• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung Quốc đang khoan 2 giếng sâu nhất châu Á: Mục đích của việc này là gì?

Khám phá 26/07/2023 16:50

(Tổ Quốc) - Chưa đầy 2 tháng, Trung Quốc đã tiến hành khoan 2 giếng sâu hơn 10.000 mét.

Ngày 30/5/2023, Trung Quốc bắt tay khoan giếng sâu nhất châu Á, Tân Hoa Xã đưa tin. Việc khoan giếng sâu hơn 11.100 mét xuống lòng đất được Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc thực hiện tại Lưu vực Tarim, Khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc. Quá trình khoan dự kiến kéo dài 457 ngày. Giếng sâu nhất châu Á này dự kiến sẽ xuyên qua hơn 10 địa tầng lục địa và tiếp cận hệ thống kỷ phấn trắng trong vỏ Trái Đất – một loạt đá phân tầng có niên đại 145 triệu năm.

Tiếp tục, ngày 20/7/2023, Trung Quốc tuyên bố khoan thêm 1 giếng sâu nữa, sâu 10.520 mét. Giếng này có tên Shendi Chuanke 1, được Nhà sản xuất và phân phối dầu khí lớn nhất Trung Quốc - Công ty Dầu khí Tây Nam PetroChina, thực hiện tại lưu vực Tứ Xuyên. Đây sẽ là giếng sâu thứ hai của Trung Quốc sau khi khởi công giếng sâu nhất châu Á hồi tháng 5/2023, Tân Hoa Xã đưa tin. Việc thăm dò giếng Shendi Chuanke 1 là một phần của dự án Deep Earth của nước này.

Trung Quốc khoan 2 giếng sâu nhất châu Á: Mục đích của việc này là gì? - Ảnh 1.

Hình ảnh giếng sâu ở sa mạc Taklimakan thuộc vùng Tân Cương của Trung Quốc. Ảnh: VCG/Getty Images/Bloomberg

Trung Quốc khoan 2 giếng sâu nhất châu Á: Mục đích của việc này là gì? - Ảnh 2.

Việc khoan giếng Shendi Chuanke 1 bắt đầu tại địa điểm ở tỉnh Tứ Xuyên ngày 20/7/2023. Ảnh: Tân Hoa xã

[Hố khoan sâu nhất thế giới do các kỹ sư Liên Xô thực hiện năm 1970. Hố này có tên Hố khoan siêu sâu Kola, đạt độ sâu 12.262 mét vào năm 1989, sau gần 20 năm khoan. Hiện Hố khoan siêu sâu Kola vẫn giữ kỷ lục về hố khoan nhân tạo sâu nhất trong lịch sử ở trên cạn].

Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bắt tay vào khoan 2 giếng sâu nhất châu Á (trên cạn). Cả hai dự án khoan này được coi là có nhiều thách thức kỹ thuật nhất trong ngành kỹ thuật dầu khí. 

"Khó khăn trong việc xây dựng dự án khoan có thể được so sánh với việc một chiếc xe tải lớn phải chạy trên hai dây cáp thép mỏng" - Tân Hoa Xã trích lời của học giả Sun Jinsheng, Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, cho biết.

Dự án thăm dò độ sâu hơn 10.000 mét là một 'dự án lớn của quốc gia' có thể so sánh với dự án thám hiểm Mặt Trăng của Trung Quốc. Các kỹ sư sẽ phải vượt qua những "thử thách tầm cỡ thế giới" trong quá trình khoan vì điều kiện ngầm rất phức tạp - Ding Wei - Phó Giám đốc dự án khoan Shendi Chuanke 1 nói.

Một trong những thách thức đó là cấu trúc địa chất phức tạp cùng nhiệt độ và áp suất cực lớn ở độ sâu 10.000 mét. Dưới 10.000 mét, nhiệt độ 224 độ C có thể khiến dụng cụ khoan kim loại "mềm như sợi bún". Còn môi trường áp suất cực lớn 138 MegaPascal được mô tả giống như "lặn xuống biển sâu 13.800 mét, vượt xa áp lực nước biển khổng lồ tại rãnh Mariana - rãnh đại dương sâu nhất Trái Đất" - Kỹ sư trưởng Yang Yu (của dự án khoan giếng Shendi Chuanke 1) nói với China Electric Power News.

Khó khăn, thách thức là thế, vậy điều gì khiến Trung Quốc khoan 2 giếng sâu nhất châu Á liên tiếp như thế?

Mục đích của việc này là gì?

Financial Post thông tin, trong bài phát biểu trước một số nhà khoa học hàng đầu của quốc gia vào năm 2021, ông Tập Cận Bình đã kêu gọi Trung Quốc phải đạt được nhiều tiến bộ hơn trong việc khám phá sâu Trái Đất. Công việc như vậy có thể xác định các nguồn tài nguyên khoáng sản và năng lượng, đồng thời giúp đánh giá rủi ro của các thảm họa môi trường, chẳng hạn như động đất và núi lửa phun trào.

Nếu như ở giếng sâu nhất châu Á phục vụ mục đích nghiên cứu các khu vực của hành tinh nằm sâu bên dưới bề mặt (Tân Hoa Xã cho biết), thì ở giếng sâu thứ hai nhằm mục đích "cung cấp nền tảng và hỗ trợ quan trọng cho nghiên cứu khoa học và phát triển tài nguyên dầu khí trong tương lai của Trung Quốc" - hãng tin nhà nước China Electric Power News đưa tin.

Tờ SCMP nhận định, kể từ năm 2021, Trung Quốc đã trở thành nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ 4 thế giới, và ngành xuất khẩu khí đốt tự nhiên của nước này hiện đã vượt xa xuất khẩu dầu mỏ.

Đó là lý do, nước này đang tìm cách đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước vào năm 2025 theo kế hoạch 5 năm hiện tại của ông Tập Cận Bình, tờ Independent thông tin.

An ninh năng lượng đã trở thành mối quan tâm lớn của Trung Quốc trong những năm gần đây trong bối cảnh tình trạng thiếu điện thường xuyên xảy ra và biến động giá cả toàn cầu. Theo kế hoạch 5 năm hiện tại, Trung Quốc đang tìm cách cung cấp nhiều năng lượng hơn cho nhu cầu của mình vào năm 2025 đồng thời ủng hộ việc sản xuất dầu khí trong nước lớn hơn và hợp tác năng lượng sạch với các nước khác. Các mỏ sâu và siêu sâu đã trở thành "chiến trường thăm dò" dầu khí chính ở Trung Quốc, SCMP thông tin.

Tứ Xuyên, tỉnh phía đông nam Trung Quốc là nơi có trữ lượng khí đá phiến lớn nhất Trung Quốc. Tuy nhiên, những "gã khổng lồ dầu mỏ" thuộc sở hữu nhà nước của nước này chỉ đạt được thành công hạn chế trong việc khai thác tiềm năng của chúng, do địa hình hiểm trở và địa chất ngầm phức tạp. Trong khi đó, Lưu vực Tarim của Khu tự trị Tân Cương rất giàu dầu mỏ.

Nguồn: SCMP, Financial Post, NDTV, Tân Hoa Xã

Trang Ly

NỔI BẬT TRANG CHỦ