Dù không phải mọt phim ảnh thì trên newsfeed của bạn mấy ngày nay có thể vẫn sẽ thấy đôi ba post về Girl From Nowhere - bộ phim Thái đình đám vừa ra mắt mùa 2 trên Netflix. Lấy bối cảnh học đường, mỗi tập phim là một câu chuyện khác nhau về hành trình của nữ chính Nanno (với năng lực đặc biệt) khơi gợi những góc tối của con người. Mục đích tối thượng của Nanno là khơi gợi và hối thúc con người - chủ yếu là những cô cậu học trò ở độ tuổi đôi mươi khi mới chớm ngưỡng cửa cuộc đời chạm tới cảnh giới của sự xấu xa.
Nếu xem xét từ góc độ đời thực, Nanno là ví dụ điển hình về chiếc chìa khóa giúp chúng ta hé mở thế giới nội tâm của mỗi con người. Dù thế giới đó có là thiện hay ác, thì chúng vẫn luôn cần những cú thúc để vận hành, để thể hiện rõ mình trước thế giới.
Giống như những đứa trẻ lớn lên bằng việc khám phá thế giới, con người bên trong cũng ngày càng đặc sắc hơn (chưa bàn đến việc xấu hay đẹp) theo thời gian. Thế nhưng trên con đường trưởng thành, đâu phải ai cũng thuận lợi khi thể hiện bản thân, đồng thời đủ can đảm để xoá nhoà những áp lực và nhãn mác mà thế giới bên ngoài gắn lên mình. Và nếu bạn cũng đang tìm kiếm động lực để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình, thì sau đây chính là câu trả lời dành cho bạn.
Trên hành trình được định nghĩa là "trưởng thành", mỗi người ít nhiều đều có những khoảnh khắc cảm thấy chênh vênh, dù đang ở giữa đám đông, nhưng sâu bên trong là những nỗi lòng chẳng thể khoả lấp:
- Chọn trường đại học trong tâm thế không biết mình thích gì, mạnh điểm gì, muốn làm gì.
- Nhận mọi cuộc hẹn chỉ đơn giản là không muốn ở nhà, dù ra quán chỉ ngồi bấm điện thoại.
- Cảm thấy thất bại, xấu hổ khi các bạn xung quanh đậu tập đoàn lớn, kinh doanh giỏi, mua nhà, mua xe… còn bản thân chưa có gì trong tay.
- Gật đầu trước mọi yêu cầu của sếp và đồng nghiệp vì không biết cách từ chối.
- Không dám/ không muốn trình bày quan điểm trong những cuộc họp vì sợ phán xét.
- Muốn bỏ việc vì môi trường toxic, nhưng bản thân lại sợ phải đối mặt với sự bất ổn, tiền nong đè nặng.
Nếu đã trải qua một trong những trường hợp trên thì chắc chắn bạn đã từng cảm nhận sâu sắc sự lạc lối, gần như là bất lực của bản thân trước sự đời. "Đỉnh cao" của mỗi người sẽ khác nhau, nhưng để được thoải mái với cuộc sống riêng của mình, để thế giới nội tâm có dịp được thể hiện mình, để trở thành phiên bản tốt hơn khi trưởng thành… thì tất cả đều cần trải qua những trở ngại, áp lực hay lạc lối… Vậy nên "đỉnh cao" không dành cho tất cả mọi người, điểm chạm chung giữa những người trẻ là cảm xúc chênh vênh, còn vượt qua chúng thế nào lại là lựa chọn của mỗi người.
Chẳng cần phải trở thành người nổi tiếng hay vĩ nhân mới xác định được con đường của mình đang đi đúng hay sai. Dù chỉ là những người bình thường với những thành tựu khiêm tốn, phạm trù "hạnh phúc" của bạn có thể là ước mơ của hàng trăm người. Đó là điều mà chúng ta có thể nhận ra qua câu chuyện của 4 người trẻ sau đây. Họ cùng đến từ Hanoia - một thương hiệu Việt nổi tiếng bởi những chế tác sơn mài thượng phẩm, với bản tính cá nhân và chút "máu" nghệ thuật, mỗi người lại nuôi dưỡng được thế giới nội tâm muôn hình vạn trạng, song hành với những áp lực và nhãn mác ngoài kia.
Trang Anh tự nhận mình là người "kỳ quặc", dù bên ngoài trông khá ngầu với mái tóc tém cùng biểu cảm gần-như-lúc-nào-cũng-lạnh-lùng. Nếu tiếp xúc lâu hơn sẽ nhận ra Trang Anh là người hướng nội, bên ngoài "an tĩnh", bên trong lại là hàng vạn câu hỏi tuôn trào. Nếu hợp tính, Trang Anh rất thoải mái mở lòng, nhưng chỉ cần đâu đó có sự lệch nhịp, cô nàng sẽ thu mình lại - một motif người rất điển hình. Dẫu vậy, "thu mình" cũng chính là lựa chọn để Trang Anh bảo toàn những xúc cảm mong manh, tựa như một tinh cầu long lanh bên trong.
Khi cảm thấy lạc lối, Trang Anh thu mình để tận hưởng những niềm vui nhỏ nhặt: làm dự án cá nhân, lang thang các chốn lạ, đi ngắm mấy món đồ xinh xinh… Trang Anh cặm cụi trong cõi tâm hồn riêng, cũng giống như cách cô "thổi hồn" cho diện mạo của chính mình: "Mình untag bản thân bằng cách trở nên nổi bật hơn trong cách ăn mặc. Ví dụ như quần áo màu mè, phụ kiện rất đa dạng, trang sức tùm lum…". Với cô nàng đó là cách để con người bên trong được bộc lộ ra, dù không phải hét to lên với cả thế giới.
Như bao người trẻ khác, quá trình trưởng thành của Thuỳ Vy là một chuỗi câu hỏi trước những vấp ngã gặp phải trong đời: "Làm như vậy mình có thấy hạnh phúc không?", "Mình có còn là chính mình không?". Nhưng câu trả lời lại rất đơn giản: ghép từng mảnh lại. Trong tâm niệm Thuỳ Vy, trưởng thành là một trò chơi ghép hình gồm vô số mảnh vẫn đang cần lắp ráp từng ngày. Dù vất vả, khó khăn, nhưng Thuỳ Vy trân trọng từng lần lắp ghép vì đó là cầu nối để cô cảm thấy đáng sống và hạnh phúc hơn mỗi ngày, từ những việc đơn giản như việc lần đầu chăm được một chậu cây "khó tính" ra hoa, đến lúc chật vật như khi phải học cách đối mặt với việc mất mát người thân.
Với Thuỳ Vy, nguyên lý vận hành của thế giới là chẳng theo một nguyên lý nào hết, cho tất cả mọi người. Không có hình mẫu chung, không có quy luật chung, thay vào đó "bạn cần đặt niềm tin nơi bản thân, vì hạnh phúc của bạn, chỉ có thể do bạn lựa chọn và quyết định mà thôi". Nếu chẳng may đối diện với "nỗi sợ trưởng thành", có lẽ sự hoài cổ hay nỗi niềm tò mò trong bạn sẽ giúp bạn vượt qua. Chẳng có gì đáng hổ thẹn, khi giữ lại đôi chút quá khứ của mình trước những làn gió mới của thời đại.
Cụm từ "điên thì có sao" phải chăng lại vừa vặn để mô tả về Justine - một cô gái người Pháp 24 tuổi hiện đang định cư tại Hà Nội. Trước đó, Justine đã có hành trình tuổi trẻ "du mục" đúng nghĩa. Khi vừa mới tốt nghiệp đại học, chưa thạo tiếng Anh và chẳng hề biết chút tiếng Quảng, nhưng đã quyết định sang Hong Kong học tập và "sống thử". Ai nói tuổi trẻ bốc đồng? Đúng! Nhưng bốc đồng sao cho tới, bốc đồng sao cho vẫn ngẩng cao đầu thì phải như Justine.
Những năm sinh sống ở Hong Kong đánh dấu bước chuyển lớn trong hành trình trưởng thành của Justine: bước ra ngoài thế giới với cái tôi rộng mở và niềm tin lớn vào bản thân, vào năng lực của mình. Những phẩm chất đó cùng với tâm hồn nghệ sĩ có chút "điên" đã trao cho cô nàng người Pháp cái duyên để làm việc và sinh sống tại Hà Nội như hiện nay. Chẳng cần ai bảo phải làm gì, cũng chẳng bó buộc trong nhãn mác "trẻ người non dạ", Justine tự chọn cho mình hướng đi, tự "untag" tuổi trưởng thành của mình.
Nếu gặp Gia Linh ngoài đời, ấn tượng đầu tiên ai cũng thấy là sự hoạt bát cùng năng lượng tích cực mà cô gái này lan toả cho những người xung quanh. Gia Linh mê nhảy múa, đứng trên sàn nhảy, Linh như ngọn lửa bùng nổ với những chuyển động cơ thể mạnh mẽ. Ấy vậy nếu không hiểu về Linh, có lẽ chẳng ai biết chuyện từ bé Linh có thể trạng cơ thể không tốt... Nhưng điều đó chẳng thể làm khó Gia Linh: "Số phận đơn giản chỉ giống như một con đường mà ông trời vạch sẵn. Còn đi trên con đường đó như thế nào, liệu có đi được đến tận cùng của con đường đó hay không, hoặc thậm chí, tự tin chọn cho mình một lối đi riêng, bản thân mỗi người mới là người quyết định".
Tất nhiên giữa những va chạm xã hội những năm đầu đời, Gia Linh cũng đã có những phút lạc lối. Linh tự thấm thía sự khác biệt so với chuẩn mực chung, đơn giản như thời cấp 3 thích mặc quần ống thụng, dù thời điểm đó bị cho là rất kỳ lạ. Nhưng cũng chính nét khác biệt đó đã tạo tiền đề cho một Gia Linh ngày hôm nay: không bao giờ phải mảy may với những suy nghĩ đại loại kiểu "biết thế..." hay "nếu như trước đây..." . Thời đại giờ chóng vánh lắm, hãy là phiên bản mà nhiều người theo đuổi hơn là chạy mãi theo một hình mẫu mà không bao giờ có thể là chính mình.
Trang Anh, Thuỳ Vy, Justine, Gia Linh - 4 mảnh ghép của Hanoia vốn là những con người rất đỗi bình thường như bao người vẫn đang không ngừng dung hoà bản ngã và "gỡ mác" cuộc sống, với những cách rất riêng biệt. 4 người phản ánh 4 thế giới quan, 4 lối đi. Giả sử cùng trải 4 hành trình lên mặt phẳng, có thể chỉ ra được một số điểm chung hiếm hoi như niềm tin vào bản thân - sự dũng cảm - dám sống với con người thật - niềm lạc quan.
Trong bộ phim Bố Già của Trấn Thành, người con trai Quắn đã từng dồn nén cảm xúc để nói với Ba Sang một điều tưởng như ai cũng biết, nhưng lại chẳng ai đủ hiểu: "Mỗi người một cuộc sống". Về bối cảnh bộ phim, đó là lời nhắc về lối sống của con người, đôi khi chúng ta cũng phải ích kỷ, cũng phải bớt lo nghĩ cho người khác để sống cho trọn hơn cuộc đời mình. Nhưng cao và xa hơn, câu nói phải chăng còn đại diện cho vận mệnh mỗi người? Không một ai có con đường trưởng thành giống nhau, không một ai có cái tôi giống nhau. Cá tính và thái độ sống sẽ quyết định con đường của mỗi người, mạnh ai sống cuộc đời người đó. Và với những người trẻ, trưởng thành chỉ là đỉnh dốc đầu tiên để tìm đến những giá trị cốt lõi hơn ở đời.
Đích đến sau con đường chênh vênh của tuổi trẻ là trưởng thành - một khái niệm tương đối, giống như "hạnh phúc" và "thành công" của con người, và không có công thức chung cho bất kỳ ai. Nhận ra điều đó, có lẽ lối thoát đúng đắn nhất cho những ai đang vật lộn giữa những áp lực ràng buộc, những hệ giá trị mâu thuẫn, để không mù quáng theo đuổi một hình mẫu nào vô định, hay trở thành nhãn mác vô thần.
Như Viktor Frankl đã viết trong cuốn Man’s search for meaning rằng: "Giữa tác động và phản ứng là một khoảng lặng. Trong khoảng lặng đó là sức mạnh lựa chọn cách phản ứng. Trong phản ứng chứa đựng sự trưởng thành và sự tự do". Sẽ có những khoảng lặng khi bạn va chạm cái tôi cá nhân với dòng chảy bên ngoài, cách bạn phản ứng, cách bạn học được sau những lần vấp ngã hay thăng hoa sẽ là yếu tố tiên quyết trên con đường tới sự trưởng thành và được tự do của bạn. Trưởng thành không phải là trở nên giống ai đó, mà trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình sau những khoảng lặng đó.
Giống như Trang Anh, Thuỳ Vy, Justine, Gia Linh hay bất kỳ ai khác bạn đang nghĩ đến - Điều quan trọng là tìm thấy con đường riêng, thế giới sắc màu riêng và không ngừng vun đắp bản sắc cá nhân từng ngày dù có những chông gai khó điểm mặt chỉ tên. Đó cũng chính là thông điệp mà Hanoia, thông qua chiến dịch ME:UNTAGGED muốn truyền tải tới mọi đối tượng, đặc biệt là những người trẻ. ME:UNTAGGED mong muốn là một sự ủng hộ tinh thần, là một sân khấu mời gọi mỗi người giới thiệu cái tôi với thế giới mà không còn vướng bận những nhãn mác và áp lực bên ngoài: Một cái tôi tự tin, một cái tôi đẹp đẽ hơn từng ngày. Nếu mong mỏi tìm thêm những điểm chạm hay sự đồng điệu trên hành trình trưởng thành, hãy khám phá thêm những câu chuyện và nhân vật cá tính khác qua website chính thức của chương trình: https://hanoia.com/me-untagged và chia sẻ tới những người xung quanh, để thông điệp ME:UNTAGGED mà Hanoia truyền tải được lan xa.
Dù bạn là ai, nếu không ngừng len lỏi, không ngừng bám sâu trên con đường riêng của mình, không ngừng lăn lội và không bỏ cuộc, những áp lực và nhãn mác khi đó chỉ trở thành bàn đạp để bản thân "untag" khỏi thế giới xung quanh. Tựa như cách Hanoia đem sơn mài - nghệ thuật thủ công lâu đời của Việt Nam trở thành những sản phẩm đậm hơi thở đương đại, toả sáng những thanh sắc riêng.