Người ta thường nói vui rằng cái gì không thể mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền. Tuy nhiên, quan niệm có tiền là mua được tất cả không hề đúng với những người sưu tầm những món đồ cổ quý giá và còn hiếm trên thị trường.
Anh Trần Dũng là một người sưu tầm xe cổ tại Hà Nội. Trong bộ sưu tập hiện nay của anh có một chiếc Volkswagen (VW) Beetle thuộc loại độc nhất tại Việt Nam, một chiếc VW Thing, hai chiếc VW Karmann Ghia thuộc hàng hiếm, một vài chiếc xe buýt huyền thoại VW Kombi và một vài chiếc Beetle khác nữa. Chủ nhân bộ sưu tập này còn hé lộ là anh cũng may mắn hữu duyên sưu tầm được một chiếc Porsche 356 Speedster cũng thuộc hàng siêu hiếm. Hiện xe được phục hồi và trùng tu tại một garage uy tín chuyên về xe cổ tại TP. HCM.
Nhìn qua bộ sưu tập là đủ hiểu tay chơi 8X này có niềm đam mê đặc biệt với xe Volkswagen cổ đến thế nào. Không những vậy, bước vào garage và cũng là quán cà phê mà anh mở ra làm sân chơi cho những người mê xe, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt cũng là những món đồ sưu tầm có liên quan tới thương hiệu VW. Đến cả chiếc nhẫn trên ngón tay anh Dũng cũng chính là một chiếc chìa khoá xe VW cổ được uốn lại.
Nếu chỉ nhìn vào bộ sưu tập ấy, mọi người sẽ chỉ thấy thích thú, chứ không ai biết được đằng sau nó là cả một câu chuyện rất dài. Nhấp một ngụm trà, anh Dũng bắt đầu kể về hồi đầu bước vào cơn "nghiện" xe cổ cho đến khi trở thành người sưu tầm xe gian nan thế nào.
Đó là hồi cách đây khoảng 20 năm, gia đình mình làm kinh doanh đồ thực phẩm bánh kẹo. Hồi đó, mình phụ bố mẹ nên rất hay đọc các tờ báo mua bán. Tình cờ có một lần mình đọc được mẩu tin rao bán xe, khi đó chỉ thấy cái tên Volkswagen Beetle chứ không có bất cứ hình ảnh nào cả. Mình thấy tên hay, tò mò tìm hiểu xem ảnh xe thì mới thấy chiếc xe đó đẹp quá, một chiếc xe có dáng như con bọ. Đó là lúc tình yêu với dòng xe cổ này của mình trỗi dậy.
Nhưng thời đó là đầu những năm 2000, Internet vẫn còn hạn chế, làm gì có Facebook hay Zalo như bây giờ. Những chiếc xe rao bán thì tận trong TP. HCM, mình không thể đi xem được. Tất cả những gì mình biết chỉ là tên xe và số điện thoại được in trên trang báo đó. Việc mua xe khi đó chẳng khác nào thầy bói xem voi.
Bẵng đi một thời gian, tưởng chừng như công cuộc tìm mua xe cổ đi vào ngõ cụt, mình tình cờ lại có duyên với dòng xe này khi đang đi đường. Mình còn nhớ có hôm đang lóc cóc xe máy thồ rất nhiều đồ bánh kẹo cho bố mẹ thì bất ngờ gặp một chiếc "con bọ" chạy ngược chiều trên đoạn Hà Đông (nay thuộc Hà Nội).Không chần chừ thêm một giây, mình quay ngoắt xe máy lại đuổi theo, quên mất luôn là đang đi chở hàng giúp bố mẹ. Mình bám theo chiếc xe đó tới tận nhà họ để kết bạn và hỏi thông tin về dòng xe này.
Thế rồi vào năm 2003, mình đã mạnh dạn sắm một chiếc VW Beetle 1500 [1500 là chỉ dung tích xy-lanh - PV]. Ban đầu mình yêu quý nó lắm, nhưng đến lúc "chơi" sâu rồi mới thấy nó không có giá trị sưu tầm nên đã bán đi và chính thức nhảy vào "hố vôi" sưu tầm xe hàng độc và hiếm như bây giờ.
Mua chiếc Beetle chỉ vì yêu cái dáng của nó chứ khi đó mình không hề có kiến thức về dòng xe này. Do là xe cổ nên tìm khắp Hà Nội cũng không thấy có chỗ nào chuyên về dòng này cả.
Một lý do khiến mình đánh liều mua chiếc Beetle cổ khi không có kinh nghiệm là bố mình từng làm thợ cơ khí. Những chiếc xe này đời sâu là thế nhưng cấu tạo máy móc của nó rất đơn giản, không phức tạp với nhiều hệ thống điện như xe bây giờ. Do đó, mình rất yên tâm, không ngại các vấn đề về máy móc với những chiếc xe cổ.
Tuy nhiên, có một điều phát sinh là phụ tùng thay thế những chiếc xe này sẽ kiếm ở đâu. Đó mới là vấn đề cần quan tâm hơn cả khi mình muốn gắn bó với thú chơi này lâu dài.
Như mình đã nói thì khi đó đã có Internet nhưng do vẫn chưa phổ biến nên các thông tin tìm kiếm trên mạng không dễ như bây giờ. Thời đó, sách báo và tạp chí vẫn thịnh hành hơn cả. Là người hay đọc báo, bất chợt mình nghĩ liệu có thể tìm thông tin về xe cổ tại Việt Nam thông qua các tờ báo cũ không. Thế là từ đó mình cứ đi vào các hàng sách báo cũ, mua một đống báo theo cân rồi về tìm và lọc thông tin.
Và đúng là trời không phụ những người cần cù, cuối cùng mình đã tìm thấy những dòng thông tin tuy ít ỏi nhưng vô cùng quý giá trong hàng kg báo cũ mua về, đó là những thông tin về hội chơi xe "con bọ" trong TP. HCM. Mình tìm cách liên lạc để kết bạn, hỏi về đồ chơi phụ tùng xe cũng như tìm thợ chuyên làm dòng xe này.
Khi gặp đúng những người nhiều kinh nghiệm ở phía Nam, mình mới vỡ ra được nhiều điều. Tất cả phụ tùng của dòng xe cổ này lại có sẵn. Sau này khi Internet phát triển, mình chỉ cần gõ đúng mã phụ tùng (part number) là có hết, chỉ việc đặt mua từ nước ngoài về. Hiện nay có nhiều bên họ dập lại cả vỏ xe trông chẳng khác hàng từ hãng ra cả. Đồ xe VW mình mua từ Mỹ và Trung Quốc nhiều. Bên cạnh đó, cũng nhờ những kg báo cũ đó mà mình cũng tích lũy thêm rất nhiều kiến thức về xe, đặc biệt là dòng VW Beetle mà mình đam mê.
Chính xác. TP. HCM vẫn là cái nôi của xe cổ nói chung và VW Beetle nói riêng. Hồi năm 2003 mới chơi xe thì cộng đồng tại Hà Nội ít lắm, chỉ có vài nhóm nhỏ, thỉnh thoảng tụ tập ở khu vực Nhà hát lớn và lượn lờ khu phố cổ. Đồ đạc cho xe ở phía Bắc cũng hiếm. Khi mà Internet chưa phát triển, muốn tìm phụ tùng nào cho xe cũng phải trông cậy vào anh em trong Nam.
Cũng bởi đồ cho xe hiếm nên lại phát sinh những câu chuyện dở khóc dở cười.
Đó là khi nhiều anh em chơi xe đến xem xe của nhau, ra về lại thấy chiếc xe của mình hình như mất đi món đồ nào đó *cười*. Ví dụ một số chi tiết ở bảng táp-lô như núm đèn chẳng hạn, nó nhỏ, giá thì không đáng là bao nhưng để mua được thì cực kỳ khó, anh em nào chẳng may rơi mất thì chỉ có cách lấy của xe khác lắp vào thôi *cười*. Thực ra anh em đùa nhau vậy, nhưng nói thế để thấy thú sưu tầm xe cổ nó lắm công phu, phải kiếm được từ những chi tiết nhỏ nhất như công tắc chẳng hạn.
Một lý do nữa khiến cho cộng đồng chơi xe cổ phía Bắc không mạnh như trong Nam là độ tuổi của người chơi. Ở phía Nam, các bác chơi dòng con bọ này thường có tuổi 50-60, còn ở Hà Nội chỉ tầm lứa 8X đời đầu như mình. Ở độ tuổi này, bọn mình còn phải bận làm ăn kiếm tiền nuôi đam mê, còn các bác phía Nam đã nghỉ hưu, họ có thời gian để dành tâm huyết cho thú chơi đòi hỏi sự tỉ mỉ này.
Cũng may mắn là hiện nay Internet phát triển, mọi người dễ dàng giao lưu hơn. Hội nhóm xe cổ trên toàn quốc lớn mạnh, anh em hay có những chuyến hành trình đi chơi xa. Chủ yếu vẫn là các bác ở phía Nam chạy ra ngoài Bắc. Chuyến đi xa nhất của hội xe cổ bọn mình là lên Lũng Cú (Hà Giang) vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.
Như mình đã nói lúc trước thì chiếc Beetle đầu tiên mà mình sở hữu là dòng 1500, sau đó đổi sang dòng 1100. Dòng động cơ lớn này không thực sự hiếm và độc, không có giá trị sưu tầm, nên mình đã bán lại, chứ đúng ra, mình không bao giờ bán bất cứ chiếc xe nào mà mình dành tâm huyết để có được nó.
Hiện tại, mình có sở hữu một chiếc con bọ Beetle 25 hp đời 1950, hay còn được gọi là dòng "kính chẻ" [kính hậu chẻ làm đôi - PV]. Mình tự tin đây là chiếc duy nhất tại Việt Nam ở thời điểm này. Chiếc xe này sau đó được mình đặt về thêm một vài option chính hãng nữa từ nước ngoài để thành "full option" như đèn sương mù trước, nắp bình xăng dập nổi logo hay lọ hoa gắn trong xe…
Một chiếc nữa cũng khá hiếm là chiếc Thing, chiếc xe thường được sử dụng cho quân đội. Mua được hai chiếc này cũng là may mắn, vì một người đàn anh chủ Hội quán xe cổ tại TP. HCM do đang chật kín garage nên nhượng lại cho mình để chăm sóc giúp.
Đến khi có chiếc "con bọ" đỉnh cao nhất rồi thì mình tìm hiểu sang dòng Karmann. Garage của mình đang có hai chiếc Karmann Ghia. Một chiếc mui trần màu xám là bản Lowlight Convertible đời 1958. Chiếc còn lại màu đỏ là bản Type 34 đời 1962.
Mình có vừa nói về việc mở rộng kinh doanh. Cái này nó cũng đến tình cờ thôi và mình không hề nghĩ rằng nó lại là mảng đem về doanh thu đáng kể, nhất là trong đợt dịch buôn bán khó khăn như vừa rồi.
Câu chuyện bắt đầu từ khi anh em trong câu lạc bộ hay rủ nhau lên Nhà hát lớn để tụ tập vào cuối tuần, nhiều người đi qua thích thú vì thấy xe đẹp, có người đã hỏi thuê lại xe để chụp ảnh cưới, ảnh thời trang, có người lại thuê để quay MV. Từ đó, cứ khách quen họ giới thiệu nhau, rồi dần dần mình hình thành luôn mô hình kinh doanh. Nó đã giúp mình có thêm một nguồn thu nhập trong mùa dịch.
Giá trị của những chiếc xe là rất đắt đỏ nên giá thuê cũng không thể rẻ được. Như chiếc Karmann Ghia mình cho thuê là 6 triệu cho 4 tiếng chụp ảnh. Những khách hàng thuê xe họ đều đồng ý với mức giá trên bởi họ hiểu được giá trị của những chiếc xe này.
Trước mắt, hội những anh em sưu tầm VW cổ vẫn còn trẻ và đầy nhiệt huyết. Tuy nhiên, mình vẫn băn khoăn về việc tìm thế hệ kế cận tiếp tục nuôi dưỡng và phát triển đam mê sưu tầm dòng xe đáng trân trọng mà có lẽ không nhiều người quan tâm tới. Qua việc cho thuê xe, mình cũng muốn có thêm nhiều lớp trẻ tiếp cận dòng xe này, từ đó hình thành đam mê và xây dựng một cộng đồng chơi xe cổ lớn mạnh ở Việt Nam.
Phương Vy, sưu tầm Internet