Cuối năm 2015, Masan ký kết đối tác chiến lược với Singha (Singha Asia Holding Pte Ltd – Thái Lan) kèm
theo tuyên bố sẽ mở rộng thị trường
kinh doanh thực phẩm và đồ uống ra các nước ASEAN. Theo giao dịch giữa 2 bên,
Masan sẽ nhận 1,1 tỷ USD, còn Singha được sở hữu 25% cổ phần Masan Consumer
Holdings và 33,3% cổ phần Masan Brewery.
Việc các nhà đầu tư
nước ngoài rót một lượng vốn khổng lồ vào Masan không còn lạ nhưng tuyên bố sẽ
tiến vào thị trường 250 triệu người tiêu dùng ở các nước "In-land ASEAN" sau ký
kết với Singha là điều mới. Thế nhưng, không có nhiều người tin rằng, các bước
đi chiến lược tiếp theo lại diễn ra ngay lập tức.
Cuối tháng 9/2016, chỉ
trong vòng 9 tháng kể từ ngày hợp đồng với Singha được ký, Masan tung sản phẩm
nước mắm với tên gọi "Chin-Su Yod Thong" cho thị trường Thái Lan. Bà Nguyễn Mai
Phương, phụ trách phát triển kinh doanh khu vực Inland ASEAN của Masan cho biết,
sản phẩm này được nghiên cứu và ra đời trong 7 tháng với tổng cộng hơn 50 mẫu
cho đến khi có thành quả cuối cùng.
Trong điều kiện thông
thường, để một công ty Việt Nam nghiên cứu và phát triển một sản phẩm dành
riêng cho người Thái (còn là thủ phủ của nước mắm) thì thời gian phải mất vài
năm.
Trong buổi trả lời phỏng
vấn vào đúng ngày Chin-Su Yod Thong được bán ra trên khắp Thái Lan (4/10), ông
Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch HĐQT Masan cho biết, đó là một ví điển hình về "gen
Masan" – một tập hợp của những tính cách
"Lì" (không bao giờ từ bỏ) – "Liều" (nói được là phải làm cho bằng được) – "Tham"
(khát vọng, hoài bão) và Chia sẻ. "Người ta thường nói, ở khu vực này, thực phẩm
và đồ uống là lãnh địa của người Nhật và người Thái, nhưng tại sao lại không
nghĩ tới người Việt Nam nhỉ?", ông Quang tếu táo.
Người
chủ trì việc nghiên cứu, phát triển Chin-Su
Yod Thong trong thời gian kỷ lục đó chính là một người Việt Nam - bà Lê
Thị Nga - một trong những người đầu tiên đặt nền tảng cho ngành thực phẩm tại
Masan. Kỹ sư này tốt nghiệp ngành Công nghệ Thực phẩm chuyên ngành vi sinh tại
Đại học quốc gia Công nghệ Thực phẩm Moscow (Nga), đầu quân cho Masan từ năm
1997.
"Chúng
tôi có khát vọng đưa Chinsu trở thành một thương hiệu quốc tế chứ không chỉ nổi
tiếng trên đất nước hình chữ S. Mục tiêu lớn này bao gồm cả lời cam kết tuyệt đối
an toàn cho sức khỏe ", bà Nga chia sẻ.
Trước khi đem nước mắm
đi Thái Lan, ông chủ của Masan cùng những đồng nghiệp từng có "dự án khởi nghiệp"
tương tự ở thị trường Nga và thành công với mì gói cùng tương ớt. Ngày ấy, khi
bị đặt câu hỏi về nhu cầu mì gói tại Nga dành cho Việt kiều quá bé để xuất khẩu
(khoảng 200.000 người), người đứng đầu Masan nói: "Tại sao không hướng tới thị
trường 150 triệu người Nga mà chỉ tập trung vào những người Việt ở đây?".
Với bài toán khó "người
Nga chưa có thói quen ăn mì và tương ớt", những thành viên của công ty này lại
có góc nhìn khác: "Đó là một thị trường khổng lồ, trống trải hoàn toàn và chưa
được ai khai thác". Và Masan đã rất thành công với mì gói, tương ớt tại Nga với
kim ngạch xuất khẩu lúc cao điểm nhất lên tới 100 triệu USD mỗi năm.
Sau khi thành công với
thị trường Nga, ông Quang cùng các cộng sự đầu tư mạnh cho Việt Nam và đình đám
với thương hiệu Chinsu, trong đó riêng nước mắm là hơn 70% thị phần. Năm 2009
khi Masan mới niêm yết trên thị trường chứng khoán, trong một lần trả lời phỏng
vấn hiếm hoi, ông Quang chia sẻ về khát vọng sẽ đưa Chinsu trở thành một
thương hiệu quốc tế chứ không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam.
Không giống như việc
đưa mì gói, tương ớt xuất khẩu vào Nga hàng chục năm trước, việc xuất khẩu Chin-Su
Yod Thong vào Thái Lan đồng nghĩa với việc Masan phải đương đầu với hàng trăm sản
phẩm cùng loại ở "thủ phủ của nước mắm".
Nói về cơ hội thành
công trong "lần khởi nghiệp thứ 2 ở nước ngoài", ông Quang chia sẻ: "Người Thái
Lan và Việt Nam có nhiều điểm chung về văn hoá ẩm thực, tín ngưỡng và thói quen
tiêu dùng. Masan đã thành công trong triết lý phụng sự nhu cầu của hơn 90 triệu
người Việt Nam thì cũng có thể phụng sự thành công thị trường 250 triệu người In-land
ASEAN mà Thái Lan là điểm khởi đầu".
Tại Thái Lan, Chin-Su
Yod Thong cho kết quả khi "thử mù" rất ấn tượng. Trong khoảng gần 1.000
người Thái Lan tham gia "thử mù" các loại nước mắm, 95% chọn sản phẩm do Masan
sản xuất.
Trong buổi trò chuyện
về khởi nghiệp, vị chủ tịch này nhấn mạnh nhiều lần từ "phụng sự" và bình luận:
"Khi phụng sự đúng nghĩa cho nhu cầu của người tiêu dùng, đem lại cho họ những
giá trị đích thực, bạn sẽ được tưởng thưởng và đi được ra thế giới".
Phát triển với tốc độ quá nhanh,
Masan bị gắn với khá nhiều tin đồn. Khi bắt đầu đình đám tại Việt Nam, người
ta đồn đây là công ty do các Việt kiều ở Nga về thành lập và đứng phía sau là
những "ông trùm" đến từ nước Nga xa xôi. Nhận xét về những tin đồn này, ông
Quang nói: "Đó là do tâm lý tự ti, nhược tiểu, luôn nghĩ chỉ người nước ngoài
hay Việt kiều mới làm được những điều to lớn. Thực tế, khi đặt tên Masan, chúng
tôi dùng đúng tiếng Việt để gửi gắm thông điệp: Mạnh và Sáng trên dải đất hình
chữ S".
Và để cho Masan mạnh, sáng nhanh hơn, ông
Quang đã chọn những người bạn đồng hành nhiều kinh nghiệm, năng lực đến từ các quốc
gia khác. Đó là Madhur Maini, một CEO "cứng tay", người từng
làm việc nhiều năm ở vị trí quản lý cao cấp cho Merrill Lynch, Deutsche Bank.
Và gần đây là Seokhee Won – nguyên Phó chủ
tịch cấp cao phụ trách mảng kinh doanh chăm sóc da tại châu Á và nhãn hàng
Ponds trên toàn cầu của Tập đoàn Unilever. Đến với Masan, Seokhee Won giữ chức
CEO Masan Consumer kiêm Phó tổng giám đốc tập đoàn.
Sau sự xuất hiện của Seokhee
Won, hợp tác chiến lược với Singha được ký kết với số tiền mà tập đoàn Thái Lan
đổ vào Masan lên tới 1,1 tỷ USD. CEO người nước ngoài của ngành hàng tiêu dùng
cũng là người phụ trách dự án "phụng sự 250 triệu người tiêu dùng In-land
Asean"…
Khi được hỏi: "Tiền
‘khủng’ có phải là nhân tố giúp Masan thu hút được nhiều nhân tài hay không?",
ông Nguyễn Đăng Quang nói: "Đó là một phần". Ông chủ vốn kín tiếng với giới truyền
thông chia sẻ: "Lương ở đây không dở, cũng nằm trong top nào đấy, đặc biệt là
cán bộ lãnh đạo nhưng người tài về Masan chắc chắn không hoàn toàn vì tiền".
Vị chủ tịch thích
triết học cho biết: "Động lực để họ muốn về với Masan là vì có thể thử thách xem ngưỡng
năng lực của mình đến đâu và theo đuổi được đam mê. Đây là một sân chơi như một
dự án khởi nghiệp của chính họ nhưng với rủi ro hợp lý".
"Công thức để
thành công ở đây rất rõ ràng. Mọi người làm việc có thành quả đều được tham gia
chương trình ESOP với số lượng không nhỏ và trở thành các nhà đầu tư. Nếu công
ty tăng trưởng và phát triển, anh trở thành triệu phú, còn ngược lại thì cùng
nhau đi xuyên qua khó khăn. Điều này cũng giống hệt như làm startup và bạn thắng,
thua như một chủ doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải cùng nhau. Ở
Masan không có chủ nghĩa anh hùng cá nhân mà là kết hợp của nhiều Paven Coocsaghin (nhân vật chính của tác phẩm Thép đã tôi thế đấy)", ông Quang nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi: "Nỗi sợ lớn nhất của việc đưa nước mắm đi
Thái Lan bây giờ so với thời kỳ đưa mì gói, tương ớt đi Nga trước đây là gì?",
Chủ tịch Masan nói: "Trước đây một người làm 5 việc, còn bây giờ 5 người làm một
việc".
Ông Quang giải thích, khi công ty còn nhỏ, nhuệ khí hừng hực,
ai cũng nhiệt tình không nề hà việc gì nên sẵn sàng làm mọi thứ để có thể thành
công. Năng lượng lớn, sáng tạo và không ngừng tiến bước. Nhưng khi đã trở thành
công ty lớn mạnh, người ta dễ sinh bệnh thích hoành tráng, quan liêu, cầu kỳ
nhưng không hiệu quả.
"Có 5 người nhưng một ông chỉ, một ông nói, một ông giúp việc,
một ông kiểm tra, chỉ có mỗi một ông làm thì rắc rối sẽ nảy sinh. Chưa hết, tâm
lý lớn mạnh, kẻ cả sẽ khiến người lãnh đạo ngại nói chuyện với khách hàng ở ven
đường, vỉa hè để tìm hiểu nhu cầu thì đó là nguy cơ rất lớn", Chủ tịch Masan nhận
xét.
"Ông trùm" nước mắm, mì gói dẫn thêm lời khuyên của một nhà quản
lý rất nổi tiếng tại Việt Nam khi nói về nỗi lo sợ dành cho Masan cũng như các
tập đoàn lớn nói chung: "Lúc bạn nghèo, thấy đồng 5 hào bạn sẽ cúi xuống nhặt.
Thế nhưng, lúc giàu rồi thì bạn lấy chân đá bụp một phát và nghĩ ‘chẳng đáng
công tao cúi xuống’. Con người trở nên trịnh trọng, quan cách và xa rời thực tế
chính là thảm họa của tổ chức".
Để giải bài toán này, ông Quang cho biết mình luôn cố gắng để
những người bạn đồng hành của mình thấm
nhuần tôn chỉ: "Tôi có năng lực làm điều đấy, tôi rất muốn điều đó xảy ra, và tôi
sẽ làm điều đó". Theo vị chủ tịch Masan, chỉ khi làm như vậy công ty mới có
thể đạt trị giá 20 tỷ USD vào năm 2020.
"Hiện giờ giá trị Masan trên thị trường chứng khoán khoảng 3 tỷ
USD nhưng giá trị thực của Masan Consumer đã là 4,2 tỷ USD, các công ty khác
như Núi Pháo, một phần của Techcombank, Masan Nutri – Science… cộng lại cũng
khoảng hơn 2 tỷ USD nữa, nên thực ra mục tiêu 20 tỷ USD chỉ là tăng trưởng khoảng
gấp 3 lần thôi", Chủ tịch Masan cho biết.
Kết thúc buổi trò chuyện, ông Quang nhấn mạnh: "Đó là niềm tin
của chúng tôi. Các bạn có thể không tin nhưng tôi xin chia sẻ rằng, ở Masan, nếu
bạn có một hoài bão, có một đam mê và nếu bạn có sự tự tin thì điều đó sẽ xảy
ra".