"Giảng viên đại học", "Premier Partner đầu tiên của Google", "công ty công nghệ quảng cáo số đầu tiên lên sàn", đó là những từ khóa thường thấy trên công cụ tìm kiếm của Google liên quan tới Nguyễn Khánh Trình – Chủ tịch HĐQT Clever Group.

Thế nhưng, khi chúng tôi gặp gỡ với một Nguyễn Khánh Trình ngoài đời thực trong chương trình CafeTalk số 05 - Lựa chọn của lý trí, ông thường lướt qua những thành tựu quá khứ rất nhanh. Bởi với Nguyễn Khánh Trình, quá khứ đã là… quá khứ! Hiện tại chính là khoảnh khắc có giá trị nhất và tương lai mới là điều cần phải tập trung.

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Khánh Trình: Tôi không nghĩ mình là miếng ghép hoàn hảo với Clever Group - Ảnh 1.

Nhìn lại bức ảnh kỷ niệm ngày bảo vệ đồ án tốt nghiệp Đại học với điểm tổng kết 7,98 – chỉ thiếu 0,02 điểm là đạt bằng Giỏi, ông Trình nhớ đến nỗi thất vọng nhiều hơn là niềm vui. Tấm bằng Khá khiến ông tìm mọi cách để trở lại trường, mang theo giấc mơ trở thành giảng viên đại học.

Thời điểm đầu những năm 2000s, với việc dạy học ở nhiều trường đại học và dạy thêm, giảng viên Nguyễn Khánh Trình có một mức thu nhập khá tốt. Ngoài công việc giảng dạy, ông Trình còn sáng lập và làm Giám đốc một trung tâm đào tạo, doanh thu năm 2006 đạt 10 chữ số.

"Mọi thứ đều ổn cả, nhưng sau đó có nhiều sự cố xảy ra mà bản thân tôi không kiểm soát được. Tôi cảm thấy bản thân mình không thành công ở trong trường, không có chỗ đứng và nhận ra môi trường nhà nước không phù hợp với mình. Mình cần phải ra đi", Nguyễn Khánh Trình nhớ lại.

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Khánh Trình: Tôi không nghĩ mình là miếng ghép hoàn hảo với Clever Group - Ảnh 2.

Năm 2006, thầy giáo trẻ Nguyễn Khánh Trình cùng 2 người bạn lập một trang web bán áo sơ mi nam trực tuyến có tên somi.vn. Nửa năm đầu tiên, dự án khá thành công khi mỗi ngày có 30 - 50 đơn đặt hàng. Nguyễn Khánh Trình tự hào cách chọn tên cửa hàng này còn đi trước cả Thế giới di động từng làm.

Tuy nhiên đến nửa năm sau, tình hình kinh doanh tại cửa hàng bắt đầu đi xuống khi những nhà sáng lập quản lý không thể dành nhiều thời gian cho hoạt động kinh doanh do còn vướng bận những công việc toàn thời gian khác.

Dự án somi.vn thất bại nhưng cũng mở ra một hướng đi mới cho giảng viên sinh năm 1981. Nguyễn Khánh Trình nhận thấy 80% khách hàng của mình đến từ công cụ tìm kiếm của Google. Google là công cụ tìm kiếm sử dụng nhiều tại Việt Nam nhưng chưa được dùng như một kênh marketing. Nguyễn Khánh Trình nhận ra tiềm năng của ngành quảng cáo trực tuyến từ đó. Ông bắt đầu tìm hiểu và thi các chứng chỉ chuyên môn về quảng cáo Google AdWords. Đồng thời, ông quyết định rời khỏi môi trường đại học để tập trung vào công ty của mình. Tháng 8/2008, CleverAds (tiền thân của Clever Group) chính thức ra đời.

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Khánh Trình: Tôi không nghĩ mình là miếng ghép hoàn hảo với Clever Group - Ảnh 3.

"Thời điểm đó, tôi bắt tay vào tìm hiểu, không có chuẩn bị từ trước, đơn giản vì không còn sự lựa chọn nào khác", nhà sáng lập Clever Group cho biết.

Hai năm sau, năm 2011, CleverAds nhận được chứng chỉ đối tác cấp cao chính thức của Google. Đến 2013, CleverAds tiếp tục trở thành đại lý ủy quyền đầu tiên của Facebook tại Việt Nam (Facebook Authorized Reseller). Thành tựu này của Nguyễn Khánh Trình trở thành dấu ấn đáng chú ý trên thị trường quảng cáo trong nước thời điểm đó.

"Ngày xưa thì cảm thấy vui vẻ nhưng thú thực bây giờ nhắc lại cũng rất thiếu cảm xúc. Bây giờ nói đến quảng cáo Facebook, Google thì ai chẳng biết, giống như món ăn hàng ngày của dân Marketing", ông Trình thẳng thắn nhìn nhận.

Không còn chú ý nhiều đến những danh xưng trong quá khứ, giờ đây bài toán tăng trưởng mới là mối quan tâm hàng đầu của Chủ tịch Clever Group. Doanh nghiệp của ông từng duy trì tốc độ tăng trưởng 100%/năm trong 7 năm liên tiếp. 5 năm gần đây, con số này là 27%/năm, được coi là tốc độ tốt nhưng chưa xuất sắc trong ngành.

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Khánh Trình: Tôi không nghĩ mình là miếng ghép hoàn hảo với Clever Group - Ảnh 4.

"Doanh nghiệp phải phát triển, phải tăng trưởng cùng với thị trường. Còn nếu muốn bứt lên, trở thành người dẫn đầu thì phải tăng trưởng nhanh hơn thị trường. Còn nếu chỉ phát triển cùng với tốc độ thị trường, chúng ta sẽ chỉ giống như bao doanh nghiệp khác thôi", Chủ tịch Clever Group bình luận.

Thách thức tăng trưởng hiện tại của Clever Group, theo ông Trình, nằm ở câu chuyện nhân sự, bao gồm cả việc sử dụng nhân sự trẻ vào các vị trí quan trọng, nhân sự cắm tại các thị trường nước ngoài, và thậm chí là nhân sự cho chính vị trí cao nhất của ông, cũng đều có thể là trở ngại cho việc phát triển của doanh nghiệp.

"Tôi thường xuyên dùng nhân sự trẻ vào vị trí senior và tỷ lệ thành công cũng dưới 50%. Nếu như mình đánh giá nhân sự theo một chỉ tiêu khác hoặc một tập lý thuyết ra quyết định khác thì có thể tỷ lệ thành công đối sẽ lớn hơn. Nhưng mà tôi lại vẫn thích thế. Đó cũng là vấn đề".

Những bạn trẻ, dù không phải tất cả nhưng thường cả thèm chóng chán, đứng núi này trông núi nọ. Có những người tới làm rồi nghỉ, rồi 4-5 năm đi qua vài nơi khác, rồi lại quay về công ty làm. Ông Trình cho đó là điều bình thường, bởi ai cũng bắt đầu từ một người trẻ.

Hay chuyện cử nhân sự làm việc ở chi nhánh nước ngoài, người có năng lực tốt nhưng tính cách không phù hợp, chỉ coi đi làm ở nước ngoài như đi du lịch thì không thể thành công. Trong khi đó, phải xác định đây là cuộc sống của bản thân, phải xông pha, yêu văn hoá, yêu ẩm thực, lối sống, con người, màu da ở đó. Một nhân sự có thể có năng lực tốt nhưng không phù hợp với văn hoá nước ngoài thì cũng không làm được. Ngược lại, một nhân sự có trình độ vừa phải nhưng thích một cuộc sống ở nước ngoài, thích trải nghiệm, tiếp cận những cái mới, thì có khi mới là lựa chọn tốt.

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Khánh Trình: Tôi không nghĩ mình là miếng ghép hoàn hảo với Clever Group - Ảnh 5.

"Tôi không học qua trường lớp nào về quản trị kinh doanh cả, vừa học vừa làm, đúng hơn là vừa làm vừa học. Đến giờ tôi nghĩ có thể Clever Group chỉ như ngày hôm nay cũng một phần là do tôi chứ không phải thành quả gì, chưa hẳn đã tốt. Nếu như có một người giỏi kinh doanh hơn tôi thì có khi còn tốt hơn. Tôi vẫn đặt giả định như vậy.

Nhưng để chứng minh điều đó thì phải tìm ra người đó là ai? Ai có thể quản trị tốt hơn? Có 50 người thì quản trị khác, 100 hay 500 người lại càng khác. Quản trị khi quy mô doanh thu ở mức nhỏ khác với khi doanh thu lớn, và cả khi muốn hoạt động dàn trải trên nhiều lĩnh vực. Tại mỗi thời điểm, tôi cũng cố gắng tự học thêm các kiến thức mới. Nhưng tôi không nghĩ mình là một miếng ghép hoàn hảo, chỉ là miếng ghép phù hợp thôi", ông Trình thẳng thắn thừa nhận.

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Khánh Trình: Tôi không nghĩ mình là miếng ghép hoàn hảo với Clever Group - Ảnh 6.

Ngày 22/2/2021, ông Nguyễn Khánh Trình cùng các thành viên trong ban điều hành chính thức rung chuông tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE). Clever Group trở thành công ty công nghệ quảng cáo số đầu tiên của Việt Nam lên sàn chứng khoán với mã cổ phiếu ADG.

Mất 4 năm để chuẩn bị cho ngày chào sàn, mọi thứ đều đã nằm trong dự tính từ trước, nên thay vì bất ngờ, người đứng đầu Clever Group đón nhận sự kiện với tâm lý khá bình thản.

"Thực ra lúc đó khá là vô cảm, cảm giác trống rỗng. Dù gì mình cũng chuẩn bị cho ngày đó lâu rồi, không phải sự kiện gì đó có thể xảy ra trong một ngày hay một giờ, nên không còn nhiều sự bất ngờ, háo hức. Vui thì vẫn rất vui nhưng không quá bất ngờ", ông nhớ lại.

Tuy nhiên, việc niêm yết công khai trên thị trường chứng khoán về mặt ý nghĩa vẫn là một cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển của Clever Group.

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Khánh Trình: Tôi không nghĩ mình là miếng ghép hoàn hảo với Clever Group - Ảnh 7.

"IPO tạo ra cơ hội cho nhiều người, cho các cổ đông, anh em trong ban điều hành – những người đã làm việc nhiều năm ở Clever Group. Những người đó có cơ hội hiện thực hoá tài sản của mình, tăng tính thanh khoản của tài sản khi họ cầm cổ phiếu của công ty. Đó cũng là điều tự hào, khiến cho anh em cán bộ nhân viên thấy mình đang làm việc ở một công ty có quy mô và rõ ràng, minh bạch. Đó là điều mà không phải công ty nào cũng làm được.

Tuy nhiên việc IPO cũng chỉ thể hiện ý chí chủ quan của ông chủ chứ không phải là mô hình mang tính biểu tượng. Mỗi người có thể chọn một con đường riêng của mình, không IPO cũng không sao cả", Chủ tịch Nguyễn Khánh Trình khẳng định.

Sau gần 1 năm lên sàn, giá cổ phiếu ADG biến động khá mạnh. Nhưng khác với tâm lý sục sôi của hầu hết các nhà đầu tư, ông Trình tỏ ra tương đối bình thản với diễn biến cổ phiếu công ty. Theo ông chủ Clever Group, giá cổ phiếu không làm ảnh hưởng đến việc vận hành, kinh doanh của công ty. Ông đánh giá thị giá hiện tại cũng chưa phản ánh đúng giá trị thực. "Nếu so sánh với một số startup khác chưa lên sàn, định giá của Clever Group là rất nhỏ và còn nhiều tiềm năng tăng trưởng", ông nói.

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Khánh Trình: Tôi không nghĩ mình là miếng ghép hoàn hảo với Clever Group - Ảnh 8.

Sở dĩ Nguyễn Khánh Trình lựa chọn niêm yết công khai trên thị trường chứng khoán thay vì các cách thức gọi vốn khác, là bởi ông theo đuổi phong cách quản trị của người Nhật – đề cao sự chính trực và minh bạch. Tuy vậy, ông Trình cho biết bản thân ông và công ty vẫn chưa tận dụng hết lợi thế của một doanh nghiệp niêm yết, đơn cử như việc sử dụng công cụ tài chính để giúp công ty tăng trưởng như nhiều tập đoàn lớn vẫn làm. Dẫu vậy, Clever Group mới niêm yết được 1 năm và vẫn còn nhiều thời gian để thích ứng, thay đổi.

Sau IPO, mục tiêu Clever Group hướng đến tiếp tục là tăng trưởng, với tốc độ 35%/năm trong 5 năm tới. Bên cạnh mảng Online Marketing đang đóng góp 70%, Influencer Marketing và các mảng khác đóng góp 30% doanh thu, hệ sinh thái của doanh nghiệp này đã bắt đầu "ươm trồng" thêm thành viên mới: công nghệ giáo dục (Education Technology).

Năm 2021, doanh nghiệp này đã bắt tay ngay vào việc, liên tục rót tiền cho các công ty khởi nghiệp mảng giáo dục như Vkids, Lazi và 123Train.vn. Hoạt động của 3 startup kể trên đang phủ khá rộng các phân khúc khách hàng. Trong đó, Vkids là ứng dụng giáo dục dành cho trẻ nhỏ từ 02 – 15 tuổi, Lazi là nền tảng hỏi đáp 2.000 - 3.000 câu hỏi cho học sinh từ lớp 1 đến 12, còn 123Train.vn lại hướng đến giải pháp đào tạo nội bộ cho doanh nghiệp.

Bằng việc vươn mình tới một thị trường mới, Clever Group và ông Nguyễn Khánh Trình bày tỏ tham vọng tiến sát tới cột mốc doanh thu hợp nhất đạt 1.000 tỷ đồng vào 2023, tăng trưởng trên 30%/năm.

"Với thị trường đang phát triển như Việt Nam, công nghệ giáo dục luôn là miếng bánh rất lớn. Đào tạo tiếng Anh, Toán, giáo dục sớm, giáo dục tư duy, khoa học,… tất cả đều rất nhiều tiềm năng phát triển. Thị trường lớn hơn cả thị trường quảng cáo. Mình vào trước hay vào sau, nắm được thị phần to hay bé là do mình".

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Khánh Trình: Tôi không nghĩ mình là miếng ghép hoàn hảo với Clever Group - Ảnh 9.

Bên cạnh việc kinh doanh chính, Nguyễn Khánh Trình còn là một doanh nhân ưa thích đầu tư vốn mạo hiểm vào các startup. Ông bắt đầu tìm kiếm dự án tiềm năng từ năm 2016, đã từng rót vốn vào một số dự án như chuỗi bán lẻ thực phẩm Sói Biển, dự án nông nghiệp Trang Trại Trung Thực, siêu thị điện máy Phong Vũ Computer… Tuy nhiên, trước thời điểm niêm yết công ty, ông Trình cho biết cá nhân ông đã thoái vốn khỏi hầu hết các dự án để hướng sự tập trung vào doanh nghiệp công nghệ.

Đầu năm 2019, Nguyễn Khánh Trình thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm Thung Lũng Việt (Viet Valley Ventures) với quy mô 3 triệu USD. Quỹ đã thực hiện rót vốn vào 3 startups (JobsGO, WindSoft và EcomEasy). Ông Trình cho biết quỹ vẫn đang tiếp tục tìm kiếm các dự án mới phù hợp trong lĩnh vực công nghệ.

"Tôi sẽ đầu tư nếu có cơ hội. Năm 2021, tôi gặp khoảng 50-60 đơn vị mà tôi chỉ đầu tư được 3. Vì nhiều startup mình muốn đầu tư thì họ lại không đồng ý, và ngược lại, startup muốn mình đầu tư thì mình lại không thấy hấp dẫn.

Còn nhiều vấn đề lắm. Một phần do thị trường đầu tư vốn mạo hiểm ở Việt Nam hiện cũng đang rất phát triển, các startup cũng có nhiều cơ hội mà mình cũng vậy. Khi hai bên phải đồng điệu với nhau thì mới thành công".

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Khánh Trình: Tôi không nghĩ mình là miếng ghép hoàn hảo với Clever Group - Ảnh 10.
Thuỳ Dương
Bi
KingPro