Giá dầu tăng hơn 1%
Giá dầu tăng hơn 1% sau khi tồn trữ dầu thô của Mỹ giảm từ mức cao kỷ lục và số liệu sản xuất tích cực, song mức tăng bị hạn chế khi các trường hợp nhiễm virus corona gia tăng.
Chốt phiên giao dịch ngày 1/7, dầu thô Brent tăng 76 US cent tương đương 1,8% lên 42,03 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI tăng 55 US cent tương đương 1,4% lên 39,82 USD/thùng.
Giá dầu tăng sau số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng cho biết, tồn trữ dầu thô của Mỹ giảm hơn so với dự kiến, giảm 7,2 triệu thùng trong tuần trước sau khi đạt mức cao kỷ lục 3 tuần liên tiếp, trong khi đó các nhà phân tích dự kiến tồn trữ dầu thô của Mỹ giảm 710.000 thùng.
Ngoài ra, hoạt động kinh tế toàn cầu cải thiện cũng hỗ trợ giá. Hoạt động sản xuất của Mỹ trong tháng 6/2020 đạt mức cao nhất trong hơn 1 năm khi nền kinh tế mở cửa trở lại. Tại Trung Quốc, hoạt động nhà máy trong tháng 6/2020 tăng nhanh hơn. Lĩnh vực sản xuất của Đức giảm chậm hơn trong tháng 6/2020, trong khi hoạt động nhà máy của Pháp tăng trở lại.
Tuy nhiên, mức tăng giá dầu bị hạn chế sau khi số trường hợp nhiễm virus corona tại Mỹ tăng và cảnh báo của chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của chính phủ cho rằng con số này có thể sớm tăng gấp đôi.
Sau thỏa thuận hạn chế nguồn cung, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sản xuất trung bình 22,62 triệu thùng/ngày trong tháng 6/2020, giảm 1,92 triệu thùng/ngày so với con số điều chỉnh tháng 5/2020.
Giá khí tự nhiên rời khỏi chuỗi tăng 3 phiên liên tiếp
Giá khí tự nhiên tại Mỹ rời khỏi chuỗi tăng 3 phiên liên tiếp, do lo ngại về khả năng đóng cửa trở lại bởi số trường hợp nhiễm virus corona gia tăng làm lu mờ triển vọng nhu cầu nhiên liệu.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 8/2020 trên sàn New York giảm 8 US cent tương đương 4,6% xuống 1,671 USD/mmBTU, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 12/6/2020 trong phiên trước đó.
Giá vàng giảm trở lại, bạc cao nhất 4 tháng
Giá vàng giảm từ mức cao nhất gần 8 năm do thị trường chứng khoán tăng bởi số liệu sản xuất tích cực của Mỹ và gia tăng kỳ vọng vắc xin Covid-19.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 0,6% xuống 1.770,57 USD/ounce, trong phiên có lúc đạt 1.788,96 USD/ounce – cao nhất kể từ tháng 10/2012. Vàng kỳ hạn tháng 8/2020 trên sàn New York giảm 1,1% xuống 1.779,9 USD/ounce.
Đồng thời, giá bạc giảm 1,1% xuống 17,93 USD/ounce, trước đó trong phiên giá bạc đạt mức cao nhất kể từ cuối tháng 2/2020.
Giá đồng cao nhất 5 tháng
Giá đồng tăng lên mức cao nhất hơn 5 tháng do số liệu nhà máy tại nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc – cao hơn so với dự kiến và nguồn cung tại Chile – nước khai thác kim loại lớn nhất thế giới – bị gián đoạn.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 0,6% lên 6.054 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 6.094 USD/tấn – mức cao chưa từng có kể từ ngày 23/1/2020.
Giá đồng tinh luyện tại thị trường nội địa Trung Quốc tăng lên 48.910 CNY/tấn, cao nhất kể từ ngày 17/1/2020.
Hoạt động nhà máy của Trung Quốc trong tháng 6/2020 tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 12/2019, trong khi công ty khai thác thuộc sở hữu nhà nước Codelco Chile đóng cửa hoạt động tinh luyện và đúc tại cơ sở Chuquicamata do virus corona lây lan.
Tồn trữ đồng tại London chạm mức thấp nhất 3 tháng (213.325 tấn), trong khi tồn trữ đồng tại Thượng Hải chạm mức thấp nhất kể từ tháng 1/2019 (99.971 tấn).
Giá thép cuộn và thép cây giảm
Giá thép cây và thép cuộn cán nóng tại Trung Quốc giảm do nhu cầu mùa vụ suy yếu, cùng với hoạt động xây dựng chậm lại.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2020 giảm 0,06% xuống 3.566 CNY (504,69 USD)/tấn và giá thép cuộn cán nóng giảm 0,45% xuống 3.567 CNY/tấn. Trong khi đó, giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 8/2020 tăng 0,3% lên 13.155 CNY/tấn.
Một cuộc khảo sát kinh doanh tư nhân cho thấy, hoạt động tại nhà máy của Trung Quốc tăng với tốc độ nhanh hơn trong tháng 6/2020, khi nước này hồi phục sau cuộc khủng hoảng sức khỏe virus corona, song xuất khẩu và việc làm vẫn chịu áp lực giảm.
Thép cây – nguyên liệu xây dựng chủ yếu – tăng 9,3% trong quý 2/2020, được thúc đẩy bởi các biện pháp kích thích cơ sở hạ tầng của Bắc Kinh và thị trường bất động sản duy trì ổn định. Tuy nhiên, giá giảm do mưa và nắng nóng vào mùa hè có thể cản trở các hoạt động xây dựng.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn Đại Liên giảm 0,3% xuống 742 CNY/tấn.
Các thương nhân cảnh báo nguồn cung quặng sắt trong những tháng tới sẽ duy trì ổn định, song tình hình đại dịch có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu từ Brazil.
Giá cao su Tokyo giảm
Giá cao su tại Tokyo giảm do các trường hợp nhiễm virus corona trên toàn cầu tăng, dấy lên mối lo ngại các chính phủ sẽ đóng cửa trở lại tác động đến nhu cầu hàng hóa.
Giá cao su kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn TOCOM giảm 0,1 JPY tương đương 0,1% xuống 154,4 JPY/kg.
Trong khi đó, giá cao su trên sàn Thượng Hải tăng 65 CNY lên 10.225 CNY/tấn.
Hoạt động nhà máy tại Trung Quốc – nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới – tăng mạnh trong tháng 6/2020, sau khi chính phủ dỡ bỏ các hạn chế song khủng hoảng sức khỏe vẫn tiếp diễn ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu và việc làm.
Giá đường tăng
Giá đường tăng được thúc đẩy bởi giá dầu thô tăng.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2020 trên sàn ICE tăng 0,21 US cent tương đương 1,8% lên 12,17 US cent/lb.
Đồng thời, giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2020 trên sàn London tăng 0,6 USD tương đương 0,2% lên 356,3 USD/tấn.
Giá cà phê tăng
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn ICE tăng 3 US cent tương đương 3% lên 1,04 USD/lb, cao nhất hơn 1 tháng.
Đồng thời, giá cà phê robusta giao cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 17 USD tương đương 1,4% lên 1.204 USD/tấn.
Giá cà phê Arabica tăng 4 phiên liên tiếp trong bối cảnh thời tiết tại nước sản xuất hàng đầu – Brazil – lạnh và các vấn đề về mùa vụ tại một số khu vực trồng ở Trung Mỹ như Costa Rica.
Ca cao thấp nhất 15 tháng
Giá ca cao giảm xuống mức thấp nhất 15 tháng do lo ngại nhu cầu yếu.
Giá ca cao kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn London giảm 19 GBP tương đương 1,2% xuống 1.601 GBP/tấn, trong phiên có lúc chạm 1.593 GBP/tấn, thấp nhất kể từ tháng 3/2019.
Đồng thời, giá ca cao giao cùng kỳ hạn trên sàn New York giảm 17 USD tương đương 0,8% xuống 2.169 USD/tấn, trong phiên có lúc chạm 2.158 USD/tấn, thấp nhất kể từ tháng 3/2019.
Giá ngô và đậu tương cao nhất 3 tháng, lúa mì tăng
Giá ngô tại Mỹ tăng lên mức cao nhất hơn 3 tháng sau ước tính diện tích trồng ngô của Mỹ năm 2020 giảm hơn so với dự kiến.
Trên sàn Chicago, giá ngô kỳ hạn tháng 9/2020 tăng 9 US cent lên 3,5-1/2 USD/bushel, trong phiên có lúc đạt 3,53-3/4 USD/bushel, cao nhất kể từ ngày 31/3/2020. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 8/2020 tăng 12-3/4 US cent lên 8,91-1/2 USD/bushel, trong phiên có lúc đạt 8,94 USD/bushel, cao nhất kể từ ngày 30/3/2020. Giá lúa mì kỳ hạn tháng 9/2020 tăng 7 US cent lên 4,98-3/4 USD/bushel.
Giá dầu cọ ngắt chuỗi giảm 5 phiên liên tiếp
Giá dầu cọ tại Malaysia rời khỏi chuỗi giảm 5 phiên liên tiếp, theo xu hướng giá dầu đậu tương trên sàn Chicago và giá dầu thô tăng.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn Bursa Malaysia tăng 1,3% lên 2.327 ringgit (543,82 USD)/tấn.
Giá dầu cọ được hậu thuẫn bởi giá dầu đậu tương trên sàn Chicago qua đêm tăng lên mức cao nhất gần 3 tháng, do diện tích trồng trọt tại Mỹ thấp hơn so với dự kiến.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 02/7