Ẩm thực Việt Nam có rất nhiều món ăn được làm từ côn trùng, đặc biệt là các món từ sâu. Nguồn gốc và hình dáng của chúng có thể khiến nhiều người “sởn gai ốc”, nhưng chúng vẫn trở thành đặc sản ở nhiều vùng miền vì hương vị và giá trị dinh dưỡng. Các du khách nước ngoài khi đến Việt Nam có người thích thú, có người lại sợ xanh mặt khi thưởng thức những món từ sâu.
Sâu tre
Đúng như tên gọi, sâu tre là loài sâu bọ sống trong những ngọn tre, thân măng trên vùng núi rừng Tây Bắc. Chúng thường chỉ xuất hiện từ tháng 10-12 âm lịch. Muốn tìm được loài sâu này, người bản địa sử dụng mẹo nhìn qua những lỗ trên thân tre, rồi nhìn sang lá, thân măng để xác định. Khi măng nứa cao quá đầu người thì sâu tre trưởng thành và béo nhất.
Người Tây Bắc sáng tạo ra rất nhiều món ăn làm từ sâu tre như sâu tre xào lá chanh, sâu tre hấp, sâu tre chiên… Các món đều không tẩm ướp quá nhiều gia vị mà chủ yếu giữ nguyên hương vị, độ béo của sâu tre.
Sâu tre ngoài xuất hiện trong bữa ăn thường ngày, còn được ưa chuộng trong các dịp lễ Tết, nhà có việc lớn. Dù ngoại hình chúng không bắt mắt, còn khiến người khác e sợ nhưng đây vẫn là một đặc sản Tây Bắc bạn không thể bỏ qua.
Đuông dừa
Đuông dừa là đặc sản miền Tây được nhiều người biết đến, do cách sử dụng vần ví trong lời ăn tiếng nói thường ngày. Tuy vậy, không phải ai cũng dám thưởng thức con sâu béo ngậy, ngoe nguẩy liên tục này.
Có nguồn gốc từ Bến Tre, đuông dừa được chế biến thành nhiều món đặc sản miền Tây. Mỗi con đuông dừa to cỡ bằng đầu ngón tay cái, thân hình “đầy đã”, chứa nhiều vitamin A, C và protein.
Ngoài những món tinh tế như đuông dừa nướng, đuông dừa chiên, đuông dừa xào nước dừa…, người miền Tây còn chuộng ăn đuông dừa còn sống nguyên con, “tắm nước mắm”. Đây là món gây ám ảnh nhất với các du khách khi được mời thưởng thức. Nhìn những con sâu béo nhung nhúc, bò trong bát nước mắm, không phải ai cũng dám bỏ vào miệng. Cách ăn này được người bản địa cho là giữ được vị béo, ngon nhất của đuông dừa.
Nhộng sầu muồng
Đây được xem như “tuyệt phẩm” Tây Nguyên với mỗi mùa nhộng sầu muồng chỉ kéo dài trong tháng 3 và 4 hàng năm. Loài sâu này sinh sống trên cây muồng, có màu xanh giống lá cây muồng luôn.
Món phổ biến nhất chính là nộm nhộng sầu muồng: con nhộng sầu muồng bắt về được rửa sạch, trộn với mắm ớt, muối tiêu… Những con nhộng sầu muồng béo, mềm, mọng nước, khi ăn như đang tan ra trong miệng. Nhiều du khách không đủ can đảm thì có thể thử các món nhộng muồng được nấu chín kiểu chiên, luộc, xào, nấu cháo…
Sùng đất
Là đặc sản của Quảng Nam, sùng đất có hình dạng khá “khó nuốt”, nhưng chúng được người bản địa ưa chuộng vì công dụng dinh dưỡng cao. Sùng đất trưởng thành trong độ tháng 8-12 âm lịch, khi đó người dân sẽ bắt để chế biến thành nhiều món đặc sản như sùng đất luộc, sùng đất rang, bánh xèo sùng đất… Món ngon và phổ biến nhất phải kể đến sùng đất nướng muối ớt.
Nhộng tằm
Ngoài công dụng để làm tơ lụa, nhộng tằm còn trở thành một đặc sản nổi tiếng của Việt Nam và được đông đảo người nước ngoài biết đến nhất. Nhộng tằm là pha thứ ba của con ngài (bướm), có hương vị rất riêng, một khi đã biết ăn là dễ “nghiện”. Người Việt chế biến nhộng tằm thành nhiều món bổ dưỡng như: nhộng xào lá chanh, nhộng tằm xào măng, nhộng tằm chiên, nhộng tằm rang muối…
Món từ nhộng tằm dễ chế biến và được ưa thích nhất là nhộng tằm xào lá chanh. Không có quá nhiều gia vị, chỉ có vài cọng lá chanh để làm dậy thêm mùi vị béo bùi của nhộng tằm. Món này ăn với cơm nóng là hết sảy.
Nguồn: Tổng hợp.