Tôi đã thử sống mà không đoái hoài đến những ông lớn công nghệ, và đó là điều bất khả thi

Tấn Minh | 02-08-2020 - 10:50 AM

(Tổ Quốc) - Trong khi các nhà lập pháp đang tranh cãi liệu Apple, Google, Facebook và Amazon có phải là những tổ chức độc quyền, thì một phóng viên đã chia sẻ về quãng thời gian mà cô thử tránh tương tác với các công ty đó.

* Bài viết được chuyển ngữ từ câu chuyện của phóng viên Kashmir Hill trên tờ New York Times.

Tuần qua, các lãnh đạo của Amazon, Facebook, Google và Apple đã bị triệu tập đến Uỷ ban Chống độc quyền của Quốc hội Mỹ nhằm trả lời những câu hỏi xoay quanh vấn đề có phải họ đang nắm giữ quá nhiều quyền lực, và liệu điều đó có tác động tiêu cực đến người tiêu dùng hay không.

Những lãnh đạo công nghệ kia đã xuất hiện tại phiên điều trần qua thông qua dịch vụ hội thảo trực tuyến và đáp trả những câu hỏi cáo buộc họ như những "ông trùm thế giới ảo", khẳng định họ có rất nhiều đối thủ, và người tiêu dùng có những lựa chọn khác thay cho những dịch vụ mà họ cung cấp.

Nhưng có thật vậy không? Năm ngoái, trong một nỗ lực nhằm hiểu được sự lệ thuộc của chúng ta vào các công ty đó, tôi đã tiến hành một thử nghiệm để thấy được rằng loại bỏ họ khỏi cuộc sống thường ngày là điều khó khăn đến mức nào.

Làm điều đó không hề dễ dàng. Từ kinh nghiệm nhiều năm viết về quyền riêng tư trong thế giới số, tôi biết những công ty đó luôn đứng sau rất nhiều tương tác trực tuyến của chúng ta. Tôi làm việc với một chuyên gia công nghệ tên Dhruv Mehrotra, người thiết kế cho tôi một công cụ tùy biến, một mạng riêng tư ảo (VPN) có chức năng năng các thiết bị của tôi gửi dữ liệu đến hoặc nhận dữ liệu từ các ông lớn công nghệ bằng cách chặn hàng triệu địa chỉ internet mà các công ty này kiểm soát.

Sau đó, tôi lần lượt chặn Amazon, Facebook, Google, Apple, và Microsoft - rồi sau đó là chặn tất cả một lần - trong hơn 6 tuần lễ. Amazon và Google là những công ty khó tránh né nhất.

Loại bỏ Amazon khỏi cuộc sống đồng nghĩa tôi không thể truy cập đến bất kỳ website nào được lưu trữ trên Amazon Web Services, nhà cung cấp đám mây lớn nhất trên internet. Nhiều ứng dụng và một phần lớn internet sử dụng các máy chủ của Amazon để lưu trữ nội dung số của họ, và phần nhiều thế giới số đã không thể được truy cập khi tôi nói lời từ biệt Amazon, bao gồm cả đối thủ của Amazon Prime Video là Netflix.

Ngoài đời thực, bạn cũng rất khó để tránh né Amazon. Khi tôi đặt một chiếc đế giữ điện thoại cho xe hơi từ eBay, nó được chuyển đến trong một kiện hàng với cách đóng gói đặc trưng của Amazon, bởi người bán đã sử dụng "Fulfillment by Amazon" - anh ta trả tiền cho công ty này để lưu trữ và vận chuyển sản phẩm.

Tôi đã thử sống mà không đoái hoài đến những ông lớn công nghệ, và đó là điều bất khả thi - Ảnh 1.

Khi tôi chặn Google, toàn bộ internet chậm hẳn đi, bởi hầu như mọi website tôi ghé thăm đều sử dụng Google làm nguồn cung cấp font chữ, chạy quảng cáo, theo dõi người dùng, hay quyết định xem người dùng đó là người hay bot. Trong quá trình chặn Google, tôi không thể đăng nhập vào dịch vụ lưu trữ dữ liệu Dropbox bởi website này nghĩ rằng tôi không phải người thật. Uber và Lyft cũng ngừng hoạt động, bởi họ đều lệ thuộc vào Google Maps để điều hướng. Tôi phát hiện ra rằng Google Maps thực sự đang nắm thế độc quyền trên thị trường bản đồ trực tuyến. Kể cả đối thủ chuyên chỉ trích Google là Yelp cũng sử dụng Google Maps để cho người dùng máy tính biết vị trí các địa điểm kinh doanh.

Tôi đi đến kết luận rằng Amazon và Google chẳng khác gì những nhà cung cấp hạ tầng thiết yếu của internet, họ ẩn sâu trong kiến trúc của thế giới số đến mức ngay cả các đối thủ cũng phải dựa vào các dịch vụ của họ.

Facebook, Apple và Microsoft cũng gây ra không ít khó khăn. Trong khi chặn Facebook không khó khăn là bao, tôi lại nhớ Instagram (thuộc sở hữu của Facebook) đến điên cuồng, và tôi cũng ngừng nhận được thông tin từ những quan hệ xã hội của mình, như ngày mà con của một người bạn tốt của tôi ra đời. "Mình cứ nghĩ rằng nếu mình đăng thứ gì đó lên Facebook, mọi người sẽ biết ngay", cô ấy nói với tôi như vậy khi tôi gọi điện thoại chúc mừng sau đó nhiều tuần. Tôi thử dùng một nền tảng thay thế tên là Mastodon, nhưng một mạng xã hội vắng bóng bạn bè thì chẳng vui vẻ mấy.

Rất khó để rời bỏ Apple bởi tôi sử dụng hai chiếc máy tính và một chiếc iPhone của hãng, vậy nên tôi phải cắn răng mua vài món phần cứng mới hoàn toàn để tiếp tục truy cập internet và gọi điện thoại.

Phần mềm iOS của Apple và Android của Google có thế lưỡng quyền trên thị trường smartphone. Vì muốn tránh cả hai công ty, tôi đành mua một chiếc điện thoại cục gạch - chiếc Nokia 3310, thứ khiến tôi phải học lại cách nhắn tin bằng phím số - và một chiếc laptop chạy Linux từ một công ty tên Purism, vốn chủ trương tạo nên "một môi trường điện toán đúng quy cách" thông qua việc giúp người dùng tránh các ông lớn công nghệ.

Tôi đã thử sống mà không đoái hoài đến những ông lớn công nghệ, và đó là điều bất khả thi - Ảnh 2.

Nhắn tin trên điện thoại cục gạch là một trải nghiệm không mấy thú vị

Đúng là có nhiều lựa chọn thay thế cho các sản phẩm và dịch vụ mà các ông lớn công nghệ cung cấp, nhưng rất khó tìm thấy và học cách sử dụng chúng.

Microsoft, công ty "may mắn" không phải ngồi ghế nóng trong phiên điều trần chống độc quyền lần này, nhưng cũng chẳng khác bốn công ty kia là bao, là ông lớn dễ chặn nhất ở cấp độ người tiêu dùng. Như đồng nghiệp Steve Lohr của tôi nhận định, ngày nay, Microsoft "chủ yếu là nhà cung ứng công nghệ cho các khách hàng doanh nghiệp".

Nhưng cũng như Amazon, Microsoft có một dịch vụ đám mây, và do đó một vài website trở nên không thể truy cập được, cùng với hai dịch vụ của Microsoft mà tôi thường xuyên sử dụng là LinkedIn và Skype. Việc không thể sử dụng các dịch vụ yêu thích, vốn thuộc sở hữu của các ông lớn công nghệ, là một cơn ác mộng trong thử nghiệm này: theo tờ Wall Street Journal, các ông lớn công nghệ đã thâu tóm hơn 400 công ty và startup trong thập kỷ qua.

Những người chỉ trích các công ty công nghệ lớn thường nói rằng: "Nếu bạn không thích công ty nào, đừng sử dụng các sản phẩm của họ". Điều tôi rút ra được từ thử nghiệm là điều đó hoàn toàn bất khả thi. Không chỉ những sản phẩm và dịch vụ gắn tên của các ông lớn công nghệ. Mà những công ty này kiểm soát một loạt các sản phẩm và dịch vụ ít tiếng tăm khác nhưng khó có thể tách rời khỏi những công cụ chúng ta lệ thuộc vào để làm mọi thứ thường ngày, từ làm việc, cho đến đi từ điểm A đến điểm B.

Nhiều người gọi điều tôi làm là "ăn chay số". Những người ăn chay số rất cẩn trọng về phần cứng và phần mềm họ sử dụng, và dữ liệu họ tiêu thụ và chia sẻ, bởi thông tin là quyền lực, và những công ty kia ngày càng nắm trong tay nhiều dữ liệu hơn.

Tôi đã thử sống mà không đoái hoài đến những ông lớn công nghệ, và đó là điều bất khả thi - Ảnh 3.

Có hai kiểu phản ứng rất khác biệt đối với câu chuyện của tôi. Một số người nói rằng thử nghiệm chứng tỏ tầm quan trọng của những công ty đó đối với nền kinh tế Mỹ và sự hữu ích của họ đối với người tiêu dùng, các cơ quan quản lý nhà nước không nên can thiệp vào họ. Số khác, như Dân biểu Jerrold Nadler, một đảng viên Dân chủ của New York và là cựu thành viên của Uỷ ban Chống độc quyền Quốc hội, nói rằng thử nghiệm của tôi là bằng chứng về sức mạnh độc quyền của họ.

"Bằng cách kiểm soát hạ tầng thiết yếu, những công ty này nắm quyền kiểm soát lối vào của các thị trường" - Nadler nói. "Vấn đề không khác gì trường hợp chúng ta từng phải đối mặt 130 năm về trước, khi đường sắt làm biến đổi cuộc sống của người dân Mỹ - vừa cho phép nông dân và các nhà sản xuất tiếp cận những thị trường mới, nhưng cũng tạo ra một cái gông mà các nhà độc quyền đường sắt có thể lợi dụng".

Nếu tôi vẫn tiếp tục chặn các ông lớn công nghệ, tôi sẽ không thể xem phiên điều trần vừa rồi qua mạng được. C-SPAN stream trực tiếp nó qua YouTube, vốn thuộc sở hữu của Google.

Dù vậy, sau khi thử nghiệm kết thúc, tôi lại quay về với các dịch vụ của các công ty đó, bởi như kết quả đã cho thấy, tôi thực sự không có lựa chọn nào khác.

Tham khảo: NewYorkTimes

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM