Cùng với MU Online, Võ Lâm Truyền Kỳ gần như là một trong những tựa game online đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam và tạo được tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với nhiều thế hệ ngay trong thời điểm ấy. Thậm chí, ngay cả bây giờ, với những lứa game thủ thế hệ 8-9x, Võ Lâm Truyền Kỳ vẫn được coi là tượng đài sừng sững không thể thay thế và cũng là cái tên đã tạo ra vô số những ảnh hưởng tác động trực tiếp tới văn hóa chơi game của các game thủ Việt.
Mở đầu cho văn hóa chuộng game cày cuốc kiếm hiệp
Có thể nói khi nhắc tới các dòng game cày cuốc được ưa chuộng nhất ở Việt Nam, chắc chắn không gì có thể sánh được với những trò chơi nhập vai kiếm hiệp. Mở đầu là Võ Lâm Truyền Kỳ, tiếp nối là những cái tên như Kiếm Thế, Thiên Long Bát Bộ và còn vô số những tựa game ăn theo nữa. Ngay cả ở thời điểm hiện tại, trước làn sóng đổ bộ của game MOBA và eSports, các tựa game cày cuốc kiếm hiệp vẫn giữ được một vị trí vững chắc, chỗ đứng nhất định trong lòng các game thủ.
Và phải là game "kiếm hiệp" nhé. Chẳng thiếu những tựa game tiên hiệp được kỳ vọng sẽ thành công ở Việt Nam nhưng rồi cũng chẳng tạo được tiếng vang và hiệu ứng quá lớn như những gì mà VLTK đã làm được. Từ Tru Tiên, Thế Giới Hoàn Mỹ, tất cả chỉ có những ảnh hưởng nhất định trước khi lụi tàn một cách chóng vánh theo thời gian.
Văn hóa chơi game trả phí
VLTK gần như cũng là tựa game đầu tiên đưa ra hình thức tính phí giờ chơi đối với các game thủ. Điều này ở thời điểm ấy đã thật sự tạo ra một cú sốc lớn với không ít người. Thậm chí, chẳng thiếu những trường hợp dọa tẩy chay VLTK vì hình thức thu phí được cho là trắng trợn vào lúc ấy.
Tuy rằng sau này, hệ thống thu phí giờ chơi của VLTK cũng không thật sự thành công và dần chuyển sang cash shop, thế nhưng, cũng từ lúc ấy, các game thủ Việt mới có cơ hội dần làm quen với việc chơi game trả phí, thậm chí là mua game như sau này.
Văn hóa chơi game là phải PK
Cũng vì ảnh hưởng của VLTK mà các game thủ Việt có phong cách chơi game "cày cuốc" khá khác so với các game thủ nước ngoài. Cụ thể, nếu như ở nước ngoài, đa số các tựa game đều sẽ chú trọng tới yếu tố độ khó trong các phụ bản, hoạt động hay nói đơn giản là mang tính PvE, nâng cao sự hợp tác giữa các người chơi thì tại Việt Nam, câu chuyện lại hoàn toàn trái ngược.
Những tựa game được đánh giá cao, có đông người chơi chính là khi chúng tạo điều kiện tối đa cho các game thủ Việt thể hiện sức mạnh của mình thông qua hệ thống PK giữa người với người. Nói cách khác, bảo các game thủ Việt "khát máu" thì cũng đúng. Và VLTK có ảnh hưởng rất lớn trong điều này, khi mà thậm chí, cụm từ "bật f9" - cách để mở đồ sát thông dụng trong VLTK giờ đây cũng đã trở thành câu cửa miệng của không ít game thủ.