Cùng với việc đổi hai chữ trong sứ mệnh, mở rộng mục tiêu từ Vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho người Việt ra thành Vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người, có lẽ tỷ phú Phạm Nhật Vượng không chỉ hàm ý về việc "cắm cờ" ở nước ngoài, phục vụ cả những người không phải ‘người Việt’, mà còn muốn thể hiện những mục tiêu mang tính con người hơn. Trước là việc phát triển xe điện, sau là xây dựng VinFuture - một giải thưởng khoa học giải quyết các vấn đề tác động đến nhân loại.
Năm 2019, khi ông Vượng lần đầu đề cập trước truyền thông quốc tế về việc sẽ bán xe tại Mỹ, nhiều người đã nhớ lại trước đó rất lâu, ông từng nói: "Vấn đề đi ra nước ngoài của Vingroup không định hướng là lợi nhuận, mà định hướng là cắm cờ. Nếu cắm vào Myanmar, Campuchia và Lào thì không 'oai' lắm. Đã thế cắm hẳn vào chỗ nào oai nhất mà vẫn kinh doanh được cho kinh (cười)".
Thực sự "Mỹ tiến" chỉ sau 2 năm tuyên bố, thì đầu năm 2022, sau màn ra mắt các mẫu xe điện tại thị trường Mỹ, VinFast lại tiếp tục gây bất ngờ với tuyên bố bỏ xe xăng.
Rõ ràng, quyết định này không nằm ngoài các kế hoạch đã được xây dựng trước của tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam. Từ năm 2019, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Đông Nam Á, bà Lê Thị Thu Thủy đã tuyên bố việc sản xuất xe điện mang thương hiệu VinFast. Và giai đoạn sau đó, VinFast liên tục nhắc nhớ về mục tiêu "bán xe điện", "bán tại Mỹ", "tại nhiều nhiều nước trên thế giới", trên mọi phương tiện truyền thông.
Trên thế giới, hiện nay, nhiều quốc gia đã có lộ trình cấm bán xe xăng cụ thể, vì các mục tiêu giảm phát thải: Liên minh châu Âu liên tiếp đưa ra các biện pháp mạnh tay để tiến tới cấm xe chạy xăng và dầu diesel vào năm 2025, trong khi Anh đặt mục tiêu 8 năm nữa là cấm toàn bộ xe chạy xăng dầu. Bang California, Mỹ - nơi VinFast Toàn cầu đặt trụ sở - sẽ cấm bán các loại xe hơi chở khách phát thải khí vào năm 2035, theo quy định mới nhằm chống biến đổi khí hậu và ô nhiễm khói bụi trong không khí.
Chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực ô tô cũng khẳng định, quyết định từ bỏ xe xăng, chuyển sang xe điện của ông Phạm Nhật Vượng, hay của VinFast là hoàn toàn có cơ sở. "Tương lai của thị trường ô tô rõ ràng đang hướng tới các loại xe không khí thải, và đối với một nhà sản xuất ô tô mới như VinFast, việc tập trung phát triển vào hệ thống truyền động điện thay vì cạnh tranh với các nhà sản xuất ô tô lâu đời với công nghệ động cơ đốt trong là điều hợp lý" - nhà phân tích cấp cao Christopher Robinson tại Lux Research cho biết.
Xe điện là xu hướng rõ ràng của thế giới, và VinFast nếu muốn đến gần hơn với thế giới, thì không thể nằm ngoài xu hướng đó.
"Mục tiêu lớn nhất của chúng tôi là tạo ra một thương hiệu quốc tế. Đây sẽ là con đường rất khó khăn, và chúng tôi phải nỗ lực rất nhiều. Nhưng đó là con đường duy nhất ở trước mặt chúng tôi" – ông Vượng nói với Bloomberg.
Điểm chung dễ thấy nhất của VinFast và VinFuture, là bằng mọi cách, cùng có mong muốn đưa thương hiệu Việt Nam đến gần hơn với thế giới (chứ không phải cái tên viết tắt - VF). Chỉ khác là VinFast thì ra nước ngoài, còn VinFuture thì đưa những nhà khoa học, nhân vật lớn của thế giới về Việt Nam.
Việc sáng lập, và tài trợ cho giải thưởng khoa học mà ông Phạm Nhật Vượng và bà Phạm Thu Hướng đã làm, không phải là một "hiện tượng", mà là một cách thể hiện lòng biết ơn với các nhà nghiên cứu, với giới khoa học thế giới, một cách tạo ra gắn kết giữa các quôc gia, đã được nhiều doanh nhân, tỷ phú đi trước thực hiện.
Năm 2013, tỷ phú Samuel Yin, người Đài Loan (Trung Quốc) đã sáng lập Giải thưởng Tang Prize (Giải thưởng nhà Đường), về Phát triển bền vững, Khoa học dược sinh học, Công nghệ học và Pháp quyền. Samuel Yin cho hay, là ước mơ lớn nhất của ông, giải thưởng này có nhiệm vụ truyền cảm hứng cho nhiều nhà khoa học theo đuổi những kiến thức mà nhân loại cần trong thế kỷ 21, và thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của nền văn minh nhân loại.
Cũng trong năm 2013, Giải thưởng Breakthrough đã được sáng lập bởi một nhóm các doanh nhân nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ, trong đó có Mark Zuckerberg (CEO Facebook), Sergey Brin (đồng sáng lập Google)… Jack Ma, Ma Huateng cũng có tên trong danh sách tài trợ giải này.
Xa hơn, năm 1985, Giải thưởng Kyoto, một giải thưởng thường niên cho các công trình xuất sắc trong lĩnh vực Triết học, Nghệ thuật, Khoa học và Công nghệ đã được thành lập, có tiếng lớn trong cộng đồng khoa học, với việc bao trùm các lĩnh vực nằm ngoài các giải Nobel, và đặc biệt uy tín trong lĩnh vực triết học. Giải thưởng được sáng lập bởi ông Inamori Kazuo, thông qua Quỹ Inamori của ông. Ông là nhà sáng lập Tập đoàn Kyocera – xuất thân là kỹ sư gốm sứ.
Với một giải thưởng non trẻ, thì 1.200 đăng ký, đến từ 654 trường đại học hàng đầu, 51 Viện Nghiên cứu nổi tiếng, 42 Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia uy tín toàn cầu, 599 dự án tranh giải, gần 100 dự án đến từ các nhà khoa học nằm trong top 2% các nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất thế giới…. các con số chính là thứ thể hiện rõ nét nhất sự quan tâm của cộng đồng khoa học dành cho VinFuture.
Ý tưởng làm nên sự khác biệt của VinFuture rất rõ ràng. Giải thưởng này hướng đến các nghiên cứu, sáng chế khoa học, không giới hạn lĩnh vực, có thể cứu được hàng triệu, hàng tỷ người. Ngoài ra, VinFuture cũng hướng tới sự công bằng trong việc tiếp cận khoa học ở vùng ‘trũng’, như các nước đang phát triển.
"Giải thưởng VinFuture đang ở vị thế tiên phong: đây là giải thưởng lớn đầu tiên tập trung vào tác động đến nhân loại một cách rõ ràng, vinh danh những nghiên cứu khoa học hay sáng kiến công nghệ có thể tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn cho con người. Đây là giải thưởng ở cùng đẳng cấp với giải Nobel, Millennium hay Turing" - Giáo sư Jennifer Tour Chayes, Đại học California, Berkeley đánh giá
Giáo Sư từng đạt giải Nobel Vật Lý, ông Kostya S.Novoselov nói: "Các nhà khoa học ở nhiều quốc gia đang phát triển chưa nhận được sự quan tâm xứng đáng với những nỗ lực và thành tựu của họ. Đơn giản là vì tiếng nói của họ chưa thực sự được lắng nghe. Giải thưởng VinFuture sinh ra để thay đổi điều này."
Chính định hướng khác biệt - tập trung vào khoa học vị nhân sinh, chính những chủ nhân của giải VinFuture mùa đầu tiên, là minh chứng thuyết phục nhất về sự uy tín. Lời cảm ơn của các nhà khoa học, chính là điều sẽ tạo nên danh tiếng sáng nhất cho giải.
"Tôi nhận lời tham gia sự kiện VinFuture lần này bởi đây là một sự kiện khoa học. Chúng tôi đến để tôn vinh khoa học, cũng như chia sẻ câu chuyện của bản thân" – TS Katalin Kariko, thành viên trong nhóm nhà khoa học đạt Giải thưởng chính, "mẹ đẻ" của công nghệ mRNA sử dụng trong vaccine Covid-19 nói bên lề giải thưởng.
"Giải thưởng không chỉ dành cho vợ chồng tôi mà đây là tia sáng hy vọng dành cho nhà khoa học từ các nước đang phát triển đang làm việc miệt mài trong các phòng nghiên cứu để tạo ra điều khác biệt tốt hơn cho thế giới", GS Salim Abdool Karim – đồng chủ nhân giải đặc biệt ở hạng mục dành cho "Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển" với phát minh gel có chứa dược chất tenofovir - sản phẩm dành cho phụ nữ có tác dụng kháng HIV (cùng với vợ ông – bà Quarraisha Abdool Karim) nói.
"Điều quan trọng nhất, tôi không phải người nên nhận giải thưởng này, mà hàng nghìn nhà khoa học đi trước và đi sau tôi sẽ tiếp bước những nghiên cứu này, đưa ra nhiều phương pháp chữa bệnh mới, cho những căn bệnh mới" - GS Drew Weissman, cộng sự của TS Katalin Kariko nói, mở ra hy vọng vào tương lai của VinFuture.
Còn với cộng đồng nghiên cứu khoa học Việt Nam, những gì mà ông Phạm Nhật Vượng, bà Phạm Thu Hương đang làm, không chờ tới tương lai, mà ngay lập tức đã có được sự ghi nhận của giới khoa học, ngay lập tức đã mở ra cơ hội cho khoa học Việt Nam tiếp cận thường xuyên với khoa học thế giới.