Trang Instagram 6,4 triệu lượt theo dõi của cộng đồng nhiếp ảnh National Geographic đang theo dõi vỏn vẹn 80 tài khoản, trong đó có duy nhất một tài khoản người Việt Nam mang tên @vietsui hay nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Việt.
Trần Tuấn Việt nằm trong nhóm 80 nhiếp ảnh gia xuất sắc đang đóng góp cho cộng đồng nhiếp ảnh NatGeo Your Shot. Kênh Instagram @vietsui với 350 nghìn người theo dõi ngập tràn bình luận của người dùng từ khắp thế giới. Họ gọi Việt là "ambassador of Vietnam" (đại sứ Việt Nam) với hy vọng một lần được đặt chân đến đất nước xinh đẹp trong ảnh.
Với khả năng sử dụng tiếng Anh súc tích và điêu luyện, Việt vẫn tự nhận mình là một nhiếp ảnh gia "sinh ra từ làng" với niềm đam mê đưa những điều bình dị của đất nước ra thế giới.
Trong hành trình đó, "Làm Hương" là tác phẩm đưa Trần Tuấn Việt thành ngôi sao vụt sáng.
Bức ảnh chụp một cô công nhân làm nhiệm vụ thu dọn hương phơi đang ngồi giữa hai mảng màu đỏ rực kích thích thị giác tại làng nghề Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa, Hà Nội). Trần Tuấn Việt ghi trong dòng chú thích: "Hương là một công cụ để giao tiếp giữa hiện thực và thế giới tâm linh.
Tháng 6/2017, truyền thông trong nước xôn xao vì bức "Làm Hương" xuất hiện ở ngay những trang đầu tạp chí National Geographic và cuốn sách ảnh cùng tháng. Một năm sau, "Làm Hương" tiếp tục chiến thắng hạng mục ảnh Du lịch cuộc thi ảnh thường niên danh giá Smithsonian, với số lượt xem nhiều nhất lịch sử cuộc thi.
Cú nổ cuối cùng xuất hiện khi bức ảnh Việt Nam được in ở ngay bìa sau cuốn sách "Những bức ảnh của Thế kỷ 21" - bao gồm 250 hình ảnh National Geographic đẹp, có tầm ảnh hưởng nhất 21 năm đầu của thế kỷ 21.
Trần Tuấn Việt về làng hương gặp lại cô Liên - nhân vật trong bức ảnh. Ảnh: NVCC
Hương - một công cụ có khả năng giao tiếp với thế giới tâm linh - quả là bí ẩn vĩ đại với độc giả thế giới. Còn ở Việt Nam, trước cả khi người ta kịp nghĩ về hương theo cách đó, nó đã đánh dấu tất cả những cột mốc quan trọng nhất đời người: Khi ai đó sinh ra, mất đi, khi muốn tưởng nhớ một người, ta đều thắp hương.
Thời điểm chụp tấm "Làm Hương", Trần Tuấn Việt đang săn ảnh một loạt làng nghề truyền thống quanh khu Hà Tây cũ. Đô thị hiện đại này phát triển nhanh quá khiến Việt sợ một ngày làng nghề biến mất hẳn đi thì con cháu không còn biết về nó nữa.
"Mình chỉ như hạt cát nhỏ giữa hàng nghìn năm lịch sử, nhưng mình cố gắng lưu giữ lại những gì đẹp nhất trong thời kỳ mình sống" - Trần Tuấn Việt nói về lý tưởng của mình.
Việt đến làng hương Quảng Phú Cầu một buổi chiều mây mù, công nhân đang đi vội đi thu dọn hương. Ai cũng bận rộn và ngại một người lạ từ đâu tới cầm chiếc máy chuyên nghiệp to đùng, Việt lân la đứng làm quen mãi. Anh thủ thỉ: "Các cô cứ làm đi cháu chụp, cháu không tác động gì hết."
Lúc này Việt chưa có flycam, anh đứng lên một cái xe goòng (xe chở vật liệu) giơ máy cao chụp xuống, căn góc không rõ mặt người. Việt cũng tính toán "dữ" lắm. Anh định gửi ảnh này cho Getty Image, mà ảnh Getty Image có mặt ai là phải xin được chữ ký người đó, nên che đi cho cẩn thận. Việt nháy đâu đó chừng 200 tấm thì gọi với sang anh bạn đi cùng: "Em có đủ rồi nhé". Người bạn đồng hành vẫn chụp tiếp, còn Việt bấm bụng mừng vì biết mình dắt túi một tác phẩm ưng ý.
Làng hương Quảng Phú Cầu trở thành điểm check-in không thể bỏ qua với nhiều du khách nước ngoài đến Hà Nội, người dân địa phương cũng nhớ mãi cái tên Trần Tuấn Việt. Nhiếp ảnh gia nào tới đây cũng được người làng nhắc lại "ngày xưa thằng Việt đến đây chụp nên làng tôi mới nổi tiếng đấy".
Một số tác phẩm nổi bật khác của nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Việt. Ảnh: Trần Tuấn Việt
Tiếp tục hành trình "đưa Việt Nam ra thế giới", Trần Tuấn Việt hợp tác với Google trong dự án "Kỳ quan Việt Nam" để mang 1.369 bức ảnh thiên nhiên, văn hóa và ẩm thực Việt Nam lên bảo tàng trực tuyến để khu khách khắp thế giới có thể tìm kiếm thông tin.
Dù chỉ được phía Google yêu cầu gửi 1000 bức ảnh, Việt vẫn cung cấp tới 5000 bức, không quên "căn dặn" dùng thoải mái, dùng thật nhiều để quảng bá hình ảnh Việt Nam. Là người con miền Trung, Trần Tuấn Việt đề xuất chùm ảnh những cây cầu nổi tiếng ở vùng đất quê hương mình, bao gồm cầu Hiền Lương, cầu Vàng, cầu Sông Hàn, cầu Trần Thị Lý, cầu Rồng....
Những bức ảnh cầu Vàng tại Sun World Ba Na Hills (Đà Nẵng) của Việt đã xuất hiện nổi bật từ ảnh bìa của dự án Kỳ Quan Việt Nam. Đặc biệt, tấm ảnh cây cầu chụp bằng flycam còn nhận về giải thưởng cao nhất trong cuộc thi ảnh kiến trúc Architecture 2020 do Agora tổ chức.
Bức ảnh được chụp lúc 5 giờ sáng, khi chuyến cáp treo đầu tiên còn chưa hoạt động, Trần Tuấn Việt đi đã bộ vòng qua núi để xuống cầu Vàng chụp ảnh. Trên cầu Vàng lúc ấy không có một bóng du khách, Việt đứng dang tay selfie một tấm bằng flycam.
Trần Tuấn Việt gọi đây là "tấm ảnh selfie đạt giải quốc tế".
Anh thú nhận mình chỉ chụp tấm này cho… vui, sau này đổ ảnh ra thấy đẹp quá mới đem đi thi. Tuy nhiên, việc đặt con người lọt thỏm trong không gian núi non và cây cầu hoàn toàn không phải sự sắp đặt ngẫu nhiên, đây dường như là thủ thuật quen thuộc của tay máy Trần Tuấn Việt.
Tác phẩm "Bánh Cưới" - một lần khác Trần Tuấn Việt sử dụng con người làm phép so sánh với hang Sơn Đòong. Ảnh: Trần Tuấn Việt
Ở một đỉnh núi khác – đỉnh Fansipan (Sa Pa, Lào Cai), bức ảnh "Tượng Phật trên nóc nhà Đông Dương" của nhiếp ảnh gia Lê Việt Khánh đã làm tốn không ít giấy mực của báo giới khi xuất sắc giành Giải 3 thể loại ảnh Kiến trúc, hạng mục Professional, trong cuộc thi ảnh đen trắng uy tín hàng đầu thế giới - Monochrome Awards
Lê Việt Khánh (Sói Sầu) có rất nhiều cuộc dạo chơi trong nghệ thuật. Anh được đào tạo để trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp tại trường Mỹ thuật 42 Yết Kiêu, là cha đẻ của nhiều ca khúc ballad, rock tạo hit trong giới trẻ, thế nhưng chỉ khi đến với nhiếp ảnh, Khánh mới coi đó là một sự nghiệp.
Khánh gọi thể loại phong cảnh mình theo đuổi là cái nghề "trời hành", quanh năm xuôi Nam ngược Bắc, ăn gió nằm sương để săn ảnh. Riêng đỉnh Fansipan người ta truyền tai nhau phải chinh phục ít nhất một lần trong đời thì Khánh cũng đã tới hàng chục lần.
Tác phẩm giành giải thưởng Monochrome Awards ghi lại khoảnh khắc Đại tượng Phật bằng đồng tại khu du lịch Sun World Fansipan Legend tọa lạc giữa một biển mây huyền ảo và trùng điệp núi rừng. Đây là pho tượng Phật bằng đồng cao nhất và được tạo tác kì công nhất Việt Nam, được tập đoàn Sun Group thực hiện bằng những kỹ thuật lần đầu tiên được ứng dụng. Hàng ngàn vạn tấm đồng dày 5mm đã được ốp thủ công bằng kỹ thuật áp lực cơ khí trên kết cấu khung sắt có thể tích gần 1000m3, với các họa tiết trang trí dạng phù điêu mang hơi thở mỹ thuật thời Trần để làm nên Đại tượng Phật A Di Đà cao 21,5m sừng sững uy nghiêm giữa mây ngàn.
Và, trong một khoảnh khắc "hữu duyên", một công trình kiến trúc kỳ vĩ được xây bởi bàn tay con người đã hòa quyện nhịp nhàng với sự kỳ ảo của thiên nhiên Tây Bắc.
Nghe kể về hành trình săn ảnh của Lê Việt Khánh, người ta dễ liên tưởng đến công việc của một người làm công tác khí tượng thủy văn. Anh phục trên đỉnh Fansipan 5 đêm, trong đầu luôn có hình dung rõ ràng về một cảnh đẹp xuất thần tại đây mà chỉ cần nó xuất hiện, anh sẽ chộp lấy.
"Trời chỉ có mây khi lạnh, tốc độ gió không quá mạnh và điểm sương (một chỉ số trên các app dự báo thời tiết) trùng với nhiệt độ" - Lê Việt Khánh nói về những tính toán riêng.
Chiều cuối tháng 8/2020, trời mưa và ảm đạm, nhiệt độ trên đỉnh Fansipan chỉ dưới 10 độ. Khánh đợi khách du lịch ra về hết thì xách máy ảnh xuống điểm chụp - là một góc cầu thang gần ga tàu hỏa leo núi. Anh cứ đứng đó chờ đến khi khoảnh khắc trong tưởng tượng của mình xuất hiện trước mắt.
Sau cơn mưa, những đám mây nhỏ bắt đầu liên kết dần và giăng ngang dãy Hoàng Liên Sơn. Bỗng từ dưới vực đùn lên một dải mây lớn. Nó trôi theo hướng gió thổi từ phía Lai Châu, sau lưng Đại tượng Phật, tràn qua bức tượng sang bên còn lại.
"Siêu phẩm đây rồi" - Khánh reo lên trong đầu. Anh đã thu được khoảnh khắc đám mây kỳ lạ tràn qua chân và phủ kín hết cả vùng núi, giống như Đại tượng Phật đang ngồi trên mây.
Đám mây đi qua sau một vài phút, trả lại bầu trời quang đãng. Lê Việt Khánh thì sung sướng đến quên cả việc anh đang đứng một mình trên độ cao 3.143m giữa tiết trời rét mướt.
Những bức ảnh "Đại tượng Phật trong tuyết" của nhiếp ảnh gia Lê Việt Khánh. Ảnh: Lê Việt Khánh
Trong nhà ga quốc tế của sân bay Nội Bài - nơi đón hơn 3 triệu lượt khách mỗi năm, 20 bức ảnh phong cảnh của Lê Việt Khánh được phóng khổ cao bằng 3 tầng nhà treo ngay khu vực cửa ra. Những bức ảnh thắng cảnh vô song tại Việt Nam chẳng khác nào một lời chào quyến rũ được thì thầm vào tai các vị khách phương xa đến đây.
Một kỳ quan đá đứng giữa biển trời, chìm trong sắc xanh tím huyền hoặc và vũ điệu ánh sáng từ những chiếc du thuyền sang trọng. "Đêm trên Vịnh Hạ Long" chính là bức ảnh Lê Việt Khánh ưng ý nhất. Tác phẩm này từng xuất hiện trong vô số ấn phẩm du lịch cho khách quốc tế, đạt giải trong cuộc thi ảnh "Khám Phá Việt Nam".
Gọi là "đêm" trên vịnh, thế nhưng bức ảnh này được ghi lại vào khoảnh khắc mặt trời chỉ vừa mới lặn xuống đỉnh núi. Lê Việt Khánh đứng trên đảo Ti Tốp, hòn đảo anh mô tả là "bé như cái Tháp Bút ở đền Ngọc Sơn nhưng cao sừng sững", lia máy xuống để thấy toàn cảnh vịnh.
Khoảnh khắc Khánh chờ đợi được giới chuyên môn gọi là "giờ xanh". Mặt trời vừa lặn, ánh sáng đang ở độ hoàn hảo nhất, nhưng cũng vừa đủ tối để những du thuyền trên vịnh đồng loạt bật sáng đèn. Khánh chỉ có 5 phút để ghi lại cảnh này. Và cũng chỉ cần từng ấy thời gian, một khoảnh khắc du thuyền Hạ Long hút hồn du khách quốc tế được ra đời.
Cầu Vàng chắc chắn là một biểu tượng thay đổi hình ảnh du lịch Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Thế nhưng ít ai biết rằng người tạo nên "cơn sốt" cầu Vàng lớn khủng khiếp trên các mạng xã hội không phải một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, thậm chí không phải một người Việt Nam mà là một vị khách du lịch từ Malaysia - Jason Goh.
Bức ảnh chụp cầu Vàng của Jason trên nền tảng Instagram đạt hơn 30.000 lượt thích chỉ trong vòng 3 tuần. Những kênh du lịch nổi tiếng hàng đầu thế giới đều đưa lại bức hình, mỗi bài đăng lại thu về hàng chục, hàng trăm nghìn lượt tương tác.
Bên dưới là loạt bình luận kinh ngạc của người xem khắp thế giới: "Đây là đâu?"; "Địa danh này có thật không vậy?"; "Chúng ta phải đi Việt Nam thôi"...
Jason Goh trong chuyến du lịch tại Việt Nam. Ảnh: Smashpop
Jason Goh cũng ngạc nhiên trước sự nổi tiếng đường đột này. Anh có thêm 25.000 người theo dõi mới chỉ sau vài ngày bức ảnh được đăng tải.
Jason vốn là một chàng trai đam mê du lịch và nhiếp ảnh. Cuối tháng 7/2018, Jason đưa bố mẹ tới Việt Nam thăm Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh du lịch trong vòng một tuần. Cầu Vàng đã nằm trong "wishlist" của Jason ngay từ khi lên kế hoạch cho chuyến đi.
Lúc đến nơi, du khách người Malaysia hơi bất ngờ vì cầu đông người quá. Anh đứng nhiều góc chụp ảnh mà mãi chưa ứng ý. Sau đó, Jason mạnh dạn lùi về một góc khuất ở phía cuối cầu và cho flycam bay lên để chụp ảnh. Một bức hình đẹp đến nghẹt thở đã ra đời. Cây cầu Vàng đẹp siêu thực được ôm trọn bởi thiên nhiên bao la, hùng vĩ của Bà Nà, dưới cái nắng hửng nhuộm hồng chân trời khiến bất kỳ người xem nào cũng bị hớp hồn. Với sức lan tỏa khủng khiếp, hình ảnh lộng lẫy này đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người khắp thế giới, khởi nguồn cho "cơn sốt cầu Vàng" ghi tên Đà Nẵng, Việt Nam vào danh sách những điểm đến phải ghé qua một lần trong đời.
Hình ảnh Hội An được Jason Goh ghi lại trong chuyến du lịch. Ảnh: Smashpop
Rất nhanh sau đó, bài báo "Giant hands hold Vietnam's Golden Bridge" của cựu phóng viên ảnh Huy Khâm xuất hiện bùng nổ trên Reuters với những hình ảnh tường tận về biểu tượng du lịch mới của Việt Nam.
Bức ảnh bàn tay đá nâng đỡ "dải lụa" vàng nhanh chóng trở thành "Bức ảnh được xem nhiều nhất trong ngày" trên Reuters. Sau 1 tháng, ảnh lại nằm ở ngay trang đầu tiên danh sách "Những bức ảnh nổi bật tháng 8" của hãng thông tấn hàng đầu thế giới.
Trong loạt những tấm ảnh cầu Vàng được "lăng xê" trên Reuters, có một tấm vượt ra ngoài khuôn khổ của ảnh thắng cảnh thông thường. Bức ảnh thu lại cảnh đôi bàn tay khổng lồ nằm giữa nền trời âm u ngay sau cơn mưa, phía sau là cầu vồng và một đám mây lơ lửng như khói xịt lên từ những ngón tay.
Bức ảnh Cầu vàng của nhà báo Huy Khâm được Reuters chọn là 1 trong "những bức ảnh của tháng".
30 năm làm báo, 20 năm làm phóng viên ảnh cho hãng thông tấn Reuters, 20 nghìn bức ảnh được in trên toàn cầu, tới nay công tác tại Tạp chí cấp thoát nước Việt Nam, nhà báo Huy Khâm vẫn xua tay khi được hỏi về bất kỳ bức ảnh nổi tiếng nào của mình: "Tôi không nghĩ việc mình làm là cái gì đó to tát".
"Tất nhiên đi chụp ảnh cũng có cái may mắn, nhưng may mắn chỉ dành cho những người xứng đáng. Muốn thành công được thì 80% bạn phải lên kế hoạch, phải kiên nhẫn, kiên trì, thuyết phục." - Huy Khâm nói về bức ảnh cầu Vàng và cả công việc phóng viên ảnh anh từng đảm đương.
Hành trình "săn ảnh" của một phóng viên đòi hỏi sự chặt chẽ tuyệt đối trong từng khâu vì đang phải đua tốc độ với nhiều đồng nghiệp khác. Huy Khâm chuẩn bị rất kỹ ngay khi nhận được yêu cầu đưa tin về cầu Vàng. Anh ngủ một đêm trên Sun World Ba Na Hills để hôm sau đi bộ xuống từ sớm.
Khi họ mở cửa, anh là người đầu tiên bước ra đó, chụp những bức ảnh cầu không người, những hành khách đầu tiên, ngang dọc mọi góc của cây cầu. Khâm không dùng thiết bị bay vì anh quan niệm cảnh mình chụp phải được nhìn bằng con mắt, ở đâu con người đứng được mới là cảnh chân thực nhất.
Tới khi cầu đông người nhất, Huy Khâm quay về khách sạn để phát những bức ảnh đầu tiên. Tới giờ chiều, anh lại ra cầu chờ đợi sự thay đổi thời tiết của Bà Nà - thứ mà anh đã liệu tính kỹ từ trước. Quả thật tới khi hoàng hôn, trời bất ngờ đổ mưa rồi ngớt rất nhanh.
Một cảnh kỳ ảo bất ngờ xuất hiện: Giữa nền trời bao la không bị chi phối bởi nhà cửa, ánh nắng hoàng hôn rất gắt chiếu xiên chéo xuống cây cầu, mây vần vũ và cầu vồng kép hiện lên. Đây chính là bức ảnh anh thích nhất trong một ngày tác nghiệp.
Một cặp đôi hôn nhau ở cầu Vàng, trước luồng sáng đan xen với những hình khối kỳ ảo trên bầu trời. Ảnh: Huy Khâm
Có những lý do riêng khiến Huy Khâm chực chờ cả ngày chỉ để chụp một cây cầu. Quy trình tác nghiệm của Reuters yêu cầu phóng viên gửi tất cả ảnh chụp được lên hệ thống để các biên tập viên chọn lựa. Họ sẽ quan sát xem giữa frame này với frame kia thời gian bao lâu, từ frame đầu tới frame cuối là bao lâu để biết phóng viên đã chụp đề tài ấy kỹ càng, trách nhiệm đến đâu.
"Thường mình không có cảm xúc cá nhân khi chụp ảnh, rất ít khi. Tính khách quan, trung thực và công bằng được đặt lên hàng đầu" - Huy Khâm nói. Hóa ra, đằng sau tất cả những bức hình hớp hồn của "tay săn ảnh" này đều là sự kỷ luật và những kế hoạch tỉ mỉ đến từng li.
Trong 6 bức ảnh đưa Việt Nam tới thế giới, có đến 5 bức chụp tác phẩm do bàn tay con người tạo tác. Những kỳ quan du lịch đã không đơn thuần dừng lại ở các thắng cảnh thiên nhiên ban tặng như nhiều thập kỷ trước. Những nhà đầu tư có tầm đã kiến tạo nên các biểu tượng mới cho du lịch Việt Nam. Và, bằng cách làm nghệ thuật tâm huyết, chuyên nghiệp, các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và không chuyên, đã biến nó thành thông điệp có sức lan tỏa mạnh mẽ, về hình ảnh một Việt Nam của thế kỷ mới hấp dẫn và đầy tự hào.