• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Du lịch Malaysia khó khăn vì thiếu nguồn nhân lực

Thế giới 18/11/2022 15:41

(Tổ Quốc) - Trang Malaymail vừa có một bài viết cho rằng sự thiếu hụt lao động là một điểm yếu trong ngành du lịch Malaysia.

Theo trang báo này, ngành du lịch của Malaysia vẫn tiếp tục chịu nhiều ảnh hưởng từ khoảng thời gian đại dịch Covid-19 diễn ra, trong đó có việc thiếu hụt lao động và thiếu nguồn lực kéo tài chính để thu hút nhân tài từ lao động địa phương và nước ngoài.

Bà Sara Shera, người điều hành Perhentian Rambo, một đơn vị du lịch gia đình cung cấp chỗ ở và gói tour du lịch ở khu vực Pulau Perhentian, Terengganu giải thích rằng khi doanh thu kinh doanh giảm do các biện pháp phong tỏa và hạn chế biên giới để phòng dịch Covid-19, việc thu hút nhân tài cho các công việc liên quan đến du lịch ngày càng trở nên khó khăn do người lao động có cơ hội tốt hơn ở những vị trí khác.

Vị trí việc làm thiếu sức cạnh tranh

"Rất khó để thu hút người lao động vì mức lương không cạnh tranh lắm. Tại sao mọi người lại muốn làm công việc này khi họ có thể kiếm được nhiều tiền hơn từ những việc làm như chạy xe cho dịch vụ Grab?", bà Sara nêu ra vấn đề.

Trước tình hình này, bà đề nghị chính phủ nỗ lực nhiều hơn trong việc thu hút nhân tài vào ngành du lịch và tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các nhà khai thác du lịch trong việc duy trì khả năng cạnh tranh với các lĩnh vực khác.

"Tôi nghĩ chính phủ nên cố gắng làm cho hoạt động trong ngành du lịch trở nên hấp dẫn hơn. Chính phủ nên tập trung vào việc cung cấp nhiều cơ hội hơn cho các doanh nhân nhỏ để có thể kinh doanh", bà Sara cho biết.

Du lịch Malaysia khó khăn vì thiếu nguồn nhân lực - Ảnh 1.

Thiếu nhân lực đang là một vấn đề lớn hạn chế ngành du lịch Malaysia phát triển mạnh mẽ hơn. Ảnh: Malaymail.

Theo Cục Thống kê Malaysia, tính đến năm 2021, có 3,52 triệu người làm việc trong ngành du lịch địa phương, đánh dấu sự sụt giảm so với mức 3,6 triệu người được ghi nhận vào năm 2019.

Hội đồng Phục hồi Quốc gia Malaysia (NRC) trước đây cũng đã thúc đẩy chính phủ đưa ra các sáng kiến nhằm giải quyết tình trạng thiếu lao động và hỗ trợ phục hồi ngành du lịch.

Chủ tịch NRC Tan Sri Muhyiddin Yassin cũng đề nghị chính phủ Malaysia tạo điều kiện cho các doanh nghiệp địa phương dễ dàng hơn khi thuê lao động nước ngoài để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế của đất nước.

Bà Sara Shera nói thêm rằng chính phủ cũng nên tập trung theo dõi các hoạt động bất hợp pháp đang diễn ra trong ngành du lịch để các nhà khai thác du lịch địa phương có thể tồn tại.

"Chính phủ cũng có thể cải thiện luật pháp và việc thực thi chúng bởi vì chúng tôi đang thấy một số đơn vị hoạt động bất hợp pháp ở đây, những người lấy đi hoạt động kinh doanh từ các doanh nghiệp hợp pháp", bà Sara cho biết.

Chính phủ cần tăng cường các biện pháp hỗ trợ

Trong khi đó, một nguồn tin làm việc tại chuỗi khách sạn quốc tế 5 sao ở Kuala Lumpur khi chia sẻ với Malaymail cũng đồng ý với nhận định rằng chính phủ Malaysia nên tăng cường các sáng kiến và hỗ trợ trực tiếp cho người lao động trong ngành du lịch để giữ chân nhiều nhân tài hơn.

"Đưa ra các ưu đãi cho mọi người khi họ tham gia lại ngành du lịch như trợ cấp thuế thu nhập hoặc miễn phí sử dụng phương tiện giao thông địa phương khi làm việc cho ngành du lịch", nguồn tin này đưa ra ý kiến.

Họ nói thêm rằng mặc dù chương trình Trợ cấp Tiền lương Prihatin (PSU) trước đây của chính phủ đã hỗ trợ trong việc giữ chân những người lao động ưu tú, nhưng ngành công nghiệp này vẫn đang phải vật lộn để phục hồi sau những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

"Đúng, chúng tôi đã nhận được trợ cấp lương, tuy nhiên, điều đó không giúp ích được gì nhiều vì vấn đề cốt lõi là các công ty cần phải tăng được thu nhập để có thể duy trì hoạt động kinh doanh và trả lương cho nhân viên", nguồn tin này cho biết.

Đầu năm nay, Bộ Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia (Motac) đã khởi động Kế hoạch Phục hồi Du lịch 2.0 nhằm khôi phục và phát triển hơn nữa ngành du lịch sau khi nước này chuyển sang giai đoạn đặc biệt của cuộc khủng hoảng Covid-19.

Tuy nhiên, NRC vẫn cho rằng kế hoạch 4 năm mà Motac đưa ra là một quá trình quá dài và họ đang thúc giục chính phủ tăng cường các sáng kiến để thúc đẩy hơn nữa ngành du lịch ở Malaysia cũng như cải thiện cơ sở hạ tầng du lịch của quốc gia để có thể cạnh tranh được và không bị các nước láng giềng Đông Nam Á bỏ lại phía sau.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ