• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Làng Hương vào Xuân

Thời sự 05/02/2009 10:53

(Toquoc)- Làng Hương những ngày cận Tết ánh lên nét vàng rực rỡ và sắc đỏ thẫm của chân hương.


(Toquoc)- Người miền Trung gọi nhang là hương vì nó có mùi hương đặc trưng rõ rệt. Mỗi một nén hương có thể chứa đến chục vị thuốc bắc như đại hoàng, xuyên khung, thương truật, mộc hương, đan bì, cam thảo, đinh hương, nhục đậu, tùng, tế tân… được pha trộn với nhau  theo tỷ lệ nhất định.

Nằm gần trung tâm thành phố Thanh Hoá, làng Hương (đường Bà Triệu) những ngày cận Tết ánh lên nét vàng rực rỡ của màu hương và sắc đỏ thẫm của chân hương. Dường như ở xứ Thanh, cái làng Hương nhỏ bé này đón Tết sớm nhất.

Nghề làm hương ở làng Hương đã có từ rất lâu. Theo cụ Nguyễn Thị Tý: “thật ra cũng không ai còn nhớ nghề có từ bao giờ, chỉ biết rằng làng Hương mang tên từ nghề làm hương thôi”. Và nghề là kế sinh nhai của làng từ xưa đến nay.

Ở làng Hương này, mỗi người một việc. Già có việc của già, trẻ có việc của trẻ, mỗi người đảm nhận một khâu phù hợp với sức khoẻ của mình. Khâu nhồi bột cần có sức khoẻ của thanh niên để bột được đều, dẻo; khâu xe, gói hương nhẹ nhàng hơn nên dành cho người già và trẻ em; riêng khâu phơi hương cần đến sự khéo léo của bàn tay phụ nữ.

 

Mỗi độ tuổi thích hợp với một công đoạn làm hương (Ảnh: N.Hằng)

Mỗi một nén hương có thể chứa đến chục vị thuốc bắc như đại hoàng, xuyên khung, thương truật, mộc hương, đan bì, cam thảo, đinh hương, nhục đậu, tùng, tế tân… Tất cả tán thành bột mịn, pha trộn với nhau  theo tỷ lệ nhất định. Những người dân làng Hương cho biết, tỷ lệ pha trộn rất quan trọng, nó quyết định đến mùi thơm, độ bền của hương. Mỗi khi xong một mẻ, người thợ phải đốt thử để kiểm tra chất lượng, xem hương có cháy đều, cháy hết không.

Để có một nén hương “chuẩn”, khâu pha trộn là khâu phức tạp và quan trọng nhất. Việc này phải do chính những đôi bàn tay của người thợ cả lâu năm trong nghề, bởi nếu pha trộn không cẩn thận, không đúng liều lượng thì hương sẽ không thơm. Bác Thành chủ một cửa hàng hương trong làng ví: “Người làm hương cũng chẳng khác gì thầy lang bốc thuốc bắc”. Vì thế người thợ giỏi là người biết bốc những vị thuốc hay, chọn tỷ lệ thích hợp để làm nên những nén hương như ý.

Đến làng Hương, người xem như bị cuốn theo đôi tay vừa nhanh vừa nhẹ của người thợ. Nghề này “dụng cụ” lao động quan trọng nhất chính là đôi bàn tay. Chỉ cần bột cưa dính nhỏ đều và dài chừng 2/3 cây tăm là được.

Hoa hương (Ảnh: N.Hằng)

Công đoạn phơi cũng rất quan trọng, không giống địa phương làm hương khác là dùng máy sấy hay lửa để sấy cho hương nhanh khô, làng Hương phơi hương trên giàn. Dân làng chọn thời gian có nắng và gió hanh để hương khô đều, giữ được mùi hương. Nếu dung máy sấy hương thường bị mất mùi, xỉn màu, hình thức và chất lượng đều không đạt yêu cầu.

Mùa nắng, phơi hương đến 2 - 3 ngày mới khô, còn mùa mưa thì chẳng biết đến bao giờ. Tưởng như đơn sơ ấy vậy mà cũng phải chờ mưa thuận gió hòa, chờ con nắng đều mới được hương như ý.

Vì vậy, vào hai tháng trước Tết là thời gian nhộn nhịp nhất của dân làng. Bà con chuẩn bị hàng cho ngày Tết.

Hương ở làng có nhiều loại như: nén, vòng, vuốt, sào…. Hương nén là loại hương được nhiều người thắp. Que hương có chiều dài chừng 30 đến 40 cm, đường kính 2 -3 mm, cốt làm bằng tre ngâm dễ cháy, phần thuốc bọc quanh khoảng 2/3 chiều dài nén hương, màu vàng hoặc đen, thời gian cháy khoảng 30 phút. Hương vòng cũng dùng thuốc bột như hương nén nhưng trong thành phần được trộn thêm keo do không có cốt tre để đỡ, thời gian cháy lâu hơn.

Hương luôn “có mặt” ở mọi nơi, trong đám hiếu hương khấn ông bà về chứng dám cho con cháu tỏ lòng thành kính, đám hỷ nén hương mời ông tổ tiên ông bà về chứng dám hạnh phúc của con cháu, trong những ngày giỗ chạp, tết nhất…, trên bàn thờ nhà ai cũng có nén hương. Đặc biệt, với những người con xứ Thanh xa quê, dịp Tết đến, Xuân về đều cố nhờ người thân gửi cho bằng được nén hương quê mình để thắp lên bàn thờ tổ tiên./.

Thuỷ Ngân

NỔI BẬT TRANG CHỦ