Sự phát triển của công nghệ đã tạo ra những tác động to lớn đối với mọi khía cạnh của cuộc sống con người, trong đó bao gồm cả lĩnh vực giải trí, mà cụ thể hơn là âm nhạc. Không chỉ mang đến nhiều tiện ích cho các nhạc sĩ, các nhà sản xuất, mà ngay cả khán giả, thính giả giờ đây cũng đã có quá nhiều lựa chọn để thưởng thức những ca khúc yêu thích của mình nhờ Internet và các nền tảng streaming.
Tuy nhiên, trước khi những dịch vụ đó “làm mưa làm gió” như hiện nay, người bạn thân thiết nhất đối với tín đồ âm nhạc có lẽ phải kể đến các thiết bị MP3 - những món “đồ cổ” từ thời kỳ tiền-smartphone, từ những năm tháng mà iPod còn là sản phẩm nổi bật nhất mà Apple sở hữu. Sự tiện lợi của các ứng dụng nghe nhạc online đã khiến máy MP3 gần như đã rơi vào quên lãng và trở thành “di tích” của thế giới công nghệ luôn thay đổi theo từng giây.
Thế nhưng, vẫn còn đó những con người thích hoài niệm, thích được dùng chiếc máy nghe nhạc MP3 hơn là đắm chìm vào loạt dịch vụ streaming tiên tiến và tiện lợi. Từ GenZ cho đến cả những người đã đi làm, hay thậm chí là nghỉ hưu, hóa ra họ có rất nhiều lý do hợp lý và thuyết phục cho sự lựa chọn hoài cổ của mình.
Chia sẻ với Vice, Max (19 tuổi), nhân viên tại 1 công ty trò chơi điện tử ở Vương quốc Anh, cho biết: “Khi còn nhỏ, tôi chưa bao giờ sở hữu 1 chiếc máy MP3 cho riêng mình. Cảm giác như tôi đã bỏ lỡ thời kỳ của loại thiết bị đó vậy. Tuy nhiên khi bước qua tuổi 16, tôi bắt đầu có hứng thú với những món đồ hoài cổ, từ máy tính cho đến máy chơi game, và đương nhiên là cả âm nhạc”.
“Tôi nghĩ “hoài cổ” chính là điểm tạo nên sức hút cho máy nghe nhạc MP3. Ví dụ nhé, tôi rất thích mẫu iPod Classic Gen 6 - 1 thiết bị nhỏ nhắn mà chắc nịch, với bộ điều khiển được thiết kế kiểu bánh xe đặc trưng. Nhưng chủ yếu là tôi mê mức giá của nó. Trước đây tôi thường sử dụng Spotify, nhưng mà giá dịch vụ của nền tảng này khá là cao đối với 1 đứa trẻ không việc làm. Đã thế nó lại còn tốn pin nữa chứ. Và còn cả đống quảng cáo - đống quảng cáo khiến tôi phát điên lên mỗi khi nghe nhạc”.
“Với 1 chiếc máy MP3, bạn muốn nghe file MP3 nào cũng được. Bạn có thể thưởng thức bất kỳ bài hát nào, từ bất kỳ trang web nào, kể cả là những ca khúc được phát hành chính thức, hay là những bản nhạc mash-up trên YouTube, hay thậm chí cả cả sách nói. Lựa chọn mà bạn có được gần như là vô tận”.
Adam (45 tuổi), 1 đầu bếp tại Mỹ, chia sẻ: “Tôi có dùng smartphone, nhưng tôi vẫn muốn sở hữu 1 thiết bị chuyên sử dụng để nghe nhạc và podcast. 1 thiết bị chuyên dụng như vậy sẽ giúp tôi sắp xếp, theo dõi những nội dung mà mình sẽ nghe 1 cách tốt hơn. Ngược lại, các ứng dụng trên smartphone thường khiến tôi ngạt thở với những thứ mà tôi không hề muốn nghe”.
“Mỗi ngày, tôi thường dành 3 đến 6 tiếng để nghe nhạc hoặc podcast. Những podcast mà tôi chọn thường khá dài. Vậy nên tôi chỉ có thể nghe được 2 đến 3 chương trình trong 1 ngày mà thôi. Tôi có thể tha hồ lựa chọn những gì tôi thích, tải về dưới định dạng MP3 và chạy trên thiết bị của mình”.
Linda (38 tuổi), họa sĩ tại Mỹ, cho biết: “Trước đây, tôi từng sử dụng rất nhiều mẫu iPod, bao gồm cả dòng Classic và vài chiếc Nano. Tôi rất thích iPod Nano Gen 6 bởi thiết kế siêu ngầu của nó. Hiện tại, tôi đang dùng iPod Touch và FiiO M7, còn những thiết bị còn lại chỉ để phòng xa trong các trường hợp khẩn cấp mà thôi. Có đôi lúc tôi cảm thấy mình chuyên gia trong lĩnh vực máy nghe nhạc MP3 vậy”.
“Sếp của tôi cho phép nhân viên nghe nhạc bằng headphone, nhưng lại cấm sử dụng điện thoại (hay bất cứ thiết bị nào có camera) trong phòng sản xuất. Vì vậy, việc sở hữu 1 thiết bị không phải iPod hay smartphone là điều khá cần thiết. Còn khi ở nhà, tôi thích sử dụng máy MP3 để không bị thông báo hay điện thoại làm gián đoạn quá trình nghe nhạc. Ngoài ra, điều này còn rất tiện lợi mỗi khi tập thể dụng, bởi tôi không phải tốn lưu lượng điện thoại để phát nhạc trên những ứng dụng trực tuyến”.
“Chiếc FiiO M7 mà tôi sở hữu có thân máy bằng kim loại với thiết kế đẹp mắt, các nút điều khiển được đặt ở cạnh bên với chức năng tạm dừng nhạc hoặc chuyển sang ca khúc mới. Ngoài ra, cá nhân tôi đặc biệt yêu thích nút cuộn điều khiển âm lượng. Thật tuyệt vời khi có được những trải nghiệm xúc giác thực tế, trong thời đại mà mọi thứ đều đã chuyển sang cảm ứng”.
Prashanth (42 tuổi), kỹ sư phần mềm tại Mỹ, chia sẻ: “Phải thú nhận tôi là 1 người khá khó tính trong khoản nghe nhạc, và cũng là 1 người rất đam mê âm thanh. Đa số những ca khúc mà tôi nghe đều mang tính điện ảnh, vậy nên tôi thường dùng các định dạng nhạc số lossless, như FLAC hay AAC. Hầu hết các dịch vụ streaming nhạc đều cung cấp âm thanh nén, và cũng đã khá lâu rồi, tôi không bỏ tiền ra cho bất cứ dịch vụ nào như vậy”.
“Đó là lý do vì sao tôi thường xuyên mang theo chiếc máy MP3 bên mình và yên tâm rằng bản thân muốn nghe nhạc lúc nào cũng được mà không cần phải tốn lưu lượng mạng. Phải đến thời gian gần đây, tôi mới dùng gói 6 tháng thử nghiệm của Apple Music. Nền tảng này cung cấp khá nhiều nội dung với chất lượng lossless nên tôi cũng khá hứng thú. Tuy nhiên, tôi vẫn thích được trực tiếp mang theo các file MP3 bên mình hơn, dù là lưu chúng trong USB hay trên iPod”.
“Tôi cho rằng những ai thích thể loại nhạc “thương mại” hay “đại trà”, mà rất phổ biến hiện nay, thì họ không cần phải nghe ở chất lượng lossless cũng được. Tuy nhiên, nếu bạn thích những dòng nhạc cổ điển, những bản nhạc thính phòng, hay nhạc jazz, thì hãy làm theo tôi là tốt nhất”.
Kyle (26 tuổi), sinh viên tại Mỹ, chia sẻ: “Tôi có sử dụng smartphone, nhưng chiếc máy MP3 mang lại rất nhiều lợi ích so với những bất cập của các dịch vụ âm nhạc hiện nay. Là 1 sinh viên nên tôi không được dư dả cho lắm. Vì vậy, việc sử dụng những bản nhạc mà tôi đã sở hữu từ trước là 1 điểm cộng rất lớn. Tôi không cần bận tâm đến những quảng cáo phiền phức trong các ứng dụng miễn phí. Ngoài ra, đa số các giảng viên trong trường cũng sẽ cho phép sử dụng máy MP3, vì chúng ta không thể dùng chúng để tra cứu đáp án trên mạng nhưng lại có thể ghi âm bài giảng để về nghe lại và bổ sung vào phần ghi chép của bản thân”.
“Chiếc máy MP3 đầu tiên mà tôi sở hữu là SanDisk Sansa Fuze - thiết bị mà tôi từng nhiều lần “tô son trát phấn” khi còn là 1 đứa trẻ, và hiện giờ vẫn hoạt động ngon lành. Trong vài năm gần đây, tôi đã thử 1 vài thiết bị giá rẻ để tìm ra lựa chọn thay thế cho nó. Hiện tại, tôi đang sử dụng 1 chiếc MYMAHDI M230”.
Suzanne (69 tuổi), 1 nhân viên mới nghỉ hưu tại Canada vào năm 2020, cho biết: “Tôi biết chỉ cần 1 chiếc smartphone là chúng ta có thể làm được tất cả, nhưng tôi đã không cần đến chúng vì nhiều lý do: Apple đã loại bỏ jack cắm tai nghe! Đúng là tôi không thích những chiếc tai nghe có dây đi kèm với iPhone trước đây, nhưng là 1 nhiếp ảnh gia chuyên chụp ảnh thiên nhiên, tôi rất sợ mình làm rơi những chiếc AirPods đắt tiền khi mỗi lần tác nghiệp trong rừng”.
“Trước khi đại dịch bùng nổ, tôi thường xuyên đi công tác nước ngoài. Trung bình cứ 18 tháng thì tôi lại đi 2 tuần, thường là đến London. Những dịp như vậy, tôi luôn tin tưởng vào chiếc máy MP3 của mình. Tôi chỉ dùng iPhone cho những tác vụ cần thiết như tra cứu thông tin, sử dụng Google Maps hay gửi ảnh cho bạn bè. Đó là chưa kể khi đến 1 quốc gia khác, tôi cần phải đắm chìm vào văn hóa của họ bằng cách liên tục nghe những chương trình phát sóng địa phương”.
“Nói chung là thế này: Khi cần tra cứu thông tin, tôi sẽ sử dụng iPhone. Còn để giải trí hay nghe tin tức hàng ngày khi đi tác nghiệp, tôi sẽ dùng máy MP3”.
Theo VICE