng ngập mặn do Vinamilk đồng hành cùng Gaia và Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau tổ chức, các ngư dân Đất Mũi lần đầu tiên được nghe đến những khái niệm như hiệu ứng nhà kính, hấp thụ carbon, mục tiêu Net Zero... Nhưng ánh mắt ai cũng ngời sáng khi nghe: Rừng được mở rộng thì sản lượng tôm cá sẽ nhiều hơn, tương lai của con em họ sẽ bền vững hơn.
Theo anh Nguyễn Văn Hiền, Trưởng ấp Cái Mòi, hầu hết bà con trong ấp sống bằng nghề khai thác thủy – hải sản với thu nhập bấp bênh. Nhưng do sống gần lâm phần của Vườn quốc gia, nên ai cũng có ý thức về việc bảo vệ rừng."Bà con ở đây học thức không cao nhưng cũng hiểu được rừng bảo vệ mình trước những thay đổi của khí hậu hay mưa bão thất thường. Chính thiên nhiên cũng tạo cho bà con cuộc sống sung túc hơn. Mọi người chỉ vào rừng kiếm con cá, con tôm để sinh nhai thôi, tuyệt đối không chặt phá cây rừng.