Từ Paris, GS. TS. Nguyễn Đức Khương, PGĐ phụ trách nghiên cứu, IPAG Business School (Paris), & Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) đã có cuộc trò chuyện với Trí Thức Trẻ xung quanh câu chuyện tháo gỡ khó khăn kinh tế Việt Nam trong dịch Covid-19 và câu chuyện nhìn từ nước Pháp.

Anh nhấn mạnh: "Cần nhìn xa, phát hiện các cơ hội và hành động cẩn trọng để đưa các hoạt động kinh tế trở lại bình thường nhất".

GS.TS. Nguyễn Đức Khương: Dịch Covid-19 có thể là hiện thân của một yếu tố thúc đẩy trí tưởng tượng con người! - Ảnh 1.

-Để bắt đầu cuộc trò chuyện, anh có thể chia sẻ tình hình dịch Covid-19 hiện tại ở Pháp, cụ thể là Paris nơi anh đang sống và làm việc?

Nước Pháp đang bước vào tuần thứ 2 của tình trạng y tế khẩn cấp trên toàn quốc và vùng lãnh thổ hải ngoại. Tuần qua Chính phủ đã ban hành các lệnh liên quan đến hạn chế đi lại với người dân, tự do hội họp và trưng dụng tối đa các nguồn lực để phục vụ cho việc phòng chống dịch Covid-19.

Người dân chỉ di chuyển khi buộc phải mua sắm các nhu yếu phẩm phục vụ đời sống hay vì lí do sức khoẻ phải đi lại hoặc giải quyết công việc cấp bách mà cơ quan, doanh nghiệp chưa có điều kiện để xử lý trực tuyến. Dân Pháp giờ làm việc chủ yếu tại nhà, thông qua những nền tảng ứng dụng.

Về tình hình kinh tế xã hội thì có thể nói là mọi thứ đang chậm lại và người dân cũng đang tập thích nghi với tình trạng mới.

Riêng Paris, thành phố trở nên vắng lặng khác lạ. Xe cộ, người di chuyển rất hiếm hoi. Tuy nhiên, tôi thấy rằng tâm lý người dân vẫn bình thường, ổn định. Họ cũng thể hiện tinh thần tuân thủ những quy định, khuyến nghị của Chính phủ và các tổ chức y tế trong việc thực hiện các yêu cầu an toàn cho bản thân và cộng đồng.

GS.TS. Nguyễn Đức Khương: Dịch Covid-19 có thể là hiện thân của một yếu tố thúc đẩy trí tưởng tượng con người! - Ảnh 2.

-Theo quan sát của anh, châu Âu – cụ thể là Pháp đi, có "toang" như cách mà truyền thông đang nhắc đến tại Việt Nam?

Nhìn từ bên ngoài và qua các con số thống kê về số người nhiễm bệnh, tử vong trong thời gian ngắn thì khó có thể nhận định khác đi được. Tất nhiên nó cũng có nhiều điểm khác biệt mà chỉ có những người đang ở châu Âu mới có thể cảm nhận được.

Đầu tiên, cũng có thể nhận định rằng những chủ quan, đánh giá thấp ảnh hưởng của dịch bệnh đã khiến cho Pháp và châu Âu thiếu đi sự chuẩn bị cần thiết. Đó cũng là nhận định chung của nhiều người Pháp. Nhưng nếu nhìn nhận khách quan thì những bạn bè Pháp của tôi vẫn coi coronavirus như một dịch cúm mùa bình thường. Họ vẫn thực hiện những hoạt động sản xuất, sinh hoạt hàng ngày bình thường trước khi Chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp hạn chế đi lại.

Điều tích cực theo tôi là họ tiếp cận với việc ứng phó dịch bệnh một cách tự nhiên, tâm lý chủ động. Họ cũng có tiềm lực tài chính, nền tảng tốt để đối mặt nếu dịch kéo dài.

-Vậy quan điểm chống dịch của Chính phủ Pháp là gì?

Chính phủ Pháp mong muốn người dân tham gia vào chương trình ứng phó dịch bệnh, để lượng ca nhiễm không tăng lên nhiều, từ đó giảm quá tải cho ngành y tế, đảm bảo nguồn lực để chăm sóc tốt nhất cho những người mắc bệnh.

GS.TS. Nguyễn Đức Khương: Dịch Covid-19 có thể là hiện thân của một yếu tố thúc đẩy trí tưởng tượng con người! - Ảnh 3.

- Tại Pháp, Chính phủ đã có những phương án gì để hỗ trợ cho nền kinh tế?

Liên quan đến việc hỗ trợ cho doanh nghiệp, hôm 16/3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo sẽ dành ra khoản hỗ trợ 300 tỷ euro để đảm bảo các khoản vay mới cho doanh nghiệp bất kể là doanh nghiệp lớn, nhỏ hay siêu nhỏ. Như vậy các ngân hàng thương mại (NHTM), các tổ chức tín dụng không có lý do gì để từ chối cho các doanh nghiệp vay tiền.

Chính phủ Pháp cũng thực hiện các chính sách giống với Việt Nam, ví dụ như giãn, hoãn thuế hoặc chậm, hoãn đóng các chi phí về bảo hiểm, an sinh xã hội hay bảo trợ toàn bộ các chi phí điện, nước, tiền sử dụng đất. Bên cạnh đó, Pháp cũng áp dụng những giải pháp cơ bản như giãn nợ hoặc lùi lại các hạn thanh toán các khoản lãi từ nợ cho doanh nghiệp.

Sau đấy một hôm, ngày 17/3, Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire cũng thông tin về một gói hỗ trợ bổ sung là 45 tỷ euro. Mục tiêu của gói này là hỗ trợ chi phí tiền lương thông qua cơ chế thất nghiệp một phần trong giai đoạn khủng hoảng và thành lập một quỹ tương trợ khoảng 1 tỷ euro để tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nhất là nhóm có doanh thu ít hơn 1 triệu euro/năm.

Cụ thể như Chính phủ sẽ bồi thường khoảng 1.500 euro/ngày cho tất cả các nhà hàng, quán bar đóng cửa trong giai đoạn dịch hoặc có doanh thu giảm hơn 70% trong giai đoạn từ tháng 3/2019 – 3/2020. Như vậy, các hỗ trợ của Chính phủ Pháp cũng đi vào các kênh cụ thể, các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch.

-Khi nhìn về Việt Nam, anh đánh giá như thế nào về các biện pháp được sử dụng?

Trên nền tảng mục tiêu kép vừa đảm bảo an toàn cho người dân, vừa đảm bảo các hoạt động kinh doanh, sản xuất trong điều kiện dịch Covid-19, có thể nhận thấy Chính phủ Việt Nam đã có những giải pháp rất chủ động và kịp thời. Đây cũng là chia sẻ tôi nhận được khi trao đổi với các đồng nghiệp quốc tế.

Trong khi nhiều quốc gia đang lúng túng với các giải pháp thì ngay khi dịch bệnh mới bắt đầu ở Vũ Hán, Việt Nam đã xác định rõ những mục tiêu của mình. Chính phủ còn nói rõ: An toàn người dân là trên hết, thậm chí có thể hi sinh tăng trưởng kinh tế. Quan điểm hết sức quyết liệt và rõ ràng ngay từ đầu.

Việt Nam cũng có sự điều phối nhịp nhàng giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ. Hôm 16/3, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 11 đưa ra những giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội trong tình hình dịch bệnh phức tạp.

Trọng tâm của Chỉ thị là gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ và gói hỗ trợ tài khoá 30.000 tỷ đồng. Chính sách tài khoá thì nhiều doanh nghiệp, người dân biết rồi, đã triển khai từ cuối tháng 2, tập trung vào giãn, hoãn nợ, chậm các khoản phải nộp như BHXH... thể hiện sự đồng hành, chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Với chính sách tiền tệ thì hôm 17/3, NHNN đã công bố những quyết định quan trọng về lãi suất. Trong đó, tất cả lãi suất điều hành đã được giảm cùng một lúc như lãi suất trần cho vay ngắn hạn bằng VNĐ được giảm 0,5%/năm; Các mức lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, vay vốn qua đêm trong thanh toán điện tử giữa các NHTM với nhau hay cho vay bù đắp thiếu hụt vốn giữa NHNN và NHTM đã giảm 1%/năm.

GS.TS. Nguyễn Đức Khương: Dịch Covid-19 có thể là hiện thân của một yếu tố thúc đẩy trí tưởng tượng con người! - Ảnh 5.

Những điều chỉnh này vẫn phù hợp với chính sách tiền tệ cẩn trọng của Việt Nam. Tức là sử dụng và huy động những nguồn vốn có sẵn trong nền kinh tế mà không phải bơm tiền. Việt nam đã không tung ra một gói kích cầu như những năm 2007 – 2008 khi khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra. Điều này tạo ra sự cộng hưởng nhịp nhàng với giải pháp tài khoá đã được thực hiện tạo được niềm tin cho thị trường, nhà đầu tư, trong đó Chính phủ vẫn thể hiện vai trò chủ động trong kiến tạo môi trường, điều tiết vĩ mô.

-Nếu chọn giữa nguy cơ suy thoái và khủng hoảng kinh tế thì từ nào đúng khi nói về tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam?

Suy thoái và khủng hoảng thường được nhắc đến cùng nhau trên phương diện kinh tế học. Suy thoái được định nghĩa là sự suy giảm của tổng thu nhập quốc dân thực liên tiếp trong vòng 2 quý hoặc dài hơn 2 quý.

Suy thoái trong thời gian kéo dài sẽ dẫn đến khủng hoảng. Tức là khi đó các hoạt động kinh tế bị đình trệ trên diện rộng, chu kỳ tái sản xuất và tiêu dùng bị suy sụp, mất cân bằng vĩ mô. Tôi muốn nói đến sự mất cân bằng các chỉ số trong giai đoạn ngắn như liên quan đến sự sụt giảm của cán cân cung cầu, của thương mại, thất nghiệp, lạm phát gia tăng...

Như vậy tại thời điểm hiện nay thì nguy cơ suy thoái kinh tế miêu tả rõ ràng hơn tình trạng của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam.

Tuy nhiên hệ thống tài chính và thị trường của chúng ta cũng cần chuẩn bị cho một kịch bản có thể xấu đi nếu dịch bệnh kéo dài vượt sang quý III, quý IV. Như vậy chúng ta sẽ có những biện pháp ứng phó kịp thời, chủ động hơn.

GS.TS. Nguyễn Đức Khương: Dịch Covid-19 có thể là hiện thân của một yếu tố thúc đẩy trí tưởng tượng con người! - Ảnh 6.

-Theo anh, kinh tế Việt Nam đã thực sự cần "giải cứu" hay chưa?

Tôi nghiêng về việc hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp. Bởi khung cảnh chung các nền kinh tế đều chưa thể nói đến tình trạng cứu trợ. Các doanh nghiệp về bản chất vẫn còn một khoảng thời gian để cầm cự với các gói hỗ trợ từ Chính phủ.

Bên cạnh đó, các quốc gia đang nỗ lực để ngăn chặn dịch bùng phát hay lan rộng ra. Tôi cho rằng những nỗ lực này sẽ đem lại những hiệu quả thiết thực trong tháng 4, tháng 5.

Doanh nghiệp đang có một khoảng thời gian "bình lặng" để tìm ra những giải pháp phù hợp nhất cho những sáng kiến, sáng tạo phù hợp với mình, tạo ra những quy trình vận hành, thích ứng với điều kiện mới.

Coronavirus như một phép thử khi trong tương lai, chúng ta nhiều khả năng chứng kiến những sự kiện, biến động về kinh tế khó lường. Quy mô của tác động sẽ lớn hơn hôm nay vì các nền kinh tế được gắn chặt và ràng buộc hơn.

GS.TS. Nguyễn Đức Khương: Dịch Covid-19 có thể là hiện thân của một yếu tố thúc đẩy trí tưởng tượng con người! - Ảnh 7.

-Ngoài những chính sách kinh tế Việt Nam đã công bố rồi, anh nghĩ có cần thêm biện pháp nào nữa không?

Ưu tiên của chúng ta hiện giờ vẫn là ngăn chặn dịch trong thời gian ngắn nhất và đưa các hoạt động kinh tế về lại mức bình thường trước đó.

Còn bổ sung, cân nhắc thêm thì tôi lưu ý về nhóm đối tượng các DNNVV, các hộ kinh doanh cá thể, những đối tượng chịu tổn thương ngay lập tức khi dịch bệnh bùng phát. Họ chưa được lưu ý nhiều, chưa biết cách tiếp cận với các gói hỗ trợ. Riêng hộ kinh doanh thì không có điều kiện trực tiếp tham gia vào gói cứu trợ và cũng không có quỹ hỗ trợ thất nghiệp như doanh nghiệp.

Theo tôi, Chính phủ có thể xem xét về việc giảm một số loại chi phí cho nhóm này, như mặt bằng, điện, nước... Đây là việc Chính phủ Pháp đã làm.

Ngoài ra, Chính phủ cũng nên chú ý thêm đến các chính sách liên quan đến những ngành nghề, giải pháp kinh doanh mới, dựa trên công nghệ, sáng tạo, có dịp nở rộ để thích nghi với dịch. Làm sao để vừa hỗ trợ, thúc đẩy, vừa kiểm soát tốt.

-Với tình trạng "khoá" của châu Âu như hiện nay, Việt Nam nên làm gì khi khu vực này là thị trường thương mại quan trọng?

Tôi nghĩ đối sách không có nhiều, lựa chọn cũng vậy. Điều khôn ngoan nhất trong thời điểm hiện tại là kiểm soát tốt dịch bệnh, tránh lây lan. Song song là tìm ra cơ chế vận hành để doanh nghiệp có thể sản xuất đều đặn, đảm bảo được mức như trước.

-Chuyên gia dự đoán xu hướng thế giới Li Edelkoort nhận định coronavirus tặng chúng ta một trang giấy trắng cho khởi đầu mới. Anh nghĩ sao khi nghe về nhận định này?

Thế giới luôn đổi thay và cách thay đổi luôn ngày một khó đoán. Điều này cũng yêu cầu một khả năng thích ứng và tính sáng tạo cực kỳ cao. Nhìn chung, tôi nghĩ coronavirus không hẳn mang đến một trang giấy trắng vì nó sẽ không thay đổi hoàn toàn các thói quen, hình thức hay mô hình kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 có thể là hiện thân của một yếu tố thúc đẩy hoàn thiện hơn nữa trí tưởng tượng của con người trong việc sáng tạo, ứng phó ở những hoàn cảnh bất thường.

Vậy, một trong những yêu cầu với các cá nhân, tổ chức trong thời gian tới phải tạo ra những môi trường thúc đẩy sáng tạo, thích nghi với hoàn cảnh mới khi nó xảy đến. Tôi tin chắc rằng những sự việc tác động lớn kiểu Covid-19 này sẽ thường xuyên xảy đến với tần suất ngày một nhiều hơn.

GS.TS. Nguyễn Đức Khương: Dịch Covid-19 có thể là hiện thân của một yếu tố thúc đẩy trí tưởng tượng con người! - Ảnh 9.

-Cuối cùng, theo anh, những ngành nghề nào sẽ là xu hướng sau điểm mốc coronavirus?

Tôi nghĩ đến 3 xu hướng lớn sẽ xuất hiện trên toàn cầu, đương nhiên Việt Nam không nằm ngoài.

Thứ nhất là phát triển các lĩnh vực, ngành nghề gắn chặt với đổi mới, sáng tạo công nghệ. Nhất là những nền tảng phục vụ cho việc kết nối trực tuyến.

Thứ hai là phát triển nguồn hàng sản xuất theo hướng co hẹp lại, khiến nguồn hàng và các doanh nghiệp chế biến xích gần nhau hơn. Xu hướng này cũng gắn với việc các quốc gia sẽ quan tâm hơn đến việc có thể thay thế nhiều sản phẩm nhập khẩu bằng đồ nội địa. Điều này không phải là đi ngược lại toàn cầu hoá, hội nhập, nó chỉ là yêu cầu về hiệu quả kinh tế. Nếu sản xuất được trong nước tại sao phải đi nhập hàng từ nơi rất xa với chi phí xuất nhập khẩu, vận tải tốn kém.

Cuối cùng là xu hướng phát triển các ngành nghề liên quan đến sự biến đổi của khí hậu thông qua công nghệ như AI, big data... Những ngành nghề này rồi sẽ trở thành thời thượng. Dịch bệnh cũng là hệ quả tất yếu từ thay đổi sinh thái, môi trường. Do vậy, thế giới rồi sẽ có nhu cầu rất lớn trong việc phát triển kinh tế xanh, bền vững hơn.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Phương Ánh
NVCC - Tuấn Mark
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ25/3/2020