Khi nhắc tới các tựa game thế giới mở (Open World), có lẽ không khó để các game thủ có thể liệt kê ra hàng loạt những siêu phẩm, bom tấn nổi tiếng, thậm chí còn hằn sâu trong tiềm thức của không ít người như series Final Fantasy, The Witcher, GTA hay thậm chí là cả The Legend of Zelda…
Nếu nói một cách công tâm, những tựa game này còn có “tuổi đời” cao hơn hàng loạt các tựa game online, MOBA đang làm mưa làm gió thị trường suốt thời gian qua. Nhưng phải tới thời điểm hiện tại, chúng mới thật sự phát triển và mang tới một trào lưu, làn gió mới cho làng game online thế giới. Vì sao vậy?
SỰ THẤT THẾ CỦA DÒNG GAME THẾ GIỚI MỞ TRONG QUÁ KHỨ
Để trả lời cho câu hỏi này, có lẽ cần phải ngược dòng thời gian trở về nhiều năm trước. Ở thời điểm những năm 2000, khi mà game online vẫn còn là thứ gì đó xa lạ, chưa thật sự phổ cập với các hàng net và game thủ Việt thì các tựa game thế giới mở, mà nổi bật nhất là Final Fantasy đã có một vị trí vững chắc trong lòng không ít thế hệ người chơi thời ấy.
Tuy nhiên, vị thế ấy chỉ duy trì được một thời gian ngắn trước khi người người, nhà nhà bị cuốn vào dòng chảy của những tựa game online, những tựa game mang phong cách “cày cuốc”, RPG như MU Online, Võ Lâm Truyền Kỳ. Ở thời điểm ấy, những thế giới tiên hiệp, kiếm hiệp đã đánh bật hoàn toàn vị thế của các tựa game thế giới mở như Final Fantasy. Cũng dễ hiểu thôi, khi chúng mang tới một tân thế giới, nơi mà các game thủ có bạn bè, kẻ thù và hơn hết, có thể cày cuốc, ngồi hàng giờ trước màn hình máy tính mà không biết chán và cũng không hết việc để làm - điều mà Final Fantasy chắc chẳng làm được.
Và trào lưu phát triển của dòng game “cày cuốc” cũng kéo dài đằng đẵng gần chục năm trời, với đỉnh cao là khi mà Võ Lâm Truyền Kỳ trở thành một siêu phẩm, tượng đài vĩ đại nhất cho tới thời điểm hiện tại mà làng game Việt từng sản sinh ra. Trào lưu kiếm hiệp ấy được nối tiếp qua những cái tên sau này như Kiếm Thế, Thiên Long Bát Bộ, Tru Tiên và chỉ thật sự có dấu hiệu đi xuống khi các tựa game MOBA, eSports bùng nổ cùng với sự phát triển của dòng game mobile.
Cũng không khó để giải thích cho sự lên ngôi của các tựa game eSports. Tất cả chỉ có thể tóm gọn bằng một thuật ngữ “thói quen của game thủ” - hay chính xác hơn là khách hàng của những studio games. Sau một thời gian dài chìm đắm trong phong cách “cày cuốc” hoặc “dùng tiền đè người”, các game thủ dần cảm thấy tẻ nhạt, và đó là lúc mà tất cả đều mong ngóng một làn gió mới, nơi những người chơi có thể cạnh tranh một cách công bằng với kỹ năng, đầu óc và tư duy chơi game của mình. Hệ quả sau đó là những tựa game eSports, đi đầu là DOTA, DOTA 2 và LMHT đã giải quyết được nhu cầu này của người chơi - biến chúng trở thành trào lưu thịnh hành kéo dài từ đầu những năm 2010 cho tới tận thời điểm hiện tại.
Và như đã đề cập ở trên, với dòng chảy phát triển của làng game thế giới, khi mà nhu cầu về sự đổi mới của các thế hệ game thủ vẫn không ngừng gia tăng, các tựa game MOBA cũng đang tới lúc dần thoái trào. Mặc dù vẫn duy trì vị thế số một cũng như chỗ đứng vững chắc trên thị trường, thế nhưng các dòng game MOBA cũng đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh rất lớn với sự ra đời của Genshin Impact - hay nói một cách khác, sự trở lại của trào lưu game thế giới mở.
Lý do thì cũng đã nhắc tới ở trên, khi mọi thứ đều xuất phát từ nhu cầu của game thủ. Trải qua một quãng thời gian khá dài, khi mà những đấu trường Summoner’s Rift đã trở nên chật chội, phong cách 3 đường 5vs5 cũng không còn quá nhiều những điều mới lạ và việc thay đổi phiên bản, cập nhật tướng chỉ mang tới sự đổi mới trong chốc lát, các game thủ dần dần có xu hướng tìm kiếm những điều mới lạ hơn. Và đó là lúc mà các tựa game thế giới mở, nơi cho phép các game thủ tự do khám phá, làm những điều bản thân thích theo một cách rất riêng, tránh sự rập khuôn nhàm chán.
Để rồi, cũng xuất phát từ nhu cầu này, Genshin Impact đã được Mihoyo đầu tư, phát triển và nhanh chóng tạo được tiếng vang lớn đối với cộng đồng game thủ thế giới vào thời điểm vừa mới ra mắt. Thậm chí, tại Việt Nam, hãy cứ nhìn cách mà các group, fanpage Genshin Impact đua nhau mọc lên cũng như thu hút tới hàng trăm ngàn người tham gia. Chỉ riêng những con số này cũng đã đủ để nói lên về cơn sốt Genshin Impact ở thời điểm ấy, minh chứng cho sự khát khao về một làn gió mới của làng game.
Sức hút và sự thành công của một tựa game thể hiện rõ ràng nhất qua doanh thu của nó, và Genshin Impact cũng không phải ngoại lệ. Ra mắt từ 9/2020, chỉ trong hai tháng đầu tiên, tựa game này đã thu về tới 6 triệu đô mỗi ngày - một con số đáng mơ ước ngay cả với những siêu phẩm được gắn cái mác AAA. Thậm chí, chỉ riêng trong tháng trước thôi, Mihoyo cũng đã kiếm về tới 874 triệu đô doanh thu trên cả hai nền tảng App Store và Google Play. Trên toàn cầu, Genshin Impact cũng là tựa game đạt doanh thu 1 tỷ đô nhanh nhất - điều mà cái tên đứng ở vị trí thứ hai, PUBG Mobile phải mất tới 16 tháng mới làm được.
Tất nhiên, điều này cũng có sự đóng góp không nhỏ từ tầm nhìn của Mihoyo khi quyết định cho ra mắt Genshin Impact với ưu thế vượt trội, có thể kết nối chéo các nền tảng từ PC, PS cho tới cả trên mobile. Nhưng bên cạnh doanh thu, một chi tiết khác cũng đủ để nói lên hết sức hút của Genshin Impact chính là việc đây là tựa game được bàn luận nhiều nhất trên thế giới, chỉ tính riêng trên Twitter.
Đây có lẽ cũng là câu hỏi đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng game thủ. Không thể phủ nhận rằng Genshin Impact đang là cái tên hot nhất làng game thế giới với phong cách chơi mới mẻ, đặc sắc và đầy cuốn hút, tuy nhiên, nếu nói rằng Genshin Impact, hay nhìn rộng hơn là các tựa game thế giới mở liệu có giữ vững được ngôi vị bền lâu thì gần như chắc chắn, câu trả lời sẽ là không.
Nếu nhìn theo một hướng cụ thể, ngay từ thời điểm hiện tại, bản thân Genshin Impact cũng đã dần bộc lộ một số vấn đề mà nổi bật trong đó chính là sự thiếu đi những ý tưởng, nội dung mới. Vẫn biết rằng cứ mỗi hai tuần, tựa game này sẽ cập nhật một sự kiện cũng như ra mắt vòng quay gacha mới, nhưng khi bản đồ, nhiệm vụ cốt truyện chính và đặc biệt, những thử thách có độ khó cao hơn không xuất hiện, mọi thứ cũng sẽ dần thành một vòng lặp và làm mất đi sự thú vị ban đầu của nó. Luận điểm này càng trở nên có cơ sở hơn khi mà thử thách khó khăn nhất mà trò chơi đưa ra - vượt qua La Hoàn Thâm Cảnh tầng 12 cũng đang dần trở nên đơn giản hơn trong mắt người chơi, thậm chí, việc vượt qua với 9 sao max cũng đã chẳng còn là nhiệm vụ bất khả thi như khi trò chơi mới ra mắt. Còn khi bàn về tinh thần “khám phá” của Genshin Impact thì có lẽ, với những người chơi từ ngày đầu, họ đã hoàn thành xong phần lớn các thử thách, quest ẩn và đi tới mọi ngóc ngách trên bản đồ của Genshin Impact từ lâu rồi.
Cũng phải thừa nhận rằng, các thử thách mà Genshin Impact đang đưa ra, ngay cả trong các sự kiện cũng là điều quá dễ - thậm chí không cần tham gia chế độ co-op cũng có thể hoàn thành. Điều này về bản chất thì khá đúng với tinh thần của các tựa game thế giới mở, nhưng cũng phần nào làm giảm đi sự thú vị, tính tương tác giữa những người chơi. Và còn đó, đương nhiên là những tranh cãi bất tận về việc có nên hay không tạo ra một sân đấu PvP nhằm tăng tính cạnh tranh, đổi mới phong cách của Genshin Impact.
Và quan trọng hơn, cũng là lý do chính khiến cho Genshin Impact sẽ chẳng thể duy trì mãi sự thành công của mình, đáng ngạc nhiên thay lại chính là lý do đã đưa nó thành công như ngày hôm nay. Cụ thể, đó chính là sự thay đổi trong thói quen chơi game trên thế giới. Nói một cách chính xác hơn, sẽ chẳng có trò chơi nào, hay thể loại game nào phát triển ở đỉnh cao được mãi. Theo thời gian, những thứ mới mẻ ban đầu cũng sẽ dần trở nên nhàm chán và đó là lúc nhu cầu về một làn gió mới lại xuất hiện. Hãy cứ nhìn cách mà PUBG - kẻ đi đầu cho trào lưu sinh tồn phát triển huy hoàng rồi sau đó lụi tàn như thế nào chỉ sau ít năm là có thể hiểu. Hay một ví dụ khác chính là trào lưu cờ nhân phẩm, được khởi nguồn từ Auto Chess cũng đã sa sút ra sao trong những năm qua bất chấp chúng cũng đã nỗ lực để thay đổi, phát triển nhưng điều ấy vẫn là không đủ để thay đổi quy luật tàn nhẫn vốn có của thời gian.
Chẳng có gì là tồn tại mãi mãi, và Genshin Impact cũng vậy. Có thể chỉ sang năm 2022 thôi, tựa game này cũng sẽ dần bước chân vào con đường đi xuống của những PUBG, Auto Chess đã nhắc tới ở trên. Tuy nhiên, có thể khẳng định một điều rằng, ít nhất ở thời điểm hiện tại, Genshin Impact và Mihoyo vẫn đang làm rất xuất sắc phần việc của mình và đây vẫn là một trong những tựa game đáng để chơi nhất. Còn câu chuyện về tương lai thì có lẽ hãy cứ để tương lai trả lời. Chẳng phải ngẫu nhiên mà mới đây thôi, trong lúc Genshin Impact đang trên đỉnh cao của sự phát triển, Mihoyo đã úp mở về dự án mới với một tựa game thế giới ảo có sức chứa tới 1 tỷ người chơi đâu.