Nhiều học sinh vì lý do tài chính đã phải từ bỏ giấc mơ vào các trường đại học mơ ước, thay vào đó, ngậm ngùi chọn những phương án ít tốn kém hơn. Một vài gia đình lại tìm đến các giải pháp như vay mượn từ người thân, bạn bè, hoặc chọn vay vốn sinh viên từ ngân hàng để xoay sở các khoản phí cho con học đại học. Tuy nhiên, việc vay mượn này cũng mang lại nhiều rủi ro và áp lực, đặc biệt là khi phụ huynh canh cánh nỗi lo việc làm trong lòng. Một số học sinh cũng tìm cách tự trang trải chi phí học tập bằng việc làm thêm, thế nhưng việc vừa học vừa làm đôi khi lại ảnh hưởng đến kết quả học tập và sức khỏe của các em.
Nỗi lo về tài chính đại học thực sự là nỗi niềm chung của nhiều gia đình và là một bài toán khó cần được lắng nghe và giải quyết thấu đáo.
Đứng trước ngưỡng cửa đại học của con cái, tâm trí phụ huynh lại tràn ngập muôn nỗi suy tư. Những trăn trở này không chỉ dừng lại ở việc lựa chọn ngôi trường nào mà còn là nỗi lo lắng về vấn đề tiền bạc, nơi ăn chốn ở và tương lai sự nghiệp của con. Mỗi quyết định đều có thể ảnh hưởng đến tương lai sau này, từ cơ hội nghề nghiệp đến sự hài lòng trong công việc, cuộc sống. Một lựa chọn không phù hợp có thể dẫn đến việc lãng phí thời gian, tiền bạc, gia tăng áp lực học tập lên con cái.
Trong khi đó, quá trình đối thoại giữa bố mẹ và con cái đôi khi lại gây nên những mâu thuẫn, khi mỗi thế hệ lại có cách nhìn nhận khác nhau về giá trị của ngành nghề và cơ hội nghề nghiệp trong tương lai. Bố mẹ thường ưu tiên những ngành học truyền thống, có sự ổn định và danh tiếng, trong khi con trẻ lại bị cuốn hút bởi những ngành học mới mẻ, sáng tạo và phù hợp với xu hướng hiện đại.
Theo chú Nguyễn Thanh Liêm: “Ngay từ khi con học cấp 1, cấp 2 chú đã từ từ chuẩn bị tài chính cho hành trình học đại học của con, tính toán từng chút một để lo đủ cho gia đình và cho việc học. Tại vì tiền lương chú không quá nhiều nên việc chuẩn bị cho phần tài chính đại học nó là cả một quá trình rất là dài. Cô chú cũng chuẩn bị một bản kế hoạch chi tiêu tài chính, chia ra 50% đến 55% là về tiền học, 25% đến 30% là tiền sinh hoạt, phần còn lại sẽ là chi phí phát sinh.”
Là người mẹ có con sắp bước vào cổng trường đại học, theo chị Lê Thị Thu Hà (TP. HCM): “Gia đình không áp đặt con về mặt thành tích học tập. Việc chọn trường, chọn ngành về phía phụ huynh thì cũng chỉ hỗ trợ con ở góc độ gợi ý, giúp con định hướng nghề nghiệp và đưa ra lựa chọn phù hợp. Đối với gia đình tôi, điều quan trọng nhất khi chọn trường, chọn ngành cho con đó chính là chọn được ngành nghề đúng sở thích, đam mê, rồi sau đó mới tính đến các yếu tố khác như tiềm năng về cơ hội việc làm, thu nhập sau khi ra trường”.
Bên cạnh nỗi lo ngành nghề, là những nỗi niềm của bố mẹ về tài chính học đại học. Khi nghĩ đến khoản tiền học phí, sinh hoạt phí và các chi phí phát sinh khác, nhiều phụ huynh không khỏi “hoảng” khi ước lượng con số “tổng”. Trò chuyện về vấn đề tài chính, gia đình chị Lê Thị Thu Hà và anh Đăng Trung Thông chia sẻ: “Đối với việc cân đối tài chính khi cho con đi học đại học, gia đình tôi sẽ ngồi lại và áng chừng chi phí trong 3.5 - 4 năm học đại học, rồi từ đó sẽ chia ra mỗi năm hết bao nhiêu, mỗi tháng hết bao nhiêu để dễ cân đối. Tuy nhiên trong quá trình đó, cũng sẽ có những chi phí phát sinh mà mình sẽ không ngờ tới được. Ngoài ra, tôi cũng quan sát thấy nhiều gia đình tính chi phí học đại học của con chỉ bao gồm học phí thôi, còn các chi phí sinh hoạt ngoài lề sẽ tính vào chi phí gia đình. Cá nhân tôi cho rằng, cách tính này lại vô tình làm mất đi cơ hội để con thể hiện tính trách nhiệm với chi phí tổng mà bố mẹ đầu tư cho con. Cách làm của tôi là không gộp chi phí ăn học, sinh hoạt của con vào phần chi phí gia đình”.
Anh Đặng Trung Thông cũng chia sẻ thêm về những “kinh nghiệm xương máu” khi có con đang là sinh viên năm 2: “Năm đầu tiên tôi để con ở ký túc xá. Vì vừa đổi môi trường học tập mới lại sống xa nhà, mà còn sống tập thể nữa nên có vô vàn những vấn đề phát sinh, và đa số những vấn đề sẽ xoay quanh câu chuyện quản lý chi tiêu của con. Tôi thường đưa cho con một khoản sinh hoạt phí cố định hàng tháng và con sẽ có nhiệm vụ tự cân đối, chi tiêu trong một tháng với khoản tiền đó. Có lần con tôi vì tin tưởng nên cho bạn mượn tiền nhiều lần nhưng bạn lại không trả khiến con bị thiếu hụt tiền, tuy nhiên cháu lại không chia sẻ với bố mẹ. Thay vào đó, con tôi chọn cách im lặng, sống tiết kiệm, chi tiêu dè sẻn hơn khiến chất lượng đời sống bị ảnh hưởng. Mãi đến khi số tiền bạn mượn quá lớn thì lúc đó con mới rụt rè chia sẻ với bố mẹ. Sau một năm, vì có quá nhiều vấn đề phát sinh nên gia đình đã quyết định đón con về, chấp nhận việc con đi học xa”.
Cũng theo anh Đặng Trung Thông, nếu được trở lại thời gian trước khi con vào đại học, anh sẽ có sự chuẩn bị và hoạch định tài chính đại học rõ ràng hơn: “Đầu tiên tôi sẽ đi tìm các thông tin tài chính về ngành học, về trường học dự kiến. Đặc biệt, ngoài tiền học phí và sinh hoạt phí thì cũng sẽ cần tính thêm những chi phí khác, có thể là tiền học thêm ngoại ngữ, kỹ năng mềm, rèn luyện thể thao… Thật ra trong các khoản chi thì học phí vẫn là khoản chi “nặng” nhất. Trong quá trình con học đại học, có một khoản chi mà bản thân gia đình tôi cũng không lường trước được, đó chính là tiền học lại, nên nếu như được quay trở lại thì tôi sẽ chủ động để dành thêm khoản chi phí khác để chi trả cho các vấn đề phát sinh này. Việc này khá là quan trọng giúp giảm thiểu rủi ro, đặc biệt là tránh tình trạng đứt gánh giữa đường.”
Câu chuyện “hoảng khi tính tổng” không chỉ đúng với phụ huynh mà còn phản ánh tâm trạng của nhiều học sinh, sinh viên. Nhìn vào toàn bộ chi phí cho bốn năm đại học, không ít bạn trẻ cảm thấy hoang mang và đôi khi còn khiến họ tự đặt ra câu hỏi liệu việc theo đuổi giấc mơ đại học có thực sự khả thi và có “đáng” không?
Theo Sỳ Nghiêm Vũ (SV năm 3, Khoa Quan hệ Quốc tế HUFLIT), mỗi người sẽ có những cách suy nghĩ riêng về việc học đại học. Đối với những bạn coi việc học là quan trọng thì số tiền bỏ ra là một sự đầu tư chính đáng, với bạn coi việc học đại học là “cưỡi ngựa xem hoa” thì số tiền bỏ ra rất là phí. Ngoài ra, việc học đại học còn phụ thuộc vào vấn đề chọn ngành, chọn trường. Nếu chọn đúng ngành đúng trường yêu thích thì chi bao nhiêu tiền cũng không thấy tiếc. Nhưng nếu học cảm thấy không thích, không phù hợp thì nên ngưng sớm để tìm phương án tốt hơn.
Việc ngại chia sẻ các vấn đề tài chính cũng là một trở ngại làm gia tăng căng thẳng lên sinh viên. Nhiều bạn trẻ không dám nói với bố mẹ về những lo lắng của mình vì sợ làm phụ huynh thêm áp lực. Các bạn thường tự mình chịu đựng, tìm cách làm thêm để giảm bớt gánh nặng tài chính, hoặc thậm chí từ bỏ những lựa chọn học tập yêu thích để chọn những phương án ít tốn kém hơn.
Đối với Diệp Kim Yến (SV năm 3, Khoa CNTT HUFLIT), cô nàng chọn cách lập kế hoạch chi tiêu rõ ràng ngay từ đầu tháng: “Lúc chọn trường Đại học, em sẽ chọn học phí trước, sau đó mới quan tâm đến điểm đầu vào. Trong suốt quá trình học của mình, em luôn lập bảng tính toán chi tiêu rất kỹ, và tìm ra những phương pháp tiết kiệm phù hợp với từng thời điểm. Mỗi tháng khi có tiền, em đều chia ra theo từng khoản và luôn dành một khoản nhỏ để dùng cho chi phí phát sinh, tức là nếu em đã dùng hết trong những khoản cố định thì em vẫn còn khoản phòng hờ mà xài”.
Tuy nhiên, không phải lúc nào các khoản phát sinh cũng nằm trong dự tính, dẫn đến chi tiêu bị “thâm hụt” lúc nào không hay. Minh Duy (SV năm 3, Khoa Quan hệ quốc tế, HUFLIT) chia sẻ: “Mình thường xuyên rơi vào trạng thái bị thâm hụt, vì có những khoản tiền đến khá là bất ngờ mà mình không thể nào kiểm soát được. Và để đảm bảo chi tiêu hằng tháng cũng như bù đắp cho những khoản phát sinh đó thì mình sẽ đi làm thêm nhiều chỗ bên ngoài để có thêm thu nhập trang trải”.
Hiện nay, tổng chi phí cho một lộ trình học đại học không hề nhỏ, tuy nhiên, việc đầu tư vào giáo dục không chỉ đơn thuần là những đong đếm về mặt con số mà còn cần nhìn nhận từ góc độ con người. Việc không chia sẻ những lo lắng về tài chính có thể dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực, ảnh hưởng đến tâm lý và kết quả học tập của các bạn. Do đó, mở lòng và chia sẻ với gia đình, tìm kiếm sự hỗ trợ từ nhà trường và các tổ chức thanh niên, sinh viên là việc cần thiết. Bên cạnh đó, hiểu và áp dụng những công cụ quản lý tài chính cũng là một giải pháp quan trọng giúp bạn trẻ tiếp tục con đường học tập và theo đuổi ước mơ một cách tự tin hơn.
“Đại học” là một khoản đầu tư quan trọng trong hành trình của mỗi sinh viên. Học Đại học không chỉ mang lại những trải nghiệm quý báu, mà còn giúp bạn trẻ tích lũy kiến thức, kỹ năng có giá trị, mở ra nhiều cơ hội sự nghiệp và gia tăng thu nhập dài hạn. Tuy nhiên, giống như mọi hình thức đầu tư khác, đầu tư vào đại học cũng tiềm ẩn rủi ro, có thể để lại những khoản "nợ," trải nghiệm chưa trọn vẹn, và những cơ hội bị bỏ lỡ. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng về "tài chính đại học" có thể giúp giảm thiểu những rủi ro này và tăng khả năng nắm bắt cơ hội khi theo học đại học cho các bạn sinh viên.
Khi nhìn nhận ở góc độ con người, một môi trường học tập tốt sẽ giúp bạn trẻ phát triển toàn diện, không chỉ về kiến thức mà còn về kỹ năng sống, khả năng tư duy và xây dựng mối quan hệ xã hội. Cách các bạn phát triển khả năng tự nghiên cứu, tự cập nhật kiến thức bản thân để thích ứng với sự phát triển của xã hội mới là điều quan trọng để cơ hội nghề nghiệp rộng mở, khiến cho tấm bằng đại học không cũ kỹ lạc hậu dù nền kinh tế có biến chuyển như thế nào đi chăng nữa.
Để tháo gỡ những nút thắt về vấn đề tài chính khi học đại học, bố mẹ có thể cùng con cái ngồi lại, tìm hiểu và lên kế hoạch tài chính một cách khoa học, hợp lý. Đặc biệt trong bối cảnh học phí đại học tăng qua từng năm và hoàn toàn có thể dự đoán trước, thì việc phụ huynh và học sinh có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về nguồn lực và kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính cho bản thân thực sự trở nên cần thiết. Điều này không chỉ giúp giảm bớt áp lực tài chính mà còn giúp mọi người có một cái nhìn đồng thuận, con trẻ học được cách quản lý tiền bạc ngay từ khi đứng trước ngưỡng cửa đại học.
Đồng hành cùng học sinh và phụ huynh trong việc giải quyết bài toán tài chính đại học, Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức webinar “Tài chính đại học: Đừng tính tổng, sẽ hoảng!” nhằm tháo gỡ các vướng mắc, cung cấp bức tranh tài chính tổng thể cho mọi người.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã cùng nhau giải đáp các thắc mắc về Tài chính đại học, mang đến những góc nhìn mới cho cả phụ huynh và học sinh. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng giới thiệu và hướng dẫn công cụ lập kế hoạch Tài chính đại học, chia sẻ về chính sách học bổng và tuyển sinh của HUFLIT.
Đặc biệt, phụ huynh học sinh tham gia Webinar “Tài chính đại học: Đừng tính tổng, sẽ hoảng!” còn được nhận Cẩm nang Tài chính đại học. Đây là cuốn cẩm nang cung cấp thông tin chi tiết, cụ thể về kiến thức Tài chính đại học, lập kế hoạch chi tiêu, cũng như phát triển kỹ năng quản lý tài chính của bản thân.
Đại học là nơi người học tích lũy trải nghiệm đáng giá và kỹ năng thiết yếu để có một tương lai thành đạt. Sự lo lắng của phụ huynh và học sinh có thể bắt nguồn từ những thói quen hoạch định tài chính truyền thống, khi chỉ tập trung vào con số mà quên đi các “phần quà tặng kèm” không kém phần quan trọng khác. Một khi được trang bị một cái nhìn toàn cảnh về bức tranh tài chính đại học, gia đình có thể an tâm hơn về hành trình học tập và phát triển của con em mình.