Showbiz luôn là một sân chơi khốc liệt, đòi hỏi mỗi cá nhân phải nỗ lực hết mình để có thể chạm tới thứ gọi là đỉnh cao danh vọng. Trong vòng tròn hào nhoáng ấy, có người đã bỏ cuộc, có người đã dừng bước trước những thách thức và chọn cho mình một hướng rẽ an toàn hơn.
Hoàng Thuỳ Linh không nằm trong số đó.
Nếu nhìn lại 10 năm trước, cái tên Hoàng Thuỳ Linh gần như không có mặt trong showbiz Việt, không phim ảnh, không nghệ thuật, thậm chí đời tư cũng kín đáo. Truyền thông Việt Nam thời điểm đó chưa có trào lưu “phong sát" nghệ sĩ nhưng sau scandal cá nhân, công chúng đánh mất dần thiện cảm với Hoàng Thuỳ Linh. Cô gái trẻ phải công khai xin lỗi trên truyền hình, rút khỏi các dự án nghệ thuật dang dở - thời điểm đó khi mạng xã hội chưa phát triển, Hoàng Thuỳ Linh vẫn phải đối diện với những định kiến, và quan trọng hơn là gác lại ước mơ mình hằng theo đuổi. Lặng lẽ rời khỏi showbiz, khán giả hâm mộ những tưởng sẽ không bao giờ thấy cô gái trẻ đầy tiềm năng xuất hiện trở lại.
Nhưng, ngã ở đâu, đứng dậy ở đó. Con đường nghệ thuật của Hoàng Thuỳ Linh vẫn không dừng lại - phải có lý do để khán giả ví cô như phượng hoàng lửa tái sinh từ tro bụi. Sau những vấp ngã, thách thức, Hoàng Thuỳ Linh đã kiên định trở lại và gặt hái được những thành công, đặc biệt trong địa hạt âm nhạc. Nỗ lực với công việc, tập trung tâm huyết vào các sản phẩm âm nhạc là con đường để Hoàng Thuỳ Linh khẳng định tên tuổi và chứng minh khả năng vô hạn của mình. Mọi người luôn tò mò không biết album tiếp theo của nữ ca sĩ sẽ mang màu sắc gì bởi sự biến hóa khôn lường và không bao giờ chấp nhận sự an toàn của cô nàng... Từ “Hoàng" tới “LINK", Hoàng Thuỳ Linh thể hiện tư duy âm nhạc mới mẻ, sáng tạo, nhuần nhuyễn đưa chất liệu dân gian vào các tác phẩm mang hơi thở hiện đại.
Hoàng Thuỳ Linh là một trong số những nghệ sĩ gen Y không chỉ truyền cảm hứng mạnh mẽ cho những đàn em đang muốn chứng minh thực lực trong showbiz. Mà với tư cách một người trẻ Việt, cô gái sinh năm 1988 này còn là hình mẫu cho một tinh thần luôn hết mình với đam mê, có trách nhiệm với lý tưởng, không bao giờ khuất phục trước nghịch cảnh và đặc biệt là luôn lạc quan sống. Cuối cùng, cuộc đời không bao giờ phụ lòng những người nỗ lực. Năm 2009, Hoàng Thuỳ Linh nhận giải Nghệ Sĩ Châu Á xuất sắc của năm tại Mnet Asia Awards (MAMA). Năm 2020, Hoàng Thuỳ Linh giành cú "ăn 4" lịch sử khi chiến thắng ở 4/4 hạng mục đề cử bao gồm Bài hát của năm (Để Mị nói cho mà nghe), Music video của năm (Để Mị nói cho mà nghe), Album của năm (Hoàng) và Ca sĩ của năm.
Trong showbiz Việt, Hoàng Thuỳ Linh không phải nhân tố duy nhất có những thành công bứt phá, vượt qua những thách thức ban đầu, kiên định với con đường mình theo đuổi. Ở thời điểm hiện tại, khán giả nhìn nhận Karik cũng giống như Hoàng Thuỳ Linh - có tất cả những thành công nhiều ca sĩ trẻ khao khát. Tuy nhiên, con đường của Karik không trải những thảm hoa hồng để anh an nhiên bước đi. Đam mê nghệ thuật của Karik chớm nở từ khi anh còn là thành viên nhóm nhảy Freestyle hồi những năm 2006. Chấn thương vào năm 2008 đã khiến Karik phải dừng việc nhảy, chuyển qua con đường rap như một cách để giải tỏa những chất chứa trong mình. Thời điểm đó, rap kén người nghe hơn và không được đại chúng tiếp nhận. Ngụp lặn trong giới “underground", Karik chưa biết mình sẽ đi về đâu trên con đường sự nghiệp.
Tự mày mò, tự học, tự dặn bản thân phải cố gắng và nỗ lực nhiều hơn, quả ngọt cũng đến với Karik; anh vinh dự là nghệ sĩ nhạc rap đầu tiên đoạt giải MTV Việt Nam năm 2012-2013, là nghệ sĩ đại sứ đầu tiên của Việt Nam được giới thiệu toàn cầu với MV “Cứ là mình”. Karik cũng giành giải “Ca khúc rap/hip hop được yêu thích" năm 2016 và bản “Người lạ ơi” của anh nhận giải thưởng "Bài hát của năm 2018" (ZMA 2018).
Hoàng Thuỳ Linh, Karik chỉ là 2 trong số hàng triệu người trẻ Việt vẫn đang kiên trì trên con đường vượt thử thách cuộc sống. Người tới trước, người tới sau nhưng tất cả vẫn đang vững vàng đi về phía đích. Khác nhau về hoàn cảnh, đam mê, cuộc sống nhưng ở họ đều tựu chung khát khao thay đổi, vượt qua những rào cản để vươn mình thành công.
Khi thành tựu trở thành thước đo, nhiều người trẻ vẫn đang ngụp lặn để không bị nhấn chìm trong viễn cảnh tương lai. Có người đã thành công từ rất trẻ, nhưng có người vẫn luôn xem sự bền bỉ là kim chỉ nam để phấn đấu. Nếu xem thành công là một lò nung, vậy hãy luôn tin rằng, sau mỗi trở ngại, bạn sẽ như một thanh thép - không thể ăn mòn với sức mạnh đàn hồi, điều mà không phải ai cũng có được. Cuộc trò chuyện với Tuấn Hùng (29 tuổi) và Thảo Minh (31 tuổi) đã mở ra nhiều sự đồng cảm cho một thế hệ người trẻ Việt, đi qua những chông chênh và gian nan để tìm thấy mình trong niềm vui của đam mê, thành công cuộc sống.
Sau 7 năm làm việc tại một agency, Tuấn Hùng quyết định từ bỏ việc làm nhân viên và thoát khỏi ngưỡng an toàn để khởi nghiệp. Nhưng quá trình thực chiến giữa thị trường vốn đã rất cạnh tranh này không ít lần khiến Hùng muốn từ bỏ. Nhưng càng vấp ngã, càng dày dặn kinh nghiệm, anh càng có cho mình động lực để tiếp tục nỗ lực và thành công khi sau 2 năm, agency mới của anh đã hoạt động đều đặn với khoảng 7-10 nhân viên.
Bắt tay vào khởi nghiệp là đối diện với muôn vàn khó khăn, đâu là những thách thức mà bạn đã gặp phải?
Khi bắt đầu đứa con tinh thần của mình, tôi tràn đầy tự tin. Nhưng hơn nửa năm đầu, tôi chỉ quanh đi quẩn lại với những chiếc job nhỏ. Gánh nặng tài chính bắt đầu xuất hiện, tôi hầu như phải đổ toàn bộ vốn liếng mình tích lũy để đứa con của mình không “chết yểu". Nhiều lúc, tôi không thể duy trì được 2 nhân viên trong công ty và tính đóng cửa. Không ít đêm tôi đã tự hỏi bản thân, hay thôi mình dừng lại bây giờ để cắt lỗ và chấp nhận quay lại về việc đi làm văn phòng như ban đầu. Tôi nghĩ mình không có đường lui, chỉ có con đường nào đỡ tổn thất hơn thôi. Nhưng tôi chỉ có một tuổi trẻ, và tôi không chấp nhận nó một cách an nhàn.
Tôi vận dụng hết các mối quan hệ từng có khi làm ở agency để kết nối với đối tác mới, đưa ra những mức giá hợp lý so với thị trường cộng với tập trung vào những lĩnh vực còn mới mẻ, ít đối thủ cạnh tranh hơn. Ngoài ra, tôi cũng tìm kiếm thử các công ty nước ngoài với những công việc đặc thù có thể outsource sang Việt Nam. Tôi tự hỏi nếu bỏ cuộc vào thời điểm 6 tháng, liệu giờ tôi đang ở đâu và làm gì? Làm gì cũng vậy, hãy cho bản thân chút kiên nhẫn, kiên định và chấp nhận thất bại, thành công sẽ đến với bạn sớm thôi.
Vậy làm cách nào bạn đã luôn thúc đẩy mình tiến về phía trước?
Ai từng bước vào con đường kinh doanh cũng biết rằng, bức tranh mình vẽ ra dẫu đẹp đẽ đến mấy thì hiện thực cũng mang đến những phũ phàng không thể tượng tưởng nổi. Trong kinh doanh, không ai có thể dự đoán được đâu là rủi ro mình sẽ đối mặt. Nhưng chúng ta có thể chuẩn bị cho những rủi ro bằng cách lập kế hoạch cho plan B, plan C và nhiều plan hơn thế nữa. Bên cạnh đó, sự vỡ lẽ từ những lời khuyên cũng rất quan trọng. Hãy luôn trân trọng sự khích lệ lẫn phản bác của những người xung quanh, đó sẽ là động lực rất to lớn giúp bạn có thể vững tin - bởi trải nghiệm của bản thân không bao giờ là đủ.
Đâu là điều thường cản trở chúng ta bước ra khỏi vùng an toàn để đối mặt với khó khăn?
Chúng ta luôn sợ rằng mình sẽ không thành công được như ai đó. Chúng ta sợ rằng công ty mình sẽ không thành công như công ty A, công ty B… Truyền thông đôi khi vận hành trên nỗi sợ nên tôi hiểu rằng, có nhiều điều đáng để quan tâm hơn nỗi sợ. Ở trong vùng an toàn, gần như bạn không bao giờ phải đối diện với thất bại và nỗi sợ nhưng cuộc sống sẽ cứ mãi trong vũng nước ấy. Khi thứ chúng ta sở hữu là hai bàn tay trắng, thứ duy nhất chúng ta có chính là niềm tin.
Tôi chấp nhận để công ty chưa thể có lãi sau 2 năm đầu, tôi chấp nhận việc phải làm việc gấp đôi so với khi còn đi làm cho người khác nhưng mức thu nhập đôi khi không bằng một nửa. Tôi cũng chấp nhận hy sinh những khoảng thời gian cá nhân để tập trung hơn cho công việc trong giai đoạn đầu khởi nghiệp. Khi người trẻ đã chấp nhận thất bại là một phần của sự trưởng thành, bạn sẽ thấy thoải mái hơn để bước qua khỏi vùng an toàn.
Thế giới luôn biến động đem đến cho người trẻ ngày càng nhiều thách thức, là một người mang trên mình nhiều bài học, có điều gì anh muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ?
Môi trường công việc nào cũng khắc nghiệt, và thời đại thì luôn vội vã lao đi và không dành cho những ai luôn chần chừ. Tôi hiểu ai chẳng muốn sở hữu một công việc thong thả và nhẹ nhàng. Nhưng có một câu nói mà tôi đã đọc trong cuốn tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy mà tôi luôn ghi nhớ khi đối diện với khó khăn, “đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí…”, câu nói này đã luôn là kim chỉ nam cho những năm tháng sau này của tôi. Càng ở những thời điểm chông chênh, sự kiên định mới giúp bạn đứng vững. Điều này nói thì đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. Chính vì vậy, mặc dù có thể sẽ phải đối diện với thất bại, chỉ cần có dũng khí thực hiện bước đi đầu tiên, là bạn đã thành công 90% rồi.
Con đường chông chênh của Hùng đang đi khác với Thảo Minh của 8 năm trước khi mới trở về Việt Nam sau khi tốt nghiệp đại học tại Mỹ. Cuộc sống đơn giản tại Việt Nam và gia đình đã thôi thúc cô trở về nước sau khi học xong. Tuy nhiên, đằng sau những điều ấy là sự “tái hòa nhập" không dễ dàng: Những rào cản văn hóa, phong cách làm việc khác biệt và đặc biệt là mức thu nhập thấp hơn kỳ vọng đã nhiều lần khiến B muốn dừng lại, quay về cuộc sống tại nước ngoài. Nếu như tại môi trường nước ngoài, giờ giấc là yếu tố được đề cao thì tại Việt Nam, thời gian là một đại lượng rất co giãn với Thảo Minh. Ngoài ra, văn hoá phản hồi (feedback) cũng không phổ biến tại Việt Nam khi mọi người thường ngại góp ý cho ai đó, hoặc người nhận góp ý dễ để bụng. Sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc cũng không có ranh giới khi cô thường xuyên cảm giác thời gian dành cho cuộc sống riêng bị “đánh cắp" và lẫn vào guồng quay công việc. Chấp nhận cho bản thân cơ hội, nỗ lực hòa nhập, nỗ lực để thay đổi chính mình và chứng tỏ bản thân, chỉ sau vài năm làm việc, Thảo Minh đã vươn lên vị trí giám đốc marketing cho một công ty MNC tại Việt Nam.
Theo chị, thách thức bên ngoài lớn hơn hay những thách thức bên trong chúng ta là rào cản lớn hơn?
Tôi nghĩ những rào cản trong chính chúng ta mới là điều ngăn trở mọi người chạm tới mục tiêu của đời mình. Đó có thể là những định kiến, rằng làm việc ở Việt Nam là không tốt. Đó có thể là những nỗi sợ, sợ rằng mình là phụ nữ sẽ khó có thể vươn tới những vị trí cao trong công việc. Đó cũng có thể là sự chán nản, mệt mỏi, tiêu cực khiến bản thân không thể sở hữu chất lượng sống tốt nhất. Sức mạnh bên trong có thể là điểm mạnh, nhưng cũng có thể là khuyết điểm nếu ta không biết kiểm soát và biến nó thành tiêu cực. Thách thức bên ngoài có thể thay đổi dễ dàng nhưng những áp lực từ bên trong mỗi người luôn khó để đối mặt. Tôi nghĩ “sự chấp nhận” là mấu chốt để tìm kiếm sự yên tâm cho chính mình. Sau khi chấp nhận, chúng ta cũng đang đi trên con đường trưởng thành khi biết thay đổi, tập trung nuôi dưỡng trí tuệ và phát huy năng lực, rồi đón nhận mọi thứ với thái độ tích cực nhất.
Một phụ nữ hiện đại muốn theo đuổi sự nghiệp đồng nghĩa với việc phải luôn mạnh mẽ. Nhưng chị có nghĩ rằng mình phải mạnh mẽ mọi lúc hay không?
Phụ nữ là người sở hữu sự ôn nhu nhất, nhưng đôi lúc cũng mạnh mẽ đến tột cùng. Đối diện với khó khăn luôn đòi hỏi bạn có một cái đầu lạnh và trái tim nóng - giữ cho bản thân tỉnh táo để đưa ra những lựa chọn đúng đắn, chính xác nhưng luôn giữ lửa đam mê, nhiệt huyết với bất cứ lựa chọn nào. Phụ nữ không cần là người mạnh mẽ mọi lúc, hay xem yếu đuối là đặc quyền, chúng ta có thể là cả hai - sở hữu một bản lĩnh thép với trái tim mềm mại nhất và để cả hai toả sáng cùng lúc. Với mỗi khó khăn cụ thể, hãy tỉnh táo tìm ra giải pháp, khắc phục điểm yếu rồi giải quyết mọi thứ với tư cách một người đã được trang bị kinh nghiệm, trí tuệ và dĩ nhiên là sự vững vàng trong mọi tình huống.
Đi đến tận cùng những thách thức, chúng ta sẽ luôn thấy được thành quả của nỗ lực. Chị có nghĩ mình đã có một hành trình vượt qua thách thức đầy xứng đáng?
Xứng đáng chứ, sao không xứng đáng khi ngần đấy thời gian trưởng thành là ngần đấy thời gian mình kiên định, chấp nhận những điều đôi khi không như ý muốn, chấp nhận mức lương thấp hơn và cách làm việc đôi khi khiến mình thấy căng thẳng. Niềm vui đến với tôi không phải từ những vị trí công việc hay mức lương thưởng hiện tại mình có; nó đến từ việc nhận ra rằng, tôi là con người kiên định và sẵn sàng đối mặt với thách thức chứ không còn là một cô sinh viên với cuộc sống màu hồng như khi còn ở Mỹ.