Trên thuyền ai cũng hô nhau, mỗi người một nỗ lực. Người nhìn đường là Thảo "lớn", người dẫn chèo chỉnh đường đua cho thuyền đi thẳng là Thảo "bé", người để ý tốc độ là Lý, Huyền hô các cột mốc khoảng cách để quyết định chiến thuật. Cứ thế, 4 cô gái duy trì tốc độ ổn định. Họ bứt phá ngoạn mục ở những giây cuối rồi cùng hoà tấu tạo nên màn nước rút thần tốc vô cùng đẹp mắt.

Trong bối cảnh hàng loạt niềm hy vọng như Hoàng Xuân Vinh, Ánh Viên, Dương Thúy Vi,... thời điểm đó thi đấu không thành công. Rốt cuộc, cảm giác hồi hộp chờ đợi 1 tấm huy chương vàng cho Đoàn thể thao Việt Nam cũng đã vỡ oà ở JSC Lake tại Palembang (Indonesia). Tạ Thanh Huyền, Lường Thị Thảo, Hồ Thị Lý, Phạm Thị Thảo bất ngờ vượt qua hàng loạt đối thủ mạnh để giành chiến thắng chung cuộc ở nội dung thuyền nhẹ 4 tay chèo ASIAD 2018.

4 cô gái giành huy chương vàng Asiad cho Rowing Việt Nam: Những bông sen đá chiến đấu trong âm thầm - Ảnh 1.

Với thành tích 7 phút 01 giây 11, các cô gái Việt Nam vượt xa đối thủ về nhì là Iran hơn 3 giây và đối thủ Hàn Quốc tới hơn 5 giây. Trong thể thao, một tích tắc cũng đủ phân hạng thứ bậc hay màu sắc huy chương.

Sau 4 năm bỏ lỡ chiếc HCV tại Incheon (Hàn Quốc), cuối cùng đội tuyển Rowing Việt Nam đã hiện thực hóa giấc mơ vàng tại Đại hội thể thao châu Á ASIAD 2018. Giây phút đứng trên bục vinh quang, 4 cô gái không ngừng khóc. Đó là nước mắt của hạnh phúc. Có lẽ họ đã phải chờ quá lâu rồi, cho một khoảnh khắc thăng hoa như thế. Như những bông sen đá, tuy xù xì nhưng đầy sức sống, họ luôn biết rực rỡ theo cách của riêng mình.

4 cô gái giành huy chương vàng Asiad cho Rowing Việt Nam: Những bông sen đá chiến đấu trong âm thầm - Ảnh 2.

Ít ai biết rằng đằng sau hành trình bước lên bục vinh quang của những Tạ Thanh Huyền, Lường Thị Thảo, Hồ Thị Lý, Phạm Thị Thảo là sự hy sinh trong thầm lặng. Xuất thân từ nhiều hoàn cảnh khác nhau, ai trong số họ cũng từng trải qua quãng thời gian đấu tranh khi bắt đầu sự nghiệp "cầm chèo". Nhưng đam mê, hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn không cho phép họ dừng lại. Kể cả những lúc mệt mỏi tưởng chừng muốn chết đi, nghĩ đến gia đình, người thân, 4 cô gái lại có thêm sức mạnh để vượt qua.

Trong đội đua thuyền nữ Việt Nam, Lường Thị Thảo là vận động viên trẻ nhất (19 tuổi). Nếu chị Thảo "lớn" với 12 năm kinh nghiệm gắn bó với đua thuyền thì Thảo "bé" mới 2 năm đặt chân vào đội tuyển, chưa có thành tích gì nổi bật. Tuy nhiên, 3 "bà chị" còn lại đều là những tay chèo lão luyện và có "số má" trên đấu trường châu lục.

Trong 4 cô gái, lớn tuổi nhất là Phạm Thị Thảo. "Thảo" lớn sinh năm 1989 ở Thái Bình. Với sải tay dài khác thường, Thảo từng ước mơ trở thành một vận động viên bóng chuyền, nhưng duyên số lại đưa cô đến với Rowing. Với hơn 12 năm, Thảo được ví như "chiếc máy gặt vàng" khi giành được hàng chục huy chương các loại tại các giải đấu quốc tế.

Tháng 8/2017, Thảo sinh con gái đầu lòng. Chỉ 3 tháng sau sinh, Thảo khăn gói quay lại với đội tuyển. Khi bé được 6 tháng tuổi, Thảo bồng bế con lên Hà Nội, ra Hải Phòng, tập luyện cùng đội tuyển Quốc gia chuẩn bị cho ASIAD.

4 cô gái giành huy chương vàng Asiad cho Rowing Việt Nam: Những bông sen đá chiến đấu trong âm thầm - Ảnh 3.

"Sinh em bé xong, mình thi đấu hạng nhẹ, nhưng khi đó nặng 62, 63 cân buộc phải ép xuống còn 45. Trong quá trình, mình vừa cho con bú vừa tập luyện. Mình kiệt sức. Buổi đêm, bé ngủ không tròn giấc còn mình thì hay trằn trọc. Nhiều lúc tập về mình chỉ biết nằm vật ra thở. Mình đành gửi con cho ông bà nội chăm sóc, khi nào được tạo điều kiện cho về thì mới được gặp bé" - Thảo "lớn" tâm sự.

Hồ Thị Lý - một trong 2 "chị đại" sinh năm 1991. Người con gái quê Quảng Trị với chất giọng đặc sệt miền Trung, đã chinh phục ban HLV và toàn thể đội tuyển bằng chính sức mạnh tiềm tàng và đam mê cháy bỏng. "Lý sinh ra không phải để dành cho thể thao", cô từng thừa nhận như thế, bởi cô bén duyên với Rowing khá muộn, nhưng lại bứt phá một cách ngoạn mục, trở thành hiện tượng lạ của bộ môn này.

Gia đình không đủ điều kiện, Lý có xuất phát điểm là một phụ hồ để trang trải việc học. Trong một lần đến công trình xây dựng, HLV Phan Văn Biên - người khi đó phụ trách việc tuyển chọn tài năng triển vọng cho bộ môn đua thuyền của Quảng Trị, đã để ý tới sức vóc của cô gái Hồ Thị Lý. Cô phụ hồ trẻ nhanh nhẹn, nhất là đôi tay dài, khỏe, rất thích hợp với Rowing. Nhận được lời ngỏ mời, Lý ngập ngừng.

"Mình phân vân giữa thể thao và chuyện học tập, vì khi ấy cũng không biết Rowing là môn gì. Dần dần, mình làm quen rồi gắn bó với đua thuyền. Mới đầu tham gia tập luyện mình nản lắm. Các chị bơi rất tốt, còn mình chỉ toàn về cuối" - Lý nhớ lại.

4 cô gái giành huy chương vàng Asiad cho Rowing Việt Nam: Những bông sen đá chiến đấu trong âm thầm - Ảnh 4.

Đội tuyển Rowing nữ Việt Nam

Thời gian sau, Lý bứt phá giành vị trí số một của đội. Cô rất chăm, chăm một cách kinh khủng, theo lời các đồng đội còn lại. Chừng một năm, Lý giành 2 huy chương bạc Quốc gia, đặc biệt là khả năng thi đấu đa dạng ở nhiều nội dung. Năm 2015, cô được gọi lên tuyển Quốc gia và cùng đồng đội đạt huy chương đồng châu Á. Năm 2016, Hồ Thị Lý cùng Tạ Thanh Huyền đại diện cho tuyển Rowing Việt Nam dự Olympic tại Brazil.

Trước trận chiến khốc liệt tại ASIAD 2018, Lý kể, đội Rowing nữ buộc phải tập luyện rất nhiều. Sáng từ 5h - 6h30 chạy thể lực, sau đó ăn sáng. 8h - 9h tập luyện, đến chiều tập tạ hoặc tập máy. Những lúc luyện tập vất vả, Lý thường nghĩ về gia đình để cố gắng vượt qua.

Vận động viên Tạ Thanh Huyền sinh năm 1994 tại Thái Bình. Cô là cái tên ấn tượng của Rowing nữ Việt Nam ở đấu trường quốc tế. Là con gái, lại theo môn thể thao sông nước nắng nôi, nhìn con gái đen đúa, bố mẹ Huyền xót lắm. Hồi mới tập, tay cầm chèo bị bong tróc, chảy máu. Mẹ thương, mẹ xót rồi bảo: Thôi, con đừng chơi thể thao nữa!

"Khi em về quê bảo tập đua thuyền thì phải nói đến lần thứ 3 mọi người mới biết em tập đua thuyền. Họ cứ hỏi "bóng chuyền á?". Nhưng bây giờ khi em về quê ai cũng biết em tập đua thuyền rồi" - Huyền hài hước.

Năm 2012, Huyền được gọi lên đội tuyển đua thuyền Quốc gia. Tại ASIAD 2014, Huyền gây tiếng vang khi giành được tấm huy chương đồng ở nội dung đơn nữ và huy chương bạc nội dung đồng đội.

Sau cùng, là cô em út Lường Thị Thảo (SN 1999, dân tộc Thái). Thảo "bé" đến với Rowing nhờ... "đá chéo" sân từ điền kinh. Các chuyên gia nhận định Thảo khó phát triển nếu tiếp tục theo đuổi điền kinh. Chính Rowing đã đưa cô gái trẻ sang một bước ngoặt mới của cuộc đời.

Thảo "bé" liên tiếp tỏa sáng và giành những tấm HCV ở các giải trẻ. Năm 2017, cô được gọi lên đội tuyển Quốc gia. Trước thềm ASIAD 2018, Thảo từng bị đánh giá là "non" khi dấn thân vào một giải đấu lớn. Và nhiều khả năng, tâm lý bất ổn của cô sẽ ảnh hưởng đến thành tích toàn đội.

Thảo đã chứng minh điều ngược lại sau khi cùng đồng đội trở thành nhà vô địch mới của ASIAD khi mới 19 tuổi.

"Mẹ mình mới đầu cũng không cho đi vì nhà chỉ có mỗi một đứa con gái, lại đi xa. Bố thì ủng hộ mình đi theo môn thể thao này. Nhà mình là dân tộc Thái, chủ yếu làm nông nên cũng rất nghèo. Bố muốn mình đi theo thể thao mong có được tương lai tốt hơn" - Thảo nói.

Trái với nỗi lo lắng của HLV, sự đoàn kết của 4 VĐV ở nội dung hạng nhẹ đã mang về thắng lợi lớn cho đua thuyền Việt Nam. Đây là chiến thắng mang ý nghĩa lịch sử của đội tuyển Rowing, sau tiếc nuối cách đây 4 năm ở Hàn Quốc. Chỉ cần có ước mơ, có quyết tâm thì cho dù quá trình thực hiện âm thầm, khó khăn và gian lao đến mấy, thì trái ngọt vẫn luôn ở phía trước.

4 cô gái giành huy chương vàng Asiad cho Rowing Việt Nam: Những bông sen đá chiến đấu trong âm thầm - Ảnh 7.

Nói chung môn thể thao nào cũng vất vả, đặc biệt là đua thuyền. Nắng nóng hay mưa dông, giá lạnh hay khô hạn, với vận động viên đua thuyền, 3 đến 5 ngày không được xuống nước là coi như... vứt đi.

Khoảng 10-15 ngày trước khi đi tranh tài ASIAD, xuồng tập luyện của đội tuyển bị hư hỏng, không kịp sửa chữa. Vấn đề phương tiện và cơ sở vật chất luôn là nỗi bận tâm lớn của các thành viên trong ban huấn luyện. Khi đó, điều kiện thời tiết không ủng hộ, đúng vào giai đoạn căng thẳng nhất.

Tuy nhiên, điều mà ban HLV đau đáu hơn cả, là về vấn đề sức khoẻ của vận động viên Phạm Thị Thảo. 2 tuần trước thềm ASIAD 2018, Thảo "lớn" bị trào ngược dạ dày. Cô đau đớn đến mức, dù có uống thuốc kháng sinh cũng chỉ cầm cự được vài hôm. Mấy ngày sau, bệnh lại tái phát và dường như còn đau hơn.

Lo lắng. Căng thẳng. Trách nhiệm.

Thảo từng có ý định muốn HLV tìm người khác thay thế, nhưng cô không nói ra. Cô cố gắng chịu đựng tất cả, đánh cược toàn bộ 12 năm kinh nghiệm để đổi lấy một phút giây huy hoàng bên đồng đội, và cô đã làm được điều tưởng như không thể ấy.

4 cô gái giành huy chương vàng Asiad cho Rowing Việt Nam: Những bông sen đá chiến đấu trong âm thầm - Ảnh 8.

"Trước khi xuống nước, các chị em thường dặn nhau luôn luôn quyết tâm, tự tin. Tụi mình sẽ hát để quên đi căng thẳng. Khi vào trận chiến, chị em chú tâm từng đường chèo và dồn hết khả năng. Kết thúc, cảm giác không để đứng, không ngồi vững để thở. Bao ngày ép cân, tập luyện trôi qua một cách thật nhẹ nhõm" - Thảo "lớn" chia sẻ.

Cuối tháng 7, trời Việt Nam âm u. Các cô gái có phương châm: mưa to thành mưa nhỏ, mưa nhỏ thành không mưa. Họ tự nhủ không được bỏ lỡ bất kỳ buổi xuống nước nào. Bình thường một buổi tập, đội tuyển sẽ chèo thuyền khoảng 10 - 12 km. Hôm ấy, khi mới đến km thứ 6, trời đổ mưa dông, sấm chớp đánh trên bầu trời. Mưa tạt hết vào người Thảo "lớn", Thảo "bé", Huyền và Lý.

“Bọn mình không làm chủ được tay chèo, bọn mình quá cách xa nhà. Dù thầy chuyên gia ra hiệu quay về, nhưng một số người bắt đầu khóc: "Mẹ ơi cứu con với", "Mẹ ơi con sắp chết rồi". Lúc sau, tất cả cùng khóc.

Chỉ sau khi nỗ lực, cố gắng dùng hết sức bình sinh để bơi vào bờ. Đặt chân xuống mặt đất, bọn mình mới hoàn hồn" - nữ vận động viên Tạ Thanh Huyền nhớ lại.

4 cô gái giành huy chương vàng Asiad cho Rowing Việt Nam: Những bông sen đá chiến đấu trong âm thầm - Ảnh 9.

- Ở Indonesia, có khi nào các bạn nghĩ tới những tấm huy chương?

- "Nói thật là bọn em không kỳ vọng, không nghĩ nhiều được như thế. Là môn sông nước nên khi sang nước bạn, mới chỉ được làm quen ít ngày. Rồi sóng gió, điều kiện tập luyện khó khăn, để dám chắc huy chương gì không ai dám nghĩ tới, chỉ dám hứa sẽ làm hết khả năng của mình.

Ở những mét cuối, bọn em biết mình đã chiến thắng. Nhưng vẫn cố gắng làm sao, khi tiếng còi chung cuộc được vang lên, bọn em mới thở phào nhẹ nhõm. Rồi tự dưng bật khóc nức nở như trẻ con".

Trước tấm HCV ASIAD 2018, thú thực 4 cô gái trẻ đã cố gắng rất nhiều, nỗ lực rất lớn, nhưng đều trong âm thầm, như những bông sen đá. Chúng tôi nghĩ rằng, những điều tuyệt vời, những đỉnh cao trong cuộc sống của mỗi người, đặc biệt trong thể thao, là điều ai cũng mong muốn hướng tới và chạm tay vào. Đỉnh cao ASIAD vừa rồi cũng thế.

Bỏ lại phía sau bao bộn bề trăn trở, Đoàn thể thao Việt Nam đã có thể tự hào với bạn bè châu lục bởi những nhà vô địch rắn rỏi, đầy bản lĩnh của bộ môn sông nước. Chính những cái tên như Tạ Thanh Huyền, Lường Thị Thảo, Hồ Thị Lý, Phạm Thị Thảo góp phần giúp người hâm mộ nước nhà có quyền mơ về những "giấc mơ vàng" của sau này.

Nhìn lá cờ căng mình đón gió, như thấy hồn dân tộc mình đang phập phồng háo hức. Cảm xúc vỡ òa, tim mỗi người đập nhanh hơn, giọt nước mắt hạnh phúc rạng rỡ trên khuôn mặt. Để rồi mỗi người sẽ đặt tay lên ngực, lắng nghe câu hát của trái tim mình… 4 cô gái - 4 hoàn cảnh - 4 bông sen đá tuy bình thường, dung dị, xù xì nhưng mạnh mẽ, bản lĩnh và sẵn sàng chiến đấu trong âm thầm, trong bất cứ nghịch cảnh nào.

4 cô gái giành huy chương vàng Asiad cho Rowing Việt Nam: Những bông sen đá chiến đấu trong âm thầm - Ảnh 10.
Minh Nhân
Minh
Quý Nguyễn, Hướng Xuân Bình
Theo Trí Thức Trẻ20.12.2018