Trong cuộc trò chuyện về Trí thức trẻ về các giải pháp giúp ngành du lịch vượt qua cuộc khủng hoảng Corona, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng giám đốc Vietravel cũng nói đi nói lại nhiều lần về “vấn đề tâm lý”: “Tái cấu trúc không năm nay thì năm sau làm, từ từ chúng ta cũng phải làm. Nhưng tâm lý không giải quyết nhanh mà để kéo dài thì mất thị trường, ‘chờ được vạ thì má đã sưng’”.
Trong lần trả lời phỏng vấn gần đây, ông đề cập đến việc nguồn tour mới giờ rất ít, chủ yếu là khách hàng cũ. Những con số cụ thể nào nói lên điều đó?
Chúng ta có 2 nguồn tour du lịch đổ về, một là nguồn từ nước ngoài vào, hai là nguồn trong nước. Nhìn ở góc độ nguồn nước ngoài vào thì các doanh nghiệp đều phải công nhận và đều thấy nguồn tour toàn bộ là booking (đặt trước) cũ của năm 2018-2019. Các booking từ nay cho đến cuối năm không phải không có, nhưng khi dịch xảy ra thì gần như hoãn hủy gần hết. Khách rất băn khoăn và họ cũng muốn làm rõ trước khi đặt chương trình tour.
Giờ này, bản thân thị trường lớn nhất là thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc, Nhật Bản, tất cả các chuyến bay charter (thuê bao nguyên chuyến) từ các thị trường này đến Việt Nam, cũng như từ Việt Nam sang các thị trường này đều bị hủy hết, đến giờ chưa có kế hoạch bay, đến tận hè.
Rõ ràng, nguồn khách mới, chúng ta chưa khẳng định được, còn luồng khách cũ thì đi nốt xong là hết. Điều này đặt Việt Nam vào tình thế có khả năng mất mùa khách khá lớn từ nay đến cuối năm 2020, đặc biệt là từ thị trường châu Á, Đông Bắc Á đến Việt Nam vào mùa hè này.
Đến thời điểm này, ở góc nhìn của lãnh đạo công ty lữ hành lớn, ông thấy ngành du lịch Việt Nam phản ứng ra sao với dịch cúm Corona?
Tôi cho rằng dịch Corona là sự kiện khá bất ngờ với ngành du lịch Việt Nam, trong bối cảnh đúng vào mùa cao điểm khiến tất cả đều bị động, lại rơi đúng vào dịp nghỉ Tết Âm lịch nữa.
Ngành du lịch nói chung cũng như các doanh nghiệp nói riêng đều phản ứng chưa nhanh và chưa tích cực, có điều gì đó mang tính hơi chờ đợi tình hình rồi mới điều chỉnh. Điều này cũng là một kinh nghiệm cho thấy ngành du lịch Việt Nam cần phải xây dựng những kịch bản đầy đủ để ứng phó dịch bệnh và cả với khủng hoảng khác nữa.
Ông từng nói: "Khi khủng hoảng xảy ra, mọi công ty đều về vạch xuất phát, không phân biệt lớn nhỏ. Doanh nghiệp chạy nhanh hơn sẽ lấy lại thị trường". Điều này có đúng với dịch COVID-19 không hay doanh nghiệp lớn sẽ ít khó khăn hơn so với doanh nghiệp nhỏ?
Doanh nghiệp to chưa chắc đã ổn nếu không tái cấu trúc nhanh vì chi phí lớn. Doanh nghiệp nhỏ chưa chắc đã chết vì xoay sở nhanh. Vấn đề là với kích cỡ của mình thì phải chọn cái áo cho vừa, không thể mặc áo cũ được. Khi cả thị trường bị đảo lộn thì tất cả đều đứng ở vạch xuất phát hết, đều bằng nhau cả.
Ông có đề xuất việc mở một chiến dịch tổng thể cho du lịch Việt Nam với chủ đề "Vietnam, I am safe". Trong bối cảnh Trung Quốc - nước láng giềng vẫn chưa hết dịch và còn diễn biến chưa thể kiểm soát, một chiến dịch với khẩu hiệu như vậy có mạo hiểm vào thời điểm hiện nay không?
Nếu bạn đi xe máy đội mũ bảo hiểm, có an toàn không? Trước hết là an toàn hơn không đội mũ cái đã. Vậy khi chúng ta đã áp dụng tất cả các biện pháp để đảm bảo an toàn, kết quả phòng chống dịch Corona có hiệu quả rất tốt, được thế giới đánh giá cao, thì tại sao lại nghĩ chúng ta không an toàn?
Điều kế tiếp là chúng ta phải nhận định chính xác: khủng hoảng này không chỉ là khủng hoảng về thị trường khách, mà trước hết là khủng hoảng tâm lý. Mà khủng hoảng tâm lý thì phải giải quyết bằng tâm lý.
Khủng hoảng tâm lý là gì? Tâm lý của bạn là sợ bóng đêm, bước ra cửa là sợ ma, ví dụ như thế, thì thắp ngọn đèn thấy rõ mồn một xung quanh thì còn sợ ma không? Không. Ở nhà bước ra đường ở quê không có đèn thì sợ, đi ríu chân, nhưng nếu đèn sáng vằng vặc suốt con đường, thấy rõ luôn thì còn sợ ma nữa không?
Chúng ta cần xác định và khẳng định rõ: khu vực đó an toàn, điểm đến đó an toàn, nhà hàng đó an toàn… để khách biết họ đến. Cái sợ nhất là không biết ở đâu an toàn. Với tất cả những biện pháp chúng ta đã áp dụng, chúng ta phải tự tin tuyên bố chứ.
16/16 trường hợp nhiễm Corona đã hết bệnh: từ 3 tháng tuổi đến 73 tuổi đều đã được chữa khỏi. Tất cả những người nghi nghiễm đã được cách ly khỏi những khu vực tập trung. Những biện pháp phòng chống dịch chúng ta đã làm tốt. Tại sao chúng ta sợ?
Chúng ta phải nói cho thế giới biết: Việt Nam an toàn. Sau khi nói an toàn rồi mới nói chuyện khác được, người ta mới đến được.
Vậy còn những biện pháp kích cầu ngành du lịch thì sao?
Người ta đang sợ dịch mà quảng bá mua 1 tặng 1 liệu bạn có đến không? Nếu an toàn rồi thì mua 1 không cần tặng gì tôi vẫn đến, vì an toàn, sức khỏe là vốn quý. Vì thế, tôi cho rằng việc đầu tiên phải giải quyết là vấn đề tâm lý, sau đó mới đến gói khác.
Theo ông, gói giải pháp giúp ngành du lịch có thể phát triển trở lại sau dịch cúm Corona nên ra sao?
Theo tôi nên có 3 gói: một gói doanh nghiệp và Nhà nước phải làm chung, gói thứ 2 của Nhà nước và gói thứ 3 từ doanh nghiệp. Đó là một tam giác, chứ không thể chuyện gì cũng dựa vào Nhà nước.
Đầu tiên, Nhà nước và doanh nghiệp phải bắt tay cùng chống dịch và tuyên bố Việt Nam an toàn: Từng khu vực, từng tỉnh thành, ngành tuyên bố an toàn; từng địa điểm tham quan du lịch tuyên bố an toàn; hệ thống vận chuyển, bao gồm đường sắt, đường bộ, đường hàng không, sân bay bến cảng… tuyên bố an toàn; từng khu lưu trú, resort… áp dụng đầy đủ các biện pháp rồi thì tuyên bố an toàn.
Chúng ta phải lập được bản đồ số an toàn của du lịch Việt Nam để mọi người biết khu vực nào an toàn, và yên tâm đến. Cái này thì Nhà nước và nhân dân phải cùng làm.
Trong cuộc họp gần dây, chính Thủ tướng đã đứng lên nói rõ: Việt Nam an toàn - an toàn về du lịch và an toàn về môi trường đầu tư. Thông điệp Thủ tướng đã đưa ra rồi, tại sao chúng ta không lan tỏa?
Gói thứ hai, từ phía quản lý Nhà nước. Ở đây là vai trò của Chính phủ kiến tạo, với các giải pháp về xuất nhập cảnh, tài chính (giảm, giãn thuế VAT hay thu nhập doanh nghiệp, cho vay lãi suất thấp…) và xúc tiến quảng bá. Tôi cho rằng, Nhà nước cần mở quỹ xúc tiến, cùng với Bộ Ngoại giao mở những đợt quảng bá ở nước ngoài, nói rằng Việt Nam an toàn.
Các đại sứ quán sẽ là các hạt nhân. Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch và các doanh nghiệp du lịch sẽ tham gia đồng hành tổ chức chiến dịch ở nước ngoài – "Vietnam is safe". Chúng ta phải làm tất cả các biện pháp, truyền thông đại chúng, báo chí cùng vào cuộc để khẳng định "Vietnam is safe" cho cả thế giới biết.
Gói cuối cùng là doanh nghiệp. Đây chính là thuốc thử liều cao. Các doanh nghiệp bắt buộc phải xây dựng lại hệ thống quản trị, tái cấu trúc thị trường khác, tái cấu trúc hệ thống dịch vụ, giảm bớt chi phí để tồn tại và sau dịch tận dụng tốt gói hỗ trợ của Chính phủ, triển khai các đợt xúc tiến, phục hồi và vươn lên mạnh hơn nữa sau khi dịch kết thúc.
Trong cơn bão Corona, Vietravel đã có những điều chỉnh gì để thích ứng với tình hình mới?
Vietravel điều chỉnh khá nhiều đấy. Thứ nhất là chúng tôi tiếp cận Corona một cách chủ động, như việc đề xuất một chiến dịch "Vietnam, I am safe", chứ không phải ngồi chờ. Thứ hai là tái cấu trúc lại toàn bộ sản phẩm, tập trung tái cấu trúc toàn bộ khâu điều hành, giảm bớt chi phí, hợp lý hóa quy trình làm việc để tạo ra hiệu quả tốt nhất.
Thứ ba, Vietravel đang tập trung chuyển đổi số. Chúng tôi đã thực hiện chuyển đổi số hai năm nay rồi, theo định hướng đến tháng 10 là xong. Giờ thì tôi yêu cầu đến tháng 4 phải xong, tự dưng có thời gian dài như thế, không chuyển đổi số nhanh thì để làm gì? Nếu triển khai nhanh thì ngay sau dịch kết thúc bộ máy sẽ rất gọn, công suất cao, hiệu quả cao ngay lập tức.
Vietravel đã có áp dụng gì từ kinh nghiệm vượt qua dịch SARS trước đây hay không?
Tất cả những thứ tôi vừa nói đều từ dịch SARS mà ra hết đấy (cười), nhưng không phải chỉ dịch SARS. Vietravel đã từng chịu khủng hoảng kinh tế châu Á, lúc đó còn rất nhỏ mà mình hội nhập còn chưa sâu, nên tác động không quá lớn.
Năm 2002 thì tác động bắt đầu nặng rồi, nhưng thời đó mạng xã hội hoạt động chưa mạnh, nên mọi người chỉ nhận thông tin từ báo chí, xuất bản hàng ngày nên thông tin được kiểm soát khá tốt. Không như bây giờ, tin giả tin thật rất khó kiểm soát. Năm 2008-2012 thì trải qua suy thoái toàn cầu.
Qua tất cả những việc như thế, Vietravel rất "thấm" và tự xây dựng cho mình đề án để biết khi dịch xảy ra mình phải làm gì, khi có khủng hoảng xảy ra phải làm gì. Nên bây giờ khi khủng hoảng Corona xảy ra thì Vietravel cũng khá chủ động chứ không bị động lắm, nhưng phải khẳng định là vẫn bị ảnh hưởng rất nặng.
Khi làm việc với các đối tác nước ngoài, ông thấy họ nghĩ gì về việc đặt tour đến Việt Nam?
Khi tôi làm việc với các đối tác, họ cũng rất lo lắng, Việt Nam quá gần Trung Quốc. Họ hỏi rất thật: "Việt Nam có công bố số liệu thật không?" (cười), vì họ không tin số liệu của Trung Quốc. Tôi khẳng định lại những biện pháp mà Chính phủ Việt Nam áp dụng: Chính phủ đã làm gì, người dân đã làm gì, doanh nghiệp đã làm gì… Tôi viết e-mail đúng những gì đang diễn ra, và chụp hình, quay các đoạn video ngắn cho họ thấy luôn.
Kết quả, cái mà họ quan tâm nhất là tỷ lệ người nhiễm bệnh và chữa bệnh là thế nào. Tôi nói với họ: "Với quan hệ của tôi, dưới góc độ của tôi, tôi khẳng định những thứ Chính phủ Việt Nam đã công bố là con số thật. Đến giờ, tất cả người nhiễm bệnh đã được chữa khỏi, người dân sinh hoạt bình thường".
Mình có bằng chứng rõ ràng như vậy cũng làm cho họ yên lòng hơn. Tuy nhiên, các đoàn khách của họ hoãn hủy thì mình cũng rất thông cảm và đồng ý, cho rằng thiệt hại là cả mình và họ đều gánh. Mình cùng bàn với họ để giảm giá, giảm chi phí, tính toán sản phẩm mới để xây dựng chiến dịch sau dịch là chạy ngay.
"Thị trường Trung Quốc sẽ là một ẩn số với du lịch Việt Nam năm 2020", ông nghĩ gì về nhận xét đó?
Họ là ẩn số thì ta phải dự báo và dự đoán. Lúc này, đối với ngành du lịch Việt Nam nói chung và bản thân Vietravel nói riêng, dòng khách Trung Quốc vẫn có vai trò khá lớn. Mình phải đưa ra kịch bản.
Kịch bản tốt nhất là Trung Quốc sẽ vượt qua được, vào khoảng tháng 6, tạm gọi là mất thị trường tháng 7, tháng 8 và cơ hội sẽ đến vào tháng 9, tháng 10 – Quốc khánh Trung Quốc. Vào ngày 1/10, để giải tỏa bí bức và để chứng minh cho thế giới thấy là Trung Quốc hoàn toàn có thể vượt qua dịch bệnh một cách kiêu hãnh, Chính phủ Trung Quốc có thể công bố một đợt nghỉ dài để người dân nghỉ Quốc khánh và là dịp bùng nổ du khách trở lại. Tuy không thể phục hồi bằng lúc trước dịch nhưng sẽ là chân đế để thúc đẩy từng bước đến cuối năm 2020 có lại đợt khách mùa đông từ Trung Quốc sang Việt Nam tránh rét.
Kịch bản xấu nhất là dịch kéo dài. Mình phải đẩy mạnh chiến dịch "Vietnam is safe", chứ không thể "chìm" theo họ được.
Nhưng theo tôi, điều quan trọng là phải giải quyết thị trường du lịch nội địa trước khi thúc đẩy khách nước ngoài vào. Chúng ta phải giữ được toàn bộ hệ thống hậu cần phục vụ ngành du lịch "sống" đến khi có khách nước ngoài vào, mà cái này chỉ có du lịch nội địa thôi. Chúng ta phải kích cầu du lịch nội địa trước rồi mới giải quyết du lịch inbound sau. Đó là bài toán muôn thuở và mang tính quy luật.
Vậy muốn thúc đẩy du lịch nội địa thì nên làm gì?
Vẫn là an toàn trước, sản phẩm sau và thứ ba sẽ có khuyến mãi của các địa phương. Ví dụ như các điểm tham quan, vui chơi giải trí, đặc biệt là di tích thì có thể cho khách vào miễn phí trong vài tháng, giảm phí cầu đường, xây dựng các chương trình, sự kiện khuyến khích đi du lịch…
Chính phủ Nhật từng chi 100 USD cho những người đi du lịch trong nước, các công ty du lịch được hưởng. Khi khách vào, họ được lấy tiền đó trừ thẳng cho khách. Nhưng 100 USD này chỉ đi trong nước nên lại quay thẳng về nền kinh tế, đó là một đề xuất của Vietravel.
Từng trải qua các thăng trầm của ngành du lịch, ông thấy dịch Corona thì ngoài khủng hoảng có thể đem đến cơ hội gì?
Ngành du lịch sẽ nhìn thấy cơ hội. Khi doanh nghiệp tái cấu trúc thì ngành du lịch cũng sẽ tái cấu trúc thị trường khách.
Cơ cấu thị trường khách hiện nay của chúng ta đang phụ thuộc quá nặng vào thị trường Đông Bắc Á. Sắp tới Đông Bắc Á vẫn quan trọng nhưng khi bị ảnh hưởng nặng bởi thị trường đó khủng hoảng thì du lịch Việt Nam cần rút kinh nghiệm trong vấn đề tái cấu trúc.
Các thị trường du lịch dài ngày, chi phí lớn và ổn định như Tây Âu, Úc, New Zealand, Mỹ… chưa được chúng ta đầu tư lớn và cẩn thận. Đây là điều khá đáng tiếc. Thị trường du lịch tàu biển cũng rất tiềm năng và triển vọng nhưng đầu tư cũng chưa ổn. Ví dụ như cảng đủ sức đón tàu lớn ta chưa có…
Khi khủng hoảng, chúng ta có cơ hội nhìn để điều chỉnh nhiều thứ cho phù hợp hơn, có thêm nhiều kinh nghiệm, giúp ngành du lịch Việt Nam trưởng thành hơn sau dịch Corona này.
Kế hoạch thành lập hãng hàng không của Vietravel có bị ảnh hưởng bởi dịch cúm Corona hay không?
"Cô" (dịch cúm Corona - PV) này ghê lắm (cười). Chắc chắn là có ảnh hưởng, không tránh được. Kế hoạch của Vietravel dự kiến tháng 10 có thể bay được, nhưng có lẽ phải lùi lại ít nhất 2 tháng để điều chỉnh cơ cấu thị trường một chút.