Nếu xem bóng đá như một trò chơi, thì người La Mã, người Trung Quốc, người Ai Cập, người Nhật Bản hay Mexico đều có cơ sở để khẳng định họ mới chính là "quê hương" của bóng đá.
Nhưng nếu xem bóng đá như một môn thể thao, thì nó chỉ có một quê hương duy nhất, đó chính là nước Anh trung cổ. Từ đầu thế kỷ 19, người Anh đã xem bóng đá là môn thể thao thích hợp để chống lại xu hướng sa vào lối sống thiếu lành mạnh trong giới trẻ.
Như David Winner viết trong cuốn Those Feet (Những bàn chân đó), sự bùng nổ của bóng đá ở đầu kỷ nguyên Victoria bắt nguồn từ một ý tưởng khá kỳ quặc.
Người ta cho rằng sự suy yếu của Đế chế Anh bắt nguồn từ sự sa đọa về đạo đức. Người ta nghĩ rằng cần phải khuyến khích những môn thể thao đồng đội, vì những môn thể thao đồng đội sẽ ngăn chặn sự bùng nổ của chủ nghĩa duy ngã, mà chủ nghĩa duy ngã chính là thứ nuôi dưỡng thói thủ dâm, một hành động không thể tồi tệ hơn!
Bóng đá thời kỳ đầu khá hỗn loạn, trông khá giống... rugby
Bắt đầu từ các trường Công giáo, bóng đá như chúng ta biết đến ngày nay bắt đầu được phổ biến và nhanh chóng trở thành một môn thể thao đại chúng.
Thuở sơ khai, bóng đá ở trong tình trạng khá... hỗn loạn. Không có một bộ luật chung nào, thế nên ở mỗi vùng, thậm chí mỗi trường, người ta lại chơi bóng theo một kiểu.
Những nỗ lực luật hóa môn thể thao vua đã dẫn tới sự ra đời của Bộ luật Cambridge vào năm 1848, nhưng bộ luật này còn lâu mới đạt tới sự hoàn chỉnh, và trong những ngày đầu, không phải đội bóng nào cũng chịu tuân theo sự điều chỉnh của bộ luật này.
Trong những năm đầu, có hai điều chỉnh rất quan trọng được đưa vào luật. Thứ nhất là quy định cầu thủ trên sân (trừ thủ môn) không được chơi bóng bằng tay. Điều này dẫn tới việc bóng đá và rugby (bóng bầu dục) bị tách làm 2 nửa riêng biệt, đường ai nấy đi.
Và thứ hai là Điều 6, tiền thân của luật việt vị, quy định khi một cầu thủ có bóng, thì những đồng đội của anh ta nếu đứng gần cầu môn của đối phương hơn sẽ bị tính là việt vị.
Nói một cách đơn giản, nếu một cầu thủ đang có bóng muốn chuyền bóng cho đồng đội, thì anh ta chỉ có 2 lựa chọn là chuyền ngang hoặc chuyền về. Đấy là quy định đã giữ cho bóng đá gần với... rugby. Một cầu thủ khi có bóng thường chỉ chăm chăm lao lên phía trước, trong khi đồng đội của anh ta chỉ có thể chạy theo phía sau để có thể hỗ trợ kịp thời mỗi khi anh ta bị đối phương tấn công.
Một cảnh tượng thường thấy trong những trận bóng đá của thời gian này là những học sinh ưu tú, hoặc những học sinh lớn tuổi, sẽ dẫn bóng chạy từ đầu này sân tới đầu kia sân. Đồng đội của anh ta sẽ chạy thành hàng ở phía sau để hỗ trợ, phòng khi trái bóng nảy ra sau một pha vào bóng của cầu thủ đối phương.
Một cầu thủ "ở đẳng cấp hàng đầu", do đó, là một cầu thủ "không bao giờ rời mắt khỏi trái bóng, trong khi vẫn để ý quan sắt nhằm tìm ra những khoảng trống trong hàng ngũ đối phương, hoặc những điểm yếu nơi hàng phòng ngự của họ, để tìm ra cơ hội đưa bóng tới khung thành."
Rê dắt, do đó, trở thành đặc tính của bóng đá ở Anh trong suốt một thời gian dài. Ngay cả khi Điều 6 thay đổi theo hướng nới lỏng quy định bắt việt vị (cầu thủ nhận bóng chỉ cần đứng cao hơn 3 hậu vệ đối phương là được), người Anh vẫn xem việc chuyền bóng là lựa chọn không... "đàn ông", và do đó không khuyến khích các cầu thủ làm việc đó.
Tuy nhiên, ở phía Bắc, người Scotland lại nghĩ khác. Họ nhìn ra mặt tích cực của việc chuyền bóng, một phần vì luật việt vị ở Scotland lỏng lẻo hơn. Khái niệm "tập thể", "phối hợp" được nhắc tới thường xuyên trong các bài tường thuật của bóng đá Scotland thời kỳ những năm 1870. Và chính họ là những người đã góp phần "mở mắt" cho người Anh về giá trị của nghệ thuật chuyền bóng.
Trận giao hữu Quốc tế đầu tiên giữa Anh và Scotland.
Trong trận giao hữu quốc tế đầu tiên trên thế giới, diễn ra giữa Anh và Scotland, thực ra là tập hợp những cầu thủ Scotland ở London, vào năm 1873, người Anh với nền tảng tốt hơn hẳn đã phải chấp nhận một trận hòa không bàn thắng.
Sơ đồ 2-2-6 người Scotland sử dụng trong trận giao hữu quốc tế với Anh
Scotland, bị đánh giá là thấp bé nhẹ cân hơn, đã không chọn đối đầu trực tiếp với đối thủ mà sử dụng những đường chuyền và khả năng phối hợp để giữ bóng hoặc tấn công. Kể từ đó, thay vì mỉa mai và tẩy chay, người Anh buộc phải thừa nhận chuyền bóng cũng là một lựa chọn đáng phải xem xét.
Khi chuyền bóng trở thành một xu hướng không thể cưỡng lại, thì lại phát sinh một vấn đề mới. Trong sơ đồ 2-2-6 rất thịnh hành ở những thời kỳ đầu, vai trò của 2 tiền đạo trung tâm là không khác gì nhau khi các đội bóng lựa chọn lối chơi đồng đội. Để giải quyết tình trạng thừa thãi đó, các đội bóng quyết định kéo một tiền đạo xuống hàng tiền vệ. "2-2-6" trở thành "2-3-5" - sơ đồ Kim tự tháp.
Trong sơ đồ này, vai trò của tiền vệ trung tâm là cực kỳ quan trọng. Jonathan Wilson trong cuốn sách về chiến thuật nổi tiếng "Inverting the Pyramid" đã bình luận rằng tiền vệ trung tâm trong sơ đồ 2-3-5 là một người "đa năng, toàn diện, vừa là cầu thủ tấn công, vừa là cầu thủ phòng ngự, vừa là lãnh đạo, vừa là người thực hiện, vừa là người ghi bàn vừa là người phá lối chơi".
Thành công của Preston North Ends trong những năm 1880 đã đặt nền tảng cho sự thống trị của 2-3-5. Với sơ đồ này, Preston North Ends đã đoạt cả 2 chức vô địch Football League đầu tiên, và đáng nói hơn, họ đã kết thúc mùa giải 1887/88 với thành tích không thua một trận nào.
Anh sử dụng sơ đồ 2-3-5 lần đầu tiên trong trận giao hữu với Scotland vào năm 1884. Người Anh sau đó đã đem 2-3-5 theo mình ở bất kỳ nơi nào mà họ đặt chân tới. Và 2-3-5 sẽ còn tiếp tục là sơ đồ chủ đạo trên toàn thế giới cho tới tận năm 1925, khi những thay đổi trong luật việt vị dẫn tới sự ra đời của sơ đồ W-M, với cha đẻ là huyền thoại Herbert Chapman!