Tự hào chứ, vì chúng tôi là những người mang trái tim lục sắc. Và tự hào vì chúng tôi dám nói ra điều đó, một cách BÌNH THƯỜNG. Ai cũng có quyền tự hào về chính mình, tự hào là cách mình tự tin, là chính mình và phát triển bản thân tốt nhất để đóng góp cho xã hội.
Họ đấu tranh cho sự tự do biểu đạt giới và cởi mở trong tình yêu của con người. Họ đấu tranh để có quyền được sống, được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc như bất kỳ ai khác.
Việc cộng đồng LGBT đấu tranh cho quyền lợi của mình rồi bị cho là "làm quá" xuất phát từ việc những mối quan hệ dị tính đã được bình thường hóa và trở thành một quy chuẩn chung trong xã hội. Từ đó, những mối quan hệ khác bị coi là lệch lạc, là kỳ dị.
Điều họ mong muốn nhất là được tôn trọng, tin tưởng những cảm giác và suy nghĩ cũng lựa chọn của mình mà không bị phán xét hay gò ép theo số đông.
Chúng ta đang sống trong một xã hội không ngừng đấu tranh cho việc công nhận, tôn trọng sự đa dạng về giới và xu hướng tính dục. Vì vẫn còn sự kỳ thị, bất bình đẳng, chưa thấu hiểu lẫn nhau giữa những người thuộc cộng đồng LGBT với bên ngoài và cả bên trong cộng đồng, nên những tranh cãi vẫn còn dai dẳng.
Điều gây tò mò (và cả phẫn nộ, tranh luận) nhiều nhất, kỳ thị nhiều nhất, đó là sự khác biệt trong xu hướng tính dục của những người dị tính hợp giới và người thuộc cộng đồng LGBT .
Người dị tính hợp giới là sinh ra và sống cả cuộc đời như một người nam hoặc nữ và yêu người khác giới tính với mình. Còn với cộng đồng LGBT , mọi việc có thể phức tạp hơn. Những người LGBT , có thể họ khát khao được sống và được công nhận như một giới khác với cơ thể cha mẹ sinh ra (người chuyển giới); khát khao được yêu một người dù người ấy cùng giới với mình (đồng tính, song tính); yêu một người chỉ bởi đó là người ấy, bất kể giới của người ấy là gì (toàn tính) hoặc thậm chí sinh ra với một cơ thể đã chẳng có đầy đủ những đặc điểm điển hình của nam hay nữ (người liên giới tính)...
Tôi đang có một mối tình 3 năm với bạn gái người Áo. Chúng tôi gặp nhau trong một trại hè quốc tế của trường Yale, và lập tức phải lòng nhau sau 3 ngày gặp gỡ. Cô nàng học ngành khảo cổ ở châu u, còn tôi học mỹ thuật tại Đại học Dartmouth (Mỹ). Hiện tại thì tôi chủ yếu sống ở Mỹ, nhưng hai đứa cũng thường thu xếp thời gian để gặp nhau, thậm chí đến thăm gia đình nhau một cách thoải mái.
Trên Facebook, tôi và cô ấy công khai chuyện hẹn hò, chuyện mình là lesbian. Khi ở Việt Nam cũng vậy, tôi tự tin học tập, sống theo ý mình, và hạnh phúc tuyên bố với thế giới rằng mình là người đồng tính.
Việc come out với gia đình của tôi cũng khá nhẹ nhàng. Từ khi tôi học cấp 2, mẹ đã lờ mờ biết tôi là đồng tính nữ, nhưng chưa thực sự chấp nhận. Đến năm tôi học lớp 12, khi duyệt hồ sơ học bổng du học, thông tin tôi là một trong những người sáng lập group kín dành cho LGBT ở trường cấp 3 lộ ra và lọt đến tai mẹ. Từ lúc đó, mẹ đã thực sự chấp nhận tôi. Cho đến giờ, tôi có thể thoải mái trò chuyện với mẹ về mọi thứ xung quanh mình, kể về bạn gái mình, thậm chí bàn về đám cưới với mẹ nữa.
Với tôi, tất cả những thành tích như 12 năm liền là học sinh giỏi, giải nhất Olympic tiếng Anh TP Hà Nội 2015; giải nhì tiếng Anh cấp TP năm 2016; giải ba tiếng Anh học sinh giỏi quốc gia năm 2017; giải thi viết luận Shakespeare lives in Me 2016, giành học bổng du học Mỹ… chỉ mang một ý nghĩa: Giới tính (và xu hướng tính dục) không phải là rào cản trên con đường phát triển bản thân của tôi.
Tôi tham vọng trong tương lai mình sẽ làm về nghệ thuật chính trị, nghệ thuật biểu đạt những ý niệm xã hội, và đương nhiên, sẽ góp sức đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho cộng đồng LGBT . Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng, bên cạnh việc kỳ vọng vào tiếng nói của những có sức ảnh hưởng, trước hết, mỗi người thuộc cộng đồng này phải gỡ bỏ những rào cản nội tại của mình, để phát triển tiềm năng của bản thân.
Năm 16 tuổi, chuẩn bị thi vào lớp 10, tôi đã phải đấu tranh dữ dội giữa việc phải là một-người-đàn-ông như mẹ tôi kỳ vọng, như một-người-đàn-ông bình-thường trong xã hội với việc sống như chính tôi là.
18 tuổi, tôi bảo mẹ rằng mình đồng tính. Mẹ tôi - một giáo viên, một mặt an ủi rằng chuyện đó cũng bình thường thôi, một mặt ra sức tìm cách "cứu" con. Nào là gợi ý đi tiêm hormone nam cho nam tính hơn (dù tôi râu tóc đầy người), nào là mời thầy cúng lễ.
"Thành tựu" lớn nhất của tôi từ khi come out đến giờ, đó là tự tin hơn, vui vẻ hơn và thoải mái công khai người yêu. Ước mơ thì cũng đơn giản, rằng sẽ có một cuộc sống bình yên giữa thiên nhiên, có một căn nhà nho nhỏ với thư phòng thật to, và cố gắng làm tốt việc của mình.
Người LGBTI thực ra không có nhu cầu đặc biệt, không có gì khác biệt với mọi người, cũng muốn được yêu, công khai người mình yêu, có thể thể hiện tình cảm với họ nơi công cộng mà chẳng ai soi mói, xì xào.
Có lần, mẹ còn bảo tôi hãy lấy cô bạn thân, đẻ cho bà một đứa cháu rồi thích làm gì thì làm. Tôi vặn lại rằng: "Mẹ đã có một cuộc hôn nhân thất bại rồi, mẹ vẫn muốn con làm khổ một cô gái khác ư? Con không thể làm chồng của một cô gái được". Thế là mẹ thôi.
Để nói về những người trong giới LGBTI với 3 từ, tôi sẽ chọn:
- Nghệ sĩ: Khi người ta có câu chuyện muốn bày tỏ, những ẩn ức mà không thể nói nên lời, họ sẽ tìm những cách thức biểu đạt khác như viết, vẽ, chụp ảnh, may vá…
- Mong manh: Chúng tôi rất nhạy cảm, phải đấu tranh nội tâm nhiều nên đa phần hay dỗi và dễ bị tổn thương.
- Vỏ bọc mạnh mẽ: Để đối lập với nội tâm đó sẽ là sự thể hiện cá tính mạnh, xéo xắt, đôi khi hơi dữ dội, để tự bảo vệ mình.
Tôi yêu cả nam và nữ, có cảm xúc với những người có xu hướng tính dục khác nhau: Lesbian, trai thẳng, chuyển giới nam, chuyển giới nữ… miễn là tôi thấy có cảm xúc. Tôi linh hoạt thay đổi theo bạn tình/người yêu của mình.
Nếu bắt buộc phải chia "giới", xếp mình là một thể nào đó trong LGBTI , tôi tự thấy mình giống pansexual (toàn tính). Nhưng thú thực, tôi không muốn bị cộp mác như thế. Tôi nghĩ việc cộp mác một ai đó thật khiếm nhã, nó cũng tương tự như việc người ta hỏi bạn là gái thẳng hay lesbian vậy.
Có lẽ vì làm trong ngành thời trang nên tôi khá thoáng, không vật vã lắm trong việc come out. Tôi cũng không cần phải giải thích nhiều lời với ai, kể cả cha mẹ về chuyện xu hướng tính dục của mình. Khi bố mẹ hay ai đó giục lấy chồng, tôi chỉ đơn giản nói: Không!
Nhiều người dị tính và cả đồng tính bảo rằng tôi "tạp nham" khi có cảm xúc với quá nhiều giới, tôi chỉ cười và không muốn giải thích nhiều, vì tôi là như vậy. Tôi thậm chí còn thấy tiếc cho họ vì không có cơ hội khám phá những trải nghiệm tuyệt vời mà tôi và giới tính linh hoạt của mình đã có.
Thế nào là một người LGBTI ?
BÌNH THƯỜNG - BÌNH THƯỜNG - BÌNH THƯỜNG.
Việc xác nhận ai đó là người LGBTI chỉ có ý nghĩa là ai cũng muốn mình thuộc về một cộng đồng nào đó, cũng muốn được yêu thương, có chỗ dựa về tinh thần. Còn lại, chúng tôi hết sức bình thường và tự nhiên.
Mẹ biết tôi là người đồng tính hồi tôi học lớp 11, khi bà lục Ipad và phát hiện tin nhắn của tôi với bạn trai. Khi đó, bố mẹ tôi đã không sống cùng nhau. Mẹ gửi những tin nhắn ấy cho bố, nhưng ông cũng không làm căng gì lắm, vẫn yêu thương chiều chuộng tôi như bình thường.
Sau này về sống với bố, tôi thi thoảng dẫn bạn trai về nhà chơi và ngủ lại. Ông chính thức biết và chấp nhận chuyện tôi là gay trong một lần xông vào phòng lúc chúng tôi đang ở bên nhau. Trong nhà giờ chỉ có bà nội là chưa quen lắm, vẫn le lói một tia hy vọng nào đó về việc tôi có thể yêu con gái, cứ gán ghép tôi với bé hàng xóm. Nhưng không có tia nào cả.
Với xã hội bên ngoài, đặc biệt là mấy năm nay, khi tôi thích make-up đậm, đi đứng điệu đà hơn, tôi cũng gặp phải phiền toái như bị trêu ghẹo, bị dọa đánh… Nhưng thú thực là, tôi không quá để tâm xem mình có được xã hội chấp nhận không. Khi ai đó hỏi tôi là trai hay gái, tôi sẽ hỏi lại kiểu: "Mắt anh/chị có kém không, em là bê đê". Nỗi sợ lớn nhất của tôi chỉ là sợ… già.
Tôi là một người chuyển giới nam, dù chưa can thiệp hormone, chưa cắt bỏ ngực và vẫn còn tử cung, buồng trứng. Tôi không phải là một tomboy hay một lesbian, mà là ĐÀN ÔNG. Nhưng không phải đợi đến khi mọc râu (vâng, tôi có râu, bằng một cách kỳ diệu nào đó), tôi mới biết. Từ bé, tôi đã thích cắt tóc ngắn, thích ăn mặc như con trai, đến mức cả họ gọi tôi là "thằng đàn ông". Tôi vui khi nghe thấy điều đó và come out dần dần như thế.
Cho đến bây giờ, tôi vẫn không thể quên nổi cú sốc khi bị ép "trở nên nữ tính", hồi mới dậy thì. Đó là khi mẹ dắt tôi vào cửa hàng chuyên đồ con gái, bắt thử một cái váy bò. Nhìn mình trong gương, tôi chỉ muốn khóc, không dám bước chân ra khỏi phòng thử. Mẹ lôi tôi ra không được, xông vào trong xem thì chính bà cũng không thể chấp nhận được cảnh thằng-đàn-ông-mặc-váy trước mặt, bắt tôi cởi ra luôn.
Rồi mẹ gửi tôi đi du học, hy vọng tách tôi khỏi môi trường quen thuộc, tôi sẽ yêu đàn ông, sẽ tránh được kết cục trở thành một "bà cô già ế ẩm" của dòng họ. Tôi từng trầm cảm, từng nghĩ đến việc sẽ lấy đại một anh chồng, đẻ con rồi chấp nhận sống đau khổ cả đời. Giờ thì tôi đã tự chữa lành, có công việc ổn định, và học thêm nhiều kiến thức để có thể chữa lành cho những người gặp vấn đề tương tự mình.
Cho đến giờ, có một việc tôi với mẹ hoàn toàn thống nhất với nhau, đó là chuyện sinh con. Tôi vẫn tâm niệm, khi lấy vợ, tôi sẽ nhận phần đau đớn, mỏi mệt thay cô ấy. Tôi sẽ tự hào bảo với con rằng bố mới là người đẻ ra con, dù có thể chuyện đó hơi khó giải thích một chút. Đó là lý do tôi vẫn giữ lại buồng trứng, tử cung của mình, dù tôi là một người chuyển giới nam.
Từ nhỏ đến giờ, tôi là một đứa con ngoan, luôn nghe lời bố mẹ. Chỉ mỗi điều này (công khai là người đồng tính) là tôi muốn làm cho bản thân mình. Tôi come out năm 18 tuổi. Khi đó, mẹ nằng nặc đòi đưa tôi đi trị liệu. Tôi dỗ bà là đang bận ôn thi, để đỗ Đại học xong sẽ tính tiếp, rồi lờ đi.
Đến khi tôi học năm 2, mẹ gọi tôi về nhà nói chuyện. Bà tìm thấy giấy khám sức khỏe của tôi và biết chuyện tôi có quan hệ đồng giới. Mẹ hỏi thẳng là tôi có thích con gái không. Dù tôi đã nói không, mẹ vẫn nói muốn tôi cưới ai đó để che mắt thiên hạ. Tôi lại lờ đi lời đề nghị đó. Gần đây, mẹ bảo tôi: "Thôi con lớn rồi, chuyện của con, mẹ để con tự do".
Còn bố, có lẽ ông đã lờ mờ biết trước cả mẹ, nên khi tôi come out, ông chỉ bảo: "Con sống thế nào thấy ổn, hạnh phúc là được". Sau đó, ông không bao giờ nói ra nói vào chuyện này nữa.
Gia đình chấp nhận là một động lực lớn, nhưng có lẽ những người LGBTI như tôi vẫn luôn muốn có sự công nhận của xã hội, để có thể được sống bình đẳng, tận hưởng hạnh phúc, được kết hôn với người mình yêu, và hôn nhân đó được pháp luật công nhận. Chúng tôi muốn phát triển bản thân hết sức có thể mà không bị rào cản nào từ bên ngoài.
Tôi muốn trở thành một nhà khoa học trong tương lai. Tôi nghĩ, việc một nhà khoa học công khai là người đồng tính sẽ có ý nghĩa quan trọng với cộng đồng LGBTI , rằng chúng tôi bình thường và có thể theo đuổi bất cứ con đường nào mà mình chọn, và tự hào về điều đó.
Hiện tại, tôi xác định mình là gay. Trước đó thì tôi không chắc lắm, vì đã có những thời điểm tôi rung động trước con gái. Nhưng sau khi trải qua 2 mối tình với đàn ông, tôi biết, mình là một chàng gay.
Hai gã trai mà yêu nhau thì thế nào? Nếu là người hợp giới, bạn hãy thử tưởng tượng việc mình đang hôn một người có cùng giới tính với mình. Bạn thấy sao? Nó kỳ cục, và có hơi… đáng sợ nữa, đúng không? Bạn không có cảm xúc hưng phấn gì với tưởng tượng đó, và có lẽ muốn xóa thật nhanh khỏi trí óc mình? Việc ép một người đồng tính phải yêu hay kết hôn với một người trái dấu cũng kỳ cục và đáng sợ tương tự, vì nó trái lệch với sự TỰ NHIÊN của chúng tôi.
Tôi chưa thực sự come out với gia đình, dù bố mẹ đã đôi lần thấy người yêu tôi đưa về tận cổng. Tôi phải nén khóc khi cả nhà cùng xem Người ấy là ai và bình luận không thiện cảm về các chàng trai màu tím đến tham gia chương trình. Tôi ậm ờ khi bố mẹ hỏi sao chưa dẫn bạn gái về nhà, khi ai đó đề cập đến chuyện lấy vợ. Có lẽ cha mẹ đã lờ mờ hiểu tôi thực sự là ai. Với tôi, gia đình rất quan trọng, và tôi sẽ hạnh phúc lắm nếu bố mẹ đón nhận mình.
Dù chẳng có gì xấu hổ khi là một người chuyển giới nam, nhưng giới tính cũng ảnh hưởng khá nhiều đến việc chọn nghề và phát triển bản thân của tôi. Tôi né những nghề phải giao tiếp xã hội, quan trọng ngoại hình quá nhiều, để ít phải nghe một câu hỏi rất nhạy cảm với mình: "Mày là con trai hay con gái?". Tôi chọn làm thiết kế đồ họa cho 1 công ty phát hành game để có thể tiếp xúc với một môi trường trẻ trung, cởi mở hơn với người LGBTI .
Nhìn chung, tôi không có quá nhiều rắc rối với giới tính của mình khi đi làm, trừ việc ở công ty mọi người thỉnh thoảng mang "những đứa bê đê" ra trêu đùa.
Tôi cũng không thoải mái khi bị gọi bằng "chị", trong khi vẻ bề ngoài, hành động, tính cách của mình lại đàn ông. Nếu được gọi bằng "anh", tôi sẽ thoải mái bộc lộ bản thân, cá tính, chính kiến của mình hơn.
Sau 4 năm công khai với gia đình, thành tựu lớn nhất của tôi đơn giản chỉ là những câu hỏi kiểu như "Bao giờ lấy chồng" đã ít xuất hiện hơn. Trước khi come out thì tôi có khá nhiều mối tình kín đáo, chỉ hai đứa biết với nhau. Đến khi công khai rồi thì tôi lại ế đây này, chứ nếu có ai đồng ý ở bên tôi lâu dài, tôi sẽ đưa về ra mắt bố mẹ ngay.
Vì biết là sẽ chịu nhiều thiệt thòi trong tình cảm, tôi không muốn phụ thuộc quá nhiều vào điều đó. Phần lớn thời gian, tôi tập trung cho công việc, để khi người khác nhìn vào, họ sẽ thấy mình ổn và vẫn có con đường tìm đến sự thành công.
Như bạn thấy đó, họ đa dạng và bình thường, cũng có những hoài bão, ước mơ chẳng khác chúng ta. Hãy thử tưởng tượng, một ngày nào đó, bạn bị xa lánh, kỳ thị, bị cản trở việc phát triển cá nhân, bị coi là kỳ cục… chỉ vì bạn ăn thịt (trong khi cả thế giới xung quanh bạn ăn chay), vì bạn thuận tay phải (trong khi phần lớn xã hội thuận tay trái)..., bạn sẽ hiểu cảm giác của những người LGBTI khi sống giữa một xã hội không chấp nhận bạn, chỉ vì bạn muốn là chính mình.
Hãy tôn trọng sự đa dạng của thế giới - đó là điều tối thiểu chúng ta có thể làm, dù có hay không thuộc về, có hay không muốn thừa nhận sự tồn tại hiển nhiên và bình thường của cộng đồng LGBTI . Bởi cũng như bảng màu vẽ, thế giới không chỉ có đen và trắng, không chỉ có đúng và sai, trai và gái… Họ không có màu giống như của ta, không có nghĩa họ là dị thường, mà chỉ đơn giản, họ bình thường, theo-một-chiều-kích-khác.