Một giải thưởng được xem như giải Nobel trong giáo dục gọi tên cô giáo Hà Ánh Phượng - người đã tìm thấy cơ số điều kỳ diệu khi bỏ lại những xa hoa, phồn thực nơi thị thành đông đúc để trở về quê dạy học. Đây là thành tích đầu tiên mà một cô giáo Việt Nam từng đạt được, trở thành nguồn cảm hứng cho bao người chạm đến ước mơ của chính mình.
Những ngày cuối năm bộn bề với công việc giảng dạy, tập huấn, hội thảo cộng thêm lịch thi học kỳ dày đặc của học sinh là lý do khiến buổi hẹn gặp cô Phượng không hề dễ dàng. Sau nhiều lần cố gắng liên lạc, thật may, cô đã đồng ý sắp xếp cho chúng tôi một buổi chiều hiếm hoi trong tuần. Và thế là tạm xa rời cái lạnh se thắt của Thủ đô, cả ekip tức tốc khởi hành tới trường THPT Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ, chỉ hy vọng rằng buổi phỏng vấn này đơn giản như một cuộc trò chuyện thân mật.
Cô giáo Hà Ánh Phượng - Đề cử hạng mục Nhân Vật Truyền Cảm Hứng.
13 giờ 45 phút, tiếng trống báo hiệu vang lên, những tiết học buổi chiều bắt đầu… Bước vào căn phòng rộng chừng 30m2, sự hiện diện của cô giáo toàn cầu và các bạn học sinh, thêm vỏn vẹn một chiếc máy chiếu, một chiếc laptop khiến chúng tôi có chút nao nao nhớ lại quãng hồi ức cấp ba đầy oanh liệt. Điều đặc biệt là ai nấy đều rất chỉn chu từ trang phục tới tác phong, một nguồn năng lượng trong trẻo, dồi dào mà có lẽ chỉ bắt gặp ở môi trường học đường. Nhưng khác những tiết học tiếng Anh truyền thống, cô Phượng hướng dẫn học trò sắp xếp bàn ghế, chỗ ngồi theo từng nhóm để cùng bàn luận, trao đổi về nội dung liên quan tới bài học.
Công tác chuẩn bị xong xuôi, giờ thì khởi động buổi học nhẹ nhàng bằng một vài câu hỏi dạng Quiz ngay thôi. Học sinh sẽ sử dụng smartphone, nhanh chóng giải đáp câu đố mà cô giáo đưa ra. Rõ ràng với cách tiếp cận này, không khí lớp học rộn ràng, sôi nổi hẳn lên. Cứ thế mọi thứ được vận hành một cách nhịp nhàng, suôn sẻ, đưa cô trò "vượt biên" trên 40 quốc gia. Cô giáo 29 tuổi, người Mường đã làm nên điều kỳ diệu, trở thành giáo viên Việt Nam đầu tiên lọt Top 10, cũng là người trẻ tuổi nhất được Ban tổ chức giải thưởng Giáo viên Toàn cầu (Global Teacher Prize) do Quỹ Varkey (Varkey Foundation) lựa chọn.
Người ta cứ thắc mắc mãi, đối với một nữ sinh dân tộc Mường, giữa sở thích học tiếng Anh và quan điểm phải có tiếng Anh mới từ “vườn chuối” bước ra thế giới, đâu là lý do thực sự? Thay vì mất vài ba phút suy nghĩ, cô Phượng không ngần ngại, ngay lập tức đưa ra câu trả lời chắc nịch: “Mình học tiếng Anh đơn giản vì sở thích, vì mình coi ngôn ngữ là nội động lực, là một công cụ giao tiếp”. Một khi đam mê đã ăn sâu vào tiềm thức thì chúng ta bằng cách này hay cách khác sẽ quyết tâm theo đuổi đến cùng mà thôi!
Chính việc nổi trội tiếng Anh và học đồng đều tất cả các môn đã giúp cô Phượng trở thành Thủ khoa tốt nghiệp trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Phú Thọ, nhận giải thưởng Hoa Trạng Nguyên. Đồng thời theo đề án, chính sách của Bộ GD&ĐT dành cho học sinh người dân tộc thiểu số, cô được đề xuất đi du học nước ngoài. Đó cũng là lần đầu tiên trong cuộc đời, cô từ chối cơ hội mà nhiều người mơ ước: “Ngày ấy mình lo lắng nếu đi sẽ đặt lên vai bố mẹ những khoản chi phí đắt đỏ, rồi chưa kịp chuẩn bị đủ hành trang cần thiết. Cuối cùng mình lựa chọn ở lại, tiếp tục phấn đấu vào Đại học Hà Nội” - cô nói.
Một lần khác, khi tham gia phiên dịch hồi năm cuối Đại học, nhờ khả năng tiếng Anh cùng kiến thức về Dược do mẹ làm trong lĩnh vực này, cô Phượng được một công ty Dược của Pakistan mời làm Giám đốc đại diện kiêm phiên dịch với mức lương hấp dẫn, lên tới cả ngàn đô. Nhưng cô thẳng thắn từ chối để học tiếp Cao học ngành Ngôn ngữ Anh thiên về phương pháp giảng dạy, quyết tâm trở lại quê hương làm cô giáo dạy trường làng miền núi với gần 90% học sinh người dân tộc thiểu số.
Cô tâm sự: “Thời điểm lựa chọn không đi du học, mình hơi băn khoăn, không quả quyết như lúc quyết định về quê đâu, bởi khi đó mình mới là học sinh cấp 3 lên Đại học, suy nghĩ chưa được chín chắn. Mình lo lắng kinh tế gia đình, rồi chưa chuẩn bị chứng chỉ IELTS, sự kém hiểu biết khiến mình đánh mất cơ hội của bản thân. Nhưng ngược lại, mình cũng cảm thấy may mắn, nếu đi du học chắc gì mình đã có sự đóng góp và được sống trong môi trường mơ ước”.
Học sinh Việt Nam vốn hay chú trọng vào ngữ pháp, nhưng giờ đây các bạn đã có nhiều điểm tương đồng, sử dụng thành thạo các kỹ năng như học sinh ở nhiều quốc gia. Mình cũng không quan niệm thành công hay thất bại, mình chỉ đang cố gắng cải thiện để tốt hơn chính mình ngày hôm qua và mình muốn học trò được thừa hưởng một nền giáo dục tốt nhất”.
Cho đến thời điểm này, dù nhận được nhiều lời mời giảng dạy từ các đơn vị, cơ sở giáo dục nhưng cô Phượng hết lần này đến lần khác từ chối vì bản thân vẫn mong muốn gắn bó với môi trường hiện tại: “Mình nghĩ rằng lý do mình trở về quê ngày xưa như thế nào thì chính là lý do đang gắn với mình ngày hôm nay. Hiện tại mình chưa có ý định thay đổi môi trường làm việc”.
Đến đoạn này, cô Phượng say sưa kể về ước mơ trở thành giáo viên của mình. Bắt đầu từ cái lần được mẹ đưa đi xem phim ở rạp chiếu bóng, bộ phim Cô Giáo Vùng Cao. Những thước phim đen trắng về cô giáo dũng cảm từ miền xuôi lên miền ngược dạy học, vượt qua khó khăn, tiếp cận và nhận được sự tin yêu của học sinh, phụ huynh. “Bộ phim khiến mình cảm thấy ấn tượng với hình ảnh cô giáo, và ước mơ đó thực sự được hiện thực hoá khi mình là học sinh trường Dân tộc nội trú huyện Yên Lập. Mình muốn trở thành giáo viên dạy tiếng Anh vì đây là bộ môn mình yêu thích ngay ngày đầu tiên học, tiếng Anh là công cụ phá bỏ rào cản về ngôn ngữ, cho mình cơ hội phát triển bản thân. Thêm nữa, năm cấp 2 mình may mắn được gặp một cô giáo chủ nhiệm vô cùng tuyệt vời, cô vừa dạy kiến thức vừa truyền cảm hứng. Lớp mình đã cùng viết ước mơ lên giấy, cùng bỏ vào con lợn đất để 15 năm sau nhìn lại xem điều ước có thành hiện thực không. Theo đúng hẹn thì năm 2021, con lợn đất ấy sẽ được mở ra, nó trở thành động lực giúp mình thực hiện ước mơ”.
Nếu gặp cô Phượng ở ngoài đời bạn sẽ ngạc nhiên lắm, một cô giáo 9X đa tính cách, hiền lành có, cá tính có, đặc biệt hội tụ vốn sống và nhiều trải nghiệm thú vị. Cô Phượng từng gặp khó khăn, tự ti, ngại giao tiếp tiếng Anh. Hơn hết chính những kỷ niệm đó đã nung nấu trong cô quyết tâm phải giúp giới trẻ chinh phục bằng được thứ ngôn ngữ khó học này. Khi bắt đầu học, cô giáo người Mường đã cùng bạn thân trong ký túc xá nói tiếng Anh mỗi ngày, nếu một trong hai dùng tiếng Việt trước phải rửa bát hoặc phạt mì tôm. “Từ vựng nào không biết thì nói tiếng Việt, còn lại mình sẽ cố gắng sử dụng hoàn toàn bằng tiếng Anh với bạn. Hai đứa mình cứ tự quy ước với nhau như vậy từ cấp 2 đến cấp 3, nghĩ lại thời gian ấy yêu tiếng Anh thực sự”.
Bản thân là học sinh dân tộc thiểu số, cô thấu hiểu những khó khăn mà học sinh miền núi gặp phải khi tiếp cận với ngôn ngữ. Cho nên sau nhiều cuộc hành trình, điểm dừng chân cuối cùng vẫn là quê hương: “Mình rất thấu hiểu khó khăn của các bạn học sinh trong quá trình đi học. Lên Hà Nội mình mới biết là có nhiều thứ mới mẻ chưa được khám phá nên mình thực sự mong muốn trở về quê để đem những gì mình học được chia sẻ cho các bạn đó. Tất cả phương pháp giảng dạy của mình cũng như ý tưởng dạy học đều xuất phát từ bản thân. Từ sự hạn chế, nhờ phương pháp ấy mà mình làm tốt hơn mình chia sẻ với học sinh. Ví dụ như đọc rap trong Tiếng Anh khiến Tiếng Anh trở thành một môn học thú vị.
Mình là một cô giáo 9X rất cần học hỏi kinh nghiệm từ mọi người, mình luôn cố gắng trở thành người thầy, người bạn thân thiết với học trò để hiểu tâm lý, định hướng cho các em biết phải làm gì, các em đang như thế nào, tích cực, hứng thú hơn trong việc học. Với mình, thành phố hay nông thôn không phải rào cản mà sự ngừng học của giáo viên mới chính là tụt hậu. Người dám dạy phải là người không bao giờ ngừng học”.
Tháng 11/2020, cô Hà Ánh Phượng xuất sắc trở thành giáo viên Việt Nam đầu tiên vào Top 10, cũng là người trẻ tuổi nhất được Ban tổ chức giải thưởng Giáo viên Toàn cầu (Global Teacher Prize) do Quỹ Varkey (Varkey Foundation) lựa chọn, cùng với 9 giáo viên khác đến từ Italy, Brazil, Vương quốc Anh, Mỹ, Nam Phi, Nigeria, Ấn Độ, Malaysia, Hàn Quốc. Một cô giáo 9X dạy trường làng truyền cảm hứng giúp học sinh trở thành những công dân toàn cầu và có thể chạm tay ra bên ngoài thế giới.
Biết tới giải thưởng danh giá này vào một buổi chiều sinh hoạt chuyên môn, song thấy xuất hiện hàng loạt “nhân vật khủng”, nghĩ rằng mình không thể vượt qua được nên cô chẳng suy nghĩ nhiều. Tại Diễn đàn Giáo viên Sáng tạo toàn cầu của Microsoft và các diễn đàn giáo viên quốc tế, nhiều thầy cô cũng chia sẻ về giải thưởng, ví nó như một giải Nobel của giáo dục. Cô Phượng khá băn khoăn nhưng rồi lần thứ 2 tiếp tục bỏ qua, một phần chưa đủ niềm tin nộp hồ sơ, phần khác còn rụt rè, lo lắng.
“Đến lần thứ 3, trong cộng đồng các thầy cô giáo tiếng Anh trên thế giới, mọi người ủng hộ, động viên, nhưng mình đáp lại với tâm lý của người trẻ 9X, mình nghĩ không làm được. Mình đắn đo hồi lâu mới bắt đầu nộp hồ sơ, trải qua rất nhiều vòng. Và một trong những yêu cầu bắt buộc là phải có thành tích ít nhất ở cấp độ quốc gia, may mắn mình đã đạt thành tích nhất định cũng như sự ghi nhận của quốc tế trước đó. Trong vòng một năm, mình lần lượt đi từ Top 50 tới Top 10 của giải thưởng. Năm nay do Covid-19 nên lễ trao giải tổ chức online, lúc ấy mình như vỡ oà, cảm xúc khó tả lắm! Đây không chỉ là niềm vui của riêng mình mà còn là niềm vui chung, là màu cờ sắc áo của Tổ quốc”, cô Phượng kể.
Ít ai biết rằng, thời gian đầu khi trở về trường, cô đã trăn trở với rất nhiều phương pháp dạy học khác nhau, nhưng đều không hiệu quả. Song niềm tin vào trẻ em vùng dân tộc lại càng được khẳng định, khi một lần cô Phượng có dịp trò chuyện với thầy giáo châu Phi. Cô nhận ra, dù thầy đến từ đất nước có GPA thấp hơn Việt Nam, nhưng chỉ số phát triển tiếng Anh lại cao hơn rất nhiều. Cô chia sẻ về phương pháp dạy tiếng Anh có tên gọi SVA mà bản thân vô cùng tâm đắc: "SVA thực ra là viết tắt của: Situation (đặt học sinh vào trong tình huống) - Visualization (Học từ mới thì phải hình dung nó ra thế nào) - Action (Hành động - Lặp lại từ đó mỗi ngày). Tức là chúng ta phải tăng tần suất học từ mới, đồng thời khi học phải hình dung từ đó trong ngữ cảnh cụ thể thế nào. Phương pháp này có lẽ không hề mới, nhưng đối với mình, lại mở ra cách học được định hình cụ thể rất nhiều. Vậy nên mỗi buổi dạy, mình đã cho các em học sinh kết nối với các bạn cùng trường quốc tế mà mình biết”.
Tại Hương Cần, phần lớn học sinh là dân tộc thiểu số, các bạn không có điều kiện tiếp xúc với người nước ngoài, giữ vững quan điểm dạy học “Anh ngữ là sinh ngữ”, hiểu được những khó khăn mà học sinh đang phải đối mặt, cô Phượng muốn làm điều gì đó khác biệt để giúp học trò học tiếng Anh hiệu quả. Ngày xưa chẳng có smartphone, tài liệu tự học cũng không phong phú như bây giờ, chuyện nghe băng cassette là điều quá xa xỉ khiến khả năng nghe và phát âm của cô cực kỳ kém. Hồi lên Đại học, kiểm tra viết môn tiếng Anh cô Phượng đạt điểm 9, nhưng nghe chỉ được 4, kém gần nhất lớp. Cô nhận ra phương pháp học của mình chưa có môi trường để phát triển, không nghe, không luyện nói như người nước ngoài nhiều nên phát âm cứng.
Cô Phượng bắt đầu tìm đến các cộng đồng học tiếng Anh, vào năm 2018, cô tham gia cộng đồng Giáo viên Sáng tạo toàn cầu của Microsoft thì phát hiện ở đó có một diễn đàn tất cả thầy cô trên thế giới đều sử dụng là Skype. Cô kết nối được rất nhiều thầy cô khác khắp thế giới, nhận được phản hồi rất nhanh về những mặt tích cực trong giáo dục và điểm sáng trong dạy học của họ. Cứ như vậy, cô Phượng là thành viên tích cực của Cộng đồng giáo dục Microsoft, nơi quy tụ giáo viên toàn cầu trong thiết kế bài giảng và phát triển chuyên môn hàng đầu. Mỗi tiết học của cô được xây dựng thành "lớp học xuyên biên giới", khi là điểm cầu Washington, điểm cầu Hàn Quốc... và điểm cầu còn lại chính là lớp học miền núi. Ngoài giờ lên lớp, cô giáo 9X còn cùng một nhóm giáo viên tham gia dạy trực tuyến miễn phí cho trẻ em ở các khu ổ chuột tại Ấn Độ. Cô cũng dành thời gian dạy văn hóa Việt Nam cho những đứa trẻ gốc Việt ở California (Mỹ).
Còn nhớ những ngày đầu triển khai mô hình "lớp học xuyên biên giới", màn hình máy tính khá eo hẹp, chỉ thu được một góc nhỏ trong lớp, cô tâm sự với thầy Hiệu trưởng về cách giải quyết. Thầy không quản ngại hàng chục cây số, đã ngay lập tức cho lắp camera để vận hành hiệu quả hơn. Buổi đầu tiên, cô cho học trò kết nối với thầy giáo ở Brazil chia sẻ về chủ đề bóng đá, nhưng học sinh rất ngại ngùng, bối rối, chỉ biết nói “Hi, Hello”, thậm chí còn cúi gằm mặt xuống và chưa thực sự hứng thú. Điều đó khiến cô giáo người Mường cảm giác thất bại nhưng cô không chịu khuất phục. Ngày hôm sau, thay vì chỉ kết nối với giáo viên, cô Phượng nhờ thầy giáo người Brazil này sắp xếp một buổi gặp gỡ giữa những học sinh Việt Nam với những học sinh đồng trang lứa người Brazil. Rõ ràng, ở buổi học trực tuyến đó, học trò đã hào hứng “nhập cuộc”, hết giờ còn xin facebook của các bạn nước ngoài để trò chuyện. Có thể không phải 100% học sinh hiểu toàn bộ cuộc trò chuyện, nhưng chắc chắn cho các bạn ấy biết được rằng ý tưởng và cách thức chuẩn bị bài, hoạt động tích cực để đạt được mục tiêu bài học.
Vậy nên, từ bản chất của “lớp học xuyên biên giới” là kết nối với các lớp học nước ngoài, học sinh không chỉ học được kiến thức trong sách vở, sách giáo khoa, giao tiếp, nghe – nói – đọc – viết Tiếng Anh, mà còn trau dồi sự tự tin và hiểu biết về văn hoá của các nước bạn. Việc dạy học qua phim, dạy ngữ pháp qua trò chơi phải cân đối giữa chương trình học, có tiến độ phù hợp. Hiển nhiên cô giáo sẽ kiểm soát việc các em sử dụng smartphone, thậm chí đó là những chiếc điện thoại đi mượn để có giờ học hiệu quả. Thời gian tới, cô Phượng tâm sự muốn tiếp tục cùng học trò nghiên cứu, hoàn thiện dự án chống bạo lực trên không gian mạng. Bên cạnh đó, cô cũng sẽ phát triển kênh YouTube cá nhân, đều đặn ra những video tự quay, tự dựng bằng điện thoại, để có thêm nguồn tài liệu học tiếng Anh miễn phí - chất lượng cho học sinh cả nước.
Ngoài ra, nếu quan tâm đến cô giáo người Mường, bạn càng không thể nào lướt qua những chiếc video dễ thương của cô và cậu con trai mới 3 tuổi rưỡi. Hai mẹ con thường xuyên trò chuyện vui vẻ bằng tiếng Anh, dù bộn bề đến mấy cô vẫn cố gắng dành khoảng 30 phút trước khi đi ngủ để kể cho con nghe những câu chuyện tiếng Anh. Cô bộc bạch: “Mình không phải mong con thành thiên tài mà muốn con hiểu tầm quan trọng của tiếng Anh và tự tạo ra môi trường tốt nhất cho con. Mình đang dạy con theo hướng tiếp cận tự nhiên (Natural Approach), tất cả những gì con biết được đều đến từ cuộc sống hằng ngày. Mình không mặc định cho con đó là học, con cũng không hề nghĩ đang học nhưng thực tế con đã học được rất nhiều thứ”.
Khép lại cuộc trò chuyện, chúng tôi chào tạm biệt cô Phượng, chuẩn bị về lại thành phố vừa lúc trời sẩm tối, cái giá buốt ở miền núi còn tê tái hơn thời tiết mùa đông Hà Nội rất nhiều. Phía các dãy nhà, lớp học đột nhiên mất điện nhưng trong ánh đèn le lói vẫn thấp thoáng bóng dáng một cô giáo hăng say trên bục giảng, … Bất giác, tôi nhận ra, đối với giáo dục, nhất định phải có lòng yêu nghề, nếu không, không nên thử theo đuổi sự nghiệp này. Tôi muốn ghi lại câu chuyện với những thứ cảm xúc chân thực nhất về cô giáo người Mường tự viết nên điều diệu kỳ của cuộc đời mình, để thấy rằng dù nông thôn hay thành phố, dù ở mảnh đất khô cằn hay màu mỡ, chỉ cần có niềm tin và sự cố gắng, chắc chắn thành công sẽ đơm hoa, kết trái.
WeChoice Awards - Giải thưởng thường niên do Công ty cổ phần VCCorp tổ chức, với mong muốn tôn vinh những con người, kể những câu chuyện truyền cảm hứng nhất, những sự kiện, sản phẩm và công trình có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng - đã quay trở lại với thông điệp mới: Diệu Kỳ Việt Nam.
Từ ngày 13/1/2021, cổng bình chọn của WeChoice Awards 2020 đã chính thức mở.
Hiện nay, cô Hà Ánh Phượng đang là đề cử có mặt trong hạng mục nhân vật truyền cảm hứng của WeChoice Awards. Nếu thấy ấn tượng với những hoạt động của cô Hà Ánh Phượng trong năm vừa qua, truy cập wechoice.vn để bình chọn ngay hôm nay!
Quý Nguyễn - Hải Đăng