Lễ xuất quân Đội tuyển bóng đá nữ Quốc gia Việt Nam tham dự FIFA Women’s World Cup 2023 được tổ chức, chưa đầy hai tháng sau khi các cô gái vàng giơ cao tấm HCV SEA Games lần thứ 8. Kỳ tích nối tiếp kỳ tích, có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử thể thao Việt Nam, người hâm mộ lại hãnh diện về các nữ cầu thủ của đất nước mình đến thế.
Những ngày qua, cả nước háo hức dõi theo hành trình của các nữ chiến binh kiêu hùng. Trên sân vận động ở New Zealand, lá cờ đỏ sao vàng tung bay đầy tự hào trong tay người hâm mộ, ai nấy đều rưng rưng khi chứng kiến thầy trò HLV Mai Đức Chung hát vang giai điệu Tiến quân ca, đánh dấu lần đầu tiên Quốc ca Việt Nam vang lên tại giải bóng đá lớn nhất hành tinh. Dù cho rơi vào bảng đấu "tử thần" với đương kim vô địch Mỹ và đương kim á quân Hà Lan, các tuyển thủ vẫn giữ vững tinh thần bất khuất, kiên cường của con cháu Bà Trưng, Bà Triệu và thi đấu không sợ hãi.
Từ thành tích vô tiền khoáng hậu của tuyển nữ Việt Nam ở hiện tại - số 1 khu vực, số 32 thế giới - khi nhìn về quá khứ, chúng ta luôn thấy bóng dáng của HLV Mai Đức Chung - vị chiến lược gia tài ba đã âm thầm đồng hành với đội tuyển ngay từ những ngày đầu gian khó.
Gần ba thập kỷ trôi qua, gian nan chắc chắn vẫn còn, nhưng những thành quả thầy Chung và các lứa học trò nỗ lực để đạt được đã kiến tạo nên những thay đổi lớn lao. Và cũng chính từ đây, người hâm mộ càng có quyền kỳ vọng hơn nữa về một tương lai rực rỡ của bóng đá nữ nước nhà.
Đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam thành lập vào năm 1997, khi chủ nhà SEA Games năm đó - Indonesia công bố đưa bóng đá nữ vào chương trình thi đấu. Vào thời điểm ấy, bóng đá nữ tại Việt Nam hầu như là con số 0, chưa có câu lạc bộ chính thức nào được thành lập, và đương nhiên cũng chưa có giải vô địch quốc gia.
Sau nhiều cân nhắc, HLV Mai Đức Chung, khi ấy đang công tác tại Tổng cục Thể dục thể thao, là người được Phó Chủ tịch VFF Lê Thế Thọ "chọn mặt gửi vàng". Dù đã có bề dày huấn luyện, nhưng vì hoàn toàn chưa có kinh nghiệm ở mảng bóng đá nữ, ông Chung toan từ chối. Tuy nhiên khi biết đây có thể sẽ là tiền đề để bóng đá nữ được công nhận ở nước nhà, cuối cùng ông cũng đã gật đầu.
Và cũng từ đây, một trang lịch sử huy hoàng dần mở ra cho cả đội tuyển nữ và HLV họ Mai, và hành trình này cũng mang đến biệt danh Chung "gái" cho nhà cầm quân sinh năm 1951.
Chuyển sang làm HLV đội nữ, ông Chung phải tự tìm tòi rất nhiều về các phương pháp huấn luyện cũng như về thể lực, sức khỏe lẫn tâm lý của nữ giới.
HLV CHIA SẺ:
"Chuyển từ bóng đá nam sang bóng đá nữ tất nhiên tôi phải có những điều chỉnh về phương pháp huấn luyện cho phù hợp hơn. Ngoài ra còn một điều tế nhị nằm ở sự khác biệt sinh lý nữa. Cầu thủ nam chỉ đau ốm, chấn thương thì nghỉ, còn với nữ họ có "ngày đèn đỏ" nữa. Mình cũng phải xem xét sự ảnh hưởng của chuyện đó để tính toán nhân sự, bởi nó là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới thể trạng, phong độ của cầu thủ".
Trời không phụ lòng người, ngay trong lần đầu tiên ra quân, ông Chung và các học trò của mình đã đoạt chức vô địch giải tiền SEA Games năm 1997, rồi lại tiếp tục giành huy chương đồng trong khuôn khổ giải chính thức năm đó.
Nhưng đến đây, nhân duyên của vị chiến lược gia với đội bóng có sự gián đoạn trong vài năm do ở kỳ SEA Games tiếp theo tại Indonesia, bóng đá nữ không nằm trong số các môn thi chính thức và ông Chung lúc này trở lại huấn luyện đội Tổng cục Đường sắt.
Năm 2001, dưới sự dẫn dắt của HLV người Anh Steve Darby, ĐTQG nữ đã có chức vô địch đầu tiên tại SEA Games lần thứ 21 được tổ chức tại Malaysia, với bộ khung cầu thủ được xây dựng từ thời ông HLV Chung.
Khi chiến lược gia này rời đi, một lần nữa thầy Chung lại được giao phó nhiệm vụ dẫn dắt đội tuyển để chuẩn bị cho kỳ SEA Games 22 được tổ chức tại sân nhà Việt Nam. Đối mặt với nhiều áp lực từ dư luận do vấn đề ở giải bóng đá nữ quốc tế tiền SEA Games, ông Chung và các học trò vẫn vượt qua để bước lên "ngôi hậu" sau trận chung kết với Đội tuyển Myanmar.
Đến năm 2005, tiếp tục là một chiến thắng nữa trước tuyển Myanmar để mang về tấm huy chương vàng thứ hai liên tiếp dưới thời HLV Mai Đức Chung.
Sau thành công với bóng đá nữ, ông được điều chuyển đến làm trợ lý cho HLV Alfred Riedl ở đội tuyển nam. Tại đây, ông đã nắm quyền dẫn dắt đội tuyển bóng đá Olympic Việt Nam và giành được một số thắng lợi quan trọng trước các đối thủ Tây Á như Liban và Oman tại vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008.
Năm 2008, VFF bổ nhiệm ông vào vị trí HLV trưởng U22 Việt Nam và vị chiến lược gia đã dẫn dắt đội tuyển đoạt cúp Merdeka 2008 tại Malaysia. Tiếp theo đó, ông lần lượt giữ cương vị HLV trưởng tại một số câu lạc bộ như Becamex Bình Dương, Navibank Sài Gòn, Thanh Hóa trước khi nối lại nhân duyên với đội tuyển nữ.
Năm 2014, ông Chung được mời lên tuyển nữ để chuẩn bị cho giải ASIAD. Tại đây, một kỷ lục mới được xác lập khi Đội tuyển nữ Việt Nam lần đầu tiên giành vé vào bán kết một kỳ ASIAD (giành hạng 4 chung cuộc).
Tiếp nối thành công đó là kỷ lục 4 tấm huy chương vàng trong 4 kỳ SEA Games liên tiếp: 2017, 2019, 2021 và 2023, cùng một lần vô địch AFF Cup 2019. Có thể thấy, trong lịch sử 8 lần vô địch SEA Games của ĐTQG nữ, đã có đến 6 lần là dưới sự dẫn dắt của "bố" Chung, và điều này cũng khiến ông trở thành chiến lược gia giàu thành tích nhất lịch sử của SEA Games.
Ngày 06/02/2022, tin vui đến vào ngày đầu xuân khi đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã đánh bại đội tuyển bóng đá nữ Đài Bắc Trung Hoa ở trận play-off với tỷ số 2-1 để xuất sắc ghi tên mình vào danh sách tham dự Vòng chung kết World Cup Nữ 2023.
Có thể ví nhà cầm quân sinh năm 1951 như một bức tường thành vững chãi phía sau các nữ cầu thủ. Họ thường gọi ông là "bố Chung", hay "bác Chung", những danh xưng thân thương dành cho người mà họ xem như gia đình.
"Bố Chung" tạo cho người khác ấn tượng về một con người thầm lặng, giản dị, gương mặt mang nét "khắc khổ" và sở hữu một nụ cười hiền. Trên sân cỏ, ông là người nghiêm khắc, không ngại góp ý, phê bình các tuyển thủ khi họ làm sai, nhưng sự chân thành của ông khiến họ không thể phật lòng.
Dưới sự dẫn dắt của HLV Mai Đức Chung, đội tuyển nữ Việt Nam được cho là vượt trội so với các đội bóng trong khu vực về khả năng vận hành đấu pháp chiến thuật, sở hữu kỹ năng ứng biến linh hoạt, xử lý tình huống nhạy bén. Mỗi tuyển thủ cũng được huấn luyện để có thể đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau. Và nổi trội nhất ở các nữ cầu thủ Việt Nam đó là ý chí thi đấu kiên cường, tận hiến, lăn xả hết mình mỗi khi ra sân.
Để chuẩn bị nguồn lực cho đội tuyển quốc gia, vị huấn luyện viên cũng dành nhiều tâm sức để bồi dưỡng các nhân tố trẻ ở lứa U19; những cầu thủ trẻ như Hải Linh, Thanh Nhã, Vũ Thị Hoa… cũng đều xuất thân từ đây. Tất cả để tạo nên một đội bóng vừa có sự ổn định, chắc chắn từ kinh nghiệm của các cựu binh lão làng, vừa không thiếu yếu tố đột phá, sáng tạo từ lớp vận động viên trẻ.
Không chỉ về chuyên môn, vị chiến lược gia 73 tuổi giữ vai trò như chỗ dựa tinh thần cho các cầu thủ, ông chăm sóc sức khỏe và động viên, giúp họ giải tỏa những gánh nặng tâm lý. Người hùng thầm lặng của bóng đá nữ luôn nói với các học trò của mình rằng:
ĐỘI TRƯỞNG HUỲNH NHƯ TỪNG TÂM SỰ VỀ NGƯỜI THẦY CỦA MÌNH:
"Bố Chung bao giờ cũng nhận phần thiệt về mình. Bố không bao giờ đội mũ, ngồi trong cabin khi bọn em tập luyện và thi đấu. Bố bảo rằng, các con chịu nắng, chịu mưa chẳng nhẽ bố lại không đồng hành cùng. Bố thương yêu, lo lắng cho các cầu thủ như con, như cháu của mình vậy. Trước mỗi trận đấu áp lực, bố luôn đứng ra chịu trách nhiệm, không đặt nặng về chuyên môn, từ đó giúp cầu thủ thoải mái khi thi đấu".
Có lẽ "nhận phần thiệt về mình" là điều ông Chung đã và vẫn luôn làm vì tình yêu với bóng đá nữ Việt Nam. Từng có những câu lạc bộ ở V-League mời ông về với mức lương hấp dẫn, gấp vài lần so với mức lương ở đội tuyển nữ, tuy nhiên ông đều từ chối. Thậm chí vị huấn luyện viên còn từng được mời về đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch VFF. "Dù vậy bản thân tôi thấy mình thích làm chuyên môn hơn nên chuyện đó cuối cùng không xảy ra" - ông nói.
Tình cảm, sự tận tụy của người thầy trở thành chất keo gắn kết toàn đội, tạo nên một tập thể đoàn kết, đồng lòng hướng tới mục tiêu chung. Từ việc thấu hiểu lẫn nhau, họ trở nên ăn ý trên sân, dễ dàng ứng biến theo những chỉ đạo và thay đổi chiến thuật từ vị huấn luyện viên của mình.
NHÌN LẠI NHỮNG THÀNH CÔNG ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC, ÔNG CHUNG "GÁI" KHIÊM TỐN THỪA NHẬN MÌNH MAY MẮN, VÀ:
"Cuộc sống của tôi ảnh hưởng bởi bóng đá nữ rất nhiều. Tôi được vinh dự, vinh quang cũng nhờ bóng đá nữ. Tên tuổi tôi có được cũng là nhờ bóng đá nữ. Nhờ bóng đá nữ tôi mới có được như ngày hôm nay."
Dẫn dắt đội tuyển nữ Việt Nam lần đầu giành vé tham dự giải bóng đá lớn nhất hành tinh, đây chắc chắn là thành tích ấn tượng nhất trong sự nghiệp vinh quang của HLV Mai Đức Chung. Quả ngọt đến vào thời điểm thực sự ý nghĩa, vì đây có lẽ đã là giải đấu cuối cùng thầy đồng hành với đội trên cương vị huấn luyện viên trưởng.
Nhiều lần vị chiến lược gia 73 tuổi đã muốn về hưu, nhưng vì đội tuyển mà tiếp tục ở lại tận hiến, mặc cho những điều kiện khắc nghiệt cùng lịch trình bận rộn, thường xuyên phải thi đấu, huấn luyện tại nước ngoài. HLV Mai Đức Chung chia sẻ, dù không còn là huấn luyện viên, ông hy vọng vẫn tiếp tục được góp sức mình dưới vai trò cố vấn cho đội tuyển.
Trong suốt chặng đường gần ba thập kỷ, kể từ những ngày đầu tiên, bóng đá nữ đã luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thiệt thòi. Đó là sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, điều kiện tập luyện, hay nỗi lo cơm áo gạo tiền khi đồng lương ít ỏi chẳng đủ để trang trải cuộc sống…
Trong tình thế đó, sự ngoan cường cùng một tinh thần "thép" chính là tài sản lớn nhất - thứ đã soi đường cho thầy trò HLV Mai Đức Chung trên hành trình vượt khó thầm lặng của bóng đá nữ Việt Nam. Nói "thầm lặng" bởi lẽ, trong một thời gian dài, thể thao nói chung hay bóng đá nói riêng vẫn được xem là địa hạt dành cho nam giới, sự hiện diện của nữ giới trong lĩnh vực này hầu như bị lu mờ.
May mắn thay, hành trình thầm lặng ấy không phải là một hành trình hoàn toàn đơn độc. Khi bóng đá nữ gặp phải những ánh nhìn đầy hoài nghi, vẫn có những cá nhân, đơn vị nhìn thấy nỗ lực của họ và lựa chọn tin tưởng, tiếp sức để ngọn lửa tinh thần của thầy trò luôn cháy sáng.
Một trong những nhà tài trợ chính đã âm thầm đồng hành với các Đội tuyển Bóng đá Quốc gia Việt Nam trong nhiều năm qua chính là Acecook Việt Nam. Thương hiệu nổi tiếng đến từ Nhật Bản - với một trong những trụ cột của triết lý kinh doanh và góp phần cùng nhau tạo nên hạnh phúc cho xã hội, đặc biệt là đem lại hạnh phúc cho xã hội thông qua thể thao - đã trao niềm tin và không ngừng thể hiện sự ủng hộ đến các nữ tuyển thủ quốc gia.
Và lần này, Acecook Việt Nam tiếp tục tiếp lửa cho hành trình rực rỡ tiến đến World Cup của đội tuyển nữ với một chiến dịch đầy xúc cảm mang tên "KIÊU HÙNG TIẾP BƯỚC".
KIÊU HÙNG TIẾP BƯỚC | Cùng Acecook Tiếp Thêm Sức Mạnh Cho Đội Tuyển Nữ Quốc Gia Việt Nam
Với việc tôn vinh và lan tỏa câu chuyện kỳ tích bóng đá nữ đến cộng đồng, các doanh nghiệp thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình với xã hội khi góp phần phá bỏ định kiến giới, chứng minh sự hiện diện của phụ nữ trong thể thao và truyền cảm hứng theo đuổi ước mơ bất chấp mọi rào cản. Đồng thời, đóng góp vào sự phát triển của thể thao nước nhà. Từ đó, mong mỗi người dân Việt Nam đều khỏe mạnh, hạnh phúc.
HLV MAI ĐỨC CHUNG CŨNG TỪNG ĐAU ĐÁU RẰNG:
"Tôi cũng trăn trở cho cuộc sống của các cháu. Không phải chỉ bóng đá nam, giờ bóng đá nữ của tôi cũng có thành tích rồi, cớ sao không được quan tâm. Tôi mong sau khi giải nghệ, các cầu thủ nữ có cuộc sống ổn định và mong muốn hơn nữa của tôi là các cháu có một gia đình hạnh phúc, đầm ấm". Có lẽ với những tiền đề ông đã tạo ra trong sự nghiệp cầm quân vĩ đại của mình và nỗ lực từ phía những người ủng hộ, mong ước này sẽ không còn quá khó để trở thành hiện thực.
Và trong những ngày tháng này, chứng kiến tin tức về thầy Chung cùng các học trò tràn ngập trên báo chí, mạng xã hội, hay những khoản thưởng "nóng" từ VFF và doanh nghiệp cho thành tích xuất sắc của những cô gái, người hâm mộ thêm phấn khởi vì dường như đến cuối cùng, các nữ chiến binh đã có thể nhận được phần thưởng xứng đáng với tài năng và nỗ lực của mình.
"Di sản" thầy trò HLV Mai Đức Chung để lại trong ba thập kỷ của bóng đá nữ Việt Nam chắc chắn đã trở thành nguồn cảm hứng, động lực để ngày càng nhiều người dũng cảm theo đuổi đam mê. Với sợi dây lịch sử kiêu hùng từ thời Bà Trưng, Bà Triệu được nối dài và nền móng vững chắc đã được dựng lên, chúng ta có quyền vững tin về một tương lai xán lạn hơn nữa của các nữ chiến binh sao vàng.