Viện đủ cớ moi bí mật Iron Dome từ Israel: Định chơi đồng minh thân thiết một vố đau, Mỹ bẽ bàng khi chính mình "ăn trái đắng"?

Vy Lam | 16-05-2020 - 10:52 AM

(Tổ Quốc) - Nhiều bí ẩn xoay quanh lý do tại sao lục quân Mỹ lại nhất quyết đòi Israel chuyển giao mã nguồn của hệ thống phòng thủ Iron Dome.

Bẽ bàng vì bị Israel từ chối thẳng thừng

Lục quân Mỹ tự nhận thấy mình đã rơi vào cảnh bẽ bàng sau khi chi hàng tỷ USD để mua 2 tổ hợp phòng thủ tên lửa Iron Dome từ Israel. Vấn đề nằm ở chỗ Israel từ chối cung cấp cho quân đội Mỹ mã nguồn của hệ thống này.

Lục quân Mỹ cho biết họ cần có mã nguồn để tích hợp Iron Dome vào mạng lưới phòng không của mình.

Tuy nhiên, theo trang mạng Strategy Page, hiện không có mạng lưới hệ thống tích hợp nào như vậy, và nếu có thì người ta cũng không cần đến mã nguồn mà chỉ cần Giao diện lập trình ứng dụng (API) – có chức năng cung cấp các kết nối phần mềm giữa hệ thống này với các hệ thống khác.

Lục quân Mỹ cũng bày tỏ nhiều nghi ngại về khả năng sử dụng Iron Dome ở các quốc gia khác, như Iraq hoặc Afghanistan, mà không có mã nguồn. Tuy nhiên, Israel đã xuất khẩu hàng chục tổ hợp Iron Dome sang các quốc gia khác như Azerbaijan, Cộng hòa Czech, Ấn Độ, Romania và Singapore, thậm chí đang có khả năng cung cấp cho NATO, Hàn Quốc và Ả Rập Saudi (một cách kín đáo).

Viện đủ cớ moi bí mật Iron Dome từ Israel: Định chơi đồng minh thân thiết một vố đau, Mỹ bẽ bàng khi chính mình ăn trái đắng? - Ảnh 1.

Hệ thống phòng thủ Iron Dome của Israel. Ảnh: The Drive

Thỏa thuận với Cộng hòa Czech phụ thuộc vào việc Iron Dome có khả năng tích hợp vào mạng lưới phòng không đa hệ thống của NATO hay không, và điều này đã thực hiện được với API. Trong khi đó, thỏa thuận cung cấp cho Singapore, tương tự như thỏa thuận tiềm năng với Saudi (có thể đã hoàn tất), đã được xử lý một cách bí mật để không khiến các quốc gia quanh đó giận dữ.

Singapore khiến Malaysia và Indonesia lo ngại, trong khi Saud Arabia lại có khả năng khiến các nước Hồi giáo lân cận thấy bị đe dọa. Song, những thương vụ như thế này không thể giữ kín hoàn toàn bởi không thể ngụy trang Iron Dome thành một thứ gì đó khác.

Azerbaijan là quốc gia Hồi giáo đã công khai mua Iron Dome mà không gây ra các hiệu ứng tiêu cực về ngoại giao. Thỏa thuận với Cộng hòa Czech đồng nghĩa Iron Dome sẽ được "tích hợp" với các hệ thống phòng không của Mỹ do một số quốc gia NATO gần đó sử dụng.

Một số quan chức Mỹ tranh luận rằng tình huống của họ có sự khác biệt, và đã có một số cuộc tranh luận nổ ra về việc tại sao tình huống của quân đội Mỹ lại khác, và khác như thế nào.

Trong một thời gian dài, Lục quân Mỹ đã bị chỉ trích vì không để tâm tới năng lực phòng không. Điều đó đúng, và có một số lý do thực tiễn khiến họ có thái độ như vậy.

Về cuối Thế chiến II, Không quân Mỹ đã chiếm vị thế thống trị trên không, tức là bước cao hơn của mức "chiếm ưu thế đường không". Do đó, từ năm 1945 đến nay, không bên nào có khả năng gây ra thiệt hại nghiêm trọng từ trên không cho lực lượng Mỹ dưới mặt đất.

Lực lượng Mỹ đúng là đã hứng chịu một số thiệt hại từ các cuộc không kích nhưng đó thường là các vụ tai nạn do bắn nhầm quân mình, khi các chiến đấu cơ của Không quân Mỹ được huy động để yểm trợ đường không tầm gần cho lực lượng dưới mặt đất. Nguy cơ rủi ro này kéo dài cho tới khi các loại bom thông minh ra đời.

Sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt vào năm 1991, lực lượng trên bộ của Mỹ cảm thấy họ ngày càng bị đe dọa bởi các cuộc tấn công bằng tên lửa và rocket.

Uy thế "thống trị trên không" của Không quân Mỹ tỏ ra kém hiệu quả hơn trước tất cả các loại tên lửa và rocket, do đó Lục quân Mỹ phải đối mặt với áp lực gia tăng từ công chúng (thông qua Quốc hội), buộc họ phải phát triển được các phương thức phòng thủ hiệu quả hơn trước mối đe dọa mới từ đường không.

Hệ thống mua sắm của lục quân Mỹ không ghi được ấn tượng tốt trong những tình huống như thế này, và đặc biệt còn phản đối việc mua các hệ thống của nước ngoài, kể cả những hệ thống như Iron Dome [đã chứng minh được hiệu quả tác chiến].

Tổ hợp của Israel rõ ràng có thể giải quyết các vấn đề rất thực tế mà Mỹ đang gặp phải trong việc bảo vệ căn cứ của họ ở Iraq, Afghanistan… trước những loại vũ khí mà Iron Dome đã chứng minh nó đủ khả năng đối phó.

Trước áp lực từ phía Quốc hội, Lục quân Mỹ hứa hẹn sẽ đưa các tổ hợp Iron Dome vào biên chế. Chúng dự kiến sẽ được bàn giao vào cuối năm 2020, sau đó khoảng 100 binh sĩ Mỹ sẽ được huấn luyện để vận hành khí tài này.

Thông thường, với kế hoạch như vậy thì phải tới năm 2021, các tổ hợp Iron Dome mới sẵn sàng hoạt động. Song, lục quân Mỹ cho biết, nếu được yêu cầu, các tổ hợp Iron Dome của họ [hoặc ít nhất một trong số đó] có thể sẵn sàng triển khai trước khi hết năm 2020.

Tại sao Mỹ muốn có bí mật của Iron Dome?

Theo Strategy Page, hiện vẫn còn những bí ẩn về lý do tại sao lục quân Mỹ lại nhất quyết đòi Israel chuyển giao mã nguồn.

Lục quân Mỹ đã thử nghiệm thành công các hệ thống Iron Dome mà họ có được để đánh giá khả năng của chúng. Israel đã nêu rõ rằng họ sẽ không chia sẻ mã nguồn [hoặc những thông tin tương tự] của Iron Dome với bất cứ ai. Trong khi đó, Mỹ tỏ ra không phải là phía giỏi giữ bí mật như Israel.

Cơ chế hoạt động của hệ thống Iron Dome

Lục quân Mỹ đang đứng trước áp lực buộc họ phải triển khai Iron Dome ở những khu vực như Iraq, nơi các căn cứ Mỹ thường xuyên bị lực lượng phiến quân Iraq [do Iran hậu thuẫn] tấn công bằng rocket. Năm 2016, Israel thậm chí đã sửa đổi tổ hợp Iron Dome theo yêu cầu của Mỹ để nó có thể bắn hạ các UAV.

Giờ đây người Mỹ đang có kế hoạch mở một cuộc cạnh tranh để đánh giá những hệ thống có khả năng thực hiện các nhiệm vụ mà Iron Dome vẫn làm. Vấn đề là hiện không có hệ thống nào khác tương tự, Israel lo ngại Mỹ muốn dùng mã nguồn của Iron Dome để thực hiện "kỹ thuật đảo ngược" [dùng trong sao chép], và tạo ra một hệ thống tương tự của Mỹ.

Chìa khóa dẫn tới thành công của Iron Dome là phần mềm của nó. Việc Mỹ nhất quyết tìm cách tiếp cận đã cho thấy phần mềm này cần thiết và có giá trị tới mức nào. Song họ có lẽ khó đạt được mong muốn của mình bởi người Israel chắc chắn muốn giữ bí mật đó riêng cho họ.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM