Đâu phải mỗi mai đào hay lì xì, chính những “bữa tiệc cảm xúc” mới khiến bạn phải thốt lên: Nhìn đâu cũng thấy Tết! - Ảnh 1.

Một sáng cuối tuần đầu tháng Chạp, khi đang uể oải lôi mình dậy vào giờ đi làm để không bỏ lỡ cái nhịp dậy sớm của "người thành công", tôi nhận được tin nhắn đầu tiên trong ngày, từ ứng dụng thương mại điện tử: "Săn sale khủng, Tết tiệc tùng thả ga..." Như một cỗ máy được lập trình sẵn, suy nghĩ của tôi tự trả về câu cảm thán: Lại nữa à?

Lương, thưởng mãi chưa kịp về, giờ phải nhìn đâu mới thấy Tết đây ta?

Bất giác, tôi nhớ ra những nhành mai, cành đào quen thuộc vừa xuất hiện trở lại trên đoạn vỉa hè bên ngoài Nhà Văn hóa Thanh Niên. Cứ như chúng vẫn luôn ở đó, nép sâu trong giấc ngủ vùi dài cả năm, và chỉ vừa bị đánh thức vội vàng, để làm nhiệm vụ nhắc nhở người Sài Gòn: Ông Noel đã đánh tuần lộc đi xa lắm rồi, chuẩn bị dọn chỗ cho Thần Tài đi thôi. Bác hàng xóm cạnh nhà tôi đã đổi playlist cho chương trình báo thức ban sáng, từ những bản nhạc rền rĩ, não nề sang loạt khúc ca hứng khởi "Xuân đã về, xuân đã về…" Các món kẹo mứt, hạt hướng dương homemade đã bắt đầu xuất hiện trong bữa xế của cả văn phòng, thay cho trà sữa, bánh tráng mà tôi vẫn ưa chuộng.

Còn tôi, bạn và hàng chục triệu người trẻ đang sớm tối chìm trong những chiếc deadline nối dài, chúng ta nhìn vào điều gì để thấy Tết?

Đâu phải mỗi mai đào hay lì xì, chính những “bữa tiệc cảm xúc” mới khiến bạn phải thốt lên: Nhìn đâu cũng thấy Tết! - Ảnh 2.

Bất kể bạn vẫn đang sống cùng bố mẹ hay đã xa nhà tự lập từ sớm, sẽ có những dịp tụ họp, dẫu bạn có thấy hào hứng hay miễn cưỡng, cũng khó lòng vắng mặt được. Rồi qua vài ba lượt trà rượu, những vị khách mà tôi hay gọi là "người quen xa lạ" sẽ bắt đầu chuyển mục tiêu từ phụ huynh sang chính bạn. Định danh "người quen", vì đó là những người bạn, người đồng nghiệp, là bác hàng xóm cũ của bố mẹ, ông bà, là người họ hàng xa lâu nay ít tới lui. Cảm giác "xa lạ", bởi dù ai trong số họ cũng có thể nhắc vanh vách dáng vẻ đùa nghịch của bạn khi còn nhỏ, thì bạn có cố đến mấy cũng không thể trả lời được câu hỏi bất thình lình: "Nhớ cô/ chú là ai không?"

- Con chào cô. Cô vẫn khỏe hả cô? Ba mẹ con hay nhắc cô lắm.

- Còn nhớ cô hả? Hồi xưa con lanh lắm, mỗi lần cô tới nhà là con lăng xăng chạy ra chào à...

Từng ám ảnh với câu hỏi chẳng biết nên thưa sao cho đúng, Giang - bạn tôi, với thâm niên vài năm đảm nhận nhiệm vụ tiếp khách thay bố mẹ, đã tiết lộ cho tôi "bí kíp" đơn giản: Cứ tự giác chào hỏi, trước khi bị "điểm danh" thì hơn.

Đâu phải mỗi mai đào hay lì xì, chính những “bữa tiệc cảm xúc” mới khiến bạn phải thốt lên: Nhìn đâu cũng thấy Tết! - Ảnh 3.

"Mấy câu hỏi chồng con, lương thưởng có thể hướng về mình, nhưng mình đâu có phải ‘nhân vật chính’ trong câu chuyện đó. Chủ yếu là người lớn kìa, phụ huynh mình tình cảm, trọng những mối quan hệ lâu năm như vậy lắm."

Khi còn trẻ, chúng ta nhìn về tương lai. Khi thấy mình đã qua một con dốc lớn, chúng ta sống cho quá khứ. Bố mẹ, ông bà chúng mình mong đợi những dịp hội ngộ biết bao, để gặp được những người cùng kể, cùng nghe vài câu chuyện đã nhuốm màu thời gian, để nối lại những mối duyên từng có lúc gián đoạn, để giữ cho nhau những cảm tình bền lâu. Đó chính là phép màu của sự kết nối chỉ có thể tìm thấy trong ngày Tết.

Nghĩ đến việc mình cũng sẽ đến tuổi phải trân trọng hơn những cuộc gặp tính theo đơn vị cái Tết, bạn tôi lại bắt đầu thoáng mong đợi được hội ngộ với những "người quen" Tết này.

- Tết nào cũng bị hỏi mãi mấy câu, có chán không con?

- Dạ đâu có, con biết cô chú thương nên mới hỏi mà.

Đâu phải mỗi mai đào hay lì xì, chính những “bữa tiệc cảm xúc” mới khiến bạn phải thốt lên: Nhìn đâu cũng thấy Tết! - Ảnh 4.

Giữa những công riêng, việc chung chất chồng ngày Tết, nỗi sợ thiếu đủ ập đến khiến Tết bớt xinh đẹp, hấp dẫn đi vài phần, khiến ta thành những người cầu toàn, thậm chí còn "thấy thiếu" cho cả những người xung quanh. Như người lớn trong nhà tôi mỗi khi chép miệng ngán ngẩm: "Bọn trẻ con bây giờ không biết lo nghĩ, chỉ thích làm theo ý mình." Nếu bạn khựng lại thì đúng rồi đấy, "bọn trẻ con" ở đây đâu chỉ có đám con nít đang mải miết chay đua theo những lớp học trong - ngoài giờ, mà còn bao gồm cả tôi, đứa duy nhất trong cả họ vẫn "mình ên".

Đâu phải mỗi mai đào hay lì xì, chính những “bữa tiệc cảm xúc” mới khiến bạn phải thốt lên: Nhìn đâu cũng thấy Tết! - Ảnh 5.

Thiếu người yêu, thiếu nhà, thiếu xe, thiếu định hướng, thiếu một tương lai đầy hứa hẹn, thiếu một thành công đủ lớn để cả nhà "mát mày mát mặt"… Không cần đợi ai hỏi đến, chúng ta đã tự điểm danh cái Tết thiếu thốn của mình.

Phải chi rảnh hơn mình đã kịp làm món mứt handmade, sơn lại căn phòng… Phải chi thưởng được nhiều để mình mua cho mẹ chiếc lò nướng mới, tặng bố thêm đôi giày chạy bộ...

Nếu phải kể ra danh sách những điều mà tôi muốn đạt được, con số sẽ dao động trên dưới 1 triệu mục, bởi chỉ riêng việc ăn ngon mặc đẹp đã có bao nhiêu là tiêu chuẩn rồi. Nhưng cuộc đời chẳng phải bàn tiệc đặt sẵn có đủ phần cho tất cả mọi người. Khi ở nhà, ai cũng có thể là "con trời", nhưng mỗi sáng thứ hai bước ra đời, bỗng chốc lại thấy mình quay về làm "con sen": Căng não dốc sức "cày" cho đủ chỉ tiêu, rối rít xin lỗi vì trót nhỡ cuộc gọi của khách hàng vào cuối tuần. Dù mạnh mẽ đến đâu, người trẻ nào cũng có lúc e dè trước những cơ hội mới, trước những được - mất khó lòng phân đoán được, nhất là khi sự từng trải là một món hàng quá xa xỉ. Người trẻ cũng muốn giữ tâm hồn "tồng ngồng" lắm chứ, nhưng nào có thể mãi lông bông?

Nếu cuộc đời là một mẻ bánh được nướng mới mỗi năm, thì người trẻ sẽ là đám bột mì cần đủ loại phụ liệu mang tên Quan tâm, Tha thứ, Sẻ chia, Đồng cảm… nhào nặn thêm vào, để có thể thành hình vuông tròn ngay ngắn. Và những thiếu sót, lo toan ngày cũ như chiếc lò nướng mà ai cũng phải bước vào, trước khi muốn bắt đầu một hành trình năm mới nhiều quyết tâm hơn, nhiều mục tiêu giá trị hơn, để chờ ngày căng ngực nở phồng và bước ra ngoài với dáng vẻ tinh tươm, ngon mắt.

"Vì những điều đang thiếu vẫn nhiều, nhiều lắm, nên con chỉ có thể ‘đủ’ hơn mỗi ngày với yêu thương không điều kiện từ gia đình đó thôi!"

Đâu phải mỗi mai đào hay lì xì, chính những “bữa tiệc cảm xúc” mới khiến bạn phải thốt lên: Nhìn đâu cũng thấy Tết! - Ảnh 6.

"Tết nay sao chẳng vui như xưa nữa..." dường như đã trở thành câu cửa miệng của nhiều người.

Nhưng cái "vui" trong Tết xưa có thật khó bắt gặp hơn, hay bởi chúng ta quá bận lòng với những món chi tiêu khổng lồ mà quên mất "niềm vui" vốn là thức quà miễn phí và luôn đầy đặn, chỉ cần bạn có đủ dũng khí để... phớt lờ hết chuyện buồn đi, để thôi so sánh, tị nạnh với cả loài mèo - vì suốt ngày chỉ toàn ăn, ngủ, được nâng niu sung sướng.

"Mình chỉ sống một lần, để được nếm đủ vị thăng trầm qua vài chục cái Tết. Cần gì tị nạnh với loài mèo, biết đâu chúng cũng đang nghiền ngẫm những bận lòng trong thế giới riêng?"

Tôi luôn tin rằng mỗi người đều có một thời điểm trong khoảng giới hạn riêng để tỏa sáng. Ngoài kia đầy những ngôi sao bằng tuổi mình đã có sức ảnh hưởng đến vài triệu người, một tấm ảnh đăng vội trên mạng xã hội cũng có thể khiến hàng chục nhãn hàng hợp tác phất lên hay điêu đứng, chẳng cần nói đến nhà sang, xe đẹp (đã là đương nhiên). Nhưng nếu mọi người đều thành công như nhau và cùng một lúc, thì tất cả sẽ trở nên nhạt nhòa, bình thường như... hơi thở. Sự tỏa sáng và cả niềm vui là những thứ chỉ đến khi bạn đã sẵn sàng, khi bạn đã đủ hiểu mình và đủ trân trọng những gì mình đang có.

Đâu phải mỗi mai đào hay lì xì, chính những “bữa tiệc cảm xúc” mới khiến bạn phải thốt lên: Nhìn đâu cũng thấy Tết! - Ảnh 7.

Tết nay sẽ không thể giống hệt như Tết xưa, nhưng điều đó không có nghĩa là niềm hân hoan bạn đã từng có trong ngày Tết thuở bé sẽ không bao giờ trở lại. Niềm vui là nghiệm của một phương trình cân bằng, khi ta sẵn lòng cho đi những chuyện buồn đã cũ để đón một năm mới với tấm lòng rộng mở. Rồi chúng ta sẽ thấy những niềm vui Tết xưa tưởng đã lạc mất đi đâu, thì ra vẫn đang cố sức đuổi theo, mong ta chậm lại để đi cùng. Rồi ta sẽ tìm thấy những niềm vui Tết chẳng bao giờ lạm vào lương thưởng, như một phiên chợ hoa trên chục trăm chiếc ghe thuyền lớn nhỏ mà bạn tưởng như chẳng bao giờ có thể bắt gặp giữa lòng đô thị.

Một trong những nét đẹp Tết xưa ở Sài Gòn - Chợ hoa Trên Bến Dưới Thuyền được tổ chức với sự góp sức của nhãn hàng Kinh Đô

Đâu phải mỗi mai đào hay lì xì, chính những “bữa tiệc cảm xúc” mới khiến bạn phải thốt lên: Nhìn đâu cũng thấy Tết! - Ảnh 9.

Những cảm xúc vẹn nguyên háo hức, lo toan, mong đợi, vui mừng lẫn tiếc nuối chính là minh chứng cho thấy: Tết xưa chưa mất bao giờ. "Chất Tết" vẫn từng ngày dậy hương trong mọi ngóc ngách, ngạt ngào lan tỏa từ nhà ra ngõ, trong chậu mai chẳng cần chăm bón vẫn tự mình khoe búp mới, trong giỏ quà Tết không cần rượu Tây hay chocolate đắt tiền mà ngập tràn những món bánh "tủ" quen thuộc gắn liền với tuổi thơ. Rồi sẽ còn nhiều cái Tết nữa, và "bữa tiệc cảm xúc" chính là thứ khiến Tết luôn kỳ diệu không thể lẫn vào đâu được.

Cũng như những người yêu nhau cần Valentine để có thêm động lực bày tỏ với nhau, ai trong chúng ta cũng cần một dịp Tết để dành hết lo toan, bận bịu vì những người thân yêu nhất, để nối lại những mối duyên cũ, và để tưng bừng trong những điều giản dị nhưng "vui như Tết".

Vậy thì, nếu không đếm tính tháng năm, điều gì khiến bạn phải thốt lên "thấy Tết"?


Nhi Nguyn
Linh Yoo
Theo Trí Thức Trẻ08/02/2021