hế HLV có 4 chân thì cầu thủ nắm 3 chân". Nếu đó là đúc kết về sinh mệnh nghề HLV bóng đá, là thực trạng của bóng đá và chúng ta cứ chấp nhận nó thì nền bóng đá Việt Nam đi về đâu? Với Hoàng Anh Tuấn, ông giữ cả 4 chân ghế, thậm chí cả… cẳng chân của đám cầu thủ, nhất là cầu thủ trẻ, để nắn chúng đi thẳng trên lộ trình văn minh của bóng đá thế giới…

Giờ thì trong trái tim những người yêu bóng đá Việt Nam, sẽ luôn có một cái nhìn thật đẹp, thật ngưỡng mộ về Hoàng Anh Tuấn. Bởi không có ông, người được biết đến với cái biệt danh quen thuộc "Tuấn Con", thì hẳn giờ đây bóng đá Việt Nam vẫn còn ở rất xa thế giới, nơi mà những ngôi sao nổi tiếng như Jose Mourinho vẫn thường nhắc tới, nhưng là bằng cái giọng đầy châm biếm…

Hoàng Anh Tuấn: Kẻ thức thời thay đổi nền bóng đá lỗi thời - Ảnh 2.

Và bởi tấm vé World Cup U20 tại Hàn Quốc không chỉ có giá trị về mặt chuyên môn, mà rõ ràng nó làm cải thiện hình ảnh không mấy tốt đẹp của nền bóng đá Việt Nam trong con mắt của làng cầu thế giới.

Hoàng Anh Tuấn: Kẻ thức thời thay đổi nền bóng đá lỗi thời - Ảnh 3.

HLV Hoàng Anh Tuấn nói: "VCK World Cup U20 chính là chiếc cầu nối đưa các nền bóng đá đến với thế giới". Thật vậy! Những Diego Maradona, Luis Figo, Thierry Henry, Ronaldinho… thời xưa hay những Lionel Messi, Sergio Aguero hay Paul Pogba thời nay đều từng được người ta nhớ đến từ sân chơi thế giới của lứa tuổi đôi mươi.

Hoàng Anh Tuấn: Kẻ thức thời thay đổi nền bóng đá lỗi thời - Ảnh 4.

Chính vì thế, ngoài đám cò cầu thủ, những tuyển trạch viên của các đội bóng hàng đầu thế giới, người hâm mộ cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho VCK World Cup U20. Giải đấu trước được tổ chức tại New Zealand năm 2007, số người theo dõi tại Brazil là 13 triệu, trong khi đó dù tuyển U20 của Trung Quốc không có tên tại VCK nhưng lượng người xem giải đấu qua phương tiện truyền thông ở quốc gia lớn nhất châu Á cũng lên tới 36 triệu người.

Vì 20 là độ tuổi được đánh giá là đã hoàn thiện về kỹ năng chơi bóng cũng như tư duy chiến thuật, là tương lai của cả một nền bóng đá, nên có thể nói, trong bức tranh vốn xám màu của bóng đá Việt Nam, nền bóng đá sở hữu giải VĐQG bị bầu chọn là tồi tệ thứ 3 trên thế giới vì nhiều vấn đề tiêu cực thì chiến công giành vé tới World Cup U20 của ông Hoàng Anh Tuấn chính là một điểm sáng tích cực. Và sau chiến tích lịch sử này, hẳn những Jose Mourinho hay Raul Albiol sẽ phải tìm một nền bóng đá kém phát triển khác để… so sánh, mỉa mai?

Người Việt Nam yêu bóng đá, sẵn sàng thức trắng đêm để xem những trận cầu đỉnh cao ở Premier League, nhưng tại sao các sân cỏ V.League lại "Vắng như chùa bà Đanh"? Người Việt dĩ nhiên chẳng cần phải đọc bài báo về thực trạng đáng hổ thẹn về bóng đá Việt Nam của nhà báo Anh Thomas Barrett được đăng trên tờ Guardian để tìm câu trả lời. Nhưng ít nhiều, niềm tin của người hâm mộ vào tương lai bóng đá Việt Nam vẫn còn được hun đúc bởi thành tích không ai ngờ của ông Hoàng Anh Tuấn cùng học trò.

Và ở một sân chơi như World Cup, sứ mệnh của Hoàng Anh Tuấn cùng các học trò trẻ là tiếp tục giữ hình ảnh cho chính họ, cho cả tương lai bóng đá Việt Nam. Ông Tuấn nói:

"Thành tích ở World Cup U20 không quá quan trọng, vấn đề là chúng ta chơi như thế nào, vì mặt hình ảnh là rất quan trọng. Ở sân chơi trẻ của AFC mình đã làm được rồi, ở sân chơi lớn hơn nữa là World Cup, mình làm lại một lần nữa. Các đội bóng châu Âu và Nam Mỹ ở một đẳng cấp vượt trội so với Việt Nam, nhưng mình không thể nghĩ vào sân chơi này để thua 7, 8 hay 10 bàn. Như thế là không tôn trọng chính mình và tôn trọng cuộc chơi".

Hoàng Anh Tuấn: Kẻ thức thời thay đổi nền bóng đá lỗi thời - Ảnh 5.

Nhưng quan trọng hơn tất thảy, tấm vé tới Hàn Quốc vào năm tới sẽ tác động tích cực đến công tác đào tạo trẻ, giúp Việt Nam mọc lên nhiều những trung tâm đào tạo cầu thủ có chất lượng như HAGL?

Ông Tuấn nói: "Tiềm năng mình có, nếu được đầu tư đúng mức, bóng đá Việt Nam sẽ phát triển. Nhưng đào tạo trẻ là vấn đề mang tính vĩ mô, cần có sự quan tâm của Nhà nước. Bắt đầu từ cấp địa phương trước, ở mỗi tỉnh nên có kinh phí dành cho đào tạo bóng đá trẻ, kết hợp với sự hỗ trợ của các tổ chức, tập đoàn".

Hoàng Anh Tuấn: Kẻ thức thời thay đổi nền bóng đá lỗi thời - Ảnh 6.

"Trên nữa là sự quan tâm của Nhà nước. Chẳng hạn ĐTQG cần gì, tập huấn nước ngoài ư? Tiền đâu? U19 giờ muốn đi tập huấn nước ngoài là rất khó khăn, nhưng nếu không đi tập huấn sao mình tiến bộ? Cần phải có chủ trương của Chính phủ, cùng sự hỗ trợ tích cực của doanh nghiệp, chứ liên đoàn làm gì có?".

"Làm sao mình có đủ tiền mua vài chục ha xây trung tâm bóng đá trẻ? Vấn đề này thì Nhà nước và nhân dân phải cùng làm. Nhà nước cấp đất, từ đó các nhà đầu tư mới đổ tiền vào xây dựng cơ sở vật chất, từ đó mới có những nguồn cho đào tạo trẻ".

"Đa phần CLB ở V. League đều không có trung tâm đào tạo trẻ. Đơn cử như Hà Nội T&T, họ là đội có tiềm lực tài chính, vừa vô địch V.League, nhưng họ cũng đâu có trung tâm của mình? Họ vẫn đang ở khu Mỹ Đình, sân cũng thuê đấy thôi, hay như Thanh Hóa, sân đá cũng là sân tập, thế thì làm sao mình nói gì lâu dài được?".

Từ năm 2007, New Zealand thường xuyên có đội bóng góp mặt tại sân chơi World Cup U20, điều đó đã kích thích quá trình đào tạo trẻ một cách khoa học và bài bản trên đất nước họ. Kết quả là họ từng góp mặt tại sân chơi World Cup năm 2010 ở Nam Phi. Các đội bóng trẻ của Burundi (1995) và Tahiti (2009) cũng từng lọt vào VCK World Cup U20. Nhưng vì điều kiện kinh tế, đào tạo trẻ của họ không phát triển và hiện tại thì những đội bóng này đang ở đâu trên bản đồ bóng đá thế giới?

Việt Nam "có tiềm năng phát triển nếu được đầu tư đúng mức", ông Hoàng Anh Tuấn nhận định. Nhưng có điều, bóng đá Việt Nam sẽ đi trên lộ trình của New Zealand hay chỉ là một hiện tượng nhất thời kiểu Burundi và Tahiti? Như chiến lược gia Khánh Hòa nói, đó là "vấn đề vĩ mô" mà dĩ nhiên, mình ông không thể gánh vác. Vì đơn giản, ông chỉ là một nhà cầm quân.

Hoàng Anh Tuấn: Kẻ thức thời thay đổi nền bóng đá lỗi thời - Ảnh 7.

Giành vé tới Hàn Quốc 2017, Hoàng Anh Tuấn mang lại một hình ảnh tốt đẹp, một triển vọng cho đào tạo trẻ Việt Nam. Vậy ông được cái gì? "Tuấn Con" có thể làm chuyện… lớn. Bất luận thế nào, màn trình diễn tuyệt vời của U.19 Việt Nam ở Bahrain đã xác tín cho điều đó. Và ông đã được thừa nhận.

Hồi tháng 3/2015, khi quyết định bổ nhiệm Hoàng Anh Tuấn nắm quân U19 thay cho Guillaume Graechen, hẳn VFF phải chuẩn bị sẵn sàng với búa rìu từ dư luận. Vì ông Tuấn… "tuổi gì", khi mà U.19 thời điểm đó như một thương hiệu, đang được cả xã hội quan tâm, hơn cả ĐTQG vì những màn trình diễn của các ngôi sao từ lò HAGL.

Hoàng Anh Tuấn: Kẻ thức thời thay đổi nền bóng đá lỗi thời - Ảnh 8.

Nhưng hơn ai hết, người chịu sức ép nhất vẫn là Hoàng Anh Tuấn. Từ nghi ngờ, người ta bắt đầu chuyển trạng thái tâm lý sang coi thường để rồi lên tiếng chỉ trích, khi U19 do ông dẫn dắt thất bại 1-5 trước Thái Lan ở giải U19 Đông Nam Á năm 2015 và một năm sau đó là gục ngã 2-5 trước Australia tại bán kết, bất chấp những hành trình đi đến bán kết hay chung kết những giải đấu đó là rất thuyết phục.

Có cảm giác, U19 thời ông Hoàng Anh Tuấn giống như ngôi nhà hoang bị những ngôi sao lớp trước của ông "thầy Giôm" như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… làm cho mờ khuất.

Khi mà ông Tuấn cùng học trò vinh hiển trở về nước từ Bahrain với ngập ngụa lời ca tụng thì ông Lê Hùng Dũng - người đứng đầu VFF lại kể chuyện về cái ngày trước khi U19 lên đường sang quốc gia Tây Á tham dự giải U19 châu Á. Ông kể hay khoe đại khái rằng, có người từng gọi điện khuyên ông nên sa thải ngay Hoàng Anh Tuấn, chứ tin sao được ông tướng này nữa.

Đấy, dấu chấm hết cứ luôn treo lơ lửng trên đầu "Tuấn Con". Nhưng chỉ những kẻ thiếu bản lĩnh, nghèo khát vọng mới chấp nhận đầu hàng. Ông Tuấn cứ lặng lẽ… đi Bahrain.

Bây giờ người hâm mộ nói ông Tuấn có tài. Song những người làm chuyên môn thì nhận ra cái tài của Tuấn con từ thời ông đưa U.19 Khánh Hòa vô địch giải U21 Quốc gia năm 2007, rồi lèo lái con tàu Khánh Hòa trụ hạng V.League thành công trong cơn sóng dữ.

Hoàng Anh Tuấn: Kẻ thức thời thay đổi nền bóng đá lỗi thời - Ảnh 9.

Chỉ có điều, để dẫn dắt ĐTQG, người ta cần thành tích để chứng minh. Thế mới có chuyện hồi đầu năm 2013, Hoàng Anh Tuấn… suýt được VFF chọn làm HLV trưởng ĐTQG.

Chỉ là… suýt thôi, vì như một lãnh đạo VFF đã đặt ra câu hỏi thời điểm đó, rằng "Anh Tuấn có thành tích gì?", mà vô địch U19 quốc gia, chống trụ hạng ở V.League thì rõ ràng chẳng thể gọi là thành tích lớn để cầm quân ĐTQG, đội bóng được cả xã hội quan tâm, mà trong đó, bất cứ ai cũng là một chuyên gia có thể bình luận.

Vậy phải chăng cũng như nhiều lĩnh vực khác trong xã hội, bóng đá Việt Nam quá coi trọng thành tích? "Đúng, bóng đá hay bất cứ môn thể thao nào cũng cần thành tích", ông Tuấn nói. Nhưng vấn đề nào cũng luôn có hai mặt: "Nhưng trước khi đòi hỏi thành tích ở HLV thì liệu CLB đã làm tốt nhất, tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở hạ tầng, lực lượng cho họ làm tốt chưa? Phải có đầu tư tốt mới có kết quả tốt".

Đòi hỏi thành tích, bất chấp đầu tư ra sao, đó cũng là một trong những nguyên nhân làm nảy sinh căn bệnh thứ hai của nền bóng đá nước ta là sính ngoại? Hoàng Anh Tuấn không ngần ngại khẳng định:

Hoàng Anh Tuấn: Kẻ thức thời thay đổi nền bóng đá lỗi thời - Ảnh 10.

Vì theo ông Tuấn: "HLV nội địa rất khó đi làm ở châu Âu, nhưng làm ở chính đất nước mình thì rõ ràng họ có lợi thế hơn HLV ngoại. Ông Alfred Riedl có chắc làm tốt hơn một HLV người Indonesia không? Hay như ở Philippines, họ sử dụng HLV người Mỹ nhưng Philippines cũng có vô địch được đâu. Tôi được biết Philippines có rất nhiều HLV nội giỏi nhưng họ không thể vô địch khu vực vì nền bóng đá của họ kém".

"Quay trở lại câu chuyện của người Việt mình. Việt Nam có nhiều HLV giỏi. Nhưng họ có được đầu tư, có được trân trọng để làm việc hay không mà thôi".

Một nền bóng đá thành hay bại, yếu tố quyết định là sự đầu tư đúng mức từ cấp độ trẻ, bên cạnh đó là một nhà cầm quân đủ tài, đủ tâm để lèo lái, chứ không phải… sính ngoại? Vậy sau thành công cùng U19, liệu Hoàng Anh Tuấn có tham vọng dẫn dắt ĐTQG Việt Nam trong tương lai?

Hoàng Anh Tuấn: Kẻ thức thời thay đổi nền bóng đá lỗi thời - Ảnh 11.

Danh có chính, ngôn mới thuận. Và ông Tuấn xâu chuỗi vấn đề: "Bắt đầu từ một cầu thủ trẻ, họ muốn cái gì? Họ muốn lên đội Một, họ muốn đá chính, muốn vô địch giải đấu mình tham gia. Họ lên đội tuyển quốc gia, họ muốn chơi thật tốt. Phải từng bước như vậy".

"Mình cũng thế thôi, mình từ cầu thủ mà ra. Mình muốn làm cầu thủ tốt và đã làm được. Sau đó thì theo nghiệp HLV, mình làm CLB rồi, mình làm đội trẻ rồi thì cái đích tới cũng phải là HLV đội tuyển quốc gia Việt Nam hoặc một CLB nước ngoài. Tại sao lại không?".

"Đó là mục tiêu ở phía trước, là cái đích của riêng mình, để mình phấn đấu. Nhưng trước mắt mục tiêu của tôi là làm tốt công việc hiện tại của mình, làm tốt hơn nữa, thì mọi thứ nó sẽ đến thôi".

Ông Tuấn không nói thẳng tôi muốn làm HLV ĐTQG, mà xâu chuỗi sự kiện theo dòng thời gian, từng bước một, giống như lộ trình đầy khó khăn của ông, từ những thất bại, bị xem thường đến khi thành công và được thừa nhận.

Có câu "gái có công chồng chẳng phụ". Người ta tin rằng cái thời của Hoàng Anh Tuấn ở ĐTVN sẽ đến một cách tự nhiên vào một thời điểm phù hợp. Và khi đó, còn ai dám hỏi "Tuấn Con" - người đưa một đội bóng Việt Nam đến với sân chơi World Cup… "tuổi gì"?

Mà nói theo ngôn ngữ rất đời, rất "số má" thì với tấm vé World Cup U20, Tuấn con xem như đã lắp được cái "biển số giang hồ" lừng lẫy.

Hoàng Anh Tuấn: Kẻ thức thời thay đổi nền bóng đá lỗi thời - Ảnh 12.

Hoàng Anh Tuấn: Kẻ thức thời thay đổi nền bóng đá lỗi thời - Ảnh 13.

Trình độ bóng đá Việt Nam vẫn còn kém, lại nằm ở vùng trũng của bóng đá thế giới. Vậy nếu cứ quanh quẩn trong biên giới lãnh thổ hình chữ S thì Hoàng Anh Tuấn cũng chẳng có gì khác biệt so với những đồng nghiệp Việt Nam. Đó là lý do ông Tuấn quyết định đi học, để lấy bằng được tấm bằng HLV chuyên nghiệp, thay cho chứng chỉ huấn luyện.

Với quyết tâm học hành bài bản để đem những kiến thức bóng đá trên thế giới về phục vụ Việt Nam, Hoàng Anh Tuấn đã có được tấm bằng Pro License, sau khi trải qua 5 khóa học ở các nước Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thụy Sỹ từ 4/2014 đến 10/2015 và trước đó nữa là những chứng chỉ như Chứng chỉ A của AFC (2005) hay Chứng chỉ A của Đức (2007).

Pro License là một dạng diploma, bằng cấp chuyên nghiệp có giá trị vĩnh viễn chứ không phải Chứng chỉ (Certificate), với tấm bằng này, HLV Hoàng Anh Tuấn đủ điều kiện dẫn dắt bất cứ đội bóng nào trên thế giới. Và dĩ nhiên để sở hữu nó, "Tuấn Con" đã phải nỗ lực rất lớn.

Hoàng Anh Tuấn: Kẻ thức thời thay đổi nền bóng đá lỗi thời - Ảnh 14.

Khó khăn lớn nhất của Hoàng Anh Tuấn trong quá trình tu học nước ngoài chính là ngoại ngữ. Ông Tuấn vốn thông thạo tiếng Anh, nhưng người học bằng Pro phải mở rộng nhiều lĩnh vực khác với những từ chuyên ngành buộc người học phải thường xuyên trau dồi từ mới, khái niệm mới như y học thể thao, tâm lý học… thì mới có thể thuyết trình trôi chảy hay làm luận án.

Tài chính cũng là một khó khăn cho những người theo học bằng Pro, chẳng thể mà để trang trải cho việc dùi mài kinh sử từ Á tới Âu, ông Tuấn phải bán cả xe hơi. Còn gì nữa? Hoàng Anh Tuấn chia sẻ: "Đó là sự cô độc. Các đồng nghiệp học cùng tôi đến từ Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc đều đi ít nhất hai người. Việt Nam chỉ có mình tôi, mà trong vấn đề học hành, thi cử cần sự chia sẻ, thành ra mình phải nỗ lực rất là nhiều".

Nhưng mọi khó khăn, sự cô độc không thể cản được quyết tâm của Hoàng Anh Tuấn: "Bây giờ nhiều HLV trưởng ở các đội V.League cũng đâu cần học gì cao siêu đâu, các bạn có thể nhìn thấy điều đó. Nhưng nếu mình cũng bằng lòng như vậy thì bóng đá Việt Nam sẽ giậm chân tại chỗ. Mình phải cần kiến thức, vì bóng đá bây giờ là khoa học, chứ không bằng cảm tính và kinh nghiệm nữa. Vì thế mà mình phải học, có chứng chỉ A của AFC rồi nhưng mình vẫn tiếp tục học chứng chỉ A ở Đức nữa, mình đã học ở Đức tới 4 lần, trước khi lấy bằng Pro".

Kẻ thức thời là người tuấn kiệt. Bóng đá thế giới không ngừng vận động và thay đổi, nên dù có sở hữu tấm bằng cao cấp đến mấy mà HLV không cập nhật những kiến thức mới tất yếu sẽ tụt hậu.

Hoàng Anh Tuấn ham đọc sách, căn phòng làm việc của ông được nhiều người ví von như một thư viện sách về bóng đá. Nhưng hằng ngày, ngoài xem trực tiếp các trận đấu, ông Tuấn còn mua những cuốn sách, tạp chí bản online trên internet như tạp chí Elite Soccer, những ấn phẩm phân tích về chiến thuật, về bóng đá trẻ hoặc những báo cáo tổng hợp về xu hướng chiến thuật, về thể lực…

Ông Tuấn nói: "Tôi in những kiến thức mới về chiến thuật ra, rồi dựa trên tình hình thực tiễn của cầu thủ mình có để điều chỉnh cho phù hợp".

Học hành bài bản, khoa học ở trường lớp. Không ngừng bổ sung kiến thức mới qua các phương tiện truyền thông. Đó là sự chuyên nghiệp cần thiết của một nhà cầm quân. Và đó cũng là sự khác biệt của Tuấn con, để giúp ông đưa bóng đá trẻ Việt Nam từ vùng trũng ra biển lớn World Cup.

Hoàng Anh Tuấn: Kẻ thức thời thay đổi nền bóng đá lỗi thời - Ảnh 15.

Hoàng Anh Tuấn hiểu cầu thủ của mình, luôn biết cách làm bùng lên ngọn lửa nhiệt huyết của họ và là một bậc thầy về tâm lý. Ông Tuấn dám chơi, dám chịu, kiểu như: "Các con cứ đá đi, thua thầy chịu, thắng thì vinh quang thuộc về các con".

Nhưng cái cốt lõi, cái chìa khóa thành công của Hoàng Anh Tuấn từ thời còn cầm quân ở Khánh Hòa phải là sự độc đoán. Thật vậy, sự độc đoán, quyết đoán không kiêng nể trong cái nền bóng đá mà câu nói của đàn anh đồng hương Đặng Trần Chỉnh "Ghế HLV có 4 chân thì cầu thủ nắm 3" trở thành một cách ngôn về sinh mệnh nhà cầm quân, như một thực trạng chẳng lấy gì vẻ vang.

Hoàng Anh Tuấn: Kẻ thức thời thay đổi nền bóng đá lỗi thời - Ảnh 16.

Một nhà cầm quân chuyên nghiệp, cá tính như Hoàng Anh Tuấn đời nào chấp nhận cái thực trạng mà ông cho rằng "quá lỗi thời" ấy. Vì ông phải nắm đủ 4 chân ghế, thậm chí nắm cả… cẳng chân cầu thủ, nhưng không phải để kìm hãm, mà nắn họ phát triển theo triết lý bóng đá của mình.

Đó là triết lý gì? Ông Tuấn chia sẻ: "Mình luôn dạy cầu thủ phải có khát vọng, làm việc chăm chỉ và thứ ba là có mục tiêu. Triết lý của mình là như thế, vì anh muốn làm việc gì đó thì đầu tiên anh phải có đam mê, thứ hai là để việc đó thành công anh phải làm việc hết sức vất vả, chăm chỉ nên đòi hỏi có sự nghiêm túc, có tính kỷ luật, có tổ chức. Bóng đá là môn chơi tập thể nên kỷ luật rất quan trọng. Triết lý mình như vậy nên khi làm việc mình phải có sự quyết đoán".

Hoàng Anh Tuấn: Kẻ thức thời thay đổi nền bóng đá lỗi thời - Ảnh 17.

"Từ Khánh Hòa đến Hải Phòng, tôi luôn nói thẳng với các lãnh đạo về triết lý của mình, rằng nếu ở CLB cầu thủ có tiếng nói hơn HLV thì chỉ có hai khả năng xảy ra, HLV ra đi hoặc cầu thủ ra đi".

Sự độc đoán và nghiêm khắc trong triết lý cầm quân của Hoàng Anh Tuấn lại càng cần thiết với lứa cầu thủ trẻ. Sau khi U19 Việt Nam gây thất vọng với trận thua đậm 2-5 trước Australia tại giải U19 Đông Nam Á, một HLV thuộc hàng lão làng tại Việt Nam (xin giấu tên) có nói: "Bọn trẻ của PVF chúng nó có chịu đá đâu, "Tuấn Con" rồi sẽ còn mệt với chúng nó".

Nhưng Hoàng Anh Tuấn xây dựng lối chơi không dựa vào bất cứ cá nhân nổi loạn nào. Những nhân tố được cho là "chúng nó có đá đâu" bị loại. Thậm chí trong thời gian diễn ra VCK U19 châu Á ở Bahrain, ông Tuấn chỉ sử dụng 20 cầu thủ, 2 cầu thủ không được mặc áo đấu vì "có vấn đề về tư tưởng".

Hoàng Anh Tuấn: Kẻ thức thời thay đổi nền bóng đá lỗi thời - Ảnh 18.

Đó là sự độc đoán hay là thứ bản lĩnh giúp ông luôn đứng vững trước mọi sức ép, mọi thử thách để đi đến tận cùng của sự kiên định, để chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, ông đã hoàn thiện cái sơ đồ chiến thuật thiên về phòng ngự xơ cứng vốn bị chỉ trích, trở nên linh hoạt, nhuần nhuyễn, hiệu quả. Và quan trọng hơn, là gây ra những cú sốc cho Triều Tiên, UAE, Iran, Bahrain ở sân chơi trẻ châu Á rồi thẳng tiến tới World Cup.

Năm 2016 sắp khép lại với quá nhiều thành công cho thể thao Việt Nam, mà nổi bật trong môn bóng đá là chiến công của U19. Những người cần báo cáo, có thành tích để báo cáo. Nhưng "Tuấn Con" thì vẫn còn cả núi công việc ở phía trước…

Hoàng Anh Tuấn: Kẻ thức thời thay đổi nền bóng đá lỗi thời - Ảnh 19.

Hoàng Anh Tuấn: Kẻ thức thời thay đổi nền bóng đá lỗi thời - Ảnh 20.

Mộc Miên
Mạnh Quân
Theo Trí Thức Trẻ02/01/2017