Vũ Dino tên thật là Đặng Anh Vũ – một food blogger nổi tiếng với những clip dạy nấu ăn trên mạng xã hội. Ngoài là một hot facebooker, anh còn là chủ nhân của kênh youtube Ngòn Ngon đang được bạn trẻ yêu thích hiện nay. Tự nhận bản thân xứng đáng với hai chữ "vươn lên", Vũ Dino có gì khác biệt so với hình ảnh chúng ta thường thấy qua những clip nấu ăn thú vị, vui vẻ của anh chàng?
Chào Vũ Dino, rất nhiều người thắc mắc, không biết với bạn, nấu ăn, là tình yêu nung nấu hay chỉ là một bước tình cờ đi ngang qua và thấy mình có duyên với nó?
Với Vũ, nấu ăn không phải tình yêu sét đánh hay ước mơ ấp ủ từ lâu. Đơn giản là trong những năm tháng bắt đầu với cuộc sống tự lập của một người xa nhà, lạ lẫm giữa thành phố mới, không ai nuông chiều được chuyện ăn uống nên phải tự mày mò nấu nướng để thoả mãn khẩu vị của chính mình. Từ nhu cầu thiết yếu hàng ngày, nấu ăn trở thành sở thích và dần trở thành phương tiện để Vũ lựa chọn con đường làm nội dung sáng tạo sau này.
Dễ hiểu hơn, nấu ăn đến như một cái duyên, xuất hiện đúng thời điểm khi Vũ bắt đầu tìm tình yêu và cần làm một cái gì đó "có hồn". Cứ vậy, Vũ - nấu ăn - chia sẻ công việc nấu ăn với các bạn trẻ đồng hành với nhau tới bây giờ.
Hình như trước đây Vũ học ngành tài chính, bây giờ lại theo đuổi một lĩnh vực chẳng liên quan, liệu có thấy phí tấm bằng đại học không?
Hoàn toàn không! Học về tài chính giúp Vũ hiểu mọi sản phẩm, dịch vụ đều có thể đi vào con đường chuyên nghiệp với điều kiện bạn có nền móng quản trị chắc chắn và kiến thức kinh tế vững vàng. Những gì Vũ làm khởi phát là từ sở thích cá nhân, nhưng khi đến được với số đông, thì nó không còn dành riêng cho bản thân mình nữa, mọi thứ cần có kế hoạch, chiến lược rõ ràng và lúc này tư duy của một người hiểu về kinh tế có cơ hội "dụng võ".
Những kiến thức học từ sách vở cần áp dụng uyển chuyển, khoa học vào cuộc sống của chính mình chứ đừng chỉ mang mớ kiến thức ấy đi làm thuê cho người khác. Bản thân Vũ áp dụng theo cách thường thức nhất, gần gũi nhất với cuộc sống chứ không đao to búa lớn, hay viển vông, nặng nề giáo điều. Vũ học tài chính không phải để mua cổ phiếu của Apple, Google hòng đầu cơ, tích trữ mà đơn giản để khi mở hầu bao, Vũ tính được dòng tiền, tính ngược được khoản tiết kiệm cần thiết, gia tăng năng lực quản lý tài chính cá nhân. Vậy thôi!
Lại nói về chuyện quản lý tài chính cá nhân, khả năng Vũ Dino quản lý tài chính cá nhân ra sao?
Ngày xưa, Vũ đọc được một câu nói của Henry Ford, đại ý rằng trước 30 tuổi không nên tiết kiệm vì có tiết kiệm cũng chẳng được bao nhiêu. Thay vào đó, thứ nên thu thập nhiều nhất, làm giàu cho bản thân hiệu quả nhất là kinh nghiệm và trải nghiệm. Rõ ràng, làm cùng một công việc nhưng người có nhiều trải nghiệm hơn chắc chắn là người thú vị hơn. Cùng làm một dịch vụ, người có trải nghiệm phong phú hơn chắc chắn sản phẩm của họ sẽ thú vị hơn.
Trước giờ, Vũ không phải là một người tiết kiệm, vì không muốn sự tiết kiệm ấy triệt tiêu hay giới hạn kinh nghiệm tích luỹ và trải nghiệm khám phá cuộc sống. Chỉ vừa mới đây Vũ bước sang tuổi 28, quyết định thực hiện mục tiêu an cư với một căn nhà đứng tên mình và bài toán tiết kiệm bắt đầu được đưa ra. Mục tiêu ngắn hạn của Vũ là việc chăm chỉ, hoàn tất trả nợ tiền nhà trước năm 30 tuổi và tích luỹ một khoản để gây dựng sự nghiệp sau này. Việc chia nhỏ từng chặng đường, từng dấu mốc giúp Vũ quản lý tài chính tốt hơn.
Nhưng trên thực tế, có nhiều lời khuyên nên tiết kiệm tiền trước 30 tuổi, để tới năm 30 tuổi mình đã có trong tay một khoản tích luỹ nho nhỏ. 30 tuổi có một chút vốn lận lưng dù gì cũng an tâm hơn so với tuổi 30 mà tài khoản vẫn trống trơn?
Năm 30 là một cột mốc mà cá nhân Vũ đặt ra, có bạn đặt năm 25, nhưng cũng có người tận hưởng trải nghiệm tới năm 40 tuổi.
Nếu bạn tự tin bạn có một sự nghiệp phát triển sau năm 40 tuổi, tự tin nguồn năng lượng dồi dào tới tận năm 40 tuổi thì chẳng có vấn đề gì cả, hãy cứ tự do trải nghiệm. Nhưng, nếu bạn sợ bản thân cũ đi, sợ lão hoá nhanh, bạn mong cầu một cuộc sống ổn định, đặt mục tiêu tới đích sớm thì dĩ nhiên cần tích luỹ sớm.
Mỗi chặng đường bạn đi, dài đến đâu, xa chừng nào, phụ thuộc vào tầm nhìn, trải nghiệm, kinh nghiệm của bạn rất nhiều. Vũ đặt đích đến xa hơn, nên cần đầu tư vào bản thân dài hơi hơn. Nếu như Vũ quyết định theo con đường học vấn giống như rất nhiều người khác, ra trường năm 22 tuổi, theo đuổi một công việc ổn định, đặt mục tiêu tiết kiệm thật nhiều thì có lẽ Vũ đã không có thu nhập tốt như hiện tại. Cho tới cùng, không ai nói trước được tương lai, chỉ là khi bạn đưa ra quyết định, thì cần phải có trách nhiệm với lần đặt cược đó và dốc sức thực hiện quyết định ấy đến cùng.
Nói vậy, có vẻ Vũ là người rất giỏi trong việc thiết lập các kế hoạch. Ví dụ mục tiêu 5 năm, 10 năm của bạn như thế nào?
Năm nay Vũ 28 tuổi, còn 2 năm nữa để hoàn thành mục tiêu an cư (sau khi trả hết nợ tiền nhà). Vũ luôn có kế hoạch nửa năm, 1 năm thật rõ ràng, cụ thể. Còn kế hoạch 5 năm, 10 năm thường không quá chi tiết, vì trên hành trình mình đi sẽ rất nhiều ngã rẽ, biến số… và việc của mình là cần thay đổi linh hoạt, ứng phó hiệu quả với những biến động, bất ổn đó. Vũ không muốn đặt áp lực 5 năm, 10 năm vì sẽ làm mất đi tính linh hoạt của bản thân.
Tại sao Vũ chọn TP.HCM để lập nghiệp ngay khi chưa kết thúc chương trình học đại học ở Hà Nội? Biến cố gì khiến Vũ đưa ra lựa chọn như vậy?
Học hết cấp 3, mục tiêu ban đầu của Vũ là đi du học, nhưng đúng thời điểm đó gia đình phá sản, đồng nghĩa giấc mơ du học tan tành, Vũ buộc phải học đại học ở Việt Nam. Đó là điều chưa từng có trong suy nghĩ, tưởng tượng.
Những năm tháng ngồi trên giảng đường đại học đích xác là những năm tháng vật lộn khổ sở vì không gian giáo dục ấy không phù hợp với tính cách, hoài bão, ước mơ của Vũ. Bất mãn. Vỡ mộng. Suy sụp.
Năm cuối Đại học, một người bạn của Vũ có cơ hội thực tập cho Google tại Sài Gòn. Sự tài giỏi, thành quả bạn đạt được giống như một gáo nước lạnh dội vào sự chần chừ, mờ mịt, bất định của Vũ. Nhìn thấy bạn bè đi được những bước rất xa, nhìn lại bản thân thấy mình kém cỏi – cảm giác thật sự ê chề. Lúc này, Vũ mới thấm thía cảm giác thua kém người xa lạ không nhức nhối bằng việc hụt hơi so với những người bạn thân thiết, sát sườn của mình. Tự vấn nếu mình không mạnh dạn bước thêm một bước mạnh mẽ thì sẽ vĩnh viễn dậm chân tại chỗ, trọn đời ôm cảm giác xấu hổ, bất lực nhìn bạn bè bay cao, bay xa.
Bạn thử hình dung xem, có một ngày bạn nhìn thấu con người nội tâm và rùng mình chán ngán con người cũ kỹ, sợ sệt đủ thứ trên đời ấy; bạn phải đứng giữa hai lựa chọn: Hoặc là chết chìm trong hố sâu u uất đó, hoặc băng qua cái hố đó một cách dứt khoát, mạnh mẽ nhất. Sau những đêm đấu tranh với 'cái Tôi' ẩn sâu trong mình, xót thương những giọt nước mắt của mẹ, Vũ quyết định rời bỏ Hà Nội trước khi tốt nghiệp đại học trong sự phản đối kịch liệt của gia đình. Sau này, Vũ có quay trở lại hoàn thành tốt nghiệp rồi về lại TP.HCM cho tới giờ.
Tức là động lực để Vũ chạy khỏi vùng an toàn của mình xuất phát từ sự hổ thẹn do thua kém bạn bè?
Vũ nhận thấy có hai nguồn động lực lớn thôi thúc con người phát triển, một là hướng tới thứ gì đó tốt đẹp, ví như đi một con đường định sẵn theo lộ trình đều đặn, từng bước từng bước tiến về đích. Hai là chạy khỏi vùng sợ hãi. Động lực hồi trẻ của Vũ là chạy khỏi nỗi sợ. Vũ sợ cuộc sống của mình lúc ấy, sợ trở thành một người bình thường, nhạt nhoà. Vũ hay xem những bộ phim về vĩ nhân và hằng đêm, trước khi đi ngủ luôn tự hỏi bản thân: Nếu mình cứ sống "lờ đờ nước hến" thế này, tới khi chết đi sẽ chẳng đọng lại bất cứ thứ gì trên đời, sẽ bị xoá sổ khỏi kí ức của mọi người, bị lãng quên triệt để… Nỗi sợ hãi ấy bóp nghẹt tâm trí và thôi thúc Vũ chạy ra khỏi vùng an toàn mà 22 năm quen sống trong sự định đoạt, sắp đặt của người khác.
Năm 22 tuổi, Vũ mạnh dạn bứt phá, dám chạy khỏi nỗi sợ hãi – vùng an toàn. Tinh thần ấy cho tới năm 28 tuổi, vẫn còn chứ?
Thật ra, khi càng lớn, chúng ta có nhiều thứ để mất hơn nên động lực của mình cũng dần thay đổi. Tuổi trẻ trong tay, chẳng có gì để mất, cùng lắm mất thì quay lại con số 0, còn bây giờ quay lại thì đó là chặng đường rất dài, và không phải ai cũng sẵn sàng cho sự bắt đầu lại. Hồi 20 tuổi, dù bị chà đạp, vùi dập, tiêm kích những năng lượng độc hại vào cơ thể, có hề hấn gì đâu bởi tuổi trẻ có khả năng đào thải và cho qua rất nhanh, nhưng càng lớn thì những thứ ghê sợ ấy ngấm ngược vào sâu bên trong và "cục nghẹn" ấy không dễ trôi nhanh như cơn mưa rào mùa hạ.
Thời trẻ, động lực thôi thúc mình tiến xa, nhưng khi bước vào ngưỡng tuổi 30, cảm giác lúc nào cũng thấy mình chưa đủ, lúc nào cũng rừng rực tham vọng… sẽ biến chúng ta thành những người mang mặc cảm chung thân với nỗi bất hạnh.
Vũ năm 22 tuổi và Vũ năm 28 tuổi đã khác nhau rất nhiều, nhiều nhất chính là cách tìm động lực trong cuộc sống và công việc. Ngày xưa so sánh với bạn bè, tự khích lệ bản thân phải "cố lên", không thể lãng phí kỳ vọng của cha mẹ, còn bây giờ những gì Vũ làm Vũ đều mong bản thân được hạnh phúc. Vũ tập trung vào những thứ gần gũi, tích cực, giàu năng lượng, đích đến của Vũ là cuộc sống hạnh phúc chứ không phải cuộc sống giàu sang, vương giả.
Bạn đánh giá như thế nào về Thị trường youtube tại Việt Nam?
Thị trường Youtube Việt Nam ngày càng phát triển và ko thể cưỡng lại được. Trước đây, giải trí nằm trong tay đài truyền hình và báo chí, nhưng bây giờ thời đại ấy đã qua, quyền lực được san sẻ cho nhiều người, đặc biệt là những người có đầu óc sáng tạo, ưa cái mới, thích chinh phục. Sẽ ko có một nhà đài, một ông trùm nào nắm sự giải trí của toàn dân. Sự đa dạng này làm gia tăng tính cạnh tranh của thị trường Youtube. Mỗi Youtuber đồng thời cũng là người sáng tạo, với thế mạnh riêng, có ý thức tạo ra những điều hấp dẫn, giúp khán giả có cái nhìn đa chiều, đa diện hơn trên phương diện giải trí hay giáo dục thường thức.
Với các bình luận trái chiều về các clip nấu ăn của bạn trên youtube hoặc trang facebook cá nhân, Vũ sẽ phản ứng ra sao?
Mỗi người có cách nhìn khác nhau, quan điểm khác nhau, tôi không thể chiều các bạn 100% được. Nói vậy không có nghĩa tôi nguỵ biện cho sự ngoan cố, không biết lắng nghe, không biết tiếp thu, không chịu thay đổi. Vũ vẫn lắng nghe nhưng lắng nghe có chọn lọc và khôn ngoan dựa trên nền tảng kiến thức vững chắc, biết cái gì cần sửa, cái gì là lời nói đâm chọt thiếu thiện chí, nếu không sẽ biến bản thân trở nên nực cười như nhân vật chính trong câu chuyện ngụ ngôn kinh điển "đẽo cày giữa đường". Vội vã chạy theo đám đông, mình sẽ dần mất đi bản sắc, cái tôi. Và một khi mất đi điểm nhận diện ấy, bạn sẽ nhanh chóng bị đày ải vào miền quên lãng giữa một rừng sáng tạo mọc lên như nấm mỗi ngày.
Vũ Dino bước chân vào lĩnh vực nấu ăn với một nhu cầu ngây thơ và tự nhiên, nhưng tới khi các clip nấu ăn xuất hiện trên các nền tảng Facebook hay Youtube – hình như sự 'ngây thơ nguyên bản' ấy không còn, nấu ăn lúc này đã nhiều toan tính hơn?
Vũ nghĩ rằng đó là sự chuyển biến không thể tránh khỏi, nhưng thay vì cho đó là toan tính, nhìn nhận theo hướng tích cực đó là sự Chuyên Nghiệp và tôn trọng khán giả. Tất nhiên, tôi có thể giữ sự hồn nhiên ấy mãi mãi, nhưng nếu vậy tôi tiếp cận được bao nhiêu người? Mục tiêu của tôi là truyền cảm hứng cho nhiều người hơn, thì lẽ đương nhiên sẽ phải suy nghĩ xem làm thế nào để tiếp cận được nhiều người hơn, mang lại giá trị cho nhiều người hơn nữa chứ.
Giữa một bức tranh Youtube đa màu đa sắc như thế, đâu là màu sắc riêng của Vũ Dino?
Con người Vũ hướng tới: độc lập, hiện đại, vẫn Việt Nam nhưng văn minh, tròn trịa hơn. Kênh Youtube Ngòn Ngon vẫn giữ đúng phương châm nhiều năm nay là tập trung các món ăn Việt Nam, biến tấu các món ăn Việt Nam dựa trên tiêu chí: dễ thực hiện và trở nên hấp dẫn hơn. Những clip chia sẻ công thức nấu ăn của Vũ không phải để chiều sở thích của các bạn mà giúp bạn thích thú, hào hứng, trân trọng những gì đang có. Các món ăn đều giàu tính ứng dụng, bạn hoàn toàn có thể thực hiện một cách dễ dàng, thuận tiện ngay cả khi ở một mình chứ không phải trông chờ vào mẹ, hay vào chị em, bạn bè…
Bản chất của làm nội dung là sáng tạo? Có khi nào Vũ cảm thấy cạn kiệt ý tưởng chưa?
Có chứ. Có khoảng thời gian bế tắc kéo dài một tháng, thay vì bước ra ngoài Vũ lại chọn nhốt mình trong nhà, tìm tới giải trí đơn thuần bằng cà phê, ăn uống loanh quanh cho nhanh hết ngày. Sau đó, Vũ nhận ra càng bế tắc thì càng phải học cái gì đó mới lạ để phá băng cảm xúc hay cảm giác chán chường trôi trong vô định. Khi bế tắc, stress, thay vì giải trí thụ động như đi bar, pub, bạn có thể đi học nhảy vì vẫn nghe được nhạc, vẫn được vui, vẫn được vận động, học cách làm chủ cơ thể, nâng cao tự tin. Ví dụ thế.
Khi làm nội dung sáng tạo nghĩa là bạn sử dụng vốn sẵn có trong đầu, cộng thêm quá trình tích luỹ trải nghiệm từ cuộc sống thực tế… Sai lầm lớn nhất của một số người là cho rằng học đủ rồi và cảm thấy không cần thiết phải học hỏi thêm nữa. Vũ tâm niệm, mình luôn phải bồi bổ, bồi dưỡng kiến thức để bản thân trở thành một "cái kho", một "nguồn tư liệu" không nhàm chán. Vũ không bao giờ "say No" với thứ mới lành mạnh, ví như Vũ đang theo học đạo diễn, diễn xuất, ấp ủ đặt chân tới vùng đất mới, hoặc học nhảy dù, làm gốm, khiêu vũ… Những thứ học mỗi ngày, cốt yếu lại nhằm mở rộng kiến thức và thôi thúc phiên bản của chính mình ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua.
Cảm ơn về cuộc trò chuyện và chúc Vũ Dino tiếp tục có thêm nhiều sản phẩm được công chúng đón nhận!
Bài: Trang Đỗ
Ảnh: Dương Trường