Tết năm nay thật khác: Không về nhà, không pháo hoa cũng chẳng sao, chỉ cần gia đình an toàn và hạnh phúc, thế là đủ!

Linh Hân | 11-02-2021 - 19:21 PM

(Tổ Quốc) - "Tết bây giờ khác xưa quá", "Tết bây giờ không còn vui nữa"... là câu cửa miệng của nhiều người trong vài năm trở lại đây. Thế nhưng, phải tới bây giờ, chúng ta mới thực sự hiểu được một cái Tết khác là như thế nào.

Năm nay, bên cạnh Tết Nguyên đán 2021 hay Tết Tân Sửu, chúng ta còn một cách gọi năm mới không chính thức khác: "Năm Covid thứ hai".

Đây đã là năm thứ hai Việt Nam phải đối mặt với đại dịch Covid-19, nhưng lại là lần đầu tiên cả dân tộc ăn Tết trong cảnh dịch bệnh bùng phát phức tạp chỉ vài tuần trước Giao thừa. Có những thói quen, những truyền thống quen thuộc từ bao đời nay cũng buộc phải thay đổi để thích ứng hơn với hoàn cảnh hiện tại.

Tết năm nay thật khác...

Tết năm nay thật khác, bởi đường phố chẳng còn tấp nập như xưa, không khí dường như cũng trầm thêm mấy phần.

Mọi năm, cứ đến 15-20 tháng Chạp âm lịch là các sân bay, nhà ga, bến xe luôn chật cứng dòng người từ thành phố đổ về quê ăn Tết. Mệt mỏi vì bon chen, khệ nệ tay xách nách mang đủ các thứ nhưng ai cũng háo hức được trở về bên gia đình sau một quãng thời gian dài làm việc vất vả. 

Tết năm nay thật khác: Không về nhà, không pháo hoa cũng chẳng sao, chỉ cần gia đình an toàn và hạnh phúc, thế là đủ - Ảnh 1.

Tân Sơn Nhất vắng vẻ những ngày cuối năm (Ảnh: VNE)

Thế nhưng, do ảnh hưởng của dịch bệnh, biển người ấy năm nay lại ảm đạm, đìu hiu đến lạ thường. Tại nhà ga quốc tế Tân Sơn Nhất, chỉ còn lác đác vài nhân viên ở lại làm việc. Không còn cảnh từng tốp người tay bắt mặt mừng, trao nhau những cái ôm đầy thân tình dành cho Việt kiều về nước sau bao năm xa quê. Không còn người dân lao động chen chúc bắt xe ngay trong đêm để về nhà trước khoảnh khắc Giao thừa.

Trong trung tâm, các khu mua sắm, địa điểm vui chơi cũng bớt náo nhiệt hơn mọi năm. "Năm nay vắng quá, cô chỉ mong bán nhanh để về quê đón giao thừa bên gia đình", một tiểu thương bán hoa rầu rĩ nói. Chợ hoa vốn là nơi nhộn nhịp nhất mỗi dịp Tết đến, nay cũng lại đượm một nét buồn vì dịch bệnh. Đào có, mai có, quất có, chỉ thiếu mỗi khách đến mua. 

Tết năm nay thật khác: Không về nhà, không pháo hoa cũng chẳng sao, chỉ cần gia đình an toàn và hạnh phúc, thế là đủ - Ảnh 2.

Tết năm nay thật khác, bởi đối với nhiều người, đây là lần đầu tiên họ phải đón Tết một mình, không có gia đình kề bên.

"Gọi điện cho bố mẹ bảo chắc Tết này Covid con chẳng về được đâu. Thấy mắt bố đo đỏ, con vội báo bận cụp máy. Vì sợ lại khóc huhu...", một cô gái trẻ ngậm ngùi viết trên trang cá nhân. Năm nay, những dòng tâm sự này không hề hiếm.

Tết là thời điểm mỗi người con xa quê đều ngóng trông, mong chờ được đoàn tụ bên những người thân yêu để tận hưởng một cái tết sum vầy và ấm áp. Thế nhưng, chỉ vì dịch bệnh, đường về nhà bỗng trở nên xa vời hơn bao giờ hết. Có những người không thể trở về do đang làm việc trong tâm dịch, có những người lựa chọn ở lại vì muốn giữ an toàn cho bản thân và gia đình.

Tết năm nay thật khác: Không về nhà, không pháo hoa cũng chẳng sao, chỉ cần gia đình an toàn và hạnh phúc, thế là đủ - Ảnh 3.

Người dân ở khu vực Thủ Dầu Một (Bình Dương) trò chuyện qua rào chắn cách ly

Những ngày cận Tết, nhiều cán bộ vẫn đang tất tả ngược xuôi truy vết F0, nhiều nhân viên y tế vẫn đang gồng mình lên hoàn thành cả nghìn mẫu xét nghiệm. Những đứa trẻ mới học mẫu giáo, lớp 3 nhẽ ra phải đang ở nhà háo hức nhận lì xì, lại trở thành F1, F2 trong sự lo lắng của cha mẹ và thầy cô.

Năm nay, được tặng bánh chưng hay cành đào có lẽ cũng chẳng thể vui bằng nhận được kết quả xét nghiệm âm tính.

Tết năm nay thật khác: Không về nhà, không pháo hoa cũng chẳng sao, chỉ cần gia đình an toàn và hạnh phúc, thế là đủ - Ảnh 4.

Học sinh mẫu giáo đang được cách ly tại Hải Dương

Tết năm nay thật khác, bởi nhiều phong tục và truyền thống sẽ phải thay đổi để phù hợp tình hình chống dịch.

Năm nay, nhiều tỉnh thành trên cả nước như TP. HCM, Quảng Ninh, Hải Dương, Quảng Nam, Quảng Trị... đã quyết định dừng bắn pháo hoa để dành tiền cho công tác chống dịch. Hà Nội chỉ bắn một điểm duy nhất để truyền hình trực tiếp, nhưng không tập trung đông người. 

Pháo hoa một năm chỉ có một lần. Dù việc hủy bắn khiến nhiều người hụt hẫng, nhưng tất cả đều hiểu đó là điều cần thiết ngay lúc này.

Mọi năm, Tết là thời điểm mà mọi người chi tiêu mạnh tay nhất, bởi ai cũng muốn có một cái Tết ấm no, sung túc. Tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến khó lường buộc người dân phải thắt chặt chi tiêu, chỉ mua các mặt hàng thiết yếu, hạn chế ngân sách cho việc trang hoàng nhà cửa, sắm quần áo, làm đẹp...

Tết năm nay thật khác: Không về nhà, không pháo hoa cũng chẳng sao, chỉ cần gia đình an toàn và hạnh phúc, thế là đủ - Ảnh 5.

Các hoạt động giải trí cũng bị ảnh hưởng không nhỏ vì dịch bệnh. Hàng loạt tác phẩm Việt Nam như Bố Già, Gái Già Lắm Chiêu 5, Lật Mặt 24h, Trạng Tí... đồng loạt rút khỏi đường đua phim Tết Tân Sửu 2021. Họ chấp nhận bị lỗ hàng chục tỷ VNĐ để đảm bảo sự an toàn cho khán giả.

Các gia đình sẽ không thể vui vẻ kéo nhau đi xem phim đầu năm. Họ cũng không thể thoải mái đến nhà thăm nhau, tay bắt mặt mừng, ăn uống tưng bừng náo nhiệt như cũ. Người ta sẽ trao nhau đôi ba câu chúc đầu xuân qua những lớp khẩu trang phòng dịch.

... nhưng cũng là Tết của những cơ hội mới

Cứ tưởng bao lo toan và mệt mỏi của năm cũ sẽ qua đi, dịch bệnh bất ngờ bùng phát trở lại khiến người dân gặp không ít khó khăn khi phải đón một cái Tết khác lạ. Thế nhưng, đây cũng chính là dịp hiếm hoi để chúng ta tìm lại những giá trị đã mất của Tết xưa và thử nghiệm những điều mới mẻ. 

Không còn những chuyến du lịch đón Tết ở nước ngoài, không còn những chuyến du xuân trẩy hội đầu năm. Thay vào đó, chúng ta có cơ hội dành trọn vẹn khoảng thời gian ngắn ngủi này cho những người thân yêu nhất của mình. Lần cuối chúng ta hỏi thăm cha mẹ là khi nào? Lần cuối chúng ta ngồi chơi với con là bao giờ? Ở thời điểm này, gia đình sum vầy có lẽ là điều hạnh phúc nhất.

Tết năm nay thật khác: Không về nhà, không pháo hoa cũng chẳng sao, chỉ cần gia đình an toàn và hạnh phúc, thế là đủ - Ảnh 6.

Không pháo hoa cũng chẳng sao. Ngồi trong chăn xem Táo quân, uống trà ăn mứt bên gia đình, chia sẻ khoảnh khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới cùng người thân cũng đã ý nghĩa lắm rồi. Đâu cần phải chen lấn, xô đẩy trong đám đông mới cảm nhận được không khí rộn ràng Tết?

Không về được nhà cũng chẳng sao. Công nghệ phát triển, khoảng cách địa lý cũng được thu hẹp dần. Một cuộc gọi qua video, một lời chúc qua tin nhắn là đủ để ấm lòng trong Tết này. Tết ở đâu cũng là Tết, miễn là tình cảm quan tâm gia đình dành cho nhau vẫn vẹn nguyện không đổi.

Tết năm nay thật khác: Không về nhà, không pháo hoa cũng chẳng sao, chỉ cần gia đình an toàn và hạnh phúc, thế là đủ - Ảnh 7.

Không thể sang nhà nhau chúc Tết cũng chẳng sao, bao giờ hết dịch rồi tụ tập đông vui cũng chưa muộn. Thay vì trao nhau tận tay những phong bao đỏ nho nhỏ như mọi năm, mọi người có thể lì xì online qua ví điện tử, với giao diện đẹp mắt kèm theo những câu chúc ý nghĩa, âm nhạc mang đậm chất Tết truyền thống. Hình thức không quan trọng, quan trọng là thành ý mà đôi bên gửi gắm cho nhau.

Dịch bệnh tạm thời đã được kiểm soát, nhưng khó khăn trước mắt vẫn còn đó. Thế nhưng, hãy cứ coi những điều đó là thử thách mà số phận bắt ta phải trải qua để trưởng thành hơn. Chỉ cần mọi người tiếp tục đồng lòng chung sức, lạc quan chống dịch như bao lần trước đây, chiến thắng nhất định sẽ nằm trong tầm tay. 

Tết năm nay thật khác: Không về nhà, không pháo hoa cũng chẳng sao, chỉ cần gia đình an toàn và hạnh phúc, thế là đủ - Ảnh 8.

Có người bảo: "Không về Tết này còn Tết khác, nhưng dịch không dập lúc này thì không còn lúc khác". Hãy cùng nhau đón một cái Tết an toàn, thực hiện đầy đủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế (khẩu trang – khử khuẩn – khoảng cách – không tập trung – khai báo y tế) nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình.

Để sau này khi nhớ lại, thay vì sợ hãi và chán nản, chúng ta có thể tự hào rằng mình đã vượt qua một cái Tết tuy thật khác nhưng vẫn rất đáng nhớ. 

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Tết an vui với ưu đãi miễn phí bảo dưỡng từ Panasonic

Dịp cuối năm là thời điểm mỗi gia đình đều chú trọng tân trang cho ngôi nhà của mình cũng như quan tâm đến sức khỏe cho các thành viên. Hiểu được mong muốn đó, Panasonic triển khai chương trình chăm sóc khách hàng thường niên 2024 với nhiều ưu đãi hấp dẫn, giúp bạn và cả nhà chuẩn bị một mùa Tết khỏe mạnh và an lành.