• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cảm ơn những năm tháng được làm việc cùng chú Trần Mai Hạnh

Văn hoá 05/04/2024 07:48

(Tổ Quốc) - Sự ra đi đột ngột của chú đã thực sự khiến nhiều người trong báo Tổ Quốc hụt hẫng vì biết rằng căn phòng đó sẽ không còn sáng đèn và nhìn thấy hình bóng quen thuộc của chú trở lại nữa. Lần đi cuối cùng vào TP.HCM chú không trở về với tòa soạn nữa. Đã đến lúc số mệnh bắt chú nghỉ ngơi...

May mắn và cơ duyên ở báo Tổ Quốc

Năm 2008, sau những biến cố lớn của cuộc đời làm báo, nhà báo Trần Mai Hạnh trở về làm cố vấn cao cấp của Báo điện tử Tổ Quốc theo lời mời của Tổng biên tập Mai Linh. Thời điểm này, Báo điện tử Tổ Quốc mới ra đời được 2 năm, phần lớn đội ngũ phóng viên, biên tập viên còn khá trẻ. Vì vậy việc một nhà báo vừa có tuổi đời và tuổi nghề kỳ cựu như nhà báo Trần Mai Hạnh làm cố vấn cao cấp là một may mắn hiếm có cũng như cơ duyên cho báo Tổ Quốc và những phóng viên, biên tập viên làm việc ở đây. Và chúng tôi thường gọi "cố vấn" bằng cái tên thân mật – "chú Hạnh".

Cảm ơn những năm tháng được làm việc cùng chú Trần Mai Hạnh - Ảnh 1.

Đây là cuốn sách nhận được sự đón nhận của độc giả cũng như đánh giá cao từ giới chuyên môn của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh

Những bài học và kinh nghiệm làm báo sâu sắc như trung thực, cẩn thận, trách nhiệm, bản lĩnh, biết lựa chọn cái gì nên và không nên đưa vào bài viết… luôn được chú truyền lại cho các nhà báo trẻ. Ở gần chú, tình yêu, niềm say mê dành cho báo chí như một ngọn lửa bền bỉ cũng lan sang để chúng tôi luôn nhìn về phía trước, không ngại khó khăn. Chú cũng là người thẳng thắn đưa ra quan điểm của mình trước một ý tưởng định viết ra hay bài báo đã hoàn thành và cũng không ngần ngại nói lời chê, yêu cầu làm lại. Ngược lại, để được chú khen "được" hay "tốt" là một phần thưởng tinh thần khích lệ rất lớn với người làm báo. Chú cũng nói về những nguy hiểm của nghề báo để đâu đó những ảo tưởng về sự hào nhoáng, vinh quang trong những cây bút trẻ nếu có sẽ dẹp sang một bên mà khiêm tốn hơn, cẩn trọng hơn. Làm một nhà báo giỏi rất khó, nhưng hãy nỗ lực, tạo cho mình một dấu ấn, một phong cách riêng là những gì chú động viên. "Nghề báo gắn với sự kiện. Nhà báo không ký tên vào lịch sử, họ chỉ để lại tên tuổi của mình trong lịch sử chiến công của người khác" – là những gì đúc kết đầy tâm huyết của chú trong cuộc trao đổi với GS. Hà Minh Đức.

Cảm ơn những năm tháng được làm việc cùng chú Trần Mai Hạnh - Ảnh 2.

Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh (ảnh Nam Nguyễn)

Ngoài báo chí, trong chú còn có một phần không thể thiếu của văn chương. Nhưng chú không giống với những người viết văn khác. Chú không ồn ào, không gặp gỡ giao lưu nói chuyện văn chương với đồng nghiệp, không đi trại sáng tác. Chú như con ong bền bỉ ghi chép, lặng lẽ viết trong một không gian của riêng mình mà không ảnh hưởng đến ai. Nhiều người trong giới văn chương có lẽ ngạc nhiên khi chú viết văn. Văn của chú cũng là thứ văn "của sự thật". Chú từng bảo "ngay cả khi viết văn, tôi cũng không có được khả năng tưởng tượng phong phú và hư cấu ra mọi chuyện như nhà văn khác. Sự kiện, cảnh ngộ, tình huống các nhân vật trong tác phẩm đều là những chuyện xảy ra trong đời thực tôi đã may mắn được chứng kiến, tiếp xúc. Thói quen ghi chép và viết nhật ký hàng ngày đã giúp tôi lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ của cuộc sống đã đi qua cuộc đời mình".

Mỗi người viết văn có một "tạng riêng" và đó là nét riêng biệt của ngòi bút chú Hạnh, được đan quyện, xử lý khéo léo giữa các chất liệu tư liệu và văn chương. Trước mỗi tác phẩm đã hoàn thành và in sách chú luôn khiêm tốn, cân nhắc thể loại khi gắn vào văn chương. Chú chưa bao giờ tự nhận mình là nhà văn (dù đây là ước mơ của chú) mà chỉ cho rằng mình có những cơ may được chứng kiến nhiều sự kiện lớn, nhiều tư liệu quý để sau này nghiền ngẫm viết ra, phục dựng lại. Nhưng từ nhiều năm nay, với những ghi nhận về tác phẩm của chú, công chúng và giới chuyên môn không ngần ngại gọi chú là nhà văn, sau danh xưng nhà báo. Có lẽ đấy là vinh dự, là tên gọi xứng đáng cũng như "phần thưởng" dành cho chú mà không phải người cầm bút nào cũng có được.

Chú từng viết rằng: "Cuộc đời làm báo của tôi không chỉ có vinh quang mà còn có không ít đắng cay, kể cả tai nạn nghề nghiệp và những hệ lụy. Nhưng với niềm tin không gì lay chuyển, với lý tưởng cao đẹp mà mình đã chọn lựa, tôi đã đứng vững, vượt qua mọi thử thách để sống và tiếp tục lao động trên cánh đồng chữ nghĩa với những ước vọng văn chương tôi hằng theo đuổi từ thời còn niên thiếu". Có lẽ đến giờ phút này những lời nói trên trong cuốn "Viết và Đối thoại" như một tổng kết đầy thấm thía khi nhìn lại con đường mà chú đã đi qua.

Những năm tháng ý nghĩa

May mắn nữa ở Báo điện tử Tổ Quốc là có không ít nhà báo yêu thích, hiểu biết về văn chương. Vì thế chú Hạnh có thể nói được nhiều hơn, tâm sự được nhiều hơn cả về báo chí, văn chương và cả những câu chuyện của đời sống thường nhật dưới cái nhìn hóm hỉnh, lạc quan. Mỗi khi có chú xuất hiện, nhiều câu chuyện bỗng trở nên hài hước và nhẹ nhõm hơn hẳn.

Có lần chú Hạnh đã tâm sự đầy xúc động, rằng những năm tháng được làm ở Báo điện tử Tổ Quốc có ý nghĩa lớn với chú. Đó là khoảng thời gian chú viết nhiều, ra sách được nhiều và cũng là những cuốn sách có nhiều giá trị. Bởi vì đây là khoảng thời gian chú đã nghỉ hưu, không còn bị cuốn vào công việc bộn bề. Làm "cố vấn" chú không phải chạy theo những thông tin ngồn ngộn của báo chí nhưng vẫn được sống trong đời sống của báo chí. Hơn nữa đây cũng là lúc mọi thăng trầm trong cuộc đời chú đã đi qua, đủ để có một khoảng lặng, khoảng chậm để nhìn lại tất cả. Với một thái độ điềm tĩnh của người từng trải và độ lùi nhất định của thời gian, chú đã được sống cùng lúc với báo chí và văn chương. Nếu như trước đây chú có những tác phẩm như: Nắng Thu Bồn, Tình yêu và án tử hình, Sụp đổ và tự thú, Ngày tận thế, thì quãng thời gian làm cố vấn ở Báo Tổ Quốc chú có các tác phẩm đầy tâm huyết như: Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 cho đến nay được tái bản 5 lần và được dịch ra nhiều thứ tiếng với phiên bản tiếng Anh, tiếng Lào, tiếng Tây Ban Nha. Không chỉ được bạn đọc đón nhận, tác phẩm này cũng được giới chuyên môn đánh giá cao khi vinh dự được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng văn học ASEAN. Cùng với đó, chú còn có nhiều tác phẩm khác sau đó như: Lời tựa một tình yêu, Thời tôi sống, Viết và Đối thoại. Năm 2024 chú dự định sẽ xuất bản tự truyện Sống đến bình minh. Bản thảo cuốn sách cuối cùng này đã hoàn thiện nhưng chưa kịp đến tay bạn đọc thì chú đã có chuyến đi thật xa cuối cùng trong cuộc đời mình.

Cảm ơn những năm tháng được làm việc cùng chú Trần Mai Hạnh - Ảnh 4.

Ghi chép là thói quen của chú Trần Mai Hạnh ở bất cứ nơi đâu (ảnh Nam Nguyễn)

Có lẽ đã từ lâu rồi, với các nhà báo ở Báo Tổ Quốc đã coi chú như một thủ lĩnh tinh thần cả ở nghĩa đen với nghĩa bóng. Có những lúc thực sự cần lời khuyên quý giá, chân tình và nhiều kinh nghiệm của chú lại gõ cửa và ngồi lắng nghe chú. Và ngay cả những lúc trưởng thành hơn, chín chắn hơn, tự tin hơn ở quyết định hay bài viết của mình mà không cần thông qua ý kiến của chú nhưng chúng tôi vẫn nhìn về phía căn phòng sáng đèn để tự dặn lòng cẩn trọng hơn. Nhiều khi chỉ cần nhìn về phía căn phòng còn sáng đèn ấy, nhìn vào điện thoại vẫn thấy chú online là đủ để thấy rằng chú luôn ở đó mà yên tâm làm việc.

Đã quá nhiều năm quen thuộc với hình ảnh của chú Hạnh đều đặn đến tòa soạn đúng giờ với dáng vẻ nhanh nhẹn, minh mẫn, sắp xếp mọi việc đâu vào đấy, nhiều khi các phóng viên còn vui đùa, sao chỉ bằng một nửa tuổi chú mà cứ quên hết cái này đến cái khác, làm thế nào để có được trí nhớ và sự vững vàng như chú nhỉ. Có lúc chú còn lo lắng cả những việc trọng đại của mấy đứa cháu mà hốt hoảng hỏi "thế tóm lại mai có cưới không mà giờ này còn ngồi đây?" khiến không ít người bật cười và cũng thầm hiểu đằng sau đó là sự ân cần, quan tâm của người cha, người chú.

Cảm ơn những năm tháng được làm việc cùng chú Trần Mai Hạnh - Ảnh 5.

Sẽ không còn chú ở bên nhưng những lời chú dặn, những tâm sự chân tình và cả những bài học thấm thía sẽ theo suốt chúng tôi trong quãng đời làm báo của mình (ảnh Nam Nguyễn)

Những ngày qua, căn phòng của chú không còn sáng đèn. Và cũng như nhiều lần chúng tôi tin rằng đó là một chuyến công tác của chú thôi, bằng cách này hay cách khác giữa thời buổi công nghệ vẫn kết nối công việc được với chú. Đâu đây vẫn câu dặn dò: "Chú đi nhé, có gì cứ gọi, chú xem ngay"! Nhưng rồi, sự ra đi đột ngột của chú đã thực sự khiến nhiều người trong Báo Tổ Quốc hụt hẫng vì biết rằng căn phòng đó sẽ không còn sáng đèn và nhìn thấy hình bóng quen thuộc của chú trở lại nữa. Chuyến đi cuối cùng vào Sài Gòn này chú không trở về với tòa soạn nữa. Thời gian không làm chú thay đổi quá nhiều vẻ bên ngoài, do sức làm việc của chú không kém gì đám "hậu bối" ở tòa soạn hay do chúng tôi lúc nào cũng nghĩ chú chỉ vừa mới về hưu thôi mà giật mình thảng thốt khi thấy ở tin buồn chú đã tuổi 82. Có lẽ, dù còn muốn làm việc nữa nhưng đã đến lúc số mệnh bắt chú phải nghỉ ngơi. Chú đã làm những gì cần phải làm suốt mấy chục năm. Mong chú ra đi thanh thản và trở về với vòng tay của những người thân, đồng đội ở thế giới bên kia.

Chúng tôi phải tự dặn nhau, rằng mình phải "lớn hơn nữa" trong công việc vì đã rời xa chú thật rồi. Sẽ không còn chú ở bên nhưng những lời chú dặn, những tâm sự chân tình và cả những bài học thấm thía sẽ theo chúng tôi trong suốt quãng đời làm báo của mình, đó là: "Cuộc đời thật vô cùng và nó vẫn luôn ở phía trước. Không ai gặp toàn những điều may mắn. Con người rốt cuộc phải vươn lên trong cuộc đời này giữa tổng hòa những điều may mắn và không may mắn, kể cả những oan trái, tai họa để cất bước".

Xin được cảm ơn những năm tháng đầy quý giá được làm việc với chú Trần Mai Hạnh để chúng tôi hiểu thêm về báo chí, văn chương cũng như cuộc đời với rất nhiều cung bậc...


Hiền Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ