Cách đây 10 năm, nhắc đến câu chuyện "Đi du học hay ở lại Việt Nam học tập?", nhiều người sẽ không ngần ngại chọn "đi du học". Trong quan niệm những ngày đó, đi du học đồng nghĩa đến một vùng đất mới, có trải nghiệm mới, những điều gì mới lạ chẳng phải đều hấp dẫn hơn sao? Nhiều bạn trẻ chọn đi và không cần suy tính xem văn hóa nước đó có hợp mình hay không, điều kiện kinh tế và môi trường giáo dục thế nào.

Chuyện đã thay đổi trong những năm trở lại đây. Học tập trong nước được nâng tầm lên vị thế mới với sự xuất hiện của các trường đại học Việt Nam trong top 1000 - 1200 đại học thế giới. Đặc biệt, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh là hai đại học của Việt Nam lọt top 1000 thế giới (Bảng xếp hạng QS World University Rankings 2022 bởi Tổ chức xếp hạng QS). Không chỉ chất lượng học tập nâng cao, hoạt động ngoại khóa "cool ngầu"… mà sự cạnh tranh công việc trên sân nhà cũng rất hấp dẫn. Nếu như sang nước ngoài phải đau đầu đủ thứ chi phí thì ngay tại Việt Nam, bạn vẫn có thể trải nghiệm môi trường giáo dục chuẩn quốc tế, kiếm được những cơ hội việc làm trong các tập đoàn đa quốc gia.

Nhìn ngang ngó dọc đó đây, chúng ta sẽ thấy những bạn trẻ tốt nghiệp đại học ở Việt Nam đang dần trở thành những nhà lãnh đạo, tạo nên những sản phẩm sáng tạo mang tầm quốc tế. Họ giống như các chiến binh thầm lặng đang viết lại định nghĩa về môi trường học tập lý tưởng, rằng nếu có quyết tâm và đủ tầm nhìn, thì họ có thể tự tạo ra nó dù có chọn học tập ở nơi đâu. Câu chuyện của mỗi người mỗi vẻ nhưng đó chính là đại diện cho bao người trẻ đang nỗ lực từng ngày để khẳng định giá trị của mình.

Khi Gen Z chọn Việt Nam: Những người trẻ viết lại định nghĩa về môi trường học tập, “đi tắt đón đầu” công việc tương lai - Ảnh 1.

Tuyết Lan, 22 tuổi, vừa hoàn thành chương trình đại học ở Khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội. Dù còn chưa nhận bằng tốt nghiệp nhưng cô bạn đã đang vi vu ở Hồng Kông làm việc tại tập đoàn Jardine Matheson nằm trong top 200 công ty đại chúng hàng đầu châu Á. Cô bạn là điển hình cho hình mẫu "con nhà người ta" trong truyền thuyết với list thành tích trải đều 4 năm đại học: Thủ khoa đầu vào với suất học bổng toàn phần trị giá hơn 260 triệu đồng, Đại biểu chính thức Hội nghị mô phỏng ASEAN AFMAN 2018 tại Singapore, Điều hành chính giải vô địch tranh biện châu Á Việt Nam UADC 2019, giải ba Hult Prize Hanoi Regional – Liên Hợp Quốc với ý tưởng "Du lịch và trải nghiệm", chủ nhân suất học bổng danh giá UGRAD 2019 và AmCham 2020...

Những người trẻ như Lan đại diện cho một thế hệ hiện đại, lúc nào cũng luôn tò mò và muốn dấn thân khám phá, học hết mình và đam mê với các hoạt động trải nghiệm. Cô bạn hiểu bản thân cần gì và muốn gì. Thay vì đi du học, Lan chọn theo chương trình liên kết quốc tế với chi phí thấp hơn 15 lần: "Mọi người thường nói nước ngoài có môi trường học tập tốt hơn, nhiều hoạt động ngoại khóa hơn. Nhưng ở Việt Nam cũng có nhiều hoạt động bổ ích cùng các cơ hội làm việc tương đương… Nhất là đối với các bạn trẻ ở Hà Nội và TP. HCM khi hầu hết công ty đa quốc gia đều đặt trụ sở ở đây. Cơ hội làm việc trong những công ty này đối với các bạn sinh viên Việt Nam còn nhiều hơn khi đi du học nếu bạn không ở những vùng thủ đô hay chọn sống xa trung tâm thành phố" - 9x tâm sự.

Khi Gen Z chọn Việt Nam: Những người trẻ viết lại định nghĩa về môi trường học tập, “đi tắt đón đầu” công việc tương lai - Ảnh 2.

Với học bổng UGRAD 2019 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Tuyết Lan từng đi trao đổi một học kỳ tại Mỹ, và không chút bỡ ngỡ khi sang Mỹ học với những kinh nghiệm đã có tại Việt Nam - một người truyền cảm hứng, một leader tiềm năng trong vô số hoạt động sáng tạo. Cô bạn chia sẻ: "Trải nghiệm ở Việt Nam cũng rất đa dạng khi có những chương trình liên kết quốc tế. Với mình học ở đâu không quan trọng bằng việc bạn trải nghiệm thế nào và phải luôn có tư duy đón nhận mọi thứ".

Tuyết Lan không phải cá nhân duy nhất trong thế hệ trẻ ngày nay tư duy như thế. Họ coi trường đại học không chỉ là để lấy tấm bằng, mà còn là nơi để khám phá bản thân, lấp đầy trải nghiệm cho công việc sau này của mình. Người trẻ chọn trường đại học Việt Nam để học tập, với chi phí hợp lý nhưng chất lượng đào tạo ngày càng tiến gần chuẩn quốc tế. Các hoạt động ngoại khóa cũng được thiết kế phù hợp với văn hóa bản địa. Quãng thời gian đại học thực sự là 4 năm đáng nhớ vì vừa học vừa được trải nghiệm, thay vì phải cật lực đi làm thêm và đau đáu suy nghĩ về các chi phí đắt đỏ khi du học.

Hơn thế nữa, học tập ở Việt Nam sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về thị trường lao động trong nước đang xuôi dòng thế nào. Bạn sẽ được học chương trình quốc tế với kiến thức áp dụng cho người Việt, phù hợp với bối cảnh thị trường và văn hóa trong nước. Khi ra trường, bạn sẽ có được cái nhìn rõ ràng hơn và biết các nhà tuyển dụng Việt Nam đang cần và kỳ vọng điều gì ở ứng viên.

Khi Gen Z chọn Việt Nam: Những người trẻ viết lại định nghĩa về môi trường học tập, “đi tắt đón đầu” công việc tương lai - Ảnh 3.

Phúc Thịnh chọn quay trở về Việt Nam sau 2 năm du học phổ thông bên Mỹ. Cậu bạn đi theo diện tự túc và may mắn không gặp quá nhiều trở ngại bất đồng ngôn ngữ hay văn hóa do từ bé đã theo học chương trình giáo dục kiểu Mỹ. Sau đó, Thịnh đã trúng tuyển vào ngành Công nghệ thông tin (CNTT) của một trường đại học Mỹ, tuy nhiên cậu bạn quyết định quay trở về Việt Nam học tập khi nghĩ đến sự nghiệp và tương lai của mình.

Phúc Thịnh quan niệm, nếu tiếp tục học 4 năm về CNTT, cũng chỉ có thể làm thuê cho người khác tại nơi đất khách. Bởi khởi nghiệp ở một nước ngoại quốc sẽ rất khó khăn do thị trường khác biệt, các điều kiện kinh doanh phức tạp và chỉ riêng việc duy trì doanh nghiệp thôi cũng đã tốn kém nhiều chi phí. Khi trở về Việt Nam, Thịnh sẽ có cơ hội tiếp quản công ty gia đình và hơn thế nữa, có thêm được 4 năm để tìm hiểu thị trường và hoạt động kinh doanh hay khởi nghiệp vài dự án cá nhân.

Khi Gen Z chọn Việt Nam: Những người trẻ viết lại định nghĩa về môi trường học tập, “đi tắt đón đầu” công việc tương lai - Ảnh 4.

Trải qua 2 năm du học Mỹ và gần 4 năm theo học Khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, Thịnh đánh giá quan trọng nhất là phải tìm được môi trường phù hợp với định hướng tương lai của bản thân. Cậu bạn tâm sự: "Tuy môi trường tại Mỹ mang lại nhiều giá trị về tư duy và tiềm năng phát triển, nhưng mình đánh giá chất lượng giảng dạy và môi trường học tập ở Mỹ và Việt Nam có nhiều sự tương đồng, đều chú trọng vào việc đào sâu kiến thức. Ngoài ra, ở Việt Nam, mình có lợi thế hơn khi áp dụng các kiến thức đã học vào môi trường thực tế trong nước, cũng là thị trường kinh doanh mà mình hướng đến trong tương lai gần".

Trở về sau thời gian trải nghiệm đáng nhớ tại Mỹ, Thịnh tận dụng tối đa các cơ hội để phát huy năng lực và phát triển bản thân. Cậu bạn nhiều lần giành học bổng ở trường đại học, Top 11 Mekong Business Challenge (cuộc thi thường niên dành cho các bạn trẻ đam mê khởi nghiệp), Top 5 chương trình Creative Hunter (cuộc thi về lĩnh vực thiết kế, sáng tạo dành cho các sinh viên miền Bắc),... Hiện tại sau khi hoàn thành chương trình đại học, Phúc Thịnh theo học và đang từng bước hoàn thành các chứng chỉ hành nghề tài chính - kế toán, kiểm toán quốc tế như CFA và ACCA. Mới đây cậu bạn đã nhận chứng chỉ Luật Hợp đồng của Đại học Harvard và đang tích cực chuẩn bị cho tương lai bằng cách đăng ký theo học chương trình MBA trực tuyến tại Harvard.

Khi Gen Z chọn Việt Nam: Những người trẻ viết lại định nghĩa về môi trường học tập, “đi tắt đón đầu” công việc tương lai - Ảnh 5.

Minh Uyên là sinh viên năm 3 ngành Quản lý liên kết giữa Khoa Quốc tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) với ĐH Keuka (Hoa Kỳ). Sau khi học xong phổ thông, Minh Uyên đã dành ra 2 năm gap year, đi khắp 2 nước Canada và Hoa Kỳ để trải nghiệm bản thân. Những miền đất mới cho Uyên nhiều trải nghiệm tuổi trẻ, hiểu hơn về văn hóa các nước và hơn hết, giúp Uyên hiểu rõ những mộng tưởng trong suy nghĩ về định hướng học tập tiếp theo của mình.

Uyên từng rất thích đi du học Ý - cái nôi của nền văn hóa nhân loại. Trong một lần tham gia sự kiện tư vấn du học, một chuyên gia đã hỏi thẳng Uyên: "Tại sao em lại chọn Ý chứ không phải quốc gia khác tốt hơn?". Cô bạn giật mình nhận ra hóa ra bản thân muốn đi du học chỉ vì sở thích cá nhân. "Nếu mình tiếp tục du học Ý thì vốn trải nghiệm xã hội sẽ khác với sinh viên Việt Nam. Liệu điều đó có thực sự giúp mình hay không, bởi sau khi tốt nghiệp, mình đằng nào cũng sẽ quay trở lại Việt Nam làm việc?" - Uyên tự hỏi mình.

Khi Gen Z chọn Việt Nam: Những người trẻ viết lại định nghĩa về môi trường học tập, “đi tắt đón đầu” công việc tương lai - Ảnh 6.

Không chỉ Minh Uyên mà nhiều bạn du học sinh cũng có thể rơi vào bẫy tâm lý như thế. Bạn thực sự muốn đi du học mở mang tầm hiểu biết, hay chỉ là muốn đến đất nước đó vì sở thích cá nhân? Bên cạnh đó, đi du học quốc gia khác cũng đồng nghĩa việc khi trở về Việt Nam, bạn sẽ không có nhiều lợi thế so với các bạn sinh viên trong nước - những người đã có nhiều năm nghiên cứu thị trường và có kinh nghiệm thực tế.

Sau gap year, Minh Uyên quyết định trở về Việt Nam học tập. Cô bạn chọn cách tỏa sáng bằng những dấu ấn riêng trong hoạt động ngoại khóa: Chủ tịch Ban chủ tọa Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo Sinh viên Khoa Quốc tế - ĐHQGHN ISUMMIT 2021, Thư ký cuộc họp mô phỏng Hội nghị cấp cao ASEAN 2020, trợ lý sản xuất cho các chương trình kiến thức trên sóng VTV7…

Minh Uyên tâm sự: "Khi du học, mình không phải công dân nước bản địa nên sẽ có phần nào hạn chế trong chuyện tìm việc làm, tiếp cận nguồn tài liệu. Còn giáo dục đại học Việt Nam giờ đây đã có nhiều mô hình đào tạo và mức chi phí tương ứng, đem đến nhiều lựa chọn cho các bạn sinh viên. May mắn là mình tìm được đúng môi trường học tập, nơi giảng viên thân thiện, cởi mở và đúng nghĩa khuyến khích sự tự tin, chủ động của sinh viên. Sinh viên muốn gì, nếu thuyết phục được thầy cô thì nhà trường sẽ tạo điều kiện và sân chơi thực hiện. Điều này thậm chí cũng rất hiếm trong các môi trường giáo dục quốc tế".

Khi Gen Z chọn Việt Nam: Những người trẻ viết lại định nghĩa về môi trường học tập, “đi tắt đón đầu” công việc tương lai - Ảnh 7.
Khi Gen Z chọn Việt Nam: Những người trẻ viết lại định nghĩa về môi trường học tập, “đi tắt đón đầu” công việc tương lai - Ảnh 8.

Những năm vừa qua, Việt Nam nổi lên là điểm đến lý tưởng với văn hóa đa dạng, người dân thân thiện và mến khách. Cùng với môi trường giáo dục chất lượng, nhiều bạn trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới đã chọn Việt Nam là điểm đến du học. Rào cản ngôn ngữ dần được gỡ bỏ khi các trường đại học cung cấp các chương trình đào tạo chất lượng cao, hoặc liên kết quốc tế giảng dạy hoàn toàn bằng Tiếng Anh. Bên cạnh đó, những yếu tố như xã hội phát triển bền vững, nhiều công ty lớn nước ngoài đầu tư vào, đà phát triển kinh tế mạnh mẽ được dự đoán còn tiếp tục trong 5 - 10 năm tới cũng là động lực khiến ngày càng nhiều bạn trẻ chọn đến Việt Nam du học.

Choi Kang Won hiện đang là sinh viên của ĐH Quốc gia Hà Nội. Lớn lên tại Hàn Quốc, Kang Won đã có quãng thời gian học tập tại Trung Quốc. Song cậu bạn vẫn quyết định chọn Việt Nam làm điểm đến cho việc học đại học bởi sau khi tìm hiểu, nam sinh nhận thấy tiềm năng phát triển ở đây.

Nam sinh chọn Khoa Quốc tế làm điểm đến bởi có chương trình học 100% bằng Tiếng Anh. Choi Kang Won không gặp nhiều bất đồng văn hóa do suốt 18 năm qua, anh chàng đã sinh sống ở nhiều quốc gia châu Á. Điều thách thức lớn nhất là việc học Tiếng Việt và những bỡ ngỡ ban đầu do chưa thân quen với ai.

Được sự giúp đỡ nhiệt tình của các bạn cùng lớp, đặc biệt là giảng viên, Choi Kang Won đã dần bước ra khỏi lớp vỏ an toàn của mình để ghi lại nhiều dấu ấn. Anh chàng đạt điểm tổng kết lên đến 3.8/4.0, thành thạo 4 ngôn ngữ trong đó có Tiếng Việt. "Mình không nhận thấy có quá nhiều sự khác biệt giữa chất lượng giáo dục ở trường Việt Nam và Hàn Quốc, ngoại trừ việc bên Hàn mình thường học từ 7 giờ sáng và không cần phải học Triết học lẫn Thể dục. Mình học được những khía cạnh kinh doanh ở Việt Nam, văn hóa, môi trường doanh nghiệp ở đây nữa. Mình dự định sẽ làm việc ở Việt Nam ít nhất 2 - 3 năm sau khi tốt nghiệp và với việc sử dụng thành thạo ngôn ngữ thì mình tin bản thân còn có thể gắn bó lâu dài hơn" - Nam sinh tâm sự.

Khi Gen Z chọn Việt Nam: Những người trẻ viết lại định nghĩa về môi trường học tập, “đi tắt đón đầu” công việc tương lai - Ảnh 9.

Cùng chung quan điểm với Choi Kang Won, nam sinh Ahmad Aufa Bil Jihadi (đến từ Indonesia) học ngành Kế toán và đã gắn bó với Việt Nam được 2 năm qua lời khuyên của cha mình khi thấy tiềm năng phát triển của Việt Nam.

Ahmad bắt đầu những ngày học đầu tiên qua hình thức online do đúng thời điểm giãn cách xã hội. Bù lại cậu bạn rất năng nổ phát biểu bài trong lớp. "Mình thích học ở Việt Nam vì môi trường học so với quê nhà có nhiều sự tương đồng. Thầy cô nhiệt tình giúp đỡ, mình cũng đang cố gắng học Tiếng Việt để làm quen với nhiều người bạn mới hơn. Đối với mình khi đi du học, cần phải biết nắm bắt và tận dụng mọi cơ hội mà bản thân có được. Vì dù mỗi trải nghiệm có khó khăn hay dễ dàng đều đem lại những kinh nghiệm tích lũy cho cuộc sống sau này" – Ahmad tâm sự thêm.

Việc chọn trường đại học cũng rất quan trọng với các bạn du học sinh. Thông thường, những sinh viên nước ngoài thường chọn trường đại học có chương trình đào tạo hoàn toàn bằng Tiếng Anh, đứng hàng top trong bảng xếp hạng trong nước. Bên cạnh đó, các chương trình có tính quốc tế hóa cao, nhiều hoạt động ngoại khóa cũng là điểm cộng thu hút các bạn sinh viên.

Khi Gen Z chọn Việt Nam: Những người trẻ viết lại định nghĩa về môi trường học tập, “đi tắt đón đầu” công việc tương lai - Ảnh 10.

Tháng 9 này, nam sinh Enda James Yore (quốc tịch Ireland) sẽ nhập học ngành Kinh doanh quốc tế tại Khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội. Cậu bạn đã có hơn 1 năm sinh sống ở Việt Nam trước đây và đã tìm hiểu được rằng ĐHQGHN là một trong những trường top đầu về chất lượng đào tạo tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Enda quyết định chọn Khoa Quốc tế vì quy mô lớp học nhỏ, không bị quá đông như ở Ireland (thường là mấy trăm sinh viên trong một lớp). Điều này giúp cho sinh viên dễ tương tác hơn với các giáo sư và các bạn cùng lớp mỗi khi cần trao đổi bài. Enda cũng rất hiểu một điều trong văn hóa Việt Nam: Người Việt rất đánh giá cao những người cố gắng học ngôn ngữ nên nam sinh đang học dần Tiếng Việt mỗi ngày để vượt qua các rào cản giao tiếp.

Enda chọn học ngành Kinh doanh quốc tế bởi cậu bạn được khuyên Việt Nam đang là thị trường kinh tế tiềm năng và sẽ được nhiều công ty lớn nước ngoài đầu tư vào. Nam sinh không giấu được sự phấn khích khi nghĩ về 4 năm học sắp tới: "Mình đã chuẩn bị mọi thứ cho việc nhập học rồi, từ chuyện học Tiếng Việt cho đến thuê nhà qua sự giới thiệu của bạn bè. Mình muốn sau này có thể tự lập làm việc ở Việt Nam cho các công ty quốc tế".

Khi Gen Z chọn Việt Nam: Những người trẻ viết lại định nghĩa về môi trường học tập, “đi tắt đón đầu” công việc tương lai - Ảnh 11.
Khi Gen Z chọn Việt Nam: Những người trẻ viết lại định nghĩa về môi trường học tập, “đi tắt đón đầu” công việc tương lai - Ảnh 12.

Trên khắp Việt Nam, chúng ta sẽ bắt gặp rất nhiều bạn trẻ như Tuyết Lan, Minh Uyên, Choi Kang Won hay Enda James Yore… Họ là những sinh viên tin tưởng vào môi trường học tập ở Việt Nam, đang có những thành công nhất định trong học tập và công việc của mình. Họ có ước mơ và hoài bão, năng lực và bản lĩnh, họ chỉ cần một môi trường học tập phù hợp giúp họ thấu hiểu bản thân, khai phá tiềm năng và được trao cơ hội phát triển.

6 câu chuyện mang 6 màu sắc khác nhau là những đại diện cho thế hệ trẻ đã và sẽ bước ra từ cái nôi Khoa Quốc tế - ĐHQGHN. Đây là môi trường tiên phong trong việc đào tạo sinh viên trong và ngoài nước. Toàn bộ chương trình cử nhân tại Khoa Quốc tế đều là chương trình chất lượng cao theo chuẩn quốc tế, với 100% các môn chuyên ngành được giảng dạy bằng Tiếng Anh với tỷ lệ giảng viên nước ngoài là 25 - 30%. Cử nhân sẽ nhận cả bằng tốt nghiệp của Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc trường đại học nước ngoài cấp, hoặc nhận cả 2 bằng (song bằng).

Không chỉ là nơi tích lũy kiến thức, Khoa Quốc tế còn giúp sinh viên được thấu hiểu bản thân, phát triển tối đa theo sở trường, thế mạnh và đam mê của mình. Các bạn sinh viên được thực sự trao cơ hội, được làm những điều mình tin tưởng và có tiềm năng nhằm tạo nên giá trị trong cuộc sống. Điểm mạnh của trường là đội ngũ giảng viên thân thiện, tâm huyết, luôn sẵn sàng giải đáp thắc mắc cho sinh viên. "Hồi còn đi học, mình được nhiều lần làm việc trực tiếp với các thầy cô của Khoa Quốc tế. Khi làm việc cùng thì mình được học tập phong cách làm việc chuyên nghiệp, nhìn nhận và giải quyết vấn đề nhanh. Ví dụ như 1 cuộc thi cần tài trợ, khi mình vừa đặt ra vấn đề thì đã có thầy cô nhận ra, cho contact và điện hỏi rất nhanh. Cái đấy theo mình là tư duy doanh nhân, giúp sinh viên học được khả năng tư duy linh hoạt của đội ngũ chuyên nghiệp" - cô bạn Tuyết Lan tâm sự.

Môi trường học tập đa dạng cũng là điểm mạnh lớn của Khoa Quốc tế. Hiện tại ở Khoa Quốc tế đang có các giảng viên và 3.600 sinh viên đến từ 11 quốc gia, 4 châu lục, tạo nên môi trường trải nghiệm đa văn hóa. Sinh viên có cơ hội được công nhận tín chỉ, chuyển tiếp du học, nhận học bổng của khoa và hơn 30 trường đại học đối tác ở châu Âu, Bắc Mỹ, Úc và châu Á.

Có lẽ chưa bao giờ việc trải nghiệm môi trường quốc tế ngay trên chính sân nhà lại trở nên dễ dàng như thời điểm hiện tại. Thị trường lao động ở Việt Nam đang cực kỳ rộng mở đón chờ các tân cử nhân tương lai. Mỗi bạn trẻ nên nhận thức được môi trường học tập phù hợp với mình, từ đó nắm trong tay quyền thay đổi để vận hành thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Đó chính là lời khẳng định giá trị bản thân của thế hệ sinh viên mới, những người dám nghĩ, dám làm - dám hành động!


Khi Gen Z chọn Việt Nam: Những người trẻ viết lại định nghĩa về môi trường học tập, “đi tắt đón đầu” công việc tương lai - Ảnh 13.
Vân Trang
Bi