Sau 6 năm tổ chức, Solve for Tomorrow 2024 do Samsung khởi xướng đã trở thành sân chơi hấp dẫn cho học sinh THCS và THPT toàn quốc, nơi các bạn trẻ khám phá, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn để tạo ra các giải pháp công nghệ hữu ích cho xã hội. Không chỉ dừng lại ở việc gửi dự án trên giấy đến tham gia, thí sinh còn được chuyên gia cố vấn sâu sát, trang bị kỹ năng thực tế để hiện thực hóa và thương mại hóa ý tưởng. Năm nay, cuộc thi thêm phần đặc sắc với "Chuyến xe Solve for Tomorrow" đưa khoa học thực tiễn đến hơn 10.000 học sinh ở nhiều địa phương. Bên cạnh đó, tổng giải thưởng hấp dẫn lên đến 8 tỷ đồng, trong đó, hai trường đạt giải Nhất sẽ được tài trợ Không gian sáng tạo STEM trị giá 70.000 USD càng giúp cuộc thi tạo nên sức hút vô cùng mạnh mẽ.
Trong gần 2.300 bài dự thi được gửi về từ 63 tỉnh thành trên cả nước, dự án "Ứng dụng công nghệ thông minh nhân giống và nuôi các loài côn trùng quý hiếm" của đội Small Warriors đã gây ấn tượng mạnh với ban giám khảo, xuất sắc giành ngôi vị Quán quân bảng A (THCS) Solve for Tomorrow 2024 bởi tính sáng tạo, khả năng ứng dụng thực tiễn cao và tiềm năng phát triển lớn.
Dự án "Ứng dụng công nghệ thông minh nhân giống và nuôi các loài côn trùng quý hiếm" bắt đầu từ sự quan sát nhạy bén của 3 nữ sinh trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Him Lam, Hậu Giang trước tình trạng biến mất của một số loài côn trùng như cà cuống, bù niễng - những giống loài quý, có tiềm năng kinh tế nhưng đang dần mai một. Càng đi sâu tìm hiểu, các bạn càng quyết tâm hành động để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của "món quà thiên nhiên quý giá" này.
Do sở hữu ngoại hình tương đồng và cùng sinh sống trên các cánh đồng quê, cà cuống và bù niễng thường được xem là "họ hàng" hoặc thậm chí bị nhầm lẫn là cùng một loài. Tuy nhiên, chúng có thể được phân biệt rõ ràng qua đặc điểm sinh học: cà cuống có cấu trúc miệng chích hút, chuyên săn mồi, trong khi bù niễng là loài ăn xác chết, đóng vai trò "dọn dẹp" tự nhiên và làm sạch môi trường. Nhận thấy tiềm năng kinh tế và giá trị sinh thái từ cả hai loài, đội Small Warriors đã quyết định nghiên cứu và phát triển giải pháp để có thể bảo tồn đồng thời cà cuống và bù niễng, vừa khai thác hiệu quả lợi ích kinh tế vừa giảm thiểu rác thải sinh học.
Nhờ nguồn cảm hứng từ những vấn đề thực tế, gần gũi nên giải pháp của Small Warriors cũng vô cùng thiết thực. Không đơn thuần là ý tưởng bảo tồn đa dạng, giải pháp công nghệ bảo tồn côn trùng quý hiếm của Small Warriors còn mang lại lợi ích kinh tế cao và góp phần vào phát triển bền vững nói chung.
Nhận thấy những điểm cần khắc phục trong cách nuôi cà cuống và bù niễng truyền thống như tỉ lệ sống sót và thời gian xuất bán phụ thuộc vào môi trường và kinh nghiệm của người nuôi… Nhóm nữ sinh trường Him Lam đã ứng dụng công nghệ IoT (Internet of Things) để tạo nên một hệ thống nhân giống và nuôi côn trùng độc đáo, giải quyết các vấn đề trên.
Sau 6 tháng thực nghiệm, dự án đã cho kết quả rất đáng ghi nhận. Sản phẩm này đáp ứng cả ba tiêu chí về kinh tế, xã hội, và môi trường. Ứng dụng thành công công nghệ thông minh IoT, ngoài nhân nuôi cà cuống, bù niễng, hệ thống cũng có thể dùng để nhân nuôi các loài côn trùng quý hiếm khác, đặc biệt là các loài có giá trị kinh tế cao nhưng khó nuôi.
"Tôi rất xúc động khi chứng kiến những sản phẩm tuyệt vời của các em. Các em chính là những nhân tài xuất sắc, chủ nhân tương lai của Việt Nam. Mong các em không bằng lòng với thành quả của hiện tại và hãy tiếp tục trau dồi, phát triển trong sự nghiệp học tập. Trong tương lai, Samsung cũng sẽ tiếp tục nỗ lực để chương trình Solve for Tomorrow có thể lan tỏa và tiếp cận được nhiều học sinh hơn nữa." - Chia sẻ của ông ông Choi Joo Ho – Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam
Mô hình chăn nuôi côn trùng thông minh của Small Warriors không chỉ mang lại hiệu quả vượt trội mà còn giảm đáng kể chi phí về thời gian và sức lao động, chỉ bằng 1/3 so với phương pháp truyền thống. Điều này đặc biệt ý nghĩa đối với những nhóm người yếu thế như phụ nữ, người lớn tuổi hoặc những hộ gia đình có điều kiện kinh tế hạn chế. Với thiết kế tự động hóa và dễ vận hành, mô hình cho phép họ tham gia vào quy trình nhân giống và nuôi các loài côn trùng quý mà không đòi hỏi quá nhiều sức khỏe hay kỹ thuật phức tạp, để tạo ra nguồn thu nhập ổn định và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Được biết, không chỉ nằm trên giấy, giải pháp công nghệ bảo tồn côn trùng quý hiếm đã được Small Warriors vừa thực nghiệm vừa cải tiến và sau đó mở rộng thử nghiệm trên thị trường. Giải pháp đã nhận được phản hồi tích cực từ người dùng và có tiềm năng thương mại hóa cao trong tương lai.
Hành trình đến với giải Quán quân của một cuộc thi lớn với nhiều đối thủ mạnh chưa bao giờ là dễ dàng. Nhóm Small Warriors đã phải tự mình vượt qua nhiều khó khăn, từ việc học hỏi thêm kiến thức mới về mạch điện, module, đến rèn luyện kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm và quản lý thời gian hiệu quả. Đặc biệt, các bạn phải tự thiết kế, lắp ghép máy móc, triển khai thí nghiệm, sửa chữa sai sót và không ngừng tiến bộ qua mỗi thử thách. Những nỗ lực đó đã tạo nên thành quả xứng đáng, không chỉ cho riêng nhóm mà còn mở ra những cơ hội, hy vọng mới cho các thế hệ học sinh Phổ thông Dân tộc Nội trú Him Lam kế tiếp.
Các cô gái chia sẻ, khi bắt đầu, chẳng ai dám tự tin mình sẽ thành công, sẽ thành những người chiến thắng cuối cùng. Nhưng điều đó không khiến các cô gái nhụt trí mà chỉ càng thêm quyết tâm, cố gắng nhiều hơn.
Hiền chia sẻ thêm rằng, dù đã lọt vào Top 40 Solve for Tomorrow 2024 và có cơ hội đến TP. Hồ Chí Minh tham gia buổi tập huấn đặc biệt giúp các thí sinh rèn luyện kỹ năng mềm và khởi nghiệp toàn diện, mẹ bạn vẫn khuyên nên từ bỏ vì lo lắng sức khỏe của con. Nhưng sau khi nghe Hiền tâm sự và giải thích, mẹ bạn đã ủng hộ và cổ vũ hết mình. Tường Vy cũng cho biết, gia đình rất lo lắng khi thấy con gái thường xuyên đi sớm về muộn để làm dự án, nhưng vẫn hết lòng ủng hộ và tự hào khi thấy sự nỗ lực của bạn được ghi nhận.
Đặc biệt, một nữ sinh THCS người Khơ me như Trúc càng phải vượt qua nhiều thử thách không nhỏ. Nhà cách trường hàng chục cây số, Trúc phải nhờ ba mẹ đưa đón mỗi khi phải đi sớm về khuya để thực hiện dự án. Cô bạn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự hỗ trợ từ gia đình, đồng thời chia sẻ một khát khao lớn hơn: "Em mong muốn sẽ có nhiều bạn trẻ dân tộc thiểu số tham gia vào những cuộc thi như Solve for Tomorrow. Không chỉ để học hỏi, phát triển bản thân, mà còn để chứng minh rằng chúng em, những học sinh dân tộc thiểu số có thể làm được, thậm chí làm rất tốt, nếu có cơ hội và quyết tâm."
Có những khó khăn mà đội thi Small Warriors phải tự mình phải vượt qua nhưng điều đó không có nghĩa là Small Warriors phải chiến đấu đơn độc. Đồng hành cùng các bạn là sự hỗ trợ tận tâm từ đội ngũ mentor của Samsung và sự chỉ dẫn quý giá từ người thầy hướng dẫn trực tiếp. Trong suốt hành trình, nhóm còn có cơ hội tham gia các workshop 3 miền do chương trình Solve for Tomorrow tổ chức. Tại đây, các bạn không chỉ được trau dồi kỹ năng mềm, học cách xây dựng mô hình kinh doanh mà còn nắm vững nghệ thuật thuyết trình hiệu quả. Những kiến thức và kỹ năng này đã trở thành hành trang quý báu, giúp các bạn thêm tự tin và sẵn sàng hơn trên con đường hiện thực hóa giấc mơ.
Sau tất cả, Small Warriors gửi lời nhắn nhủ đến các bạn dự định tham gia Solve for Tomorrow các năm sau: "Đừng lo ngại bất kỳ điều gì, hãy tự tin vào dự án của mình và thể hiện hết khả năng của bản thân. Đừng sợ sẽ thất bại, cứ cố gắng hết mình và đừng bao giờ hối tiếc."
Hy vọng rằng, với sự hỗ trợ từ Samsung Việt Nam, giải pháp công nghệ thông minh nhân giống và nuôi các loài côn trùng quý hiếm của Small Warriors sẽ được nhân rộng, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển một Việt Nam bền vững. Đồng thời, với những kinh nghiệm từ cuộc thi, các thí sinh Small Warriors sẽ tiếp tục tham gia Solve for Tomorrow mùa tiếp theo, ở bảng B (THPT) và mang đến nhiều giải pháp công nghệ tuyệt vời hơn trong tương lai.