Toàn cảnh bức tranh hôn nhân trên thế giới ngày nay cho thấy những cuộc hôn nhân đổ vỡ trong một hai năm đầu lên đến 30% tổng số các vụ ly hôn. Còn ở Việt Nam, theo nghiên cứu của TS Nguyễn Minh Hòa (ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP HCM), tỷ lệ ly hôn/kết hôn là 31,4%. Tức cứ ba cặp kết hôn lại có một cặp ly hôn.
Rất nhiều người trẻ tuổi trong cơn “ngây” của tình yêu đã quyết định đi đến hôn nhân, thề thốt với nhau và với cha mẹ sẽ “mãi bên nhau bạn nhé”, rồi khi đám confetti lấp lánh vừa lắng xuống thì đã “ngất” - tan tành giấc mộng.
Nhưng cũng không ít người đã “tốt nghiệp” loại giỏi.
Vậy thì đâu là từ khóa của cuộc hôn nhân hạnh phúc và lâu dài? Chúng tôi đã đặt 5 câu hỏi về những vấn đề lớn trong hôn nhân mà các cặp đôi thường gặp phải - cho những người đang hoặc đã từng trải qua hôn nhân, từ mới một năm cho đến đã gần 20 năm bên nhau để đi tìm câu trả lời.
Chúng ta kết hôn bằng tình yêu và sự cam kết sẽ nuôi dưỡng tình yêu ấy trở thành thứ tình thương, tình thân cho đến suốt cuộc đời. Nhưng tất cả những thứ tình thương, tình thân ấy không đơn giản như tình yêu. Chúng không chỉ là chuyện hẹn hò, giận dỗi hay những ngọt ngào lãng mạn. Chúng đến cùng trách nhiệm, nỗi lo cơm áo gạo tiền, sự sẻ chia, những áp lực cuộc sống và cả hy sinh. Và khi tình yêu sẽ phải nhường chỗ cho những ưu tiên khác, nó sẽ dần biến mất những say mê đã từng khiến ta quyết định sẽ bước vào hôn nhân. Và đến lúc này, ta lại tự hỏi: “Là do ta thay đổi, hay hôn nhân thay đổi? Là ta đã hết tình yêu hay hôn nhân chính là mồ chôn tình yêu?”
Đa số, các cặp đôi khi được hỏi đều đồng ý rằng hôn nhân chính là thực tế, là khi tình yêu đã gột rửa hết những thứ màu hồng và bắt ta trả lời câu hỏi: Ta có thật sự yêu thương người này đủ để đi đến hết 50, 60 năm nữa của cuộc đời hay không? Hôn nhân không phải mồ chôn tình yêu. Nếu chúng ta chuẩn bị trước tinh thần cho những gì mình sẽ đối mặt trong hôn nhân, chấp nhận chôn đi những vị kỷ và chấp nhận sự trưởng thành sau năm tháng của đối phương - thì hôn nhân sẽ đi đúng hướng của nó, và chắp cánh cho tình yêu trở thành thứ tình ruột thịt thiêng liêng. Sự lãng mạn và ngọt ngào khi đó được nhường chỗ cho việc được “cùng nhau già đi", và đó trở thành điều đẹp nhất mà tình yêu có thể mang đến.
“Khi yêu, tất cả là màu hồng. Khi đã kết hôn tất cả mọi việc là thực tế”.
- Chú Viên
“Mình nghĩ chuyện tình yêu đi qua hôn nhân và trở thành thứ gì khác là chuyện đương nhiên. Cả nam lẫn nữ cần chuẩn bị tinh thần trước. Ngay khi bạn yêu ai đó, bạn hãy hình dung là có gặp được cái bản mặt này suốt 50 năm nữa không? Và ngoài ra nghĩ đến chuyện là nếu cuộc hôn nhân này không đi đến 50 năm nữa, mình có can đảm nói ra và giãi bày, kết thúc chuyện đó trong tình bạn như thế nào?”
- Ken
“Hôn nhân không bắt mình thay đổi, do hai vợ chồng thay đổi. Khi bước vào hôn nhân rồi, cả người chồng lẫn người vợ sẽ xao nhãng đối phương. Họ sẽ thấy họ không còn cần cố gắng để làm cho nhau vui và hạnh phúc nữa. Mục tiêu của họ là phấn đấu có nhà, có xe, sống còn con cái, đối nội đối ngoại - chứ không còn thời gian cho nhau nữa. Như vậy là tự mình thay đổi, nếu đi đúng hướng thì hôn nhân cũng rất tuyệt vời.”
- Quỳnh Anh
“Tôi rất thích một bài hát có câu: "Em muốn cùng anh già đi". Khi mà cả hai người cùng già đi, cùng mập ra, rồi cùng nhau bạc tóc đi - đó là một điều đẹp nhất của cuộc đời này.”
- We
“Hôn nhân là nấm mồ của tình yêu, vì sao? Ta phải đem những ích kỷ của tình yêu chôn xuống dưới, để những cái vị tha và trách nhiệm trong tình thương mới lên ngôi thì chúng ta mới về chung một nhà được chứ”.
- Khiết
Tài chính luôn là một trong những vấn đề lớn khi bước vào hôn nhân của bất cứ cặp đôi nào. Trước đây, gánh nặng tài chính thường được gán cho người chồng, còn chuyện tề gia nội trợ và quản lý chi tiêu lại thuộc về người vợ. Thế nhưng, đó lại là câu chuyện của nhiều năm về trước. Cuộc sống hiện đại mang đến nhiều cơ hội trong sự nghiệp hơn với phụ nữ, và điều đó giúp họ có khả năng độc lập tài chính mà không cần dựa vào đàn ông.
Độc lập tài chính từ một khái niệm xa lạ, trở nên quen thuộc với nhiều gia đình hiện đại. Dù vậy trong hôn nhân, tư tưởng cởi mở này có vẻ vẫn… sai sai. Hôn nhân đòi hỏi sự gắn kết và đóng góp của cả hai phía, để cùng xây dựng và chia sẻ gánh nặng trong việc duy trì đời sống gia đình.
"Chuyện gánh nặng tài chính được san bớt đi, còn 50% thôi. Có người để chia sẻ những gánh nặng này là một lợi ích rất lớn."
- Ken
"Ngoài những chi tiêu cố định của gia đình - 2 vợ chồng đều góp chung. Ngoài ra, mỗi người đều có một khoản riêng và chi tiêu tùy ý."
- Ánh Dương
"Tôi không muốn quản lý kinh tế, mà để những khoản tiền to và quan trọng cho chồng quyết định."
- Vợ Chú Viên
"Vợ chồng không nên quá rạch ròi vì như thế sẽ thiếu trách nhiệm với nhau. Kể cả khi vợ kiếm ra tiền thì người chồng vẫn nên gánh vác kinh tế cho gia đình, như thế người đàn ông không bị xao nhãng trách nhiệm của họ. Nếu quá độc lập, người vợ không yêu cầu chồng phải san sẻ kinh tế thì họ sẽ không cảm thấy đây là gia đình mà mình cần xây đắp."
- Quỳnh Anh
"Đã nói đi chung một con đường thì phải cùng nhau xây đắp, chứ không phải ban đầu nói đi chung nhưng lại tách ra, rồi nói sẽ gặp nhau ở đích được, như vậy sẽ không giống một gia đình."
- Khiết
"Chúng tôi không bao giờ độc lập tài chính hết. Từ đời ông nội bà nội, ông ngoại bà ngoại tới đời ba mẹ, tiền luôn luôn là xài chung với nhau. Ju We cũng đang áp dụng. Doanh thu từ tiệm bánh hay từ công việc du lịch đều bỏ vô chung. Khi hai đứa muốn chi khoản nào quá 500.000 đồng đều hỏi nhau.
Làm như vậy để lỡ hai đứa có giận nhau muốn bỏ đi cũng khó. Muốn chia tay thì phải ngồi lại nói chuyện với nhau chia bôi làm sao cho rạch ròi. Như vậy đã là hoãn lại được một bước nên lúc nói chuyện sẽ bình tĩnh hơn. Rồi thấy chia ra khó quá nên thôi ở chung lại cho rồi, khỏi mệt. "
- Ju và We
Có một câu nói như thế này: Cuộc hôn nhân bền vững nhất là cuộc hôn nhân mà cả hai vợ chồng đều ngoại tình.
Người ta lý giải rằng, khi một cặp vợ chồng đã sống với nhau một khoảng thời gian đủ dài, những ái tình và say đắm đã nhường chỗ cho trách nhiệm và tình thân - thì khi đó, trái tim của mỗi người lại khát khao thêm một lần phiêu lưu. Đời sống hôn nhân nhiều áp lực, thiếu vắng sự lãng mạn và ngọt ngào làm con người ta bí bách. Và để cân bằng lại, mỗi người lại tìm cho mình những cảm giác mới mẻ bên ngoài, miễn sao không làm rạn vỡ cái mối dây hôn nhân. Chuyện ngoại tình bỗng nhiên trở nên… chấp nhận được.
Thế nhưng, dù có bao lần lý giải, thì trong mắt các cặp vợ chồng mà chúng tôi tìm gặp, ngoại tình vẫn là ngoại tình, và ngoại tình vẫn hiển nhiên là sai. Chúng ta cam kết với đối phương bằng tình yêu và sự thuỷ chung, vậy nên để duy trì tình yêu ấy, chúng ta cần phải cố gắng vì nó, thẳng thắn chia sẻ và cùng nhau vun đắp, chứ không phải là mỗi người ra ngoài để tìm một lối thoát. Khi đó, hôn nhân không còn vẹn nguyên ý nghĩa của hôn nhân nữa, mà chỉ là một căn nhà với hai người cùng chung sống vì trách nhiệm.
"Phụ nữ ngoại tình thì sẽ đi luôn chứ không có ý định ngoại tình là để giữ gìn hôn nhân đâu. Theo mình thì đàn ông ngoại tình là đi tìm cuộc phiêu lưu thôi, nhưng phụ nữ ngoại tình tức là đã thay lòng đổi dạ."
- Quỳnh Anh
"Tình cảm phải sống chung thủy, mình phải giống như một tấm gương phản chiếu, sống đàng hoàng thì người ta sẽ đàng hoàng. Mình sống cà chớn thì người ta sẽ cà chớn. Nên nếu chịu đựng được, thì chịu đựng. Còn không chịu đựng được cũng đừng đi ngoại tình."
- Ju
"Riêng về việc này thì vợ chồng tôi hoàn toàn tin tưởng nhau. Nhiều người nói: Mày cứ tin tưởng nó quá, nó có ở nhà với mày đâu. Tôi lại bảo: Mình sống với nhau, hiểu nhau chứ không phải là chồng cứ ra ngoài là nghi ngờ. Chúng tôi sống với nhau 30 năm rồi nhưng chưa bao giờ xích mích về chuyện vợ ngoại tình, chồng lăng nhăng."
- Cô Hiệp
"Người nào ở bên cạnh mình lúc mình khổ, lúc lo toan cơm áo gạo tiền, mệt mỏi nhất, đau đầu nhất, mà người ta không bỏ đi thì đấy mới là người thực sự quan tâm đến mình. Còn người nhào đến mình lúc êm ái vui vẻ thì rất dễ, ai làm cũng được hết."
- Khiết
"Quan hệ mở kiểu đó nghĩa là hai người vẫn muốn thỏa mãn các nhu cầu riêng của bản thân quá nhiều. Nhưng mình nghĩ khi đã bước vào hôn nhân thì bạn phải từ bỏ những nhu cầu riêng về tình dục hay tiền bạc để cùng một người khác xây dựng cuộc sống chung."
- Jim
Dĩ nhiên là hôn nhân được khởi đầu từ tình yêu, thế nhưng đôi khi tình yêu với những cảm xúc mãnh liệt của nó lại không đến từ hai cá thể hoà hợp. Chúng ta rõ là có thể yêu một người đến phát điên, nhưng khi nghĩ đến việc cưới họ, ta lại thấy… không ổn. Còn ở bên một người ta không tìm được những cảm xúc nồng nhiệt như vậy, nhưng lại thấy họ là một chỗ dựa vững chắc, bất giác ta lại nghĩ đến một mái ấm dài lâu.
Cuộc tranh luận giữa việc lấy người hợp khi yêu, hay hợp về cách sống vốn dĩ không có đúng hay sai. Mỗi cặp đôi lại là một quan điểm, một cách lựa chọn khác nhau.
"Giống như bạn mang một chiếc ba lô vậy, tất cả những gì bạn cần đều có trong chiếc ba lô đó, còn cái bạn muốn thì luôn rất nhiều nhưng nó đều nằm ngoài. Mà nó quá nhiều nên mình không thể mang theo nó mọi nơi mọi lúc. Mình chỉ cần nhìn vào chiếc ba lô để biết mình cần những gì thôi."
- Ken
"Trong cuộc sống, nói người hợp người thì là một số tương đối thôi, chứ không ai hợp ai cả. Cái quan trọng là cần phải biết lựa nhau."
- Chú Viên
"Mình nghĩ không ai hoàn hảo, và cũng không ai là quá hợp với mình cả. Chỉ là mình có thật sự chấp nhận thích nghi những cái hơi khác mình một chút và trong một phạm vi cho phép, để cả hai cùng hy sinh một chút để cân bằng mối quan hệ."
- Anh Tuấn
"Không ai có thể tìm được một người hoà hợp cả cuộc sống lẫn tình yêu, nó khó lắm. Có những cái, đó là bản năng của tôi nó khác Ju hoàn toàn. Tại vì yêu, nên tự bản thân em sẽ tự thay đổi. Đó là cái kỳ diệu của tình yêu! Tôi chọn tình yêu."
- We
"Tình yêu nếu chăm sóc cho nhau vui và thể xác không thôi thì là màu hồng. Còn tình thương thì có nhiều màu lắm: Xanh đỏ tím vàng, đôi khi còn có cả những nốt màu đen nữa. Đâu thể ai cứ ăn mãi một chén chè nhiều đường được. Nhưng một nồi canh chua có chua cay mặn ngọt thì ăn mãi cũng thấy rất ngon."
- Khiết
Cuộc sống hiện đại đề cao cái tôi, đề cao những cảm xúc cá nhân nhiều hơn, với tư tưởng: Ta phải hạnh phúc trước tiên rồi mới có thể làm người khác hạnh phúc. Đức hy sinh trong hôn nhân trở thành một khái niệm có phần nặng nề và cũ kỹ. Nhưng nếu không có sự hy sinh, cuộc sống gia đình sẽ biến thành một sợi dây thun luôn căng ra mà không ai ở hai đầu chịu ch
"Mình nghĩ là đức hy sinh vẫn nên cần tồn tại trong hôn nhân hiện đại, nhưng nó cần có sự công bằng. Gia đình nên là ưu tiên số 1 trong mắt cả 2 bên, chứ không chỉ là trong mắt người vợ."
- Quỳnh Anh
"Mình cũng muốn là mình hy sinh, muốn nhường nhịn để cuộc sống sao cho êm đềm nhất. Bởi khi hôn nhân trục trặc, nó ảnh hưởng đến rất nhiều thứ khác, vậy nên nếu vợ mình có sự hy sinh cho gia đình như vậy, thì chắc chắn mình cũng sẽ bù đắp cho vợ mình tương xứng."
- Anh Tuấn
"Hy sinh có chừng mực để người khác hiểu được sự hy sinh của mình và tôn trọng nó, chứ không phải xem sự hy sinh đó là hiển nhiên. Nếu bảo cô là vợ thì cô phải hy sinh cho tôi, đó là coi thường. Nếu tôn trọng nhau thì sẽ hiểu vì em yêu thương anh nên em hy sinh cho anh, đó là niềm vui."
- Khiết
"Cần. Mình chấp nhận việc hy sinh theo cách rất thuận tự nhiên. Nếu không hy sinh thì không thể trở thành một bản thể mới được. Nhưng mình nghe từ hy sinh quá lớn lao và tự cao, còn mình chả thấy vấn đề gì khi phải thay đổi điều gì đó, hay làm điều gì đó cho chồng."
- Ken