Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ sinh non là những trẻ chào đời khi dưới 37 tuần tuổi thai và được chia thành 4 nhóm: cực non (<28 tuần), rất non (28-32 tuần), non vừa (32-34 tuần) và non muộn (34-36 tuần 6 ngày). Trẻ sinh non thường gặp nhiều bệnh lý như vàng da, suy hô hấp, nhiễm trùng, bệnh võng mạc do các cơ quan chưa phát triển hoàn thiện.
Trẻ sinh càng non, đặc biệt dưới 32 tuần thì sức khỏe càng yếu và có nguy cơ gặp những biến chứng càng cao do chưa hoàn thiện về mặt cấu trúc giải phẫu và chức năng của các cơ quan. Hầu hết trẻ sinh non sẽ phát triển bình thường nếu có sự chăm sóc đặc biệt tại Đơn vị Hồi sức sơ sinh (NICU) ngay từ khi chào đời để đảm bảo điều kiện chăm sóc, hỗ trợ tốt nhất, góp phần giảm thiểu những vấn đề sức khỏe khi trẻ trưởng thành.
Chăm sóc, điều trị trẻ sơ sinh mắc bệnh hay sinh non là một "cuộc chiến" không ngừng nghỉ, đòi hỏi sự cố gắng, sự kiên trì, bền bỉ của các y bác sĩ dưỡng nhi. Họ luôn phải thực hiện song song hai nhiệm vụ, vừa theo dõi, lắng nghe sự sống của những mầm sống non nớt, vừa là "người mẹ thứ hai" luôn túc trực và tận tuỵ cho từng bữa ăn, giấc ngủ, cho từng hơi thở để đưa con trở về vòng tay yêu thương của gia đình.
Bella chính là một trong những ca sinh non điển hình được chăm sóc và điều trị thành công bởi đội ngũ y bác sĩ tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH). Một năm trôi qua, gặp lại Bella trong buổi khám sức khỏe tại Khoa Nhi, em bé "yếu ớt" ngày nào giờ lanh lợi, hoạt bát và là "cây hài" của cả gia đình.
Nhìn nụ cười hồn nhiên của Bella, ít ai biết rằng em đã phải trải qua một "cuộc đua phi thường" trong 68 ngày đầu đời với hơi thở khó nhọc ngay khi vừa sinh ra. Sự khỏe mạnh, phát triển bình thường của Bella ngày hôm nay chính là kết quả của nghị lực sống kiên cường, tình yêu thương của ba mẹ và sự tận tuỵ, nỗ lực không ngừng nghỉ của ekip y bác sĩ Khoa Nhi - Sơ sinh của Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH).
Đưa một em bé bên bờ vực sinh tử trở về vòng tay ba mẹ chính là niềm hạnh phúc và động lực lớn nhất của các bác sĩ, điều dưỡng Đơn vị Hồi sức sơ sinh, Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH). Chào đời sớm bằng ca mổ cấp cứu ở tuần thai thứ 30, Bella nặng vỏn vẹn hơn 1,3kg và thở lõm ngực. Ngay lập tức, em được các bác sĩ đưa đến đến phòng Hồi sức sơ sinh để chăm sóc, sưởi ấm và hỗ trợ hô hấp. Tại đây, Bella được nằm lồng ấp để sưởi ấm, ổn định thân nhiệt, chích kháng sinh, caffeine citrate và hỗ trợ thở áp lực dương liên tục.
Ngày thứ 3 sau sinh, bé có cơn ngừng thở do não chưa hoàn thiện, đừ, tăng nhu cầu oxy. Kết quả siêu âm tim cho thấy tồn tại ống động mạch gây ảnh hưởng lưu thông máu, bé được đổi kháng sinh, đóng ống động mạch bằng thuốc Paracetamol và Ibuprofen truyền tĩnh mạch nhằm hạn chế nguy cơ suy tim, viêm ruột. Khoảnh khắc lần đầu nhìn thấy Bella "nhỏ xíu" trong lồng ấp, mẹ và ba của bé đều không kìm được nước mắt.
May mắn thay, sau 10 ngày theo dõi và điều trị, bác sĩ báo tin mừng rằng tình trạng của bé cải thiện dần, ống động mạch nhỏ lại, bé được ngưng kháng sinh, nuôi ăn tĩnh mạch giảm dần và thay bằng ăn sữa mẹ.
Thế nhưng, 4 tuần sau sinh, Bella phải đối mặt với những vấn đề của trẻ sinh non như viêm phổi, loạn sản phế quản phổi do phụ thuộc oxy kéo dài. Bé được điều trị tích cực với kháng sinh lần hai, thuốc chống trào ngược dạ dày thực quản, lợi tiểu, corticoid, kèm theo bổ sung vitamin, sắt, sữa mẹ được pha với HMF (một sản phẩm đặc chế dành cho trẻ non tháng với cân nặng cực thấp) để bổ sung dưỡng chất cho bé. Đồng thời, dù bé chưa thể ngừng hỗ trợ thông khí áp lực dương (NCPAP), mẹ của bé được khuyến khích và tạo điều kiện da kề da cùng bé.
Mỗi ngày, mẹ bé Bella đều vào thăm, quay lại video cho ba xem và động viên bé mạnh mẽ để vượt qua hành trình "đầu đời" đầy gian khổ này. Như một "phép màu kì diệu", tình trạng sức khỏe của bé dần hồi phục, bú giỏi, tăng cân đều và được đưa về phòng lưu viện ở cùng mẹ sau gần 8 tuần được chăm sóc đặc biệt tại Đơn vị Hồi sức sơ sinh (NICU).
Trải qua 68 ngày điều trị, ngày 31/8/2021 - trước ngày dự sinh 1 ngày, "thiên thần nhỏ" Bella đủ điều kiện xuất viện với cân nặng hơn 3,1kg, tương đương với một em bé được nuôi dưỡng trong bụng mẹ. Các kết quả tầm soát thị lực, thính lực, siêu âm tim, não và chức năng gan, thận của bé trong giới hạn bình thường.
Ngày 7/9/2021, tái khám 1 tuần sau xuất viện, em bé Bella nặng 3.5kg và phát triển bình thường như các em bé sinh đủ tháng khác. Nhiều người gặp Bella chẳng thể tin được đây là một em bé sinh non và từng phải trải qua 2 tháng đầu đời nhiều thử thách. Chính sự tận tâm, phối hợp chặt chẽ và chuyên nghiệp của các bác sĩ, điều dưỡng tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH) mà nhiều em bé như Bella đã được chữa trị và cứu sống thành công. Sau một năm, em bé Bella đạt được các mốc phát triển của trẻ em bình thường.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính trên toàn cầu có khoảng 15 triệu trẻ sinh non ra đời, chiếm tỷ lệ 1/10 trẻ sơ sinh. Riêng tại Việt Nam, theo các tài liệu báo cáo chung, tình trạng sanh non ngày càng tăng. Trung bình cả nước, tỷ lệ sinh non khoảng 7%, mỗi năm có khoảng 100.000 -110.000 trẻ sinh non và cực non.
Sinh non được xem là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ và khoảng 1 triệu trẻ sinh non tử vong do các biến chứng sinh non. Nhiều trẻ sống sót nhưng phải đối mặt với tình trạng khuyết tật suốt đời, bao gồm khuyết tật thần kinh, tim mạch, thị giác và thính giác. Nếu được hỗ trợ can thiệp y tế đúng và kịp thời ngay từ khi chào đời, trẻ sinh non vẫn có thể tiếp tục sống và phát triển tương đương trẻ sinh đủ tháng như trường hợp của em bé Bella.
Tại Việt Nam, mỗi năm ước tính có khoảng hơn 100.000 trẻ sinh non và 17.000 trẻ tử vong trong vòng 28 ngày sau khi sinh. Một nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ sống sót của trẻ sinh non ở các nước phát triển có điều kiện chăm sóc y tế tốt lên đến hơn 90%, trong khi đó tỷ lệ này ở các nước kém phát triển chỉ có 10%.
Trẻ sơ sinh non tháng cần được chăm sóc và điều trị thật tốt để được tiếp tục sống và giảm nguy cơ gặp phải các di chứng về tinh thần, vận động và sự phát triển sau này.
Tại Khoa Sản - Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH), sự phối hợp liên chuyên khoa hỗ trợ trong suốt quá trình sinh nở được đặt lên hàng đầu. 100% ca sinh đều có sự tham gia của các bác sĩ và điều dưỡng khoa Nhi - Sơ sinh, đảm nhận vai trò khám và sàng lọc cho bé ngay từ khi mới chào đời và theo dõi sức khỏe của bé trong suốt quá trình lưu viện. Đối với những ca sinh khó, hoặc các trường hợp sinh non em bé chỉ hơn 1kg, cần được chăm sóc đặc biệt 24/7, thời gian có thể kéo dài từ 1-2 tháng, do đó sự phối hợp chuyên môn và chăm sóc sâu sát từ các bác sĩ khoa Nhi trong khoảng thời gian cấp bách cần được ưu tiên hàng đầu. Điều này còn giúp giảm bớt tỷ lệ chuyển viện, giảm tải cho các bệnh viện tuyến đầu. Tại AIH, đơn vị chăm sóc đặc biệt dành cho nhi sơ sinh (NICU) được trang bị hiện đại đạt chuẩn, cùng sự phối hợp đội ngũ chuyên gia hàng đầu gồm bác sĩ, điều dưỡng nhi sơ sinh, chuyên gia vật lý trị liệu, chuyên gia dinh dưỡng, luôn hỗ trợ kịp thời cho các ca sinh, đảm bảo bé được chăm sóc tốt nhất ngay từ khi chào đời.
Đặc biệt, AIH còn là đơn vị y tế thứ 2 của Đông Nam Á được Johns Hopkins Medicine International (JHMI) - Hệ thống y tế hàng đầu của Mỹ, lựa chọn hợp tác chuyên môn. Các hoạt động hợp tác sẽ góp phần quan trọng giúp AIH tiếp tục cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cao hiệu quả điều trị, đồng thời giảm thiểu chi phí cho những bệnh nhân cần thiết chuyển viện quốc tế.
Đồng hành cùng mục tiêu giảm tỷ lệ sinh non xuống mức 8/1000 của Bộ Y tế, với sự thấu cảm y đức của một đơn vị cung cấp dịch vụ y tế hàng đầu, với mỗi ca sinh, AIH sẽ trích 1 triệu đồng đóng góp vào Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam để lan toả yêu thương, tiếp thêm động lực cho "cuộc đua phi thường" đến "vạch xuất phát" của các em bé sinh non.