Tự nhận mình là người "rất cứng nhắc", "không im lặng chờ mọi người cùng hiểu", có lẽ cũng chính vì lý do đó mà TS. Nguyễn Đức Kiên là chuyên gia kinh tế gặp nhiều ý kiến trái chiều, với không ít lần bị "ném đá" dữ dội khi chia sẻ quan điểm trên báo chí. Tuy nhiên, ông Kiên tâm niệm đó là phẩm chất cần thiết của người làm công tác nghiên cứu khoa học.

Sau gần 1 năm chuyển vai từ Quốc hội sang Chính phủ, thói quen "xin cãi" cấp trên của TS. Nguyễn Đức Kiên vẫn được duy trì, bởi Thủ tướng hiện nay là chính trị gia rất chịu khó lắng nghe, tôn trọng mọi ý kiến. Cách điều hành đó tạo ra dân chủ, giúp anh em tự tin với quan điểm của riêng mình.

"Điều Thủ tướng cần lúc này là đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu chuyên nghiệp, dám nói sự thật, giúp Thủ tướng có sở cứ khoa học cho nhiều quyết định. Có lẽ vì thế mà tôi được chọn", ông Kiên chia sẻ về công việc của mình sau gần 1 năm đảm nhiệm vị trí Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng.

Chuyện Không ngại mồm, không uốn lưỡi ở tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - Ảnh 1.

Thanh An: Sắp tròn một năm kể từ ngày ông được bổ nhiệm làm Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng. Trước đây ông từng nói rằng chưa bao giờ nghĩ mình là một nhà chính trị. Vậy làm thế nào để một người không coi mình là nhà chính trị có thể làm tốt nhiệm vụ tư vấn cho Thủ tướng - một chính trị gia chuyên nghiệp thưa ông?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Một trong những sở đoản của tôi, nói thẳng ra, là không ngại mồm.

Đấy vừa là đặc tính vừa là nhược điểm của người làm công tác nghiên cứu và du học ở Đức về. Hơn nữa tôi lại sinh ra trong gia đình thuần túy nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong ngành y, không bao giờ chấp nhận nửa đúng nửa sai. Nghề y chỉ có đúng là khỏi bệnh, sai là chết người. Cho nên tôi rất cứng nhắc. Đúng thì bảo đúng, sai thì bảo sai. Không uốn lưỡi, không im lặng chờ mọi người cùng hiểu.

Chuyện Không ngại mồm, không uốn lưỡi ở tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - Ảnh 2.

Năm 1997 khi quyết định dừng công việc ở Đức về nước nghĩa là tôi đã chấp nhận trở thành một công chức do người dân trả lương thông qua tiền thuế để làm chức phận người dân giao. Sau này, yêu cầu của công việc đưa tôi theo con đường đại biểu dân cử, hoạch định chính sách vĩ mô. Quá trình làm việc tôi rất rõ, người hài lòng thì bầu mình, người không hài lòng đã phê phán tôi. Thậm chí người ta lên báo chỉ trích. Mình phải chấp nhận hết, vì đó là lựa chọn của mình.

Tôi cũng không ảo tưởng mình giỏi để có thể nhận được 100% sự đồng ý. Vậy nên khi trao đổi câu chuyện, tôi hy vọng đưa ra vấn đề, đưa ra góc nhìn riêng và cùng mọi người tạo ra góc nhìn toàn diện. Từ đấy vẽ nên bức tranh chính xác, tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Thủ tướng lấy tôi từ Quốc hội về dù tôi nói rất ngang ngược. Lúc đầu mới nghe có thể khá sốc, nhưng anh em làm việc với nhau rồi và ông ấy biết cái chất của mình.

Chuyện Không ngại mồm, không uốn lưỡi ở tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - Ảnh 3.

Thủ tướng hiện nay là chính trị gia rất chịu khó lắng nghe, tôn trọng mọi ý kiến. Các cuộc họp do Thủ tướng chủ trì thường xuyên quá giờ vì ông muốn mọi người được nói hết. Điểm đặc biệt là Thủ tướng không định hướng. Cách điều hành đó tạo ra dân chủ, giúp anh em tự tin với quan điểm của riêng mình. Từ đó giúp Thủ tướng có được thông tin toàn cảnh cho mọi vấn đề.

Thực tế bên cạnh một chính trị gia đâu phải lúc nào cũng cần có những chính trị gia khác tư vấn. Điều Thủ tướng cần lúc này là đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu chuyên nghiệp, biết nói sự thật, giúp Thủ tướng có sở cứ khoa học cho nhiều quyết định. Có lẽ vì thế mà tôi được chọn.

Chuyện Không ngại mồm, không uốn lưỡi ở tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - Ảnh 4.

Thanh An: Quan điểm của ông khi tham mưu cho lãnh đạo là gì?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Không sợ cấp trên khi mình thấy đúng, không cảm thấy phiền khi mọi người "ném đá". Đó chính là nguyên tắc làm việc của tôi với tất cả mọi đối tượng, đối tác công việc chứ chẳng với riêng gì lãnh đạo. Cũng có người bảo nhờ tôi gặp được thủ trưởng tốt, chịu khó lắng nghe; người lại bảo thủ trưởng nuông chiều quá nên bây giờ tôi mới ngang thế.

Cuối năm 1997, tôi vừa ở Đức về nước, trong lòng hừng hực quyết tâm cống hiến. Được điều về Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế trung ương. Cũng cuối năm đó, anh Phan Diễn - Thủ trưởng đầu tiên của tôi nhận nhiệm vụ Trưởng ban Kinh tế trung ương, trực tiếp tổ chức nghiên cứu hiện thực hóa quyết định của Ban Bí thư về đầu tư nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Từ những con số thống kê cộng với kiến thức học và làm ở Đức nên tôi có một cái nhìn khác.

Buổi chiều hôm ấy tôi lên phòng xin gặp lãnh đạo Ban. Trưởng ban lúc đó đã sẵn sàng lắng nghe. 

Chuyện Không ngại mồm, không uốn lưỡi ở tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - Ảnh 5.

Vậy đấy, một Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban Kinh tế to vời vợi mà lắng nghe chuyên viên của mình suốt 2 giờ liền. Rồi ông ấy cũng tranh luận, phân tích cho mình rất chân tình. Người lãnh đạo quyết định vấn đề gì cũng đều biết nghe từ nhiều chiều dạy cho tôi bài học biết chấp nhận và tôn trọng tiếng nói ngược chiều. Góc nhìn mới khi cân nhắc các vấn đề kinh tế vĩ mô của tôi được định hình từ nước Đức và chỉnh sửa hoàn thiện dần nhờ những bài học với các bậc thầy làm chính sách bên cạnh mình. Không thể chỉ thuần túy số liệu kinh tế, những người có nhiệm vụ hoạch định chính sách luôn phải kết hợp hài hòa các mối quan hệ kinh tế - chính trị - xã hội và ý kiến của chuyên gia phản ánh chính xác từ góc nhìn của họ.

Trưởng ban tiếp theo là anh Trương Tấn Sang. Vì xuất thân là sinh viên trước 1975 nên anh ấy rất chịu khó đọc. Rồi vì đã từng là tù Phú Quốc sống chết cách nhau có một hơi thở do đó anh ấy luôn tâm niệm, còn được sống ngày nào là ngày ấy phải sống đẹp.

Tính anh rất thẳng. Ngay từ lúc làm Trưởng Ban Kinh tế trung ương, hễ ai cố tình nói sai, nói uốn lưỡi là anh ấy có ý kiến ngay. Ấy vậy mà không ít lần tôi dám đứng lên xin ý kiến vì vấn đề mình biết mà không nói là không được. Thời điểm đó mọi người bảo "ông Kiên liều".

Chuyện Không ngại mồm, không uốn lưỡi ở tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - Ảnh 6.

Thanh An: Dám nói những điều trái tai và thường xuyên bị "ném đá". Cảm xúc của ông lúc đó là gì?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Nói đến chuyện "ném đá", mình nhắc lại chuyện BOT một chút. Bốn năm kể từ khi Quốc hội đi giám sát về BOT và ra quyết định 847 đến giờ nhiều nhận định, kiến nghị còn nguyên giá trị. Minh chứng dễ thấy là hiện nay đấu thầu 5 dự án BOT đường cao tốc thì đến 2 dự án đang không có nhà đầu tư tham gia.

Thực tế chỉ ra rằng, dự án nào nhà nước đầu tư góp vốn vào nhiều hơn thì nhà đầu tư mới tham gia. Chỗ nào nhà nước góp vốn dưới 50% là nhà đầu tư không tham gia. Ở đây chúng ta nhìn thấy bài toán kinh tế của doanh nghiệp tư nhân khi họ đầu tư một dự án nào đó.

Đến thời điểm này những gì tôi nói về BOT ngày càng được thực tế kiểm định.  Cho nên trong mọi cuộc tranh luận sẽ luôn có người nắm được nhiều vấn đề, nhưng cũng có người nắm được ít vấn đề hoặc nhìn vấn đề ở góc khác. Điều tiên quyết là các bên cần tuyệt đối tôn trọng nhau.

Chuyện Không ngại mồm, không uốn lưỡi ở tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - Ảnh 7.

Thanh An: Liệu có phải Nhà nước đang chiều doanh nghiệp quá không thưa ông?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Phải chiều doanh nghiệp chứ! Ơ kìa! Người ta bỏ vốn vào cùng làm, cùng có trách nhiệm và quyền lợi ngang hàng với nhà nước cơ mà.

Trong câu chuyện BOT, cái sai lớn nhất là chúng ta đánh giá BOT hay hợp đồng đối tác công tư như một sản phẩm của nhà nước. Chúng ta chưa nhìn thấy bản chất nhà nước với tư cách một tổ chức phát triển cơ sở hạ tầng có trách nhiệm phải làm công trình đó, nhưng lực bất tòng tâm. Mấy năm rồi không thể làm được vì không có tiền. Nếu muốn nhà nước làm phải đợi thêm 5 năm nữa để tích lũy vốn. Nhưng nếu như vậy thì lỡ mất cơ hội thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Từ đó nhà nước buộc phải nhường một số quyền để thu hút các thành phần kinh tế khác đầu tư vào. Qua đó hiện thực được mục tiêu giữ đà tăng trưởng cho đất nước. Và như vậy, nhà nước phải đảm bảo quyền và lợi nhuận cho nhà đầu tư khi họ tham gia vào BOT.

Nếu có lợi nhuận thì lĩnh vực gì người ta cũng làm. Chúng ta cứ bảo lấy học thuyết Mác - Lenin làm kim chỉ nam. Đọc lại quan điểm của Mác về Tư bản xem nào. Lợi nhuận 300% thì treo cổ người ta cũng làm.

Khi tranh luận về BOT chúng ta quên mất bài toán lợi nhuận trong đầu tư. Điều nên làm là bàn bạc về cân đối lợi nhuận của nhà đầu tư với quyền lợi của Nhà nước, đại diện cho người dân như thế nào thì ít được bình tĩnh nhắc tới. Vì người ta mặc nhiên coi đây là dự án của nhà nước, nên tiền doanh nghiệp đầu tư vào cũng vô hình chung bị coi là vốn nhà nước.

Cuối cùng, mình làm khoa học, làm chính sách thì phải dũng cảm nói ra được những điều mình biết là đúng mà số đông không muốn nghe.

Chuyện Không ngại mồm, không uốn lưỡi ở tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - Ảnh 8.
Chuyện Không ngại mồm, không uốn lưỡi ở tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - Ảnh 9.

Thanh An: Quay lại với câu chuyện ngày hôm nay, đã từng có điều gì số đông không muốn nghe nhưng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng vẫn quyết phải nói?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Nhiều chứ! Ví dụ câu chuyện hỗ trợ Vietnam Airlines trong dịch Covid-19 vừa rồi đòi hỏi Tổ tư vấn phải kiên định chính kiến. Trong đó tôn trọng góc nhìn của chủ sở hữu tài sản.

Thật ra các bên tư vấn xã hội và bản thân thành viên trong Tổ đã có ý kiến khác nhau về việc phải hỗ trợ đồng đều như nhau với các hãng hàng không ở Việt Nam. Chúng tôi thậm chí phải tổ chức hội thảo khoa học, tọa đàm giữa nhiều bên, nhiều luồng ý kiến để cuối cùng có thể thống nhất quan điểm rằng, tư tưởng đấy là nhầm.

Đối với các hãng hàng không, Chính phủ lúc này đóng hai vai. Một, với tư cách quản lý nhà nước, Chính phủ phải có giải pháp bình đẳng cho tất cả các đối tượng. Ở vai thứ hai, Chính phủ là chủ đồng sở hữu của Vietnam Airlines. Một khi là chủ sở hữu, Chính phủ đương nhiên phải có trách nhiệm với doanh nghiệp của mình. Nếu chủ sở hữu không thực hiện trách nhiệm, doanh nghiệp phá sản, Chính phủ chịu chứ ai.

Tại những lúc rất căng thẳng như vậy, để tránh mọi áp lực có thể tác động, cách khôn ngoan nhất là chúng tôi tập trung nắm vững học thuật nghiên cứu số liệu, pháp lý, cả về tổ chức bộ máy, diễn biến thị trường, tình hình thế giới... để phân tích chi tiết, báo cáo trung thực. Tổ lúc đó làm việc tuyệt đối không cảm xúc, không độc quyền thông tin, và hết sức sòng phẳng.

Chuyện Không ngại mồm, không uốn lưỡi ở tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - Ảnh 10.

Mọi giải pháp Chính phủ đưa ra lúc ấy cần phân định rõ lúc nào thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, lúc nào thực hiện nghĩa vụ của một chủ sở hữu.

Đến bây giờ nhìn sang nhìn sang Australia, Singapore, Thái Lan, châu Âu và Mỹ... ta mới thấy các hãng hàng không thuộc sở hữu chính phủ được nhận bao nhiêu, các hãng hàng không tư nhân được nhận bao nhiêu... Lúc này chúng ta mới thấy vai trò mà Tổ tư vấn mong muốn như là một tổ chức Think tank đã đạt yêu cầu.

Thanh An: 16 thành viên ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề lại sống và làm việc tại nhiều quốc gia khác nhau. Vậy làm thế nào để tổ có thể dung hòa được sự khác biệt, thống nhất được cách thức làm việc?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Tổ gồm 16 thành viên thì đã có 5 người không ở Việt Nam, cho nên cách thức kết nối và làm việc của chúng tôi là chấp nhận sự khác biệt. Tại sao lại phải dung hòa trong khi chính sự khác biệt mới tạo ra giá trị cho từng thành viên.

Vấn đề ở đây là mỗi người có sở trường, sở đoản riêng của người ta. Mình chỉ cần tập trung giao việc làm sao tận dụng được sở trường, tôn trọng sở đoản khác biệt của họ.

Thực ra, mục tiêu chính khi các anh và các em tham gia tổ tư vấn Kinh tế cho Thủ tướng là muốn đóng góp vì đất nước. Tôi nói rất chân tình. Ở đây, các thành viên của tổ làm việc không vì thu nhập. Cho nên bảo chúng tôi vì tiền hay vì tiếng tăm... là hơi coi thường anh em.

Chúng tôi luôn tự cảm thấy mình là người Việt, trưởng thành rồi nên muốn có trách nhiệm với nơi mình sinh ra và lớn lên. Từ đấy chúng tôi đồng lòng làm việc để thể hiện trách nhiệm, tình yêu của mình dành cho tổ quốc. Cá nhân tôi nhìn nhận, anh em đã và đang đóng góp rất vô tư.

Chuyện Không ngại mồm, không uốn lưỡi ở tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - Ảnh 11.

Thanh An: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh định hướng xây dựng kế hoạch 5 năm tới sẽ chia làm 2 giai đoạn, 2 năm đầu (2021-2022) tập trung phục hồi kinh tế, 3 năm sau (2023-2025) là giai đoạn tăng tốc. Đâu là chi tiết để chúng ta có thể nói rằng đây là kế hoạch 5 năm chưa từng có từ trước đến nay thưa ông?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Năm 2020 cả thế giới gặp khủng khoảng vì đại dịch Covid-19, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Khi tình huống mới xuất hiện, để đảm bảo được sự ổn định, phát triển của đất nước, rõ ràng chúng ta cần có những biện pháp mới.

Ví dụ trước đây mục tiêu của nền kinh tế là phải tạo ra cạnh tranh cho doanh nghiệp, cho sản phẩm nhưng bây giờ chúng ta cụ thể thành CẠNH TRANH cho SẢN PHẨM VIỆT NAM, cho DOANH NGHIỆP VIỆT NAM. Đấy là tư duy khác hẳn nhau. Từ những sản phẩm chung chung, doanh nghiệp chung chung, chúng ta đã chuyển sang doanh nghiệp rất cụ thể và định vị rõ ràng - THƯƠNG HIỆU VIỆT NAM.

Cũng giống như Made in Japan luôn đi kèm với các thương hiệu như Sony, Toyota, Canon, Mitsubishi... hay Made in Gremany phải là Mercedes-Benz, BMW, Volkswagen, Porsche, Audi... Và bây giờ chúng ta cũng cần xây dựng Made in Vietnam với những thương hiệu rõ ràng lên tầm cao mới.

Chuyện Không ngại mồm, không uốn lưỡi ở tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - Ảnh 12.

Thanh An: Tầm cao mới mà Made in Vietnam cần hướng đến cụ thể là gì?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Đến 2030 sẽ phải có những doanh nghiệp Việt đủ lớn tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu một cách chủ động. Chuỗi sản xuất toàn cầu mà Việt Nam đang tham gia vào được, nếu nhìn nó theo hình chữ U, hiện chúng ta đang ở đáy. Năm 2030, chúng ta vẫn trong chuỗi đấy nhưng là đứng ở hai bên đường cong đi lên. Việt Nam phải vào được ở cả phần thiết kế, nghiên cứu chế tạo vật liệu lẫn cả phân phối nhưng không bỏ qua khâu sản xuất.

Lúc ấy doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi giá trị với tâm thế mới, không còn là người làm thuê như bây giờ. Chúng ta là đồng sở hữu, cùng sáng tạo. Thậm chí trong một số lĩnh vực công nghiệp nhẹ và công nghiệp chế biến, chúng ta có thể đạt được mức độ chủ sở hữu của thương hiệu.

Nhìn chung nền kinh tế thế giới đã tương đối phân chia xong thị trường. Cho nên chúng ta phải tranh thủ tình hình mới này để đặt chân được vào thị trường ngách, chứng tỏ thực lực ở từng khâu của chuỗi sản xuất rồi mới dần khẳng định thương hiệu.

Chuyện Không ngại mồm, không uốn lưỡi ở tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - Ảnh 13.
Chuyện Không ngại mồm, không uốn lưỡi ở tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - Ảnh 14.

Thanh An: Với kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm này, Tổ tư vấn nhận được những phản hồi như thế nào thưa ông?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Mọi người đều thống nhất cao ở mục tiêu cần đạt đến. Ý kiến khác nhau phần nhiều hướng về cách tổ chức thực hiện như thế nào.

Hiện đang có quan điểm Việt Nam cần tiếp tục tận dụng cơ hội của FTA. Một nhóm lại bảo, FTA động lực không hề lớn, phải thực hiện nghị quyết của Đảng, phát triển kinh tế tư nhân. Người khác lại bảo: "Không! Các ông cứ nói thế, kinh tế tư nhân bé tí". Anh Trần Đình Thiên - thành viên của Tổ từng nói, kinh tế tư nhân như cây cỏ, thấp bé vậy làm sao che nắng che mưa cho cả tòa nhà? Bây giờ phải có các doanh nghiệp lớn đủ sức, đủ tiềm lực tài chính, tiềm lực nhân sự, hiểu biết công nghệ, nắm rõ luật pháp... đàm phán ngang cơ với doanh nghiệp nước ngoài.

Với tất cả các phản hồi đó, làm thế nào để vừa hài hòa vừa giữa được chính kiến riêng của kế hoạch là cả vấn đề. Song song với đó, thời điểm này Việt Nam còn cần giải quyết rất nhiều vấn đề kinh tế đan xen.

Tôi đã từng nói đừng kỳ vọng quá vào làn sóng dịch chuyển doanh nghiệp nước ngoài từ Trung Quốc. Chúng ta phải hiểu doanh nghiệp đa quốc gia họ cân đong đo đếm hiệu quả đồng vốn kỹ vô cùng. Đến tận lúc này không có nền kinh tế nào có thể đem lại cho các nhà đầu tư nhiều lợi nhuận như Trung Quốc. Cho nên để hút doanh nghiệp của Nhật Bản về, chính phủ Nhật Bản phải dùng ngân sách hỗ trợ. Hút doanh nghiệp Mỹ về, chính phủ Mỹ cũng có chính sách giảm thuế.

Chúng ta phải cân đối liệu nền kinh tế Việt Nam có đủ đưa ra các ưu đãi ít nhất cân bằng với Nhật Bản, với Mỹ đang dành cho doanh nghiệp của họ không? Rồi hẵng nói đến người ta có làm tổ ở mình không. Có thông tin thì phấn khởi nhưng chúng tôi là những người làm chính sách thì phải bình tĩnh, với một trái tim nóng và cái đầu lạnh để phân tích, báo cáo với Thủ tướng chính xác.

Chuyện Không ngại mồm, không uốn lưỡi ở tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - Ảnh 15.

Rất nguy hiểm khi ta không tư duy bằng số liệu mà dùng định kiến để bày tỏ thái độ. Nó dễ dẫn đến tình trạng "một người dìm mọi người và mọi người dìm một người" khi bất đồng quan điểm. Đang làm ăn thế này tự nhiên có đơn kiện rồi công an, thanh tra vào thì chả làm ăn gì được.

Để có thể bứt tốc phát triển, Việt Nam cần xác định thị trường trọng yếu mà nhắm đến. Cơ hội lớn nhất của chúng ta là thị trường Mỹ, sau đó là thị trường Trung Quốc, thứ ba là Nhật Bản và Hàn Quốc. Thứ tư là Asean. Thứ năm mới là EU.

Với thị trường Mỹ, đó là cuộc chơi của những doanh nghiệp có tầm nhìn xa và rộng. Riêng thị trường Trung Quốc vốn rất dễ tính, rất tiềm năng thì chúng ta phải tự hỏi tại sao cả thế giới bám lấy Trung Quốc trong khi chúng ta hiên ngang quay lưng lại? Nếu chúng ta làm tốt, cầm được tiền về cho đất nước. Còn nếu để cảm xúc mù quáng chi phối thì mình mất tiền thôi. Dân nghèo sao nước mạnh được? Như vậy chưa chắc tận dụng tốt với Trung Quốc, cùng nhau phát triển là không yêu nước.

Chuyện Không ngại mồm, không uốn lưỡi ở tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - Ảnh 16.

Thanh An: Nhìn vào mục tiêu đó trong vài năm tới sẽ có những nhóm ngành nào được quan tâm thúc đẩy đầu tư thưa ông?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Thúc đẩy đầu tư vào bất kỳ ngành kinh tế nào chúng ta không thể chỉ dựa vào mong muốn mà được, phải dựa vào sở cứ khoa học.

Căn cứ thứ nhất, tỷ trọng ngành đó đang chiếm bao nhiêu phần trăm trong cơ cấu nền kinh tế? Nếu ngành đó không phát triển được nữa nền kinh tế có gay go không? Và nếu phát triển được, đất nước có lợi gì?

Căn cứ thứ hai là khả năng phát triển của ngành đó còn không? Thị trường thế giới có nhu cầu trong tương lai không?

Thứ ba, có khả năng tạo ra lợi nhuận để huy động vốn từ các thành phần kinh tế khác vào không?

Thứ 4 nữa, có khả năng ứng dụng công nghệ 4.0 để nâng cao hiệu quả, tăng năng suất lao động không?

Và thứ 5, ngành kinh tế này tác động đến môi trường như thế nào?

Chuyện Không ngại mồm, không uốn lưỡi ở tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - Ảnh 17.

Bất cứ ngành hay lĩnh vực kinh tế nào cũng cần phải đạt được 5 tiêu chí đấy thì chúng ta mới quyết định chọn hay không chọn trở thành ngành mũi nhọn đầu tư cho tương lai?

Và như vậy, chính sách về tài khóa sẽ phải thay đổi. Lĩnh vực nào nhà nước hỗ trợ, khoản nào có thể điều chỉnh bằng thuế, ngành nghề nào nhà nước trực tiếp đầu tư để đi trước mở đường... Tất cả đều phải tính toán và quyết định dựa trên một trong những nội dung rất quan trọng là phân giao nhiệm vụ và đánh giá DNNN rạch ròi, rõ ràng ra.

Thời điểm này chính xác cái gì cũng đổ vào đầu DNNN nhưng sau đấy lại bảo hiệu quả kinh tế của DNNN là rất kém. Trách nhiệm nào DNNN cũng đều đứng ra ứng xử trước. Từ xóa đói giảm nghèo, bình ổn giá, làm nghĩa vụ quốc tế... đều DNNN xong rồi lại bảo hiệu quả của ông là rất kém. Đấy là những điều phi lý.

Nếu bây giờ phân giao rõ ràng trừ những nghĩa vụ kia đi, họ lại hiệu quả quá.

10 năm trở lại đây có thể nói DNNN bị o ép hơn rất nhiều so với DNTN. Cho nên nếu được nói sòng phẳng ra thì sẽ rất sốc.

Thanh An: Rất cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!


Thanh An
Riverside
Tuấn Dũng
Theo Trí Thức Trẻ23/11/2020