Gặp Dr Sam Nguyen trong một ngày đầu năm mới có lẽ là trải nghiệm khiến cho tôi cảm thấy cực kì may mắn, bởi ở chị, lúc nào cũng toả ra một nguồn năng lượng tích cực dồi dào, khiến người tiếp xúc không khỏi bị thu hút. Xinh đẹp, trẻ trung tới mức không thể đoán ra tuổi, tài năng và cực kì có sức ảnh hưởng – đó là những gì người đối diện có thể cảm nhận từ chị. Những câu chuyện của chị dường như là một minh chứng cho chân lý: "không có sức ép thì không thể tạo ra kim cương".
Đằng sau mỗi doanh nhân thành đạt đều có một câu chuyện về sự nỗ lực thay đổi hoàn cảnh, cũng giống như đằng sau mỗi thành công đều là con đường đầy gai góc, với nữ doanh nhân Dr Sam Nguyen – chị có thể chia sẻ một chút về câu chuyện của mình?
Tôi sinh ra tại Huế trong một gia đình có dòng dõi ngự y với một người cha mang nặng tư tưởng phong kiến, khắt khe đến nghiệt ngã và một người mẹ được giáo dưỡng trong môi trường phương Tây – cực kì tiến bộ nhưng cũng hết sức cam chịu và hi sinh. Cùng gia đình sang định cư tại Mỹ từ rất sớm, tôi đã đi làm thêm để kiếm tiền học và phụ giúp cha mẹ. Tôi sống ở một tiểu bang nhỏ ở Mỹ, nơi thời tiết cực kì lạnh giá và có rất ít người Việt. Có lẽ sự hà khắc trong gia đình đã khiến tôi trở thành một thanh thiếu niên mạnh mẽ, nên bỗng nhiên, tôi nhận được sự "tín nhiệm" của đám trẻ người Việt cùng bang. Họ coi tôi như một "cái phao" để bấu víu mỗi lúc suy sụp.
Cuộc sống của người Việt khi vừa đặt chân đến Mỹ khi đó cực kì khó khăn, vừa bất đồng ngôn ngữ vừa không có phương tiện đi lại chúng tôi chỉ có thể tìm được những công việc lao động chân tay nặng nhọc, dưới ánh nhìn kì thị của người bản xứ. Trong sự cô lập như vậy, đám thanh niên chúng tôi cảm thấy rất hoang mang, lạc lối và tôi đã nảy ra ý định thành lập câu lạc bộ Đông Nam Á – với chỉ 5,6 thành viên và hoạt động chủ yếu là hát hò, trò chuyện, chia sẻ cùng nhau. Nhưng chính điều đó đã giúp chúng tôi vượt qua thời thanh niên lành mạnh và trưởng thành hơn.
Chứng kiến và trải nghiệm những bất công, thiệt thòi mà người nhập cư phải chịu khi ở một đất nước phát triển đã trở thành động lực khiến tôi muốn làm gì đó, muốn vươn lên, chứng minh "mình làm được" và từ đó không ngừng cố gắng!
Hiện tại, chị hoạt động ở rất nhiều lĩnh vực: nhà tư vấn chiến lược, bác sĩ thảo dược, nhà sản xuất truyền thông, nhà sản xuất dược mỹ phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng… thế nhưng công việc khởi nguồn của chị là gì?
Như bạn đã biết, tôi kiếm được những đồng tiền đầu tiên từ khi còn rất nhỏ. Và như một "cơ duyên" thần kì nào đó, tôi luôn được "mở đường" bởi những điều rất ngẫu nhiên. Khi còn là sinh viên, để có thể duy trì việc học, tôi đã bươn trải kiếm sống bằng nhiều việc khác nhau như quét dọn hay thậm chí là xin vào làm trong xưởng chế biến thịt lợn, đứng bàn cắt thịt để được hưởng những đồng lương cao hơn… Trong một lần, tôi đã "nhái" lại một bó hoa cưới ở một cửa hàng trên phố để bán lại cho cô hàng xóm với giá chỉ bằng ½, kể từ đó nhiều khách hàng đặt hoa cưới từ tôi. Hay một lần khác, khi thấy gia đình tôi và bạn bè đi tiệm cắt tóc về thì nhìn quá xấu, thế là tôi thử cắt cho các anh chị em trong nhà, tình cờ giáo viên tiếng Anh của tôi đến nhà thấy vậy, cô ấy khen tôi khéo tay và hỏi tôi có muốn theo học ngành tóc không? Lúc ấy tôi không có tiền nên rất rụt rè, nhưng cô ấy bảo sẽ xin được học bổng cho tôi, vậy là tôi trở thành một học viên ngành tóc.
Nhưng thời gian theo học ngành tóc lại khá dài, mất tới hơn 1 năm mới được thi tốt nghiệp để nhận chứng chỉ hành nghề, mà tôi thì còn phải đang theo học quản trị kinh doanh cho nên rất khó để có đủ thời gian cho cả hai, vậy là tôi quyết định "rút ngắn" bằng cách xin với hiệu trưởng cho tôi tốt nghiệp sớm nếu tôi hoàn thành tất cả các bài đánh giá mà trường đòi hỏi, bởi vì có rất nhiều lớp tôi đã học ở trường đại học sẻ có thể chuyển qua. Đó là một yêu cầu rất "không tưởng", nhưng ông hiệu trưởng lại đồng ý, vì ông ấy nghĩ tôi không thể làm được điều đó - chưa học viên nào từng làm được. Trong một thời gian ngắn, tôi đã đạt được tiêu chuẩn để được tốt nghiệp. Tôi được "ra nghề" sớm, kiếm được tiền sớm. Sau này, tôi vẫn nói với các con tôi rằng: không có điều gì là không thể, chúng ta chỉ cần nói ra điều mình mong muốn, vũ trụ sẽ "hợp lực" giúp đỡ chúng ta, tất nhiên, bản thân chúng ta phải nỗ lực hết mình trước đã.
Bén duyên với ngành làm đẹp từ khi còn rất trẻ và hiện nay đã trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực phân phối sản phẩm liên quan tới ngành nail tại thị trường Mỹ, chị có thể chia sẻ một chút về "bước ngoặt" này?
Lý do tôi theo đuổi ngành nail cực kì đơn giản: thấy kiếm được nhiều tiền quá! Đối với một sinh viên đang đi học như tôi lúc ấy, việc tính toán để tối đa hoá thu nhập là cực kì quan trọng, bởi bạn biết đấy, tôi phải tự lo tất cả tiền học và sinh hoạt phí cho mình, cùng với phụ giúp gia đình. Vậy nên đầu óc tôi luôn bận rộn nghĩ xem mình phải làm thế nào để kiếm được nhiều tiền hơn mà không bị lệ thuộc vào thời gian. Tôi quyết định không làm thuê cho tiệm tóc nữa mà ra thuê cửa hàng, mở tiệm riêng rồi rủ cả đồng nghiệp của mình làm cùng với mức lương hấp dẫn để tôi có thể tự do đến trường. Với số vốn ít ỏi dành dụm được từ việc làm thuê, tôi đã mở được tiệm tóc nhỏ nhưng rất đông khách bởi tôi làm nhanh hơn, rẻ hơn và phục vụ nhiệt tình hơn các nơi khác. Nhưng rồi một lần tôi được biết, làm nail còn kiếm khá hơn làm tóc nữa, mà thị trường này thì rất rộng, rất tiềm năng, nên tôi tìm cách để học nail. Vừa học vừa làm rồi tôi cũng ra ngoài mở cửa hàng riêng. Bằng cách thuê lại những tiệm làm tóc cũ đã đóng cửa rồi sửa sang lại thành tiệm nail, tôi đã tiết kiệm được cực kì nhiều chi phí. Cứ thế tôi nhân rộng mô hình, xây dựng tiệm nail và bán lại để kiếm được rất nhiều tiền nhưng vẫn có nhiều thời gian để hoàn thành chương trình đại học của mình.
Với những bước chân khởi nghiệp đó, chị đã trở thành CEO của nhiều công ty tại Mỹ trong ngành truyền thông, nhà tư vấn chiến lược cho nhiều chính phủ, tập đoàn lớn...Và Chị cũng tham gia ngành sản xuất sản phẩm organic, vegan cho mỹ phẩm, dược mỹ phẩm và thực phẩm chức năng. Điều gì đã "mở lối" để chị dấn thân vào thị trường này?
Gia đình tôi có truyền thống y học phương Đông hơn 13 đời, nên tìm tòi, nghiên cứu về cây cỏ và tìm kiếm các phương pháp để chữa bệnh cho con người bằng các công thức áp dụng nguyên liệu hoàn toàn từ thiên nhiên nó ngấm vào máu. Tôi đã theo học ngành Doctor of Naturopathic tại Mỹ về chuyên môn và học thêm về việc phát triển kinh doanh và chiến lược tại trường đại học Harvard. Tất cả những gì bạn sử dụng trên cơ thể đều trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng tới sức khoẻ của bạn. Thực tế hiện nay, giới trẻ đang gặp rất nhiều vấn đề về sức khoẻ và sự phát triển: từ rối loạn nội tiết cho tới dậy thì sớm… tất cả đều liên quan tới thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm chúng đang sử dụng. Xuất phát từ đam mê kèm theo sự lo lắng cho giới trẻ cũng như những đứa con của mình, tôi tự hỏi rằng tại sao mình lại không tạo ra những sản phẩm an toàn cho bọn trẻ nói riêng và mọi lứa tuổi nói chung. Tôi có thể làm được điều đó nếu nỗ lực thêm, và tôi quay trở lại học tập, nghiên cứu để đưa mục tiêu đó thành hiện thực. Dù sản xuất sản phẩm organic, vegan không hoá chất, không chất bảo quản thực sự là một thách thức và ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu do thời hạn sử dụng, lưu trữ không được lâu như các sản phẩm có sử dụng phụ gia hoá chất, nhưng tôi vẫn quyết tâm làm. Bởi đôi khi bạn phải đặt sứ mệnh của mình lên trên tiền bạc để cống hiến điều gì đó, khiến cho cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn. Đến nay, mỗi sản phẩm bọn trẻ nhà tôi dùng đều được tôi kiểm soát rất kỹ, đó phải là những sản phẩm an toàn.
Chị nhắc rất nhiều tới "bọn trẻ" trong câu chuyện của mình, phải chăng "bọn trẻ" đóng vai trò nào đó trong sự nghiệp của chị?
Đúng! Vai trò của "bọn trẻ" với tôi cực kì quan trọng. Như bạn đã biết, tôi không chỉ có những đứa con đẻ, mà còn có rất nhiều con nuôi, ở Mỹ và cả ở Việt Nam. Tuổi trẻ khó khăn của tôi đã khiến tôi hiểu rằng có rất nhiều thanh thiếu niên mồ côi, bơ vơ, bế tắc ngoài kia cần được giúp đỡ. Đó chính là lúc họ đang đứng giữa lằn răn: nếu có một bàn tay kéo lại, biết đâu đấy, họ sẽ trở thành một công dân có ích, giỏi giang và cống hiến cho xã hội; nhưng chỉ cần một cái trượt nhẹ nữa, họ cũng có thể sang hẳn ranh giới của bóng tối và không còn cơ hội nào nữa. Tôi muốn chúng ta cùng chung sức để cho giới trẻ, những em bé, thanh thiếu nên thiếu thốn có một nền tảng, một "cú hích" hay chỉ là một niềm tin rằng họ sẽ làm được. Bởi sự nhận định, đánh giá hay cách nhìn của bạn về một ai đó là điều vô cùng ảnh hưởng tới họ. Tôi đã từng trải qua những năm tháng tuổi thơ sống trong sự rầy la rằng mình là kẻ vô tích sự, không thể làm nên trò trống gì và đã trầy trụa tự vươn lên để có thể tự tin nói rằng "tôi đã làm được".
Với tôi, những đứa con chính là động lực để tôi cố gắng mỗi ngày, kiếm nhiều tiền hơn để giúp được nhiều người hơn nữa, kết nối được nhiều tấm lòng hơn để cùng lan toả điều tốt đẹp. Bắt tay vào kinh doanh, tôi luôn nghĩ mình phải làm gì để tạo cơ hội cho bọn trẻ, để chúng sau khi trưởng thành có thể có công ăn việc làm ổn định và tự lập cuộc sống.
Là CEO với sự nghiệp kinh doanh cực kì bận rộn, là người sáng lập The S.A.M Foundation – tổ chức giúp đỡ trẻ em, thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn ở nhiều quốc gia, có thể tưởng tượng được rằng khối lượng công việc của Dr Sam Nguyen hàng ngày là vô cùng nhiều. Chị có bí quyết gì để quản trị thời gian của mình?
May mắn rằng tôi là một người nhanh nhẹn: suy nghĩ nhanh, hành động nhanh và nếu đã đam mê hay quyết tâm làm việc gì, tôi sẽ quên ăn quên ngủ cho đến khi hoàn thành. Tôi có rất nhiều năng lượng để làm việc, học tập, đặc biệt là những việc tôi thấy rằng có ích; đồng thời, những việc có ích ấy, ngược lại, cũng đem tới nguồn năng lượng tích cực cho tôi. Tuy nhiên, tôi cũng luôn ý thức sâu sắc rằng thời gian và năng lực của mỗi người là có hạn, bởi vậy tôi đã kêu gọi những người đồng hành, chung chí hướng để cùng tôi hành động. Một điều may mắn cho tôi là có được người chồng hiểu biết và luôn đồng hành và không cấm cản; với những hội viên và cả những nhà hảo tâm sẵn sàng cùng tôi vượt ngàn chặng đường để giúp đỡ trẻ em ở những nơi còn khó khăn.
Ngoài ra, còn một sự "hỗ trợ" cực kì đắc lực khác chính là từ những đứa con của tôi. Dù là con nuôi nhưng giữa tôi và những đứa trẻ luôn có một sợi dây liên kết đặc biệt. Chúng hiểu sự vất vả của tôi và rất tự giác trong mọi sinh hoạt riêng của mình. Như những "người lính nhỏ", bọn trẻ giúp tôi rất nhiều việc trong nhà để tôi có thời gian nghỉ ngơi và thực hiện những dự định của mình.
Được biết, The S.A.M Foundation là tổ chức thiện nguyện nhận hỗ trợ những thanh thiếu niên, trẻ em mồ côi, lang thang, cơ nhỡ… và ở đây chính là nhận nuôi những đứa trẻ này trong chính gia đình của mình. Chị có cảm thấy mình đang có một gia đình "phức tạp"?
Nhìn chung thì rất phức tạp nhưng những việc đó đều là những "phức tạp" nằm trong dự tính và tôi tình nguyện gánh vác. Những đứa trẻ "bụi đời" không được ai dạy dỗ, bạn nghĩ sao khi chúng trở thành con của bạn, sống chung với bạn trong một gia đình? Đó là cả một quá trình mà bạn phải cảm hoá và thay đổi chúng. Và bạn không thể thành công bằng quát mắng hay roi vọt, cứ dành cho chúng thật nhiều tình yêu thương, vì tôi tin rằng, tình yêu là "chìa khoá vạn năng" để mở ra tâm hồn và thay đổi con người. Tôi đã chứng minh được điều đó với sự trưởng thành của những đứa trẻ mà tôi nhận nuôi/nhận đỡ đầu.
Là người phụ nữ đạt được rất nhiều thành tựu trong cả sự nghiệp và cuộc sống. Điều gì làm chị tâm đắc nhất?
Như ai đó đã nói rằng, cuộc sống này rất ngắn ngủi và mong manh, hãy sống và để lại một "di sản" nào đó, đừng tan biến như một hạt bụi mà không để lại dấu tích nào. Với tôi, "di sản" thì to tát quá, nhưng tôi tự hào rằng mình đã góp phần nhỏ bé để tạo ra một thế hệ tương lai tốt đẹp hơn, có ích hơn cho xã hội. Với những đứa trẻ, điều tôi dạy chúng cơ bản nhất vẫn là hãy chia sẻ và yêu thương. Tôi bảo trợ bọn trẻ đến khi chúng học xong; nhưng khi đi làm, "luật" tôi đề ra là, hãy trích lại 10% thu nhập của con để giúp đỡ cho những anh chị em còn lại. Cứ thế, chúng tôi mở rộng, lan toả cơ hội tới nhiều người hơn và đó là điều tâm đắc nhất của đời tôi.
Có quan điểm cho rằng, thành đạt và hạnh phúc rất khó để song hành với nhau. Đặc biệt, là một phụ nữ, thật khó để chu toàn giữa sự nghiệp và gia đình. Chị nghĩ sao về điều này?
Đúng vậy, ở đời này không ai hoàn hảo cả, mình không thể ôm hết và muốn được tất cả, cho nên cái quan trọng nhất trong cuộc đời người phụ nữ là phải biết cân bằng cuộc sống của mình, ví dụ như tôi thì tôi vẫn dành thời gian cho chồng và khi chồng đã đi ngủ thì tôi bắt đầu dùng thời gian đó ngủ bớt lại và làm những việc tôi muốn, và một bí quyết nữa của tôi là nếu chồng tôi không có hứng thú tham gia vào việc tôi làm thì tôi lại dùng cách là nhờ anh ấy phụ và lôi kéo anh ấy theo trên mọi nẻo đường. Câu của tôi thường nói" anh ơi, em đi một mình sẽ bị lạc hoặc là em xách không nổi" thế là chồng phải đi theo và cứ thế chúng tôi đều có nhau trên vạn nẻo đường. Thông thường phụ nữ thành công thì hay quên rằng mình vẫn là vợ người ta, mình có là bà tướng gì thì về đến nhà vẫn phải dạ thưa bởi vì đàn ông luôn muốn là bờ vai là một hiệp sĩ cho người phụ nữ của mình, họ luôn muốn được là người quan trọng nhất trong ánh mắt vợ. Cho nên hãy luôn nhớ vai trò của mình.
Cảm ơn nữ doanh nhân Sam Nguyen vì những chia sẻ thú vị. Chúc chị cùng độc giả một năm mới với nhiều niềm tin, hi vọng và thành công!