• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

TP.HCM: Cảnh báo nhiều thảm hoạ cháy chung cư như Carina

Thời sự 09/05/2018 08:08

(Tổ Quốc) - Chung cư không đảm báo an toàn PCCC khiến hàng ngàn hộ gia đình phải lo sợ.

Nhập mô tả ảnh

Sau thảm hoạ cháy chung cư Carina, các bộ ngành đã vào cuộc và những lời cảnh báo nguy cơ cháy liên tục được đưa ra.

Tại TP.HCM từ ngày 7 – 8/5, Bộ Công an, Bộ Xây dựng đã phối hợp với UBND TP.HCM và các ban ngành kiểm tra đột xuất các chung cư. Chỉ trong hai ngày và tiếp cận đúng ba chung cư bất kỳ theo xác suất nhưng nhiều nguy cơ cháy nổ đã lộ ra như những lời cảnh báo.

Căn hộ thành nhà trẻ, kho chứa hàng

Ba chung cư rơi vào đợt kiểm tra này là chung cư Giai Việt (854-856 Tạ Quang Bửu, quận 8), chung cư Horizon Tower (214 Trần Quang Khải, quận 1) và chung cư Vạn Đô (384 Bến Vân Đồn, quận 4). Cả ba cơ sở này đều đã được Cảnh sát PCCC TP.HCM thẩm duyệt và nghiệm thu PCCC. Tuy nhiên, 2 trong số 3 chung cư này đã có nhiều lỗi về an toàn PCCC.

Tại nhiều chung cư có khu vực đã bị chuyển đổi công năng làm kho chứa hàng, địa điểm kinh doanh, thậm chí có khu thành nhà trẻ. Nhưng tất cả sự chuyển đổi này chưa được cơ quan thẩm duyệt cấp phép và khi kiểm tra các khu vực này cũng không đảm báo về an toàn PCCC.

Đoàn kiểm tra phải thực hiện diễn tập PCCC và trao tặng bình cứu hoả cho cơ sở mầm non tại chung cư Vạn Đô. Cơ sở này chuyển đổi công năng nhưng chưa qua thẩm duyệt của cơ quan chức năng. Ảnh: Đình Dân

 

Tại chung cư Vạn Đô, đoàn kiểm tra phát hiện khu phòng kỹ thuật chất đầy đồ đạc, nệm mút cùng nhiều vật liệu dễ bén lửa vứt bừa bãi. Trong khi đó tại các phòng này hệ thống điện được lắp đặt sơ sài, hở dây lòi cả bảng điện rất dễ chập điện gây hoả hoạn. Men theo lối phòng kỹ thuật đi lên sàn tầng 1 thì khu dịch vụ của căn hộ này bị chuyển đổi công năng qua làm kho chứa hàng hoá và một khu văn phòng làm việc. Đáng nói, cửa các phòng này khoá chặt và cửa thoát hiểm bị hàng hoá chắn lối đi.

Đặc biệt, tại khu vực tầng 1 và tầng 2 của chung cư Vạn Đô, được chủ đầu tư dùng làm nhà trẻ với hàng chục em nhỏ đang theo học. Ban quản lý chung cư thừa nhận các chuyển đổi công năng trên đều chưa được cấp phép của cơ quan có thẩm quyền. “Các biển báo, chỉ dẫn đang làm tuỳ tiện không theo bất cứ một quy chuẩn nào. Dân biết chạy đường nào khi cháy. Đường thoát nạn có thể trở thành đường tử vì chỉ dẫn không rõ ràng, lại bị xe cộ, kho chứa hàng hoá bít lối. Khi diễn tập một cô giáo với mấy chục trẻ tìm cửa thoát hiểm mà không có ai hỗ trợ”, thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh nói tại hiện trường buổi kiểm tra. Đồng thời ông Mạnh chỉ đạo cảnh sát PCCC địa phương cấp ngay bốn bình cứu hoả cho khu vực nhà trẻ này trong khi chờ cơ quan chức năng xử lý.

Đại diện Phòng Cảnh sát PCCC quận 4 (TP HCM) cho biết, từ năm 2009 đến nay, chung cư Vạn Đô đã 7 lần bị xử phạt vi phạm PCCC chủ yếu về các lỗi không bảo quản, bảo dưỡng phương tiện PCCC và trang thiết bị PCCC chưa đầy đủ. Vào ngày 4/4/2018 vừa qua, chung cư này cũng bị lập biên bản xử phạt về PCCC.

Tương tự tại chung cư Giai Việt do Công ty BĐS Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư, nhiều căn hộ tại đây tự ý chuyển đổi công năng thành khu vực kinh doanh. 

Đội chữa cháy bị động, chung cư “không lối thoát”

Đội PCCC tại nhiều chung cư được lập cho có để đối phó với các đoàn kiểm tra.

Sáng 7-5, khi đoàn kiểm tra liên ngành phát đi lệnh báo cháy giả tại một địa điểm ở Block A.1 của chung cư Giai Việt, chúng tôi chứng kiến đội PCCC tại chỗ tỏ ra lúng túng và mất nhiều thời gian để tiếp cận đám cháy. Khi vòi cứu hoả sau khá lâu được kéo ra lại bị thủng nhiều chỗ khiến nước bắn tung toé ra ngoài, thậm chí có đầu vòi cứu hoả bị bục bắn vào đoàn kiểm tra khiến một người phải nhờ tới sự chăm sóc của bác sỹ.

Hệ thống báo cháy, chữa cháy bằng vòi phun tự động không hoạt động khi đoàn kiểm tra thử nghiệm bằng đầu báo cháy nhiệt. Ảnh Đình Dân

 

Ông Lê Minh Hải, đại diện Cục cảnh sát PCCC nói. “Dù khu căn hộ này vừa được nghiệm thu PCCC nhưng các thiết bị chữa cháy đã xuống cấp. Đội chữa cháy tại chỗ dù đã được thành lập với hơn 20 người nhưng còn luống cuống và loay hoay mãi mới lắp đặt được vòi phun”.

Đáng nói hệ thống báo cháy của chung cư Giai Việt hoạt động không đảm bảo. Cụ thể, hệ thống báo cháy không nhận diện được cháy điểm nào trong một khu căn hộ rộng lớn với hàng chục ngàn cư dân này. Một cảnh sát PCCC cho rằng: “Các lối thoát  của chung cư này không có đèn báo, nếu sự cố cháy ra trong đêm dân sẽ không biết thoát thân bằng đường nào. Chưa kể nhiều lối thoát hiểm còn bị cư dân để xe bít lối”. 

Ông Nguyễn Duy Phương, một cư dân tại chung cư Giai Việt cho biết, cách đây không lâu cư dân đã hợp nhau lại yêu cầu chủ đầu tư phải duy tu và trang bị các thiết bị PCCC. Tuy nhiên, nhiều vấn đề đến hiện nay vẫn chưa được khắc phục nên người dân vẫn phải sống trong lo sợ. “Chung cư thì cao tầng, lối đi lại hẹp nhưng các lối thoát hiểm không có chỉ dẫn rõ ràng. Khi sự cố xảy ra e là không có lối thoát. Trong khi đó, các biện pháp cứu hộ, chữa cháy tại chỗ rất thiếu và yếu. Người dân ở trong chung cư như chúng tôi rất lo lắng”, ông Phương nói. 

Khu phòng kỹ thuật tại khu chung cư Vạn Đô (đường Bến Vân Đồn, quận 4) có nguy cơ cháy nổ cao. Ảnh Đình Dân

 

Ông Lê Minh Hải, đại diện Cục cảnh sát PCCC, cho biết sau hai ngày kiểm tra đã tiến hành lập ba biên bản vi phạm về PCCC với hai chung cư là Giai Việt và Vạn Đô với 10 hành vi. Cụ thể, chung cư Giai Việt block A1.1 và A1.2 có năm hành vi vi phạm như: Không đủ tài liệu trong hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC; Bố trí sắp xếp phương tiện giao thông cản lối thoát nạn; Không tổ chức thực tập phương án chữa cháy; Không kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống phương tiện PCCC cháy định kỳ.

Chung cư Vạn Đô vi phạm các lỗi: Không trình hồ sơ để thẩm duyệt khi cải tạo, mở rộng, thay đổi tính chất sử dụng nhà công trình trong quá trình sử dụng theo quy định; Cơ sở thuộc diện phải mua báo hiểm cháy nổ bắt buộc theo quy định nhưng không thực hiện; Không duy trỳ hoạt động thường xuyên của hệ thống chiếu sáng sự cố; Bố trí, sắp xếp phương tiện giao thông cản lối thoát nạn; Không kiểm tra bảo dưỡng hệ thống, phương tiện PCCC định kỳ.

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Tiếp – Phó Chánh Thanh tra Bộ Công an cho biết: “Nhiều chủ đầu tư làm theo kiểu đối phó, cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện yêu cầu chủ đầu tư khắc phục nhưng chủ đầu tư có khắc phục hay không lại là chuyện khác. Đơn cử, chung cư Vạn Đô, bảng chỉ dẫn thoát hiểm gắn tại các vị trí khó thấy khiến cư dân không biết đường nào để chạy khi sự cố xảy ra, thậm chí một số bảng thoát hiểm chỉ thẳng ra khu vực…đậu ô tô. Các bảng nội quy thông báo PCCC thì được mua sẵn ngoài thị trường về gắn vào cho có lệ, không đúng thực tế”.

Xử lý nghiêm chung cư đưa dân vào ở "lụi"



Đại diện Cảnh sát PCCC TP.HCM nói rằng, hiện nay TP.HCM phải xứ lý nghiêm và triệt để việc nhiều chủ đầu tư đưa dân vào ở trước khi nghiệm thu PCCC và hoàn công công trình. "Việc này phải xử lý, đây là chủ đầu tư lợi dụng để đưa cơ quan quản lý nhà nước vào tình thế đã rồi. Khi các căn hộ này có hàng ngàn con người đang sinh sống là rất khó để xử lý", vị này nói.



Trước đó, Ngày 10/4, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) TP.HCM có văn bản báo cáo UBND TP.HCM về các chung cư chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động trên địa bàn TP. Trong đó, có một dự án chung cư do nhà nước làm chủ đầu tư và một dự án có vốn đầu tư nước ngoài.



Trước đó, Hiệp hội bất động sản TP.HCM cũng đưa ra cảnh báo về tình trạng nhiều chung cư cao tầng tại TP.HCM chưa nghiệm thu PCCC đã đưa dân vào ở.



Trong năm 2018 (tính đến ngày 15/4) cả nước xảy ra 20 vụ cháy tại các chung cư cao tầng làm 13 người chết, hàng trăm người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính 44,4 tỉ đồng. Điển hình là vụ cháy vào ngày 23/3/2018 tại chung cư Carina Plaza (quận 8, TP.HCM)

Đình Dân

NỔI BẬT TRANG CHỦ