• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sôi động đối ngoại 2023 và những kỳ vọng trong năm 2024

Thế giới 09/02/2024 07:45

(Tổ Quốc) - Năm 2023 được xem là năm bản lề có ý nghĩa đặc biệt trong việc triển khai các chủ trương chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta nhằm giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài trong phát triển kinh tế xã hội và nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Năm 2023: Nhiều dấu ấn đối ngoại nổi bật

Trong năm 2023, Việt Nam đã tổ chức thành công 22 chuyến thăm của lãnh đạo chủ chốt tới các nước láng giềng, các đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống và 28 chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao các nước đến Việt Nam cùng với hàng trăm cuộc gặp cấp cao tại các diễn đàn, hội nghị đa phương. Nổi bật là những chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử như chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden, v.v... Thành công của các chuyến thăm, hoạt động đối ngoại này đã tạo nên bước phát triển mới về chất trong đối ngoại và hội nhập quốc tế của nước ta.

Sôi động đối ngoại 2023 và những kỳ vọng trong năm 2024 - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự chương trình Gặp gỡ nhân sỹ hữu nghị và thế hệ trẻ Việt Nam - Trung Quốc trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 12 - 13/12/2023. Ảnh: Hoàng Việt

Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng, hoạt động đối ngoại năm 2023, đặc biệt là các hoạt động đối ngoại cấp cao đã diễn ra sôi động, rộng khắp cả trên bình diện đa phương và song phương. Trong năm 2023, Việt Nam đã thúc đẩy quan hệ với nhiều đối tác quan trọng như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và nhiều đối tác khác lên tầm cao mới. Nhờ đó đã nâng vị thế của Việt Nam tại các diễn đàn cơ chế đa phương quan trọng như ASEAN, Liên hợp quốc, Tiểu vùng Mekong, APEC, UNESCO.

Sôi động đối ngoại 2023 và những kỳ vọng trong năm 2024 - Ảnh 2.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trên bục danh dự, thực hiện nghi thức chào cờ trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 10-11/9/2023. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Ngoại giao kinh tế tiếp tục đẩy mạnh, lấy địa phương, doanh nghiệp và người dân là trung tâm phục vụ, đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Các hoạt động ngoại giao kinh tế đã đóng góp một phần xứng đáng cho sự phát triển xã hội của Việt Nam. Cụ thể, xuất nhập khẩu đạt trên 680 tỷ đôla, FDI đạt 36,6 tỷ đô la và nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu trên thế giới đã cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Về ngoại giao văn hoá, Việt Nam được tín nhiệm bầu vào các cơ quan quan trọng của UNESCO. Đảng và Nhà nước rất coi trọng vai trò và sức mạnh của ngoại giao văn hóa. Thực tế, văn hóa nghệ thuật là kênh hiệu quả giới thiệu với quốc tế hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, giúp nhân dân thế giới hiểu rõ về Việt Nam, từ đó đồng cảm, chia sẻ, ủng hộ, đoàn kết với đất nước ta.

Trong công tác bảo hộ công dân, Việt Nam đã theo dõi sát sao tình hình và kịp thời bảo hộ hàng trăm ngư dân, đưa về nước an toàn hàng nghìn công dân tại các địa bàn khó khăn xảy ra xung đột, thiên tai như ở Myanmar.

Ngoại giao văn hóa đạt được những dấu ấn quan trọng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định ngoại giao đối ngoại chính là văn hóa, là đại diện cho văn hóa dân tộc trong giao lưu với các dân tộc khác. Thực tế, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để khai thác và phát huy thế mạnh của ngoại giao văn hóa. Và năm 2023 nổi bật với những dấu ấn quan trọng trong ngoại giao văn hóa của đất nước.

Sôi động đối ngoại 2023 và những kỳ vọng trong năm 2024 - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã có buổi làm việc với Bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO.

Cụ thể, đây là năm có số lượng chuyến thăm chính thức giữa Việt Nam và UNESCO nhiều nhất gần đây, góp phần làm sâu sắc quan hệ, tranh thủ tri thức, nguồn lực của UNESCO cho phát triển bền vững đất nước.

Chuyến thăm chính thức đầu tiên của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (6/2023), Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng (11/2023) tới UNESCO, khẳng định vai trò thành viên năng động, trách nhiệm và Việt Nam là hình mẫu hợp tác hiệu quả với UNESCO.

Cùng với đó, chuyến thăm chính thức của Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới tới Việt Nam sau 11 năm (3/2023) và của Trợ lý Tổng Giám đốc về Quan hệ đối ngoại của UNESCO sau 4 năm (7/2023) đã đánh dấu cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo UNESCO trong việc thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ Việt Nam bảo tồn và phát huy giá trị di sản, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, vì phát triển bền vững…

Sôi động đối ngoại 2023 và những kỳ vọng trong năm 2024 - Ảnh 4.

Tại Kỳ họp lần thứ 16 Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Việt Nam được tín nhiệm đại diện cho khu vực Châu Á-Thái Bình Dương bầu vào vị trí Phó Chủ tịch Ủy ban. (Ảnh: Thu Hà/TTXVN)

Kết quả đạt được như sau: vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, có thêm 02 thành phố là Đạt Lạt và Hội an được công nhận là thành phố sáng tạo của UNESCO; Đại danh y Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác trở thành danh nhân thế giới; Việt Nam được tín nhiệm bầu vào các cơ quan quan trọng của UNESCO như Phó Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO, Phó Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027... Ngoài ra, Việt Nam cũng đã tranh thủ được sự ủng hộ của UNESCO hồi hương thành công di sản quốc gia Ấn vàng Hoàng đế Chi bảo, đáp ứng nguyện vọng của Chính phủ và người dân.

Phát huy sức mạnh đối ngoại năm 2024

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, năm 2024 có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Những nền tảng đạt được trong năm 2023 là tiền đề vững chắc cho đối ngoại và ngoại giao Việt Nam vượt qua khó khăn, thử thách để đóng góp tích cực cho quá trình phát triển đất nước trong năm 2024.

Sôi động đối ngoại 2023 và những kỳ vọng trong năm 2024 - Ảnh 5.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn

Trên cơ sở tổ chức thực hiện tốt đường lối đối ngoại Đại hội XIII và các nghị quyết, kết luận, chỉ thị về đối ngoại mà Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay, phát huy mạnh mẽ bản sắc "ngoại giao cây tre Việt Nam", theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, trong năm 2024, ngành ngoại giao tập trung định hướng một số trọng tâm sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới tư duy về đối ngoại. Với thế và lực mới của nước ta chưa bao giờ có được như ngày nay, cần mạnh dạn vượt ra khỏi tư duy lối mòn, tìm cách làm mới vì lợi ích quốc gia- dân tộc. Muốn vậy, cần đẩy mạnh tổ chức triển khai công tác nghiên cứu, tham mưu, dự báo chiến lược về đối ngoại; nhạy bén phát hiện các vấn đề mới, nhận diện chính xác thời cơ, định vị đúng vị thế chiến lược của đất nước và tranh thủ tốt các xu thế quốc tế để chủ động có chủ trương, quyết sách, bước đi đối ngoại phù hợp.

Thứ hai, phát huy vai trò tiên phong, đồng thời phối hợp chặt chẽ với đối ngoại Đảng, đối ngoại nhân dân, các ngành, các cấp triển khai đồng bộ các binh chủng đối ngoại và ngoại giao nhằm củng cố vững chắc môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, huy động tốt các nguồn lực mới từ bên ngoài cho phát triển kinh tế- xã hội và nâng cao vị thế, uy tín của đất nước. Trọng tâm là, phát huy hiệu quả các khuôn khổ quan hệ vừa được nâng tầm trong năm vừa qua, thực hiện tốt các thỏa thuận hợp tác đã đạt được, đồng thời tiếp tục làm sâu sắc hơn và nâng tầm quan hệ với các đối tác khác nhằm mở rộng thị trường, thu hút đầu tư chất lượng cao, chuyển giao công nghệ mới, kiến tạo không gian phát triển mới cho đất nước, địa phương, doanh nghiệp và người dân, cũng như phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò và vị thế mới của Việt Nam tại các diễn đàn, cơ chế đa phương có tầm quan trọng chiến lược.

Thứ ba, tập trung tạo bước chuyển mới về xây dựng và phát triển ngành ngoại giao vững mạnh, toàn diện, hiện đại. Trong đó, trọng tâm tổ chức thực hiện tốt các đề án, kế hoạch về đổi mới đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và bố trí cán bộ; từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất, cơ chế chính sách cho công tác đối ngoại; tiếp tục đổi mới phương thức, lề lối làm việc theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, hiện đại, v.v...

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ