Giữa phố phường cuối năm, giữa những tiếng cười và những niềm vui ngày Tết là đôi lời chúc người người gửi trao nhau.
“Chúc ông năm mới phát tài, kinh doanh thành công nha"
“Anh chị năm mới phải làm ăn bằng năm, bằng mười năm ngoái…”
Người ta trao nhau lời chúc nơi văn phòng những ngày cuối năm tất bật, hồ hởi với tiệc Tất niên, quà Tết rồi lại lao đi với những bận rộn khi năm kề tháng cận. Ngoài kia, nơi thị thành đông đúc, nơi hàng triệu người thành phố vẫn đang mưu sinh mong một cái Tết đủ đầy, có những lời chúc nghe sao ứa nước mắt.
“Rồi bao giờ về Tết cụ Sáu ơi,” tiếng cô bán bánh mì khuya gọi với về phía cụ bà bán vé số. Đêm đã dần về khuya, vé số chắc cũng không bán được là bao.
“Có tiền mới về chứ, chứ hổng có về sao cô ơi.”
“Về chứ cụ ơi, Tết Ổn mà, năm nay hông kiếm được năm sau ta làm bù.”
Chẳng mơ biển rộng trời cao, có những con người chỉ mong một cái “Tết Ổn". Như người ta vẫn nói, không có tin gì xui đã là một tin vui, một năm cũ bình an, yên ổn là một cái Tết hạnh phúc. Một câu “Tết Ổn", thấy bỗng nhẹ lòng.
Đường từ Sài Gòn về Cần Thơ cũng xa lắc mà năm nay Tín thấy sao ngắn ngủi; ngắn vì sau xe Tín có Thanh bầu bạn, và ngắn vì trong đầu anh đang có 1001 câu hỏi: Mẹ hỏi về Thanh thì sao? Mẹ không thích Thanh thì sao? Mẹ… đuổi ra khỏi nhà thì sao?
“Rồi có nhớ mình tập với nhau trước thế nào khi bố mẹ hỏi không?” Thanh hỏi lại Tín.
“Nhớ, nhớ chứ, bảo đây là bạn con,” Tín nói.
“Bạn gì?” Thanh nhíu mày.
“Bạn… trai con. Người con thương á má!” Tín gào lên như để át lại gió phần phật trên đường. “Người con thương", ba từ thôi mà sao thấy ngày xuân ấm lòng.
Tín không biết ba má sẽ phản ứng ra sao. Cả tháng trước, má dặn về quê ăn Tết thì dắt theo người thương theo cùng. Tín hỏi, “thật hả má?”, má nói “Sao mà không thật hả cái thằng này?”. Má đâu có biết, người thương của Tín là cậu bạn trai từ hồi đại học, yêu nhau cũng 4-5 năm trời.
“Nhỡ má vác gậy đuổi đi thì sao?” Thanh hỏi.
Tín cũng ngẫm nghĩ mãi. Trời đánh, tránh ngày Tết, cũng không thể giấu má mãi được. Ngày Tết, người ta rộng lòng đón niềm vui, bỏ qua hết buồn bực để chào đón năm mới. Chắc má sẽ rộng lòng đón nhận thành viên mới trong gia đình.
“Má đuổi thì đành chịu vậy. Hai đứa có nhau là Tết vẫn ổn nhỉ?”
Thanh không nói gì thêm, dụi đầu vào vai Tín. Còn một quãng đường dài phải vượt qua, hơn cả một cái Tết trước mắt.
***
Gần mười hai giờ khuya, Hùng dắt xe thật khẽ để khỏi đánh động cả khu trọ. Gần Tết, nhà hàng lúc nào cũng đông khách. Không biết anh đã phục vụ bao cái tiệc Tất niên nữa; lương chưa thấy thêm đâu nhưng chỉ thấy mệt.
Thực ra cũng không phải khẽ khàng làm gì, đám bạn cùng trong khu trọ đã nghỉ về quê ăn Tết cả rồi. Quê Hùng ở Kon Tum, không xa Sài Gòn là bao nhiêu nhưng cả năm anh cũng không về được mấy lần vì còn ráng kiếm tiền ở Sài Gòn, phụ má nuôi hai đứa nhỏ vẫn còn đi học. Hết cấp ba, Hùng quyết định không học đại học vì nhà vất vả. Cuộc sống ở Sài Gòn của anh cứ quanh đi quẩn lại với những công việc chân tay.
Cái tay mỏi nhừ vì bê không biết bao nhiêu chồng bát đĩa, Hùng ấm ức vì hôm nay còn bị phạt tiền vì lỡ gọi nhầm món ăn của khách và làm vỡ một chồng đĩa. Nhìn chăm chăm lên trần nhà, anh thấy có tiếng tin nhắn. Tin nhắn của má.
“Hùng nè, khi nào con về? Mấy bữa không thấy nhắn tin lại, ổn không con?” - Má viết không dấu nhưng Hùng cũng hiểu được.
Hùng cũng không biết mình có ổn không nữa, tự dưng thấy đôi dòng nước lăn dài trên má. Tết đáng nhẽ ra là khoảng thời gian thảnh thơi để về với gia đình, sao giờ này anh còn ở đây, một mình giữa Sài Gòn? Cuộc sống thị thành chất đầy những ngột ngạt, ấm ức để nhiều khi, Hùng cũng quên mình có ổn không. Tết ổn là sao? Tết vui là sao? Những câu hỏi tưởng chừng giản đơn ấy, Hùng cũng không biết trả lời như nào.
“Con ổn má ơi,” Hùng nhắn lại.
“Mai kia con về má nhé,” anh nhắn thêm.
Thêm một ngày ở thành phố cũng không khiến anh thấy vui hơn. Cả năm chỉ có một ngày Tết, thôi gác lại bộn bề, dẹp công việc sang một bên. Về với gia đình, về với má, bỗng nhiên sẽ thấy ngày Tết ổn hơn nhiều.
***
Làm nốt ngày mai là được nghỉ, con bé nhân viên quán cafe mừng hết cỡ vì được về quê. Trông nó vui như vậy chứ cũng rầu thay Linh - chủ tiệm cafe này. Tiệm cà phê nhỏ xíu nằm trong hẻm ở mãi tít Quận 6, quanh quẩn cả ngày chỉ có vài khách quen. Giữa ngày nắng Sài Gòn mà trong tiệm cà phê vang lên tiếng nhạc xuân rất Hà Nội.
“Rồi dập dìu mùa xuân theo én về…”
“Rầu ghê chị Linh, sáng giờ có vài khách à,” con nhỏ càm ràm.
“Tao chưa buồn mày buồn chi, tiệm mới mở 3-4 tháng, đành vậy” Linh cười đáp. Cô đang sắp xếp lại đồ để chuẩn bị về Hà Nội.
Vào Sài Gòn từ khi mới tốt nghiệp đại học, những tưởng cuộc sống của một Brand Manager sẽ khiến Linh hạnh phúc, Linh bắt đầu rơi vào trầm cảm vì căng thẳng trong công việc. Cho mình nửa năm để nghỉ ngơi, “chiến đấu" với chứng trầm cảm, Linh mới dần trở lại với cuộc sống và công việc như hiện tại.
“Ê chị Linh, Facetime mẹ chị gọi kia,” con nhỏ nhân viên nhắc Linh. Cô nhấc máy lên, thấy cả nhà bên kia đầu dây.
“Linh, đặt vé về Hà Nội chưa con? Tết ổn không con? Quán cafe ổn không con?”
“Quán đìu hiu lắm mẹ ơi, nhưng thôi kệ không sao, con cũng đặt vé về Hà Nội rồi. Ngày kia con về ạ,” Linh đáp.
“Đóng cửa quán sớm đi, thiếu tiền về mẹ cho, khoẻ mạnh là ổn rồi. Khoẻ còn về đi chợ Tết, nấu nướng thay mẹ chứ bố mày chẳng giúp được gì.” Tiếng mẹ Linh sang sảng, khiến con bé nhân viên cười khúc khích. Biết Linh không khoẻ, bố mẹ Linh chẳng mong gì nhiều hơn ngoài thấy con hạnh phúc.
“Chị Linh sướng nhé, về mẹ cho tiền khỏi lo.” Hai chị em cười khúc khích, chuẩn bị dọn dẹp quán. Tết ổn là khoẻ mạnh, là có gia đình luôn ở bên. Trong tiếng nhạc “Mùa xuân đầu tiên", Linh nhớ Hà Nội và mơ được về sớm với gia đình…
“Tết Ổn" là mong muốn của mỗi người dân Việt Nam mỗi dịp năm cũ qua đi, năm mới lại đến. Đây cũng là thông điệp nhãn hàng Lifebuoy gửi gắm trong MV “Tết Ổn Rồi" nhân dịp Tết 2024.
Ba mẹ không mong cầu con thành công giàu có, thấy con về từ sớm hăm ba là “Tết ổn" với gia đình.“Tết ổn" là khi chúng ta còn có nhau, có những người yêu thương ở bên. Chẳng phải Tết vốn được khởi dựng từ những yêu thương ta dành cho nhau sao, đâu phải bởi mâm cao cỗ đầy hay những vật chất đời thường?
Một năm khó khăn cũng đã đi qua, dẫu có bao nỗi buồn cũng gác lại năm cũ, vì “Tết ổn", mọi chuyện sẽ an bài, năm mới sang trang, cuộc đời mới sẽ nhiều bình an.Dẫu vật đổi sao rời, dẫu thế giới có bao đổi thay, ngày Tết truyền thống với người Việt Nam vẫn xoay quanh hai tiếng “gia đình". Nếu tiếng Việt có khái niệm “khác âm đồng nghĩa", chắc chắn “Tết" và “gia đình" đi liền với nhau.
Không chỉ gửi gắm những câu chuyện với thông điệp ý nghĩa, Lifebuoy còn mang đến nhiều hoạt động thiết thực cho cộng đồng. Bức tường “Tết Ổn" được Lifebuoy dựng lên từ hàng trăm viên gạch thật, thiết kế như một phần của ngôi nhà, trên đó ghi lại những kỳ vọng mùa Tết mà Lifebuoy góp nhặt trong nhiều tháng trước. Bức tường đặc biệt này đã thu hút sự quan tâm của hàng nghìn người tại thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là một lời gợi nhắc mỗi người về giá trị thật của mỗi ngày Tết: Đập đi những bất ổn, người ta mới thực sự được sống trong không khí Tết trọn vẹn.
Tiếp nối truyền thống tốt đẹp với những hoạt động hỗ trợ người dân về quê ăn Tết, năm nay Lifebuoy tiếp tục đồng hành cùng Hội Nhi Khoa Việt Nam và Thành đoàn Tp. Hồ Chí Minh, mang đến 20.000 “Tết Ổn" cho các bệnh nhi tại nhiều bệnh viện nhi đồng trên cả nước và 3.000 vé tàu, vé xe dành tặng sinh viên khó khăn và người dân lao động nghèo về quê ăn Tết. Mỗi Lifebuoy trao đi, một Tết ổn lại quay về. Thông điệp Tết Ổn sẽ theo chân những người Việt Nam đi khắp trăm nẻo xa, mang theo ước nguyện sum vầy đoàn viên, để mỗi người tạm quên đi cuộc sống bộn bề, những lo toan thường nhật và tìm hạnh phúc trong thời khắc chuyển giao đặc biệt giữa năm cũ và năm mới bên gia đình.