Nhưng con người Hoàng Anh Tuấn là như vậy. Kiên định, lì đòn, có chút gì đó ngang tàng, không sợ áp lực từ dư luận.
Tại AFF Suzuki Cup 2012, HLV Hoàng Anh Tuấn được tin tưởng giao trọng trách là phó tướng cho HLV Phan Thanh Hùng ở ĐTQG. Ở trận đấu đầu tiên của giải diễn ra trên đất Thái, Việt Nam bị Myanmar cầm hòa với tỉ số 1-1, ông Phan Thanh Hùng thể hiện rõ sự thất vọng, buồn bã. Ông Tuấn đã phải thay HLV Phan Thanh Hùng trả lời báo chí.
Khi ấy, vị HLV gốc Khánh Hòa đã phát biểu rất thản nhiên: "Một trận hòa cũng chẳng vấn đề gì". AFF Cup năm ấy, ĐT Việt Nam bị loại ngay từ vòng bảng, HLV Phan Thanh Hùng đâm đơn từ chức, thì cũng chính ông Tuấn động viên người đồng nghiệp rút lại quyết định.
Chuyện ông Hoàng Anh Tuấn khuyên can HLV Phan Thanh Hùng không từ chức sau thất bại thảm hại ở AFF Suzuki Cup 2012 tiếp tục là một sự minh chứng nữa cho cá tính gai góc, mạnh mẽ của người đàn ông có vóc dáng nhỏ bé này. Ngã ở đâu đứng dậy ở đó, chứ không chạy trốn và chấp nhận thất bại, chính cái triết lý sống ấy đã tạo nên thành công của HLV Hoàng Anh Tuấn hôm nay.
Hẳn ai cũng nhớ chẳng đâu xa, ngay trước khi VCK U19 Châu Á năm nay diễn ra, HLV Hoàng Anh Tuấn vẫn còn đang bị bủa vây bởi những lời chỉ trích và ngờ vực. Nó bắt nguồn từ việc đội tuyển U19 Việt Nam thi đấu không thành công tại VCK U19 Đông Nam Á diễn ra ngay trên sân nhà.
Chúng ta chỉ giành HCĐ sau khi thảm bại 2-5 trước Australia ở bán kết, kết quả càng làm dấy lên những so sánh giữa lứa U19 hiện nay và U19 của HLV Guillaume Graechen 2 năm trước (vốn có những trận thắng tưng bừng trước Australia).
Cũng phải nói thêm rằng, trước đấy ở vòng bảng, U19 Việt Nam cũng có những trận đấu khá chật vật như hòa U19 Singapore (quốc gia chưa bao giờ được đánh giá cao ở các giải trẻ), rồi thắng rất chật vật đội bóng chót bảng Philippines 4-3.
Đáp lại những sự soi mói và "ném đá" của công luận, ông Hoàng Anh Tuấn chỉ im lặng và cùng các học trò quyết tâm khẳng định mình trên sân bóng. Đấy cũng là điều ông đã làm cách đây 1 năm, khi các học trò để thua Thái Lan tới 0-6 ở trận CK U19 Đông Nam Á – một trận thua khiến người ta phủ nhận mọi công sức của U19 Việt Nam trước đó (thày trò HLV Hoàng Anh Tuấn lọt vào CK với thành tích bất bại, ghi tới 14 bàn mà không để thủng lưới bàn nào).
Và chiến tích để đời của U19 Việt Nam cùng dấu ấn đậm nét của HLV Hoàng Anh Tuấn chính là câu trả lời cho những ai nghi ngờ năng lực của vị chiến lược gia này. Hãy thử tưởng tượng, nếu ông Tuấn tặc lưỡi đầu hàng trước áp lực và thị phi, liệu chúng ta có giành được chiếc vé dự World Cup lịch sử?
Nếu coi thành công hôm nay của HLV Hoàng Anh Tuấn là phủ định cho những ai từng coi thường ông, thì đương kim Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam, ông Lê Hùng Dũng – người mà chắc chắn sẽ phải lấy cột mốc lịch sử của thày trò HLV Hoàng Anh Tuấn để tô vẽ cho báo cáo nhiệm kì của mình nằm trong số ấy.
Tại sao lại như vậy? Bởi chính ông Lê Hùng Dũng là người từng lớn tiếng, công khai đăng đàn đặt dấu hỏi cho năng lực của ông Tuấn.
Đó là năm 2012 sau AFF Suzuki Cup, ông Tuấn từng được nhắm cho vị trí HLV trưởng ĐTQG. Nói chính xác hơn, ông Tuấn khi ấy là ƯCV số 1. Đích thân Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn của VFF thời đó là ông Phạm Văn Tuấn đã gặp gỡ, bàn bạc kế hoạch cụ thể với ông Hoàng Anh Tuấn.
Thậm chí, ông Tuấn còn đã được mời đàm phán để trở thành huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá quốc gia nam trong thời hạn 3 năm với mức lương khủng 200 triệu đồng/tháng, và hai bên đã nhất trí về các điều khoản cơ bản của hợp đồng. Thế nhưng, cuộc se duyên tưởng chừng đã chắc như đinh đóng cột này lại không thành vào phút chót.
Nguyên căn là do ông Lê Hùng Dũng lúc đấy cũng là Phó Chủ tịch VFF đã chẳng ngại ngần bỉ bôi trên mặt báo đại ý rằng: "anh Tuấn xưa nay chỉ cầm quân các CLB dự V-Leauge, sao đủ để dẫn dắt ĐTQG". Với tính khí ngang tàng, giàu tự trọng của mình, ông Tuấn có lẽ đã tự ái. Sau đó, ông đã thông báo đến các thành viên trong thường trực VFF rằng mình xin rút vì việc gia đình.
Ông Tuấn phải chịu cái nhìn tiêu cực như vậy cũng là điều hiểu được. Sở dĩ như vậy vì sự nghiệp của người đàn ông sinh năm 1968 tương đối lận đận. Xét về mặt danh hiệu, ông Tuấn chưa giành được bất kì thành tích đáng kể nào.
Chức vô địch duy nhất ông Tuấn có được cho đến lúc này là đưa U21 Khánh Hòa vô địch giải U21 quốc gia Báo Thanh Niên năm 2007. Quả ngọt ấy cũng là bệ phóng đưa ông Tuấn đến với chiếc ghế HLV trưởng đội bóng quê hương vào tháng 8/2007, khi Khánh Hòa đang chìm trong cuộc chiến chống trụ hạng.
Nhưng nếu mang danh hiệu ra so anh hùng thì có phần thiếu công bằng với ông Tuấn. Đơn giản bởi ông chưa có cơ hội được dẫn dắt 1 CLB có thực lực nào.
Trước khi nhận lời ngồi vào chiếc ghế HLV trưởng U19 Việt Nam năm 2015, ông Tuấn có 6 mùa cầm quân tại Khatoco Khánh Hòa, rồi sau đấy là 1 mùa bóng ra Hải Phòng.
Khánh Hòa thì khỏi nói, đội bóng này kể từ khi bóng đá Việt Nam lên chuyên chưa bao giờ được xếp vào hàng có số có má. Còn Hải Phòng khi ông Tuấn cầm quân cũng chỉ là một cái xác không hồn, chứ không phải là một CLB có thực lực lẫn tham vọng.
Mùa 2013-2014, Hải Phòng mua lại suất của Khánh Hòa để được ở lại V-League sau khi CLB thành phố Cảng này bị xuống hạng ở mùa 2012-2013, còn Khatoco thì giải tán đội bóng do thiếu kinh phí. Ông Tuấn cùng 13 cầu thủ trong đội hình chính thức trước đây ra Bắc đầu quân cho Hải Phòng trong cú áp phe có lẽ chỉ tồn tại ở bóng đá Việt Nam.
Nhưng điều đặc biệt là với bàn tay nhào nặn của ông Tuấn, các đội bóng của ông luôn rất khó chơi. Khánh Hòa dưới thời ông Tuấn không còn chỉ đóng vai "ông vua trụ hạng" mà thực sự là một đối thủ ngổ ngáo. Họ có thể ngáng chân bất cứ đối thủ nào.
Ngay cả với Hải Phòng cũng vậy, trong một mùa bóng đầy biến động cả về lực lượng lẫn tinh thần của các cầu thủ trong cảnh Hồn Trương Ba, da hàng thịt như vậy, ông Tuấn vẫn giúp CLB vốn xếp chót bảng mùa trước (kém đội đứng trên tới 16 điểm) cán đích trong Top 6.
Chức Á quân V-League của Hải Phòng mùa giải này có nền tảng từ dấu ấn của HLV Hoàng Anh Tuấn
So với tiềm lực hạn chế của CLB thì có thể nói những kết quả mà ông Tuấn đạt được là tương đối thành công. Và cũng nhờ phải làm việc ở những đội bóng thường đóng vai "cửa dưới" như vậy đã tạo nên cái chất, phong cách cầm quân đặc trưng của Hoàng Anh Tuấn như những gì mọi người đang thấy ở đội U19.
Đội quân của ông luôn chơi rất khó chịu, dựa trên nền tảng là lối chơi phòng ngự chặt chẽ, và phong cách thi đấu máu lửa, quyết tâm, trước khi kết liễu con mồi bằng những nhát kiếm đơn giản nhưng khoa học và đầy tính toán.
Thành công ở đội U19 là thành quả xứng đáng cho ý chí kiên định, kiên trì rèn quân của ông Tuấn trong suốt 2 năm qua. Nó chắc chắn sẽ đưa sự nghiệp của HLV Hoàng Anh Tuấn lên một nấc thang mới. Người ta sẽ buộc phải nhìn nhận ông bằng con mắt khác (đến ông Lê Hùng Dũng mới đây cũng đã phải gửi thư khen HLV Hoàng Anh Tuấn và các học trò).
Nhưng có thể tin rằng đây mới chỉ là nấc thang danh vọng đầu tiên của ông Hoàng Anh Tuấn, chứ chưa phải là cuối cùng. Đơn giản bởi ông Tuấn từ lâu đã chuẩn bị cho mình một hành trang để hướng tới những cái đích cao hơn nhiều.
Có lẽ, ít nhất mục tiêu của ông Hoàng Anh Tuấn trong tương lai cũng phải là chiếc ghế HLV trưởng ĐTQG– thứ mà người ta từng giật khỏi tay ông đầy cay đắng, theo một cách không minh bạch.
Nhìn cái cách ông Tuấn dạy các học trò về tình yêu tổ quốc, yêu đồng bào, rồi cái cách ông hôn lên lá cờ đỏ sao vàng trên áo đấu của học trò khi ăn mừng trong phòng thay đồ thì có thể hiểu ông yêu đất nước và màu cờ sắc áo này đến chừng nào.
Có lẽ chính vì tình cảm đặc biệt ấy, mà ông chưa từ chối cơ hội nào để cống hiến cho các ĐTQG từ vai trò trợ lý ở ĐTQG hay HLV trưởng U19 Việt Nam. Cho dù chắc hẳn không ít đồng nghiệp của ông Tuấn sẽ giữ quan điểm rằng đảm nhiệm những vị trí đó là một sự hạ mình.
Và chỉ cần thế thôi có lẽ là đủ để đặt niềm tin vào ông thầy họ Hoàng rồi!
Đức Phan
Nguyễn Mạnh Quân
Theo Trí Thức Trẻ27/10/2016